Khánh Hòa: Hơn 6,7 tỷ đồng bảo tồn và phát huy nghệ thuật Bài chòi

05:05, 06/05/2020

Tổng kinh phí dành cho đề án là hơn 6,7 tỷ đồng từ ngân sách của địa phương và được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2020-2023.

 

 

Tổng kinh phí dành cho đề án là hơn 6,7 tỷ đồng từ ngân sách của địa phương và được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2020-2023.

 

Hát bài chòi - Di sản văn hóa phi vật thể thế giới, được tổ chức hằng đêm ở Hội An để phục vụ du khách mùa cao điểm. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)
Hát bài chòi - Di sản văn hóa phi vật thể thế giới, được tổ chức hằng đêm ở Hội An để phục vụ du khách mùa cao điểm. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi Khánh Hòa” nhằm huy động mọi nguồn lực của toàn xã hội cùng tham gia bảo vệ, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể loại hình nghệ thuật này.

Tổng kinh phí dành cho đề án là hơn 6,7 tỷ đồng từ ngân sách của địa phương và được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2020-2023.

Đề án đưa ra các giải pháp đồng bộ, khả thi nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác triển khai thực hiện các nội dung tại 6 địa phương (cấp huyện, thị xã, thành phố) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa để bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa lâu dài và bền vững của loại hình nghệ thuật này.

Cụ thể, Khánh Hòa sẽ tiến hành phục dựng, quay phim tư liệu, tư liệu hóa in sang đĩa DVD về kỹ năng trình diễn; thực hiện các ấn phẩm sách ghi lại toàn bộ các tuồng, lớp, tích về nghệ thuật Bài chòi dân gian Khánh Hòa do các nghệ nhân trình diễn, ghi chép, sáng tác để lưu trữ, quảng bá, tuyên truyền.

Bên cạnh đó, thị xã Ninh Hòa sẽ phục dựng thí điểm 1 điểm thường xuyên tổ chức trò chơi dân gian Hô bài chòi giàn 9 chòi tại địa phương. Đây là điểm sinh hoạt văn hóa, hoạt động vào các ngày thứ Bảy, Chủ Nhật hàng tuần, các dịp lễ kỷ niệm, lễ hội, Tết cổ truyền dân tộc...

Khánh Hòa còn phấn đấu đạt 90% số tài liệu, hiện vật về các kịch bản, tuồng, tích, nhạc cụ, trang phục được sưu tầm, tư liệu hóa để lưu trữ, bảo quản, trưng bày phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá tại bảo tàng tỉnh.

Khánh Hòa đề ra 7 nhiệm vụ cụ thể để thực hiện các nội dung đề án. Trong đó, Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và chính quyền các huyện, thị xã, thành phố có liên quan tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả, hiệu quả của đề án.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các địa phương góp mặt trong khuôn khổ Đề án gồm các huyện: Vạn Ninh, Diên Khánh, Cam Lâm, thị xã Ninh Hòa và hai thành phố Nha Trang, Cam Ranh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, bảo tồn, nâng cao ý thức bảo vệ, phát huy giá trị nghệ thuật Bài chòi tại địa phương; lồng ghép diễn xướng nghệ thuật Bài chòi vào các hội thi, hội diễn, lễ hội... nhằm tạo môi trường hoạt động cho các nghệ nhân; kịp thời phát hiện, bồi dưỡng các tài năng và khen thưởng, động viên các tổ chức, nghệ nhân có nhiều thành tích đóng góp cho đề án.

Bài chòi là một loại hình nghệ thuật dân ca và trò chơi dân gian đặc trưng ở khu vực duyên hải miền Trung, về sau được dân gian phát triển thêm thành một loại hình sân khấu ca kịch. Cuối năm 2017, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Nghệ thuật Bài chòi của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại./.

Theo Tiên Minh (TTXVN/Vietnam+)

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh