Chuyện về làng báo Mỹ Tho xưa

10:06, 20/06/2020

Cuối thế kỷ XIX, Mỹ Tho đã là địa bàn trung chuyển, giao lưu văn hóa, kinh tế giữa Sài Gòn và các tỉnh miền Tây Nam bộ. Sau khi thực dân Pháp thiết lập đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho (năm 1885), thêm đầu mối vận chuyển đường thủy từ Mỹ Tho lên tận Nam Vang. Giao thông thủy và bộ thuận tiện, người dân có điều kiện tiếp cận với trào lưu văn hóa Tây Âu ở Sài Gòn.

Cuối thế kỷ XIX, Mỹ Tho đã là địa bàn trung chuyển, giao lưu văn hóa, kinh tế giữa Sài Gòn và các tỉnh miền Tây Nam bộ. Sau khi thực dân Pháp thiết lập đường xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho (năm 1885), thêm đầu mối vận chuyển đường thủy từ Mỹ Tho lên tận Nam Vang. Giao thông thủy và bộ thuận tiện, người dân có điều kiện tiếp cận với trào lưu văn hóa Tây Âu ở Sài Gòn.

Cho nên, những thập niên đầu của thế kỷ XX, Mỹ Tho có nhiều tờ báo xuất bản tại địa phương, hầu hết là những tạp chí, có tờ ra định kỳ, có tờ không định kỳ. Người đọc biết đến các tác phẩm, tác giả nhờ thường xuyên giao lưu, mua và đọc sách ở các thư quán.

Từ năm 1928 đến 1945, Mỹ Tho có nhiều thư quán như: Đông Phương thơ xã, Nam Cường thơ xã, Ánh sáng thơ viện, nhà sách Tân Việt... ; trong đó có một số thư quán ngoài việc xuất bản các tác phẩm của nhiều tác giả địa phương, còn xuất bản thêm tạp chí, đáng kể là Đông Phương thư xã và Chiêu Anh
thư quán.

Chiêu Anh văn tập bị cấm

Theo một số tư liệu, Chiêu Anh thư quán do một số thanh niên yêu nước ở Mỹ Tho thành lập năm 1929, xuất bản được 4 quyển tiểu thuyết có nội dung yêu nước tiến bộ, bị nhà cầm quyền tịch thu toàn bộ. Hiện chưa tìm thấy quyển nào sót lại.

Tuy nhiên, tư liệu chúng tôi có được thì Chiêu Anh thư quán có xuất bản tạp chí lấy tên là Chiêu Anh văn tập.

Chiêu Anh văn tập không ghi cụ thể địa chỉ tòa soạn, nhưng ở trang cuối cùng ghi in ở nhà in Thạnh Vượng, đường Trần Văn Trân - Mỹ Tho (nay là đường Huyện Toại).

Đây là nhà in lãnh in các thứ sách, truyện tiểu thuyết, sổ bộ, danh tiệp, thiệp cưới, thiệp tang, cáo bạch, nhãn rượu, nhãn thuốc và kiêm luôn việc khắc con dấu - theo quảng cáo giới thiệu nhà in.

Đến tháng 6-1929, Chiêu anh văn tập bị cấm toàn bộ. Ngày 7-2-1929, chính quyền thực dân Pháp ra Nghị định cấm quyển II; tiếp theo là Nghị định ngày 5-6-1929 các quyển II, III và IV đều bị cấm.

Báo Trung Lập số ra ngày 5-7-1929 đưa tin một trường hợp như sau: “Ông Bùi Văn Chương là chủ hiệu buôn sách, tuồng thơ, truyện ở tại Châu Thành - Bến Tre mới đây bị quan đầu phòng Ty Tuần cảnh M.Prignet với ít người chức việc đến xét tiệm sách của ông và lấy hết 25 cuốn truyện tựa đề Chiêu Anh văn tập do nhà in Chiêu Anh thơ quán Mỹ Tho xuất bản và dắt luôn ông Chương về bót”.

Báo cho biết thêm, ông Chương bị tra hỏi ít câu rồi thả về. Bản tin bình luận “Không rõ Chiêu Anh văn tập có nói chi động đến cuộc trị an hay sao mà nhà nước thâu lại không cho bán…”.

Chuyện nữ nhà báo hầu tòa Mỹ Tho

Đó là bà Phan Thị Bạch Vân, người làng Bình Trước, tổng Phước Vĩnh Thượng, tỉnh Biên Hòa (nay là phường Thanh Bình, TP. Biên Hòa), có chồng về Gò Công sinh sống. Những bài báo đầu tay của bà được đăng trên Đông Pháp thời báo từ năm 1928. Bà là người sáng lập ra Nữ lưu thơ quán, trụ sở đặt tại số
24 - 26, đường Chủ Phước, Gò Công. Bà là một cây bút rất đa dạng, từ dịch thuật, viết xã thuyết, đến làm thơ, sáng tác tiểu thuyết…

Nữ lưu thơ quán xuất bản sách mỗi tháng 3 kỳ, với mục đích: “Lựa chọn để bán ra cho cả thảy chị em bạn gái bằng cái giá thật hạ những truyện sách xuất bản trong xứ, có ích cho tinh thần đạo đức và nền luân lý nước nhà, giúp cho trí thức nữ lưu được chóng mở học vấn thêm cao…”. Tủ sách của Nữ lưu thơ quán rất phong phú, có tiểu thuyết, sách danh nhân, sách lịch sử, sách khoa học, triết học, chính trị.

Đặc biệt, Nữ lưu thơ quán có rất nhiều sách dành riêng cho phụ nữ, như: Tân nữ học sinh, Phụ nữ tân giáo khoa, Nữ công thường dụng…, dạy đạo vợ chồng, nuôi nấng con cái. Nữ lưu thơ quán tồn tại chưa đầy 2 năm, nhưng đã tập hợp được một số tác giả tiến bộ và đã xuất bản nhiều tác phẩm văn học, khoa học, giáo dục… có giá trị, góp phần truyền bá những tư tưởng dân chủ, tiến bộ, những kiến thức khoa học cho thanh niên, đặc biệt là cho phụ nữ.

Ngày 10-2-1930, bà Bạch Vân bị thực dân Pháp giải ra tòa về tội “phá rối cuộc trị an trong xứ bằng văn chương tư tưởng”. Báo Trung Lập số ra ngày 13-7-1930 mô tả: “Bà Bạch Vân bị giải ra tòa Mỹ Tho xét xử. Trước lời buộc tội của ông Chélier chánh tòa và biện lý Léger, bà đã phủ nhận làm rối trị an dân chúng bằng việc viết sách.

Bà nói “vì tôi thấy đàn bà An Nam bị áp chế dưới quyền đàn ông nên tôi viết ra những quyển sách ấy cố tâm khuyên người đàn bà lo học thêm để mở mang trí thức, tập luyện các nghề nghiệp như đàn ông…”. Sau khi tranh cãi, phiên tòa đã đình lại. Đây là nhà báo nữ đầu tiên bị tòa Mỹ Tho triệu tập, xét xử nhưng cũng không mang lại kết quả.

Theo NGUYỄN NGỌC PHAN (Báo Ấp Băc)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh