Tâm sự của vợ lính nơi tuyến đầu chống dịch

08:04, 07/04/2020

Thơ khởi nguồn từ tấm lòng, từ tình cảm chân thành của tác giả. Vì vậy, có những nhà thơ chuyên nghiệp nhưng nếu thiếu rung động thực sự trước hiện thực đời sống thì chưa hẳn đã có thơ hay. 

Tâm sự của người vợ lính ở tuyến đầu

NGUYỄN THỊ KIM SEN

Hai tháng rồi phải không anh?

Hai tháng rồi anh chưa về thăm mẹ

Căn nhà nhỏ gió lùa khe khẽ

Mẹ nhớ anh nhiều cứ ngơ ngẩn vào ra

Bữa cơm cuối tuần thiếu vắng bóng cha

Con cứ hỏi em: Ba khi nào về hỡi mẹ?

Con nói hồn nhiên rõ là con trẻ

Mẹ lại buồn gạt nước mắt thật nhanh.

Chống dịch trận này vất vả phải không anh?

Kiểm soát đường mòn

Tăng cường chốt chặn

Phòng độc khử trùng

Chăm sóc người nhập cảnh

Anh ở tuyến đầu phải chấp nhận hy sinh.

Cái giá nào phải trả cho yên bình?

Chiều nay em nhận tin đồng đội anh kiệt sức

Những bữa cơm rừng

Những đêm ngủ đất

Biên giới xa nhà, xa mẹ xa cha.

Nhưng em biết Đất Việt của chúng ta

Bộ đội Cụ Hồ là niềm tin tất thắng

Nhìn các anh, dân mình yên tâm lắm

Trận chiến này quyết thắng nghe anh!

Anh cứ yên tâm nhà mình vẫn yên lành

Em chăm sóc mẹ già và con trẻ

Chỉ nhớ anh thôi nhưng sẽ là nỗi nhớ

Anh dũng, kiên trinh của vợ lính ở tuyến đầu.

Thơ khởi nguồn từ tấm lòng, từ tình cảm chân thành của tác giả. Vì vậy, có những nhà thơ chuyên nghiệp nhưng nếu thiếu rung động thực sự trước hiện thực đời sống thì chưa hẳn đã có thơ hay. 

Ngược lại, có người chỉ viết nghiệp dư, nhưng khi hòa nhịp đập trái tim mình vào các sự kiện nóng bỏng, biết rung ngân trước buồn vui, được mất của cuộc đời lại dễ tạo thành những thi phẩm làm người đọc rưng rưng nước mắt. Đó đích thị là thơ hay vậy! Tôi muốn nói đến bài thơ “Tâm sự của người vợ lính ở tuyến đầu” của cô giáo dạy Ngữ văn Trường THPT Đắk Mil (Đắk Nông) được lan truyền trên mạng xã hội trong những ngày qua.

Bài thơ khá dài, tôi trích phần lớn để bình phẩm nhằm góp phần làm sáng rõ thêm giá trị nội dung và nghệ thuật tác phẩm, xem đó như một ân tình cảm tạ trước tâm hồn cao đẹp của cô giáo Nguyễn Thị Kim Sen khi nghĩ về những vất vả, hy sinh mà người lính phải đương đầu trong tháng ngày chống dịch.

Như ở nhan đề bài thơ, đây là lời một người vợ lính có chồng đang làm nhiệm vụ trong tuyến đầu chống dịch COVID- 19. Vì vậy, từ giọng điệu cho đến ngôn ngữ xuyên suốt bài thơ của nhân vật trữ tình hết sức nhẹ nhàng, tha thiết. Lời tâm sự, động viên tuy mộc mạc, đơn sơ nhưng lại vô cùng cảm động.

Phải nói rằng, cô giáo Nguyễn Thị Kim Sen đã hóa thân một cách tài tình vào nỗi niềm chung của những người phụ nữ có chồng là người lính trong đời thật để chuyển tải thật đúng tâm trạng phổ quát ấy, làm nên hiệu ứng cảm xúc lan tỏa đặc biệt đến với chúng ta.

Trong 2 khổ thơ đầu, tác giả Nguyễn Thị Kim Sen đã giới thiệu hoàn cảnh gia đình người lính ở hậu phương cũng bình thường như bao gia đình khác: một mẹ già, một vợ trẻ và đứa con thơ dại.

Trước khi chưa có dịch bệnh, người lính thường trở về vào dịp cuối tuần, được ngồi ăn bữa cơm với gia đình trong niềm vui êm ấm. Hạnh phúc bình dị, đơn sơ ấy đã không còn nữa từ hơn 2 tháng nay, kể từ khi dịch COVID-19 bắt đầu dấy lên sự lo ngại trong toàn xã hội.

Sự tinh tế của tác giả là trước khi nói về tâm trạng người vợ ở cuối bài, Nguyễn Thị Kim Sen đã khiến người đọc bùi ngùi khi đưa hình ảnh người mẹ già và căn nhà nhỏ “gió lùa khe khẽ” như một điểm nhấn để chuyển tải cảm xúc, đặc biệt câu hỏi tu từ mở đầu bài thơ và sự lặp lại cụm từ “hai tháng rồi” cứ day dứt như một sự trớ trêu, nghiệt ngã mà dịch bệnh gây ra:

“Hai tháng rồi phải không anh?

Hai tháng rồi anh chưa về thăm mẹ

Căn nhà nhỏ gió lùa khe khẽ

Mẹ nhớ anh nhiều cứ ngơ ngẩn vào ra”

Điều thương cảm nhất là hình ảnh đứa con thơ dại đang tuổi học nói nhớ ba trong bữa cơm cuối tuần vắng người lính hiện lên thật xúc động. Đứa trẻ không khóc, không đòi, chỉ hồn nhiên hỏi “ba khi nào về hỡi mẹ?” đã làm ta nghẹn trào nước mắt.

Chính điều ấy làm mẹ của người lính thêm một lần “gạt nước mắt thật nhanh” vì lo lắng và thương nhớ con mình. Cái hay ở đây là tác giả Nguyễn Thị Kim Sen chưa nói gì đến tâm trạng của người vợ lính- vốn là nhân vật trữ tình chính yếu trong bài thơ.

Chị lặng lẽ giấu những giọt lệ mình sau trạng thái “ngơ ngẩn vào ra”, “gạt nước mắt thật nhanh” của mẹ chồng và câu hỏi của đứa con nhỏ dại. Vậy nhưng người đọc vẫn nhận ra một tâm trạng quặn đau, một nỗi lòng nhớ thương mãnh liệt từ thẳm sâu trái tim người vợ lính chờ chồng. Tôi nghĩ, thơ viết như thế là khéo, là tài hoa trong nghệ thuật biểu đạt cảm xúc vậy.

Đến 2 khổ thơ 3 và 4, tác giả miêu tả hoàn cảnh khó nhọc, gian lao và nguy hiểm của người lính trong tuyến đầu chống dịch. Những dòng thơ được rút ngắn, vắt dòng; giọng thơ gấp gáp, mạnh mẽ hơn đã nói được phần nào công việc bộn bề, hành động dũng cảm nơi chiến trường không tiếng súng mà người lính đang dấn bước.

Kẻ thù của người lính lúc này không hiện ra trước mắt mà là những con vi rút ẩn tàng, là môi trường dịch bệnh và biên giới xa xôi dễ có nguy cơ thâm nhập và lây nhiễm sâu vào đời sống xã hội.

Nhân vật trữ tình người vợ hỏi “vất vả phải không anh?” nhưng là để thấu cảm, sẻ chia với những hy sinh thầm lặng mà người lính ngày đêm gánh chịu. Đó cũng chính là tấm lòng cảm thông của nhân dân hậu phương với những người lính nơi tuyến đầu chống dịch:

“Chống dịch trận này vất vả phải không anh?

Kiểm soát đường mòn

Tăng cường chốt chặn

Phòng độc khử trùng

Chăm sóc người nhập cảnh

Anh ở tuyến đầu phải chấp nhận hy sinh”

Sau những vất vả, gian lao trong cuộc chiến chống dịch bệnh này, người lính có lúc cũng gần như kiệt sức. Đó là một hiện thực khốc liệt không thể nào tránh khỏi khi họ làm nhiệm vụ thiêng liêng để bảo vệ sự bình yên cho muôn dân và đất nước.

Nếu trong thời chiến, ta bắt gặp một hình tượng người lính Tây Tiến với hành trình gian khổ giữa núi rừng miền Tây Bắc: “Anh bạn dãi dầu không bước nữa/ Gục lên súng mũ bỏ quên đời”, thì trong thời điểm chống dịch COVID- 19 này, vẻ đẹp của người lính Cụ Hồ hiện lên cũng không kém phần bi tráng:

“Cái giá nào phải trả cho yên bình?

Chiều nay em nhận tin đồng đội anh kiệt sức

Những bữa cơm rừng

Những đêm ngủ đất

Biên giới xa nhà, xa mẹ xa cha”

Bài thơ khép lại bằng tình cảm và niềm tin tuyệt đối vào vai trò của người lính trong thời đại mới. Tình yêu ấy xuất phát từ tình cảm yêu thương mà nhân dân trân trọng dành cho người lính suốt tháng ngày dịch họa. Lẽ “quyết thắng” mãi mãi là vẻ đẹp tâm hồn và ý chí tỏa ra từ hình tượng người lính dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Người vợ lính trung trinh, anh dũng tuyệt vời kia cũng đã góp cùng chồng chiến công trong những ngày chống dịch bằng tình yêu, sự đợi chờ và nỗi nhớ thương từ sâu thẳm trái tim mình. Nỗi nhớ về anh sẽ là nỗi nhớ đẹp nhất, là bài ca hạnh phúc lứa đôi đầy tinh thần trách nhiệm “khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau”:

“Anh cứ yên tâm nhà mình vẫn yên lành

Em chăm sóc mẹ già và con trẻ

Chỉ nhớ anh thôi nhưng sẽ là nỗi nhớ

Anh dũng, kiên trinh của vợ lính ở tuyến đầu.”

“Tâm sự của người vợ lính ở tuyến đầu” là bài thơ giàu cảm xúc, thể hiện nỗi niềm của người vợ trẻ sau tháng ngày xa cách chồng để người lính hoàn thành nhiệm vụ cao cả của mình với nhân dân, đất nước. 

Chân thành, bộc trực qua một ngôn ngữ thơ bình dị, nhẹ nhàng, tác giả Nguyễn Thị Kim Sen đã làm hết thảy chúng ta xúc động và tự hào về người lính Cụ Hồ trong tháng ngày chống dịch. Quả vậy, lúc Tổ quốc cần, vẻ đẹp sáng ngời của hình tượng người lính lại được thơ ca chắp cánh bay lên và lần này là qua lăng kính của một hồn thơ biết đồng cảm, yêu thương trước mỗi phận người.

LÊ THÀNH VĂN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh