Nhìn những sản phẩm thủ công mỹ nghệ xinh xắn từ đôi bàn tay khéo léo dịu dàng của chị em trong xã làm ra, chúng tôi thật ngạc nhiên và phấn khởi.
Chị Trương Thị Hồng Dung. |
Nhìn những sản phẩm thủ công mỹ nghệ xinh xắn từ đôi bàn tay khéo léo dịu dàng của chị em trong xã làm ra, chúng tôi thật ngạc nhiên và phấn khởi. Lục bình ngày nay đã góp phần không nhỏ trong đời sống xã hội, đặc biệt sản phẩm thủ công mỹ nghệ lục bình rất được ưa chuộng và xuất khẩu đến nhiều nơi trên thế giới, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho phụ nữ nông nhàn ở các vùng quê.
Tiếp chúng tôi, chị Trương Thị Hồng Dung- Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Chánh Hòa (xã Chánh An- Mang Thít) không khỏi vui mừng. Chị là một trong những người đã tiên phong trong việc an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe cũng như tạo thêm công ăn việc làm cho người dân trong xã, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng và đổi mới xã nhà.
Bước qua tuổi 50 nhưng trông chị Dung trẻ hơn so với độ tuổi. Dáng người tròn trịa, gương mặt phúc hậu, nụ cười trong sáng, đặc biệt cặp mắt lúc nào cũng ánh lên niềm lạc quan yêu đời, yêu cuộc sống như muốn truyền thêm năng lượng cho mọi người. Chị tâm sự về những ngày đầu còn khó khăn vất vả.
Lập gia đình năm 1984, được cha mẹ chồng cho 2 công ruộng, vợ chồng chị chí thú làm ăn. Con trai ra đời, chị càng thêm bận rộn. Để có thêm thu nhập, chị vừa phải mở tiệm buôn bán, nội trợ, phụ chồng việc đồng áng, vừa chăm con nên lúc nào chị cũng phải siêng năng, nhanh nhẹn, hoạt bát trong mọi công việc.
Đến năm 2000, con trai đã lớn khôn, việc gia đình cũng tương đối ổn định, bản tính lại năng động nên chị đăng ký tham gia khóa học về tiểu thủ công nghiệp. Sau thời gian miệt mài học tập, chị đã hoàn thành khóa học.
Với chứng nhận Cử nhân CĐ ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, chị được huyện Mang Thít mời tham gia giảng dạy nghề cho chị em phụ nữ trong xã cũng như làm giáo viên hợp đồng, cộng tác với Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên của huyện Mang Thít.
Biết chị có chuyên môn đào tạo về nghề tiểu thủ công nghiệp lại có mối quan hệ với các cơ sở làng nghề trong tỉnh, xã vận động chị làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Chánh Hòa, hướng dẫn cho chị em nông nhàn trong xã gia công các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp để kiếm thêm thu nhập lúc rảnh rỗi.
Chị cười nhưng cặp mắt thoáng nhìn xa xăm: “Vậy đó mà thoắt cái đã gần 20 năm rồi”. Nhớ lại những ngày đầu đi vận động chị em thành lập tổ đan hàng thủ công mỹ nghệ có thể nói là khá gian nan vất vả.
Ở quê lúc đó đường sá xa xôi, đi lại khó khăn, những lúc trời mưa sình bùn lầy lội, rảnh giờ nào thì chị đi vận động giờ đó nên có lúc về tới nhà đã 9-10 giờ đêm. Được cái chị em cũng nhiệt tình nên tuy mất thời gian và công sức, chị cũng không thấy mệt mỏi mà cảm thấy rất vui và mong sớm cải thiện phần nào kinh tế cho chị em trong xã.
Hiện nay, chị chủ yếu nhận gia công các mặt hàng lõi xe và lục bình. Những sản phẩm từ lục bình như: khung xéo, khung vuông, khung đáy, đĩa tròn, khung chữ V chị em trong xã làm rất thành thạo và thu nhập cũng tương đổi ổn định.
Ngoài công việc đồng áng, vườn tược, cơm nước, giặt giũ, đưa rước con đi học, thời gian còn lại các chị lãnh hàng làm, thu nhập mỗi tháng cũng 2- 3 triệu đồng. Vừa có thêm thu nhập, chị em vừa có thời gian ngồi bên nhau tâm sự chuyện gia đình, trao đổi kinh nghiệm sống cũng như giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn.
Chị Dung không chỉ quản lý một tổ mà chị đang quản lý hàng chục tổ đan hàng tiểu thủ công nghiệp rải rác khắp các xã trong huyện. Mỗi tổ có khoảng 18 thành viên nên hầu như không lúc nào chị rảnh rỗi mà cứ như con thoi chị chạy đi chạy lại khắp các tổ để theo dõi, kiểm tra, đôn đốc cho kịp giao hàng.
Để tìm được nguồn hàng cung ứng thường xuyên cho các tổ cũng không phải là việc đơn giản. Chị hợp đồng đặt hàng với Công ty Hòa Phú, nguyên liệu được tập kết tại nhà rồi chị phân chia thuê xe đi phân phối đến các tổ.
Ngoài việc thường xuyên cập nhật mẫu mã mới, thỉnh thoảng chị lên thành phố tham quan, học hỏi nâng cao tay nghề để hướng dẫn chị em làm ra sản phẩm ngày càng đẹp, đúng tiêu chuẩn hơn.
Chị cũng vận động công ty hỗ trợ các phần quà cho các hộ nghèo vào các ngày lễ tết, tặng tập sách cho con em người lao động cũng như mua BHYT tai nạn cho chị em ở xa gặp khó khăn trong việc giao nhận hàng.
Hầu như chị làm việc suốt ngày không ngưng nghỉ. Tuy vậy, chị vẫn hoàn thành tốt công việc gia đình cũng như chăm sóc mẹ chồng tuổi già sức yếu, mấy năm gần đây bị nhồi máu cơ tim. Khi được hỏi tại sao chị lại có “nội lực thâm hậu” làm từng ấy công việc mà không biết mệt mỏi, chị lại cười.
Thật ra để có được thời gian và động lực để chu toàn công việc, trước hết phải kể đến hậu phương vững chắc của chị. Chồng chị- anh Phan Văn Phước là Công an ấp Chánh Hòa, người luôn đứng sau động viên giúp đỡ chị trong mọi lĩnh vực. Đặc biệt là anh luôn chia sẻ với chị công việc gia đình để chị có thời gian hoàn thành công tác xã hội.
Ngoài ra con trai chị- cháu Phan Tuấn Anh- từ nhỏ ngoài giờ học đã biết phụ giúp mẹ mọi việc khi mẹ vắng nhà như phụ mua bán, cho heo ăn, nấu cơm, quét dọn nhà cửa nên chị mới yên tâm dành thời gian cho công việc.
Nhìn những tấm giấy khen của xã, huyện và bằng khen của Trung ương mới thấy được sự đóng góp to lớn của chị. Đặc biệt năm 2005, chị vinh dự được tỉnh cử đi Hà Nội dự hội nghị và báo cáo điển hình của xã nhà.
Không chỉ dừng lại ở đó, chị còn tham gia các phong trào phụ nữ trong ấp. Tổ chức cho các chị em học về nữ công gia chánh, tham gia các cuộc thi nấu ăn giao lưu với ấp bạn. Hỗ trợ ra mắt CLB Đờn ca tài tử, giúp bà con trong ấp có một sân chơi bổ ích. Chị còn đứng ra tổ chức mô hình trồng lác. Với 10 công đất thuê, chị vận động các đoàn thể phụ nữ cùng các ban ngành trong ấp chung tay sản xuất.
Chị cũng thường xuyên quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội. Hộ nghèo và cận nghèo được ưu đãi quà tết. Về y tế, kế hoạch hóa gia đình, chị nhắc nhở, đôn đốc các chị em đi khám thai định kỳ, thành lập CLB Không sinh con thứ ba; chăm sóc sức khỏe trẻ em như tiêm ngừa viêm gan B, sởi, uốn ván hoặc hỗ trợ sữa cho trẻ suy dinh dưỡng,...
Đặc biệt duy trì sinh hoạt CLB Bình đẳng giới, không để cho nạn bạo hành phụ nữ và trẻ em xảy ra trong ấp nhà. Phối hợp với UBND xã mỗi quý mời chuyên gia về sinh hoạt, tư vấn cho bà con về chăn màn, vệ sinh môi trường phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Môi trường sống càng trong lành thì sức khỏe và kinh tế mới càng phát triển.
Xem ra từng ấy công việc quả là không phải nhỏ đối với một người nhiệt huyết như chị. Để có được thành quả như hôm nay cũng phải nói đến sự đồng lòng, đồng thuận của người dân mà đặc biệt là sự tin tưởng tuyệt đối của chị em phụ nữ trong ấp. Chính vì vậy mà gần 20 năm qua chị luôn được mọi người ủng hộ và bầu chọn làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Chánh Hòa.
Ánh nắng lên cao làm ấm lên một vùng quê yên ả. Những tiếng nói cười rộn rã như bừng lên sức sống mới. Con đường vào ấp thật thơ mộng với dòng sông uốn lượn, hàng dừa soi bóng bên dòng nước trong xanh, hoa bên đường đua nhau rộ nở, mít, bưởi, xoài tỏa hương thơm ngát. Đặc biệt người dân nơi đây thật hiền hòa, mến khách.
Mong rằng Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Trương Thị Hồng Dung sẽ mãi là cánh chim, vững vàng trong công việc, tiếp tục gắn bó lâu dài với chị em phụ nữ trong xã, cùng nhau xây dựng nên một xã nông thôn mới thật giàu và thật đẹp.
Bài, ảnh: PHƯƠNG ÁNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin