Ngày nay, cùng với nhịp sống thị thành hối hả, gấp gáp thì gia đình bé nhỏ của tôi dần mất đi những bữa cơm gia đình ấm cúng.
Ngày nay, cùng với nhịp sống thị thành hối hả, gấp gáp thì gia đình bé nhỏ của tôi dần mất đi những bữa cơm gia đình ấm cúng.
Vợ chồng đi làm, con đi học ở trường rồi học thêm,… nên dù không muốn cũng đành phải chấp nhận những bữa cơm vội vàng, kẻ trước, người sau. Và có những lúc tôi chợt bồi hồi nhớ những bữa cơm gia đình ấm áp chốn quê xưa.
Ngày ấy, đại gia đình của tôi gồm ba thế hệ: ông bà nội, ba má, anh em tôi và còn cô Út đã ngoài ba mươi mà vẫn chưa chịu lấy chồng. Đông là vậy nhưng mọi người biết kính trên nhường dưới, mỗi người mỗi việc rất nhịp nhàng.
Thông thường tới bữa cơm là các thành viên trong gia đình đều tề tựu đông đủ, đôi lúc chỉ với những món ăn đạm bạc nhưng tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Ba má thường gắp mời ông bà nội những món ngon nhất sau đó là đến tôi- thằng út được cưng nhất nhà.
Bên mâm cơm, mọi người trò chuyện, kể nhau nghe những chuyện vui trong ngày. Ông nội căn dặn: “Lên mâm cơm không được la con, mắng cháu để bữa cơm được ngon miệng”.
Và cứ thế, tôi lớn dần lên bên mâm cơm của đại gia đình. Nhớ có lần đang bữa cơm, ông nội nhìn anh Hai tôi một hồi rồi nói: “Thằng Thuận năm nay hăm hai tuổi, đã lớn bộn rồi, coi chỗ nào được, đàng hoàng thì cưới vợ cho nó…”.
Ông luôn mong thế hệ thứ tư cũng được sinh ra và lớn lên trong gia đình này. Mọi người hướng về anh Hai, anh đỏ mặt, chống chế: “Con … con còn nhỏ xíu hà, nội ơi! Nội lo hối… cô Út kìa!”
Ông chưa kịp trả lời thì bà nội đã giành trước: “Thôi thôi, tụi bây đừng nhắc con Út kỳ khôi này nữa! Con gái lớn tuổi rồi mà hễ nhắc tới chuyện lấy chồng là cứ lắc đầu nguầy nguậy. Người thì nó chê cao, người thì chê thấp, chê mập, chê ốm,… ôi thôi đủ hết.
Nhắc tới là nội rầu muốn chết vậy hà!” Nghe nội càm ràm chuyện chồng con, cô Út cười trừ rồi nhìn anh Hai như ngầm bảo: Liệu hồn đó, chờ chút nữa, mầy chết với Út, nghen Thuận!
Cũng có những bữa cơm rất đặc biệt- cơm vào mùa gặt. Lúc ấy, ông bà nội ở nhà, tôi xin cô Út được cùng đội cơm ra đồng. Qua một bờ trâm bầu rồi thêm mấy cái bờ mẫu ngoằn ngoèo nữa thì hai cô cháu đến nơi.
Chúng tôi bày cơm trong căn chòi cất tạm lợp bằng rơm và ngồi ăn trên nền rơm êm ái, nghe thoảng mùi rạ mới. Cơm mùa gặt ngoài đồng được chan bằng nước dừa hòa cùng những giọt mồ hôi nóng hổi nhưng lại thơm ngon đến lạ kỳ.
Chiều ba mươi tết, ông nội mặc áo dài khăn đóng, cung kính làm lễ trước bàn thờ gia tiên, sau đó cả nhà quây quần bên mâm cơm cúng tất niên.
Trước sân, những nụ mai đang chúm chím sắp xòe ra những cánh vàng rực rỡ. Bên mâm cơm đoàn viên, ai cũng rạng rỡ nhưng chắc ông bà tôi là vui hơn hết vì có mặt của những đứa con xa: cô Ba, cô Tư và còn có cả chú Năm tôi nữa.
Anh Hai tôi trong bộ đồ Tây mới may trông chững chạc, ra dáng người lớn hơn. Ông nội đến bên xoa đầu: “Sang năm cưới vợ để ông có cháu ẵm bồng, nghe con!” Anh Hai cười và lại đỏ mặt vì ngượng ngùng.
Giờ thì ông bà nội của tôi đã về cõi vĩnh hằng. Còn tôi, vì cuộc sống, vì những hoàn cảnh mới mà tôi đành đánh mất dần những bữa cơm gia đình ngay trong chính gia đình bé nhỏ của tôi.
Thỉnh thoảng, tôi kể lại những bữa cơm trong đại gia đình gồm ba, bốn thế hệ cùng sinh sống của tôi ngày xưa. Con tôi nghe, ngơ ngác, xa lạ.
Chúng nó là người của thời đại mới chắc có cách nghĩ khác, ví dụ như thích cuộc sống riêng tư khi đủ tuổi trưởng thành như cách sống của những người ở tận trời Tây nào đó. Tôi buồn.
Tối nay, vợ phải làm tăng ca, con gái học thêm lớp ngoại ngữ, con trai đi dự sinh nhật của bạn cùng cơ quan, tôi lại một mình bên mâm cơm tẻ nhạt.
Lòng chợt nhớ vô cùng những bữa cơm gia đình thuở ấu thơ có ông bà nội, có ba má, có anh em tôi và còn có cả cô Út đã ngoài ba mươi tuổi mà vẫn chưa chịu lấy chồng. Ôi! Bữa cơm gia đình sao kỳ diệu và thiêng liêng đến thế!
NGUYỄN LINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin