Chiến công trên sóng truyền tin

06:06, 28/06/2020

Tôi có dịp gặp anh Lê Văn Bê (Ba Bê), trong chiến tranh anh là Đội phó Đội Trinh sát kỹ thuật, cơ quan tham mưu Trung đoàn 3 (Quân khu 9)- hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thuận Thới (Trà Ôn).

 

Đồng chí Lê Văn Bê (Ba Bê).
Đồng chí Lê Văn Bê (Ba Bê).

Tôi có dịp gặp anh Lê Văn Bê (Ba Bê), trong chiến tranh anh là Đội phó Đội Trinh sát kỹ thuật, cơ quan tham mưu Trung đoàn 3 (Quân khu 9)- hiện là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thuận Thới (Trà Ôn). Bên ly cà phê ngoài cổng trụ sở UBND xã Thuận Thới, tôi mạo muội hỏi:

- Trinh sát kỹ thuật là gì vậy anh Ba?

Với giọng nói trong trẻo, nụ cười hiền lành, anh vui vẻ trả lời: Trinh sát kỹ thuật được xác định là một biện pháp rất quan trọng trong tác chiến, nhằm nắm chắc tình hình địch để đánh địch. Như người xưa có nói “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”.

Bộ phận trinh sát kỹ thuật được giao nhiệm vụ dò vào tần số liên lạc của địch, biết các ám hiệu chúng sử dụng, phân tích tin thật, tin giả để kịp thời báo cáo cấp trên xử lý.

Khoảng năm 1970, lúc đó Đội Trinh sát kỹ thuật của chúng tôi gồm 7 đồng chí và bắt đầu được trang bị máy truyền tin PRC 25 chiến lợi phẩm thu được của địch.

Máy truyền tin PRC 25 của Mỹ là loại máy tần số ngắn, trên lý thuyết cự ly liên lạc khoảng 25 cây số. Chúng tôi dùng máy này để theo dõi các phiên liên lạc của các đơn vị địch như Tiểu khu Vĩnh Long, Bộ chỉ huy hành quân nhẹ của Sư đoàn 9, Sư đoàn 7, Trung đoàn 16 bộ binh, Tiểu đoàn 520 và các đồn bót gần nơi đơn vị đóng quân.

Qua đó, sớm nắm được các kế hoạch của địch như các cuộc hành quân, bắn pháo, ném bom… và truyền đạt mệnh lệnh của chỉ huy đến các đơn vị phục vụ công tác, chiến đấu bảo vệ an toàn cho lực lượng của ta.

Đồng thời cũng biết rằng địch có bộ phận tác chiến điện tử với phương tiện kỹ thuật hiện đại thường xuyên nghe lén các cuộc phát sóng của ta, nên công tác bảo mật được đặt lên hàng đầu, luôn giành thế chủ động trong cuộc đấu trí trên sóng truyền tin.

Lúc thì thực hiện im lặng vô tuyến lúc thì “la làng” làm địch rối tung không biết đâu là thật, giả. Để duy trì hoạt động của máy PRC 25 cũng lắm vất vả đó là lo chuyện pin.

Khi không còn pin “zin” nguyên khối theo máy, chúng tôi thay thế bằng 12 viên pin con ó loại pin nhất, nếu để máy hoạt động 24/24 thì hơn một buổi phải thay pin mới.

Cách đây hơn 45 năm, trong trận đánh vào Yếu khu Thầy Phó đêm 9/1/1975, máy truyền tin luôn theo sát các đồng chí chỉ huy Trung đoàn 3 và các mũi tấn công.

Quân ta hoàn toàn làm chủ trận địa vào lúc 17 giờ chiều 10/1/1975. Trong trận đánh này, đã tiêu diệt và bắt sống hàng trăm tên địch, thu nhiều chiến lợi phẩm, đặc biệt có 2 khẩu pháo 105 ly.

Ban chỉ huy Trung đoàn 3 đã ra lệnh dùng khẩu pháo thu được bắn vào Chi khu Cầu Kè và sau đó tiếp tục hạ nòng bắn trực xạ tiêu diệt ổ đề kháng tại Sở chỉ huy Yếu khu Thầy Phó.

Qua theo dõi máy truyền tin của địch, ta biết được chúng sẽ cho máy bay và pháo binh hủy diệt Yếu khu Thầy Phó, nên các đơn vị bộ đội và dân công hỏa tuyến được lệnh tạm thời rút ra ngoài để đảm bảo an toàn.

Tác phẩm: “Mùa xuân năm ấy”. Tranh màu nước minh họa: TRẦN THẮNG
Tác phẩm: “Mùa xuân năm ấy”. Tranh màu nước minh họa: TRẦN THẮNG

Sau đó, địch mở nhiều cuộc hành quân lùng sục quyết tâm lấy lại khẩu pháo. Ta liền tổ chức nghi binh bằng cách trao đổi liên lạc trên tần số máy truyền tin PRC 25 cốt ý cho địch nghe lén về địa điểm giấu pháo, như nói là đưa pháo về Hòa Bình, Xuân Hiệp (Trà Ôn) nhưng thật ra đang giấu ở Tam Ngãi, Cầu Kè…

Ngày 12/4/1975, theo lệnh của Quân khu 9, khẩu pháo 105 ly được bí mật vận chuyển đến cánh đồng Giáo Mẹo (ngày nay thuộc xã Đông Thạnh- TX Bình Minh).

Sau khi nã pháo vào Trường Huấn luyện Chi khu Cái Vồn pháo tiếp tục được bắn vào Sở chỉ huy Vùng IV chiến thuật tại Cần Thơ gây cho địch nhiều thiệt hại và ta kịp thời đưa pháo về căn cứ an toàn.

Ngay sau đó Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam- Tư lệnh Vùng IV chiến thuật đã cho trực thăng đổ quân xuống Giáo Mẹo. Trên sóng vô tuyến, ta nghe tên chỉ huy lớn tiếng mắng thuộc cấp vì đã để xổng mất khẩu pháo và tệ hại nhất là để Việt cộng mang “phở” (pháo kích) vào ngay Bộ Tư lệnh Quân đoàn IV!

Lúc 11 giờ 30 phút trưa 30/4/1975, Dương Văn Minh- Tổng thống Chính quyền Sài Gòn- tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Trước thời cơ vô cùng thuận lợi, Bộ Chỉ huy tiền phương của ta liền dùng máy PRC 25 gọi vào tần số của Tỉnh trưởng, kiêm Chỉ huy trưởng Tiểu khu Vĩnh Long là Đại tá Lê Trung Thành.

Đến khoảng 20 giờ, khi thấy việc “tử thủ” là một hành động ngu ngốc nên Tỉnh trưởng Vĩnh Long chủ động lên máy trao đổi với ta về chuyện bàn giao và cử đại diện đi xe đến đón đồng chí Nguyễn Văn Bá (Sáu Bá- Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân), lúc ấy là Trung đoàn phó Trung đoàn 3- được Bộ chỉ huy Tiền phương cử làm đại diện Quân giải phóng tại khu vực cầu Vồng (đoạn Trường ĐH Xây dựng Miền Tây bây giờ).

Đi cùng đồng chí Sáu Bá có đồng chí Ba Bê và đồng chí Bùi Minh Nhựt, mỗi người mang một máy PRC 25, đồng chí Đinh Xuân Lai làm nhiệm vụ bảo vệ.

Chính lòng dũng cảm, không sợ hy sinh, sự kiên quyết của người chỉ huy trong cuộc trao đổi trên máy PRC 25, nên cuộc gặp mặt giữa những người ở 2 bên chiến tuyến tại điểm hẹn đã diễn ra tốt đẹp. Lúc bấy giờ là 22 giờ đêm 30/4/1975.

4 giờ sáng 1/5/1975, lần đầu tiên trong đời bước chân vào dinh Tỉnh trưởng Vĩnh Long (ngày nay là Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long) với tâm trạng lâng lâng của người chiến thắng, anh Ba Bê nhấc tổ hợp máy truyền tin bắt liên lạc với các cánh quân đang tiến vào tiếp quản những mục tiêu được giao.

Ngay tại dinh Tỉnh trưởng, khi thấy anh Ba Bê mang máy truyền tin, một sĩ quan ngụy đã bước tới làm quen và giới thiệu là sĩ quan phụ trách truyền tin của tiểu khu.

Anh ta cho biết thời gian qua thường xuyên mở máy theo dõi và nghe giọng nói quen thuộc của anh Ba Bê trên máy PRC 25 ở bên kia chiến tuyến và nay mới trực tiếp gặp mặt trong ngày Vĩnh Long hoàn toàn giải phóng.

(Viết theo lời kể của đồng chí Lê Văn Bê- nguyên Đội phó Đội Trinh sát kỹ thuật, Trung đoàn 3).

Bài, ảnh: ANH TIẾN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh