Hò là loại hình diễn xướng trữ tình của người Việt nói chung, người Cần Thơ nói riêng, được diễn ra trong không gian rộng, trong môi trường sinh hoạt, sản xuất. Hò Cần Thơ bên cạnh mang vẻ đẹp chung, còn có những nét đặc trưng riêng của đất và người Tây Đô.
Hò là loại hình diễn xướng trữ tình của người Việt nói chung, người Cần Thơ nói riêng, được diễn ra trong không gian rộng, trong môi trường sinh hoạt, sản xuất. Hò Cần Thơ bên cạnh mang vẻ đẹp chung, còn có những nét đặc trưng riêng của đất và người Tây Đô.
Nghệ nhân hò Cần Thơ. Ảnh: DK |
Hò có quan hệ chặt chẽ với ca dao, nên có nhận định: “Hò là một biến cách của ca dao. Có những câu ca dao được đem ra nguyên vẹn để hò dưới ánh trăng.
Có những câu ca dao được thêm thắt, cắt xén dùng đối đáp, thi đua lời ý trong các hội hò. Nhưng hò có một phong vị đặc biệt ở chỗ trau chuốt âm thanh.
Nếu ca dao là độc diễn (...), thì hò bao giờ cũng muốn đòi hỏi nhiều người, có lời qua tiếng lại, đối đáp gợi tình với một thể điệu bổng trầm du dương, âm ba vang dội và kéo dài gần như bất tận. Cho nên muốn biết đến hò, ta phải tách rời nó ngoài lĩnh vực ca dao”.(1)
Cho đến nay chưa có tài liệu xác nhận chính xác các điệu hò ở Cần Thơ xuất hiện lần đầu tiên vào lúc nào. Người ta chỉ biết vào khoảng thế kỷ XVII, khi lưu dân người Việt từ vùng Ngũ Quảng vào Nam khai khẩn, thì những câu hò, điệu hát là hành trang tinh thần của họ.
Quá trình định cư lâu dài trên vùng đất mới đã giúp họ biến cải những câu hò, điệu hát cho phù hợp hơn với vùng trũng thấp, sình lầy, đồng nước mênh mông.
“Tiếng hò ở đây không còn giống hệt tiếng hò ở chân đèo Hải Vân hay trên dòng sông Hương hôm nào nữa. Nó tha thiết não nùng hơn. Nó chứa chấp một phong vị u hoài...
Giọng hò miền Trung từ ấy, vì thay đổi địa lý và hoàn cảnh kinh tế, dần dần chuyển hóa, sai chạy và điệu hò miền Nam được xuất phát, lan rộng từ đất Tầm Bôn tới trấn Hà Tiên”.(2)
Theo các nhà nghiên cứu, hò Cần Thơ có nhiều làn điệu nhưng đáng kể là hò huê tình, hò mái dài và hò cấy.
“Hò huê tình thường là hò đối đáp (nam, nữ) hoặc hò suông một mình (mang tính tự sự). Hò huê tình không có dàn hò đệm (hò rước hơi phụ họa) mà chỉ có người lĩnh xướng.
Hò huê tình Cần Thơ mang tính bình dị, dễ hò, dễ phổ biến. Giọng hò huê tình mang sắc thái man mác, không vui lắm mà cũng không mang nỗi buồn não ruột, ủ ê”.(3)
Hò cấy là loại hình nghệ thuật thường diễn ra trên cánh đồng, bên các thửa ruộng liền kề trong một không gian và thời gian cụ thể. “Các tay hò thường là những người đi cấy mướn, cấy vần đổi công thi nhau khoe làn hơi thanh sắc của mình.
Họ cùng nhau thi tài đối đáp, thử tính nhanh nhẹn và đua trí với nhau qua các điệu hò. Vì vậy trong hò cấy người ta thường hò đối đáp nhau.
Hò đối đáp thường trải qua ba giai đoạn. Mở đầu là hò rao, hò mời, hò hỏi thăm, tự xưng, chào mời. Lời hò ở giai đoạn này chủ yếu là để tìm hiểu đối phương, cho nên thường khiêm nhường, từ tốn, lịch sự”.(4)
“Hò mái dài là sự phát triển tiếp nối của hò mái đoản. Phần kể được dãn ra dài hơn, lời hò nhiều hơn và vần điệu phong phú hơn được nối tiếp liên tục, biến hóa một cách thông minh, đầy linh hoạt, đối tượng và nội dung diễn tả rộng hơn.
Phần lấy hơi dài hay ngắn, liên tục hay đứt quãng và phần ngân hơi để kết thúc câu hò đều là những bước thử thách, là thước đo tài năng của người hò.
Nếu đứt hơi, hoặc hụt hơi nửa chừng thì coi như thua cuộc. Nhóm hò phụ họa cũng góp phần hết sức quan trọng trong một điệu hò.
Nếu nhóm này vô không đúng lúc hoặc đâm hơi thì cũng coi như điệu hò không có giá trị. Hò mái dài đòi hỏi nghệ thuật và kỷ luật phối hợp một cách đồng điệu. Người hò chính có điều kiện nghỉ lấy hơi, tìm lời, tìm ý cho câu hò, không tham gia phần phụ họa”.(5)
Về nội dung thì hò Cần Thơ là tiếng nói tâm tình, tha thiết, kín đáo của đôi lứa yêu nhau. “Trên những cánh đồng mênh mông của đất Cần Thơ trong cuộc sống lao động của những người nông dân lao động cần cù hai sương một nắng, điệu hò cấy chính là tiếng lòng của đôi lứa trao gởi cho nhau những tình cảm mặn mà chung thủy với lời kể mang đậm chất trữ tình và giọng xô kết nối hòa quyện thành điệu hò mang âm hưởng độc đáo của đồng ruộng Hậu Giang”.(6)
Ví dụ như “Hò ơ dế kêu dưới giạ đống rơm, tôi xa mình thời một bữa mà tôi bưng chén cơm tôi khóc ròng. Khoát màn loan chạy tuốt vô phòng, tôi nghe mình có chỗ vậy tôi yên lòng tôi trở ra”.
Có khi đó là những lời hỏi han, mời chào kết bạn lúc mới gặp nhau. Nếu hò mái dài thường được dùng khi tao ngộ lúc làm quen thì hò huê tình lại được dùng để kết bạn, khách thương hồ ở vùng Phong Điền Ngã Bảy khi cấm sào đợi con nước để rời sang bến khác thường tìm kiếm bạn hò để đối đáp giao duyên.
Từ đó hò Cần Thơ còn có tên là hát đối Cần Thơ mà nội dung thường là do tức cảnh sinh tình thành những câu hát ứng khẩu rất tài hoa chứa đựng tình cảm ý nhị và nét thuần phong lễ giáo miệt vườn.
Ví dụ như “Hò ơ tôi bước xuống cầu, cầu trơn cầu trợt, tôi bước xuống tàu tàu lắc tàu nghiêng mở miệng kêu người nghĩa nọ ở Phong Điền ra đây cho tôi thấy mặt mà kẻo tình tôi nhớ lại với thương”.
Hoặc trong quá trình lao động mệt nhọc, người ta cất lên tiếng hò để xua đi bao nỗi nhọc nhằn, vất vả, làm cho tinh thần sảng khoái hơn để tiếp tục công việc.
Ngày xưa, trên các kênh rạch, kênh xáng, đồng ruộng, khoảnh vườn ở Cần Thơ thường âm vang những câu hò, giọng hát thể hiện tâm tình của người dân sống nơi miền sông nước: “Hò ơ em ơi anh cầm chài anh vãi năm bảy con cá lòng tong, thương em nát gan, nát ruột lại nát tấm lòng. Hò ơ thấy em ở bạc mà trong lòng anh hết thương”.
Về nghệ thuật, cũng như các điệu hò khác ở Nam bộ, hò Cần Thơ vẫn sử dụng ca dao làm chất liệu để sáng tác hò nhưng để phù hợp với nết đất tính người, người Cần Thơ đã phá cách, sáng tạo nên những làn điệu mang tính đặc trưng.
Vì vậy mà các thầy dạy hò ở Cần Thơ là những người có uy tín nhất vùng Hậu Giang ngày trước. “Các thầy áp dụng kỹ thuật bẻ câu hát. Bẻ tức là uốn nắn những câu hát sẵn có để thích ứng với hoàn cảnh mới.
Thí dụ câu hát từ miệt Tân An: “Chiếu bông mà trải góc đền / Muốn vô làm bé biết bền hay không?”, thì bẻ lại là: “Nước xuôi chạy gió buồm mềm / Muốn vô làm bé biết bền hay không?” cho hợp với vùng kinh xáng”.(7)
Riêng về giọng hò, thì các tay hò ở Cần Thơ đã rất lão luyện khi đưa “cái giọng ư ử cong quớt như đưa hơi thở về đỉnh non cao của điệu Cần Thơ”(8): “Hò ơ chiếc tàu tây chạy ngang cồn cát, xuồng câu tôm đậu sát mé nga. Anh thấy em có một mẹ già chớ anh muốn vô hoạn dưỡng biết là đặng không”.
Còn về làn hơi, so với cả vùng Hậu Giang, làn hơi của hò Cần Thơ “dài và có nhiều tính chất nghệ thuật hơn nhất”(9): “Cây vông đồng không trồng nó mọc, còn rễ vông đồng nằm dọc nằm ngang.
Trái dưa gang sọc dài sọc vắn, còn ngọn rau đắng trong trắng ngoài xanh. Anh có thương em thì đừng vỗ đừng dành, chờ nơi phụ mẫu định đành em sẽ ưng”.
Đó là những câu hò đậm dấu ấn tinh thần của con người vùng sông nước Cần Thơ, thể hiện tâm tư tình cảm, nhắn gởi về người yêu và người thân nỗi niềm tâm sự.
Vì vậy mà ở Cần Thơ ngày trước: “Từ sáng sớm tinh sương cho đến khi chiều xuống, lúc lên đèn từ ruộng đồng rẫy bái đến bến nước dòng sông đây đó vẫn còn vang lên những câu hò mái dài, hò cấy, hò huê tình.
Những làn điệu còn lưu truyền đến nay đã khắc sâu vào tâm hồn biết bao thế hệ người dân Cần Thơ thành một trong những nguồn mạch nuôi lớn tâm hồn, tạo nên phong cách của hò sông Hậu với lời ăn tiếng nói dịu dàng, chân chất đằm thắm mà cũng rất thiết tha.
Năm tháng dẫu qua đi, cuộc đời dù biến đổi, những câu hò vẫn còn mãi như những lời vàng đá không phai”.(10)
..................
(1) Nguyễn Văn Hầu (2012), Văn học miền Nam lục tỉnh, tập 1, Nxb Trẻ, tr.194.
(2) Nguyễn Văn Hầu, Sđd, tr.195.
(3) Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cần Thơ (2002), Địa chí Cần Thơ, tr.551.
(4) Lê Thị Dung (2005), Hò Nam Bộ, trong cuốn Nam Bộ đất và người, tập 3, Nxb Trẻ, tr.350.
(5)Địa chí Cần Thơ, Sđd, tr.552-553.
(6)Bảo tàng Cần Thơ (2005), VCD Hò Cần Thơ, ngày 05 tháng 10.
(7) Sơn Nam (2005), Tìm hiểu đất Hậu Giang và Lịch sử đất An Giang, Nxb Trẻ, tr.119-120.
(8) Nguyễn Văn Hầu, Sđd, tr.213.
(9) Phạm Duy (2017), Đặc khảo về dân nhạc ở Việt Nam, Nxb Thế Giới, tr.74.
(10) Bảo tàng Cần Thơ, Tlđd.
Theo TRẦN PHỎNG DIỀU (Báo Cần Thơ)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin