Đài Phát thanh- Truyền hình (PT- TH) Vĩnh Long vừa thực hiện bộ phim tài liệu về đường Trường Sơn. Ê kíp làm phim với tuổi đời còn rất trẻ đã "chạy đua" đi tìm "Đường đến ngày đoàn viên" trong hoàn cảnh dịch COVID-19 vừa bùng phát.
Đài Phát thanh- Truyền hình (PT- TH) Vĩnh Long vừa thực hiện bộ phim tài liệu về đường Trường Sơn. Ê kíp làm phim với tuổi đời còn rất trẻ đã “chạy đua” đi tìm “Đường đến ngày đoàn viên” trong hoàn cảnh dịch COVID-19 vừa bùng phát.
Khai thác ở góc độ lịch sử, những hình ảnh, câu chuyện tự nó tạo tiếng “vang” và tiếng “vọng” chạm tới cảm xúc của người xem khi hiểu hơn về huyền thoại “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Con đường Trường Sơn huyền thoại hôm nay. Ảnh do đoàn làm phim cung cấp |
Thước phim bi tráng dưới góc nhìn của người trẻ
Theo nhà báo Huỳnh Tấn Phát- Phó Giám đốc Đài PT- TH Vĩnh Long, trong những ngày tháng 4, phim tài liệu được công chiếu mang ý nghĩa chính trị truyền tải đến người dân những tài liệu lịch sử quý giá.
Bộ phim còn mang ý nghĩa giáo dục cho các thế hệ sau qua những hình ảnh, những câu chuyện hào hùng. “Đài đã thực hiện rất nhiều bộ phim tài liệu, nhưng đây là bộ phim đáng nhớ vì ê kíp là những người trẻ, đi công tác ở một chặng đường dài và đi trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt”- nhà báo Huỳnh Tấn Phát cho biết.
Trong gần 1 tháng, từ ngày 5/3, ê kíp 12 người, chia làm 2 nhóm bắt đầu hành trình từ Hà Nội trải dài đến các tỉnh mà đường Trường Sơn được hình thành cho đến tỉnh Bình Phước.
Bộ phim 11 tập là nét phác họa để người xem có thể hiểu con đường Trường Sơn là mạch máu giao thông quan trọng, được hình thành bất chấp sự hủy diệt của kẻ thù và những khó khăn, trở ngại của thời tiết, địa hình trong 16 năm (1959- 1975).
Việc xây dựng và bảo vệ tuyến vận tải kéo dài hàng ngàn ký lô mét, vượt xa với quy mô, phạm vi cả Đông và Tây dãy Trường Sơn, xuyên qua 20 tỉnh thuộc 3 nước Đông Dương là một “kỳ tích”, góp phần quyết định vào sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Phóng viên Nguyễn Hảo Anh Thư kể: “Tập phim đầu tiên phát sóng ngày 19/4 trễ chút xíu so với lịch chiếu, một bác chiến sĩ Trường Sơn gọi điện vào và hỏi “sao trễ 3 phút rồi mà chưa phát sóng vậy con?” Người Trường Sơn nôn nao gặp lại đồng đội, đồng chí. Mong những thước phim này sẽ là ký ức được giữ gìn mãi về sau”. |
“Đường đến ngày đoàn viên” là con đường “máu trộn mồ hôi”, những chiến sĩ Đoàn 559, thanh niên xung phong “sống bám đường- chết kiên cường dũng cảm”, nam thì vận chuyển hàng hóa, vũ khí, lương thực, đào đường, lái xe… nữ thì phá bom, lội giữa dòng sông mà làm cọc tiêu sống cho xe vững vàng chạy qua đoạn đá được đắp ngầm giữa mênh mông nước.
Trong 11 tập phim, chuyện đồng bào dân tộc ít người xả thân giúp sức, chuyện của người lái xe bom dội khắp trời mà “chỉ cần trong xe có một trái tim”, chuyện kỷ lục, kỷ vật, chuyện về Nghĩa trang Trường Sơn, chuyện Trường Sơn đi vào những áng thơ ca… được khéo léo lồng ghép và gây xúc động.
Bộ phim chạm tới cảm xúc của người xem với hiệu ứng hình ảnh. Hình ảnh của lịch sử không chỉ khiến những người đã đi qua mà cả những người nhìn lại xúc động.
Bom rơi đạn nổ ong đầu, những câu chuyện kể về đau thương mất mát trong chiến tranh đan xen với hình ảnh vùng quê thanh bình của Trường Sơn hôm nay. Điều đáng quý nhất là ê kíp đã lần mò gặp được những người anh hùng mái đầu bạc trắng.
Qua sắc diện biểu lộ, trí nhớ minh mẫn, giọng điệu hùng hồn và những câu chuyện thật mà kỳ diệu vượt quá sức tưởng tượng, lòng người xem rộn lên thổn thức, khâm phục, tự hào về tinh thần “chiến sĩ Trường Sơn”.
Chuyến đi đặc biệt trong mùa dịch COVID- 19
Ê kíp cùng cán bộ địa phương, chiến sĩ Trường Sơn khi xưa đã vượt qua nhiều khó khăn để quay phim ngay trong mùa dịch bệnh. Ảnh do đoàn làm phim cung cấp |
Ê kíp làm phim nói vui, chuyến đi lần này, họ cũng phải mang tinh thần thép của chiến sĩ Trường Sơn để có thể công tác giữa mùa dịch. Ê kíp đi Hà Nội ngày 5/3 thì 10 giờ đêm ngày 6/3, phố Trúc Bạch (quận Ba Đình) bị phong tỏa do xuất hiện ca 17 mắc COVID- 19.
Nhà báo Nguyễn Thu Hà- Phó Phòng Chuyên mục Đài PT- TH Vĩnh Long cho biết: “Ban lãnh đạo ở nhà nhưng lòng như lửa đốt, tôi nằm ngủ mà lòng không yên, phải lên mạng cập nhật từng phút bản đồ dịch.
Tôi vẽ bản đồ tâm dịch và chỉ đạo các bạn nhìn bản đồ mà đi. Lúc ở Hà Nội, các bạn chỉ cách tâm dịch 1km, chúng tôi đã từng nghĩ tới quyết định hủy chuyến công tác và gọi các bạn về Vĩnh Long ngay lập tức”.
Phóng viên Đặng Nguyệt Minh chia sẻ: “Tôi làm nghề 6 năm thì chuyến đi này chắc cả đời cũng không quên được. Có nhân vật đã hẹn nhưng vì dịch bệnh nên ra tới Hà Nội, họ từ chối gặp. Nguồn động viên lớn nhất là có những cô chú không ngại mà giúp đỡ nhiệt tình.
Nhà cách điểm quay phim 80km, có bác không thể đi xe máy nên đón xe buýt đến, liên tục như thế trong 2 ngày, thật vô cùng cảm động”.
Phóng viên Nguyễn Hảo Anh Thư thì kể: “Đường 20 Quyết Thắng khúc khuỷu rất khó chạy, chúng tôi có 2 tiếng đi đường rừng ban đêm, lạnh tanh không một bóng người, những người trẻ chúng tôi thì say xe mệt lả, vậy mà bác chiến sĩ 75 tuổi đi cùng đoàn không sao cả. Tinh thần của chiến sĩ Trường Sơn dù là thời chiến hay thời bình đều đáng ngưỡng mộ”.
Trong phim có đoạn kể hệ thống đường Trường Sơn trung bình 200m có 1 dốc cao, 15m có 1 đèo cao, 200m có dòng suối nhỏ, 2.000m có dòng suối lớn và 20km có 1 dòng sông.
Chưa thông thạo địa hình nên việc quay phim gặp không ít khó khăn. Ê kíp còn phải chạy đua với thời gian bởi những di tích phải đóng cửa vì dịch bệnh.
Thời tiết khắc nghiệt, nơi thì lạnh, nơi thì nóng như đổ lửa, ê kíp xác định việc giữ sức khỏe là quan trọng nhất vì nếu bị sốt vào thời điểm đó, họ sẽ không được phép đi tác nghiệp.
Quay phim Trần Tuấn Tú chia sẻ: “Khi về khách sạn nghỉ ngơi, chúng tôi được phun khử trùng rất kỹ, luộc trứng bằng ấm điện, chỉ ăn mì gói hoặc gọi cơm về phòng chứ không dám đi ăn bên ngoài. Dù hoàn cảnh nào thì anh em cũng lạc quan, động viên nhau, trêu chọc tạo tiếng cười. Tôi còn bất ngờ được các anh em tổ chức sinh nhật ngay trên đường đi”.
Chia sẻ về quá trình biên tập hậu kỳ, nhà báo Nguyễn Thu Hà rưng rưng kể: “Khi biên tập các phát biểu ở Hội truyền thống Trường Sơn thì tôi bật khóc. Trong đoạn phát biểu của người này có tiếng phát biểu của một người khác, đây là điều xưa nay những phóng viên tác nghiệp phải tránh.
Khi hỏi lý do thì mới biết vì dịch bệnh, các bác ở hội đã rất cố gắng gặp ê kíp trong vòng 1 tiếng, ở căn phòng rất nhỏ hẹp, 2 phóng viên ngồi xoay lưng về phía nhau và phỏng vấn 2 nhân vật cùng lúc.
Biết bao nhiêu câu chuyện kể mà chỉ có vỏn vẹn 1 tiếng, trong cuộc chạy đua đó, ê kíp đã quyết tâm và nỗ lực biết bao nhiêu”.
Những chiến sĩ Trường Sơn dành 16 năm xây đắp “Đường đến ngày đoàn viên”. Các bạn trẻ của thế hệ hôm nay chẳng dễ dàng gì để đi tìm và kể lại trang sử hào hùng trên con đường ấy.
Xin được trích những câu viết của phóng viên Trần Thị Ngọc Mến khi chia tay Trường Sơn: “Xin cúi đầu tri ân các liệt sĩ đã nằm lại trên con đường huyết mạch Trường Sơn.
Trái tim của thế hệ thanh niên Trường Sơn chưa bao giờ ngừng đập. Trên từng tấc đất, con sông, ngọn núi, có máu xương, có nước mắt, có anh linh của các anh các chị…
Đất nước mình đẹp lắm, kiên cường lắm. Hào khí Trường Sơn còn mãi đến bây giờ. Một thế hệ đã đi không tiếc đời mình. Lặng thầm như đất, vững như đá, rộng như sông. Có sự hy sinh nào lớn hơn như thế?...”
Kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2020), Đài PT- TH Vĩnh Long giới thiệu 11 tập của Bộ phim tài liệu “Đường đến ngày đoàn viên”, phát sóng từ ngày 19/4- 30/4/2020 lúc 16h10 trên kênh THVL1, phát lại vào lúc 8h30 sáng hôm sau trên kênh THVL2. |
PHƯƠNG THÚY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin