Những cánh tay sen

05:06, 22/06/2020

Rạch Sung chảy từ làng Thượng qua làng Hạ rồi đổ ra vàm Ông. Mấy bữa nay, bà con làng Hạ xôn xao chuyện thằng Còng mất tích.

Rạch Sung chảy từ làng Thượng qua làng Hạ rồi đổ ra vàm Ông. Mấy bữa nay, bà con làng Hạ xôn xao chuyện thằng Còng mất tích.

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG (TP Vĩnh Long)

Ba má thằng Còng sanh hạ được ba đứa con gái, không hiểu sao sanh được đứa nào thì đứa nấy mắc bệnh rồi chết khi chưa giáp thôi nôi. Lo dòng giống tuyệt tự, má thằng Còng sắm lễ hậu đi vái tứ phương mới sanh ra nó.

Nhưng ngặt nỗi, càng lớn mặt mũi thằng Còng càng dúm dó, đôi chơn nó cong vênh như mái dầm phơi nắng, nên ba má nó kêu nó là thằng Còng.

Nó có dáng đi dẹo dọ, vật vã như trời hành. Thấy vậy, ba nó buồn thắt ruột co gan. Suốt ngày, ông làm bạn với rượu, dường như ông muốn dùng rượu để tẩy rửa nỗi buồn sâu kín đương sưng tấy trong lòng.

Ông bê trễ công việc. Mặc cho má nó một tay xoay trở. Ông coi nó như món nợ từ kiếp trước, một đứa con lạc loài lạc giống.

Thằng Còng lớn lên như cây bần mé sông, cây tràm bờ rạch. Vậy mà nó cũng thủng thẳng bước qua được cánh cửa lớp Năm trường làng.

Trong đầu nó chứa lộn xộn một khạp chữ vô hồn, vô nghĩa. Hằng ngày, do bạn bè chọc ghẹo, xa lánh, chê bai, cộng với nỗi buồn khuyết tật, nó thấy chán chường, hụt hẫng, chênh chao. Nó bỏ học và thường xuyên đi nhởn mà ba má nó không hề hay biết.

Đi một hai buổi, nhiều khi nó đi đôi ba ngày không về nhà. Đi như vậy, nó biết ba má nó sẽ lo lắng, buồn phiền. Mới đầu, ba nó tá hỏa đi kiếm khắp nơi. Khi gặp, khi không.

Sau này phần do mệt mỏi buồn rầu, phần vì thấy thằng con có cái đầu không bình thường, dở dở ương ương ấy, tự trở về nhà được nên ba nó không đi kiếm nữa. Ông ngồi nhà tối ngày ngất ngư cùng can rượu đế và mấy trái cóc ương.

Mười bảy mười tám tuổi đầu mà chứng nào vẫn tật ấy, thằng Còng bỏ nhà đi nhởn thường xuyên hơn. Hôm nay, mới chín mười giờ sáng mà nắng như đổ lửa.

Bụng đói, miệng khát, người nóng hầm hập, thằng Còng cởi bộ đồ bỏ trên bờ rồi lội xuống rạch tắm. Lội chừng mấy chục sải tay, chơn tay nó tự dưng cứng đơ, tê dại như bị vọp bẻ. Nó chới với chơi vơi, miệng nó muốn kêu mà không sao kêu được. Rồi nó từ từ chìm trong dòng nước.

Nước thiệt hào phóng! Nước cho nó uống hết ngụm này đến ngụm khác. Uống tới mức bụng căng cứng, tròn vo, làm nó không sao thở được.

Đột nhiên nó thấy toàn thân nóng hực, nóng nhứt là cái đầu, nóng tới mức nước có thể sôi lên được. Mọi thứ quanh nó bỗng mờ nhòa, nát vụn và loãng tan.

Chợt, nó thấy nhẹ bẫng. Nhẹ như ngọn khói đồng mỏng tang, phơ phất. Trong mơ màng, nó cảm thấy như có bàn tay vô hình nâng bổng nó lên, rồi đặt nó trên thảm mây xanh bồng bềnh, mềm mại…

Thảm mây bay! Bay mãi… Đưa thằng Còng đến một nơi xa lạ. Tự dưng nó thấy bơ vơ, lạc lõng quá chừng. Nó bỗng nhớ ba má, nhớ rạch Sung mà nó thường xuống tắm. Nó nhớ, nhớ… Nó nghĩ, nghĩ… Không thấy nó về chắc ba má nó lo lắm! Nó kêu đám mây đưa nó về nhà báo tin hung.

Tới nhà, nó bảo: “Con bị đuối nước ở gần miễu Cây Me...”. Nó nói đi nói lại cả chục lần. Không kìm nén được nữa, nó tức tối hét lên…

Vậy mà ba má nó cứ bình thản, câm nín như mấy bao lúa trong nhà. Nó bỗng phân vân! Ba má nó không hiểu hay cố tình không hiểu! Mãi rồi nó cũng tự nhận ra, “tiếng nói” của nó giờ ba má nó đâu có hiểu!

Nó thấy ba má nó không có vẻ gì là lo lắng, buồn rầu. Ai nấy đều bình thản và im lặng như không có chuyện gì xảy ra đối với đứa con của mình. Sự im lặng rờn rợn. Nó nghe rõ tiếng mọt cọt kẹt trong rui mè, rường cột của ngôi nhà.

Có người đến bảo thấy bộ đồ ở gần miễu Cây Me, ông tới coi có phải của thằng Còng không? Ba nó ngật ngưỡng đến. Thấy bộ đồ hôi hám, lem bùn đất, chẳng mấy đắn đo, ông lắc đầu nguầy nguậy “không phải, đồ nó đâu có dơ dáy, rách rưới, lấm lem như vầy”. Quơ tay, ông ném luôn bộ đồ xuống rạch.

Thằng Còng rất buồn khi ba nó không nhận ra nó và cả bộ đồ của nó nữa. Không sao! Nó thập thững trở về với thân xác của mình. Nó vô cùng kinh ngạc.

Mới hơn ngày trời mà thân xác nó đã biến dạng kỳ quái. Mặt mũi húp híp, vênh vao. Người phồng phềnh, nửa chìm nửa nổi như nấm mồ di động trên rạch.

Nó đương cô đơn và hoang mang thì đột nhiên có chú cò trắng đáp xuống tấm lưng bợt bạt, to bè của nó. Thêm nữa, những giề lục bình có bông dập dềnh tụ quanh xác nó như một vòng hoa tím biếc.

Người đầu tiên phát hiện có kẻ đuối nước là Tư Râu. Tin lan như gió chướng. Chẳng mấy chốc trên bờ rạch đông nghẹt người. Chú cò thấy ồn ào, giật mình chớp cánh, vòng vòng một hồi rồi lại đáp xuống.

Họ râm ran bàn tán, xót thương, ngậm ngùi cho người bạc mệnh: Chắc là kẻ thất tình quyên sinh; một thằng đề đóm, cờ bạc phải tự vận; một tên đầu trộm đuôi cướp bị phe cánh xử; một con nghiện trầm mình;...

Tư Râu có vẻ sành sỏi bảo: “Nam sấp! Nữ ngửa! Xác kia là xác nam giới”. Có người nói đã chứng kiến nhiều xác trôi sông, riêng xác này có cò trắng đậu trên lưng, cứ như có người mang áo tang vậy! Chắc người này chết oan chết ức nên linh lắm, thiêng lắm… Bà Hai Rụ bảo, phải mời nhà chùa làm lễ cầu hồn, cầu vong cho hồn người chết được siêu thoát…

Vậy là ba má nó không nhận ra nó, cả làng không một ai nhận ra nó! Nó rất buồn và thất vọng. Nhưng nó không thể trách cứ họ! Tự nhiên nó thấy tủi cho cái kiếp phận làm người, sao mà phũ phàng và bất công đến thế! Đã bị đuối nước!

Ông trời còn “bắt” nằm sấp. Bắt nó giấu mặt, để mọi người không thể nhận ra nó. Trời ơi là trời! Vậy là cớ làm sao!

***

Bà Hai Rụ vô chùa báo cho sư thầy biết. Sư thầy cùng tiểu đồng theo bà Hai Rụ ra rạch Sung. Sư lựa vuông cỏ dưới gốc cây, đối diện với xác đuối nước bị mắc đám chà quây lục bình bên bờ rạch, bảo tiểu đồng trải chiếu, lên nhang đèn... Sư xếp bằng tụng kinh làm lễ.

Ngồi hàng sau hơn chục phật tử. Họ rì rầm cầu hồn, cầu vong cho kẻ đuối nước được siêu sinh, tịnh độ… Trong khi đó, họ đâu biết hồn thằng Còng nào có được siêu vượt, siêu thoát gì đâu! Hồn nó vẫn quẩn quanh với thân xác nó, với bến nước rạch Sung này.

Thiệt tình nó không cần họ cầu siêu, cầu khẩn gì hết. Nó cần có ai đó động tâm, vớt nó lên, bỏ vô cái hòm hay bó manh chiếu lác cũng được, rồi vùi nó trên gò mả của đất làng Hạ này. Đơn giản vậy mà chẳng ai nghĩ tới! Vì nó không muốn rời xa ba má, chòm xóm và rạch Sung thân thiết của mình.

Hồi lâu, nước lớn, xác thằng Còng vuột khỏi đám chà, trôi tới khúc rạch cong thì gặp vồng nước xoáy. Vồng nước đẩy xác nó tấp vô bến nhà Bảy Hô. Xác nó cứ quẩn quanh hoài không chịu rời bến. Vợ chồng Bảy Hô mặt không còn hột máu.

Bày lễ hậu, vợ chồng Bảy Hô chắp tay xá như tế sao: “Vợ chồng con xưa nay ăn hiền ở lành, không làm điều gì bất nhơn thất đức. Sống khôn chết thiêng! Con cầu xin thây ma rời khỏi bến. Đừng có đến đây quậy phá, vợ chồng con sẽ đội ơn và hậu tạ”.

Kỳ lạ! Vợ chồng Bảy Hô xá hết hai tuần nhang mà cái xác vẫn không chịu rời. Thấy vậy, Tư Râu mách nước: “Lễ bái không ăn nhằm gì đâu. Hãy dùng cây sào đẩy ra”.

Bảy Hô nghe theo, dùng sào tre đẩy nhẹ vô xác thằng Còng. Thằng Còng rùng mình, nó cảm thấy như có lưỡi mác nhấn vô ngực. Cảm giác bị xúc phạm, bị tổn thương, bị xua đuổi phũ phàng. Toàn thân nó run run. Xác nó từ từ rời khỏi bến...

***

Càng về chiều, nắng càng nhợt nhạt. Bỗng Tư Râu bảo, phải đưa cái xác lên gò mả. Để vầy trông tội nghiệp lắm! Mọi người đưa mắt nhìn nhau. Bà Hai Rụ nói, không được! Lúc cầu vong, sư thầy bảo, người đuối nước là người của Hà Bá thì phải trả cho Hà Bá.

Bắt người của ngài, ngài sẽ gây khó dễ, làm khổ dân làng. Có người nói, thây ma từ đâu dạt về đây, kéo lên chôn ở đất làng ta, xui xẻo lắm! Hồn ma sẽ ám xóm ám làng. Thượng sách là để trôi ra vàm Ông…

Xác thằng Còng trôi tới cuối làng Hạ, thì chỉ còn Tư Râu cùng mấy người theo trên bờ. Họ bàn tán nhỏ to, nhưng xem ra bước chơn họ đã thấm mệt, chao đảo và trễ nải lắm rồi.

Họ không có bất kỳ một hành động, một giải pháp nào khả dĩ. Nó vô cùng khổ đau và thất vọng. Bóng họ nhòa dần và mất hút trong ánh hoàng hôn.

Xác thằng Còng trôi khỏi địa phận làng Hạ. Lòng nó buồn hắt hiu. Nó thấy tủi thân, ứa hai hàng nước mắt. Họ bỏ nó thiệt rồi! Họ quên nó thiệt rồi! Giờ này chẳng thấy ai theo nó nữa. Có chăng, chỉ còn đám lục bình và chú cò trắng này thôi sao?

Hoàng hôn đỏ lựng mặt nước, rồi dần dà co rút lại. Xác thằng Còng lững lờ trôi. Bóng đêm từ từ buông xuống. Mặt sông thăm thẳm. Vòm trời không một ánh sao.

Thằng Còng đương hoang mang đau khổ thì từ phía làng Hạ có chiếc xuồng bươn tới. Tia hy vọng mong manh trong đầu nó bừng sáng. Hai người bơi xuồng phát hiện ra cái xác cách họ chừng chục tầm sào. Họ chiếu ánh mắt vừa sợ hãi khiếp đảm, vừa vô hồn vô cảm về phía nó.

Xuồng tròng trành giây lát, rồi bất ngờ miết mạnh tay chèo như bị ma đuổi. Thấy động, chú cò ngỡ ngàng chớp cánh trong bầu trời mờ đục rồi lại đáp xuống. Lúc này chỉ còn chú cò trắng cùng đám lục bình và nỗi buồn bị lãng quên, bị buông bỏ trong lòng nó trôi về phía vàm Ông…

***

Trăng hạ tuần trễ nải trải xuống mặt nước. Dưới ánh trăng, những con sóng vàng chanh dập dềnh khiến xác thằng Còng bớt màu xám ngắt.

Mấy ngày lạnh lẽo bồng bềnh trên mặt nước, đêm nay thằng Còng thấy ấm lòng. Bởi nó cảm nhận như có ai đó thương tình khoác lên người nó bộ đồ được đan dệt bằng những hạt phù sa hồng tươi mềm mại.

Nó thấy dường như xác nó trôi nhanh hơn thì phải! Ngước mắt lên, nó vô cùng kinh ngạc; trên lưng nó không phải là chú cò tiễn đưa nữa, mà là một cánh buồm trắng tinh khôi, no gió.

Cánh buồm thong dong đưa xác thằng Còng trôi. Trôi mãi… Thằng Còng đương mơ màng trong đêm thanh vắng. Bỗng nó bừng thức bởi mùi hương quen quen.

Và rồi nó cũng nhận ra, đó là mùi hương sen thân thuộc. Sen! Nó chẳng lạ gì! Nó vẫn thường lội xuống ruộng sen bứt những ngó sen về cho má nó nấu canh chua; và ngắt những đài sen về tẽ hạt ăn cho đỡ buồn cái miệng.

Thì ra, trời xui Phật khiến thế nào, cánh buồm đưa xác thằng Còng đến một lung sen ven rạch Sung. Đương mải mê ngắm những bông sen ngậm sương đêm, bỗng nó giật mình kinh ngạc khi thấy những cánh sen hồng biến thành những cánh tay Phật từ bi, nhân hậu.

Những cánh tay này hình như nó đã thấy trên một bức tượng Phật bự chảng, bữa nó theo má lên chùa lễ Phật.

Những cánh tay sen hồng thơm ngát vẫy vẫy thằng Còng, như muốn nói với nó điều gì mà nó không hiểu.

Sau đó, nó thấy những cánh tay sen làm những phần việc giống như nghi lễ một đám tang phật tử. Những cánh tay nhẹ nhàng bọc xác nó trong một tấm chiếu sen, rồi nâng bổng lên, đưa vô gò mả làng Hạ.

Những cánh tay sen đào huyệt mộ, đặt xác nó xuống rồi đắp đất lên thành nấm mồ, trông giống như hình cánh sen úp.

Xong xuôi, những cánh tay sen kết thành vòng hoa sen thơm ngát đặt lên mộ thằng Còng. Nằm trong lòng đất mẹ, thằng Còng thấy ấm áp, yên tĩnh và dễ chịu làm sao! Nó không còn thấy cảnh ồn ào, xộn xạo, thờ ơ, vô cảm… trên cõi đời này nữa.

Bỗng nó cười, nó nghĩ vẩn vơ: Mình đuối nước hóa lại hay! Rồi nó lại ngây ngô ao ước: Ước sao, những cánh tay người cũng giống như những cánh tay sen…

PHẠM VĂN THÚY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh