Bóng đêm tối chập choạng. Tùng ngồi xuống cách mí vườn không xa đủ để nghe ngóng, nhận định tình hình trước khi vô gặp Huệ. Ngọn đèn sáng bình thường là bình yên, đèn màu đỏ là nguy hiểm.
Bóng đêm tối chập choạng. Tùng ngồi xuống cách mí vườn không xa đủ để nghe ngóng, nhận định tình hình trước khi vô gặp Huệ. Ngọn đèn sáng bình thường là bình yên, đèn màu đỏ là nguy hiểm.
Huệ đã nghĩ ra và tự đặt quy luật để các anh bộ đội liên lạc khi cần thiết! Tùng quan sát một lúc lâu thấy phấn khởi trong lòng thì bỗng dưng ngọn đèn thay màu: màu đỏ.
Một cái gì đó thắt lại trong lòng. Anh căng mắt theo dõi động tịnh từ phía trong xóm phát ra. Tùng phân biệt từng tiếng trẻ con khóc, từng tiếng chó vu vơ đầu trên xóm dưới, kể cả những bóng chim bay trong đêm để tìm một chút an tâm nào đó, với hy vọng là gặp được Huệ.
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG (TP Vĩnh Long) |
Đêm không trăng đầy sao sáng, từ bên này qua bên đó chỉ hơn cây rưỡi số, nếu như cắm đầu chạy vài hơi sẽ tới ngay. Nhưng cả một sự rủi ro sống chết.
Thường khi muốn vô xóm phải liên hệ trước với Huệ, em làm cảnh giới bằng cách báo cáo tình hình: Yên ổn thì trong nhà có đốt cây đèn bão treo trên vách, tình hình không tốt nghi ngờ thì đèn màu đỏ, bất ổn thì không đèn.
Và mỗi lần vô xóm ấy, Tùng phải nằm ém ngoài bờ vườn hàng giờ có khi quá nửa đêm mới gặp được Huệ. Huệ là cơ sở ở đây nên Tùng cần phải nói với Huệ đôi lời trước lúc đi xa.
Thời gian giới hạn tới ba giờ sáng phải gặp cho được Huệ. Anh như bị thúc giục phải gặp cho bằng được người cán bộ cơ sở dù có xảy ra bất trắc gì cũng cam lòng.
Nghĩ vậy nên Tùng nhanh chân. Đêm tháng Giêng, những thửa ruộng chuẩn bị vào mùa thu hoạch, loáng thoáng theo bờ vườn những chòm cỏ nằm lù lù trong đêm như những gò mả, cộng theo âm thanh thê thiết của lũ côn trùng làm rợn cả người.
Tùng nhanh chân bước, tai mắt hướng về phía đó nghe ngóng từng tiếng chó sủa xa xa vẳng lại. Chỉ thoáng trong đầu chút ý nghĩ và những lời cần nói với Huệ, còn trước mặt là cả một sự lo toan đối phó với giặc.
Tùng kiểm lại đạn trong khẩu súng cạc bin M2 sẵn sàng nhả đạn nếu trong tình huống bất trắc. Với khẩu súng cưa bá ngắn ngủn này, Tùng đã thoát hiểm nhiều lần bằng cái tư thế lợi hại mà anh đã khổ công luyện tập nhuần nhuyễn đã làm cho đối phương nhiều lần tổn thất nặng nề.
Lần đó, cũng vào ban đêm trên đường vô xóm, Tùng kẹp khẩu súng cạc bin xuôi theo nách, vừa vô xóm đụng đầu ngay đám lính bảo an đi tuần đêm.
Có tiếng quát: “Giơ tay lên” ở khoảng cách rất gần. Chưa dứt lời thì loạt đạn cạc bin của Tùng đã nhả đạn chính xác về phía phát ra tiếng nạt. Tùng đã lộn hai vòng qua mương rồi biến mất.
Bụng dạ của Tùng càng nôn nóng vì thời gian đối với anh bây giờ không còn nhiều. Anh men theo bờ mương đi vô nhà Huệ trong tình trạng cảnh giác cao độ.
Còn cách nhà hơn mười mét, Tùng chọn một tư thế ngồi quan sát tình hình. Bốn bề yên lặng rất đáng sợ, ngọn đèn vẫn trong tình trạng không an toàn. Nhưng dù sao cũng phải gặp Huệ cho bằng được.
Có tiếng chân nhẹ lắm, đạp khẽ lên lá khô, Tùng thủ thế. Tiếng chân chưa rõ mà tiếng vẫy đuôi của con Đốm nghe rõ mồn một. Đốm chồm lên liếm vai cổ của Tùng phát ra tiếng ứ ứ trong cổ họng. Sợ tiếng động, Tùng bóp mỏ con Đốm lại nhưng càng bóp nó càng ứ ứ lớn hơn.
Huệ vỗ nhẹ trên gáy con Đốm, nó vội biến mất. Cô nói rất khẽ:
- Trời ơi! Lính đồn vừa đi nằm đường mà sao anh liều mạng quá vậy? Tại sao không liên hệ trước với em, ẩu như vầy có bề gì rồi sao?
Huệ kéo Tùng đi vòng qua bụi tre gai có địa thế an toàn.
- Anh biết gặp em như vầy là nguy hiểm nhưng 3 giờ sáng này anh đi rồi em à! Chuyến đi đã được chuẩn bị về tinh thần chịu đựng, thậm chí hy sinh rất kỹ lưỡng. Chuyện sống chết không biết ra sao, nên anh làm gan gặp mặt em dặn dò vài câu mới an tâm.
Tùng nói tiếp:
- Sao mà gặp nhau bình thường không có chuyện gì để nói, chỉ cười trừ. Mà lần này anh nôn nóng muốn gặp em.
Huệ giục:
- Thì nói đi!
- Em ở đây cẩn thận từng lời nói và cử chỉ nghe em. Coi chừng đám thằng T., thằng N. nó như có con mắt bám theo em đó! Anh đi chỉ lo cho em ở lại thôi!
- Em biết mà! Anh yên tâm. Em lo cho anh từng đường đi lối bước đó! Tình hình đêm nay anh về một mình không được đâu, coi chừng những đường về bên đó có lính nằm chận rồi! Chỉ còn cách phải đi tắt trong vườn mới an toàn. Mà con đường này chỉ có thằng Châu mới dắt anh đi được thôi!
Tùng băn khoăn:
- Anh không muốn làm phiền Châu! Em chỉ đường, anh tự mò mẫm đi cũng được!
- Không được! Anh đi lớ quớ chó sủa vang vội lại càng nguy hiểm hơn. Anh ngồi đây, em vô kêu Châu dẫn anh đi.
Châu đi trước dẫn đường, cái bóng thoăn thoắt lách mình qua bờ bụi, có khi treo qua nhánh xoài, cây ổi để phóng qua mương.
Vừa đi Châu vừa nói:
- Con đường này em đã nhiều lần trốn được cả trung đội của giặc và dắt cho mấy anh trốn lính thoát thân an toàn.
Qua khỏi bìa vườn, Châu chỉ tay nói:
- An toàn rồi đó! Anh cứ nhắm hướng giang cây mờ mờ kia là đơn vị anh đóng đó!
Tùng cảm động lột chiếc đồng hồ đeo tay đưa cho Châu:
- Anh tặng em vật này làm kỷ niệm. Lấy đi cho anh vui. Em về cẩn thận, đừng chủ quan nghe Châu.
Tùng đi được một đỗi thì bỗng phía sau lưng có nhiều loạt súng nổ. Tùng ngoái đầu lại nhìn những đường lửa đạn xé gió trong đêm như đường lửa đạn ghim vào tim mình. Anh thầm mong cho Châu đừng có chuyện gì xảy ra! Nếu có gì chắc hối hận lắm!
Tùng đi theo đoàn mà tâm trạng bất ổn, trong lòng cứ nghĩ về Châu, nghĩ về những loạt súng nổ. Phải chi mình đừng liều gặp Huệ, phải chi mình… Tất cả do mình… Thằng Châu mặt mày khôi ngô, thông minh vui vẻ. Với khuôn mặt ấy, ắt sẽ có một gia đình phúc hậu, con cháu đề huề…
***
Bà Huệ nhìn chồng hai hố mắt thụt sâu, biết ông đã nhiều đêm mất ngủ. Chứng mất ngủ của người già cộng với ký ức tình cảm ngày xưa với đứa em vợ không thể nguôi ngoai được. Càng lớn tuổi ký ức quay về thường xuyên.
Bà nói:
- Chuyện đã qua rồi, ông cứ đeo mang làm gì cho khổ thân. Trong chiến tranh, ông đã được bà con nhân dân đùm bọc chở che mới còn sống và chiến đấu cho tới ngày cách mạng thành công.
Và sau cách mạng thành công, ông cũng đã tích cực làm hết nhiệm vụ của mình, hoàn thành trách nhiệm. Giờ với chất người lính già vẫn tham gia xây dựng xã phường, giáo dục con cháu. Những việc làm đó, cậu nó cũng hài lòng lắm rồi, ông còn nghĩ ngợi gì?
- Bà nhận xét cũng đúng đó, nhưng không ai hiểu bản thân tôi bằng chính tôi hiểu. Bà ngồi xích lại gần đây tôi tâm sự với bà một đôi điều, lỡ mai kia mốt nọ có qua đời lòng còn được chút thanh thản.
- Ông làm gì mà như trăng trối vậy?
- Cũng gần giống vậy thôi! Chuyện sâu kín trong lòng cả một đời người mà chưa có dịp nói được! Bà biết tôi từ ngày tham gia cách mạng cho đến ngày nghỉ hưu chưa hề bị kỷ luật, bằng khen, giấy khen, huân- huy chương… thứ gì cũng có.
Đối với người ngoài, người ta nhìn tôi là cả một sự cảm phục, còn đối với bản thân tôi là một điều rất thẹn. Thẹn với lương tâm của chính mình, thấy mình còn mang nhiều món nợ với bà con nhân dân chưa có dịp đáp đền.
Bà Huệ an ủi:
- Đã qua rồi một giai đoạn, giờ ông nhắc lại để làm gì chứ! Ngày xưa trong hoàn cảnh chân đất đầu trần, đối phó với muôn vàn hiểm nguy trước mặt, chỉ có hai bến bờ sống và chết. Nay nước nhà đã độc lập người người cùng tham gia phát triển.
Ông Tùng nhìn vợ nói như giãi bày:
- Bà nghĩ mọi việc quá đơn giản như công việc nội trợ của bà không bằng. Mỗi giai đoạn đều có những khó khăn nhất định của nó. So về tính chất thì giai đoạn hiện nay khó khăn và phức tạp hơn xưa nhiều. Hôm nay tôi ngủ không được cứ trằn trọc hoài, mơ màng thấy cậu Châu cùng với đám sinh viên vui đùa dưới giảng đường đại học.
Những khuôn mặt trẻ thật trẻ, thông minh đỉnh ngộ, tôi mừng quá chạy ùa vô nắm tay Châu, Châu cũng mừng giơ cao tay nói: “Em ở đây anh ơi!”
Tôi nhìn những người bạn trẻ có khuôn mặt và đường nét rất giống Châu và ngược lại Châu cũng có những nét như các bạn trẻ, mỗi người một vẻ thông minh, nhất là đôi mắt sáng quắc và đầy niềm tin.
Các em bãi buôi tự giới thiệu với tôi: “ Đây là T. Đại học Y khoa năm thứ 3, đây là L. Đại học Công nghệ thông tin, đây là… Tôi mừng quá bắt tay chào các em siết mãi đến tê những ngón. Đến khi giựt mình tỉnh giấc, bên tai tôi vẫn còn nghe Châu nói: “Em đã hòa vào cuộc sống hôm nay với lớp trẻ rồi, anh đừng buồn lo cho em!”
Ông Tùng lặng đi một lúc lâu, nhận ra điều gì đó, nói với bà Huệ:
- Tháng ba, đám giỗ cậu Châu năm nay tôi có mời thêm số bạn cũ và các cháu sinh viên về dự, mình làm đồ ăn khá khá đó nghen!
Buổi sáng thành phố không vương chút bụi. Tháng tư, nắng sớm vàng màu nghệ. Ngày mới đã bắt đầu, nhưng lòng ông Tùng không sao quên ký ức!
NHẬT HỒNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin