Tập ba bộ sách 'Tạp ghi Việt Sử Địa' phân tích về chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa

03:03, 19/03/2020

Tập thứ ba của bộ sách bốn tập "Tạp ghi Việt Sử Địa" vừa được phát hành với những ghi chép thuộc loại tài liệu quý chưa từng được công bố của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu.

Tập thứ ba của bộ sách bốn tập “Tạp ghi Việt Sử Địa” vừa được phát hành với những ghi chép thuộc loại tài liệu quý chưa từng được công bố của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu.

“Tạp ghi Việt Sử Địa” là bộ sách nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu dày công ghi chép trong nhiều năm liền. Bộ sách do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành trên toàn quốc nhân dịp sinh nhật lần thứ 100 của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu.

Bìa sách
Bìa sách "Tạp ghi Việt Sử Địa" tập 3 vừa được phát hành trên toàn quốc.

Nội dung trong bộ sách này sẽ giúp bạn đọc có thêm nhiều tư liệu quý liên quan đến địa lý, lịch sử dân tộc; tìm hiểu thêm một số nhân vật thường bị đánh giá về công tội khác nhau. Đặc biệt, nhiều ghi chép của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu thuộc loại tài liệu quý chưa từng được công bố rộng rãi. Cụ thể là những bài viết, phân tích khoa học về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các bài viết về xuất xứ của địa danh Cochinchina mà theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu là “rất nhiều người Việt cũng như người nước ngoài vẫn còn mơ hồ và nhầm lẫn tai hại”…

"Tạp ghi Việt Sử Địa" (tập 3) cùng với các tập 1 và tập 2 trước đây, khi xuất bản được nhiều bạn đọc đánh giá là lọc ra được nhiều "tinh túy". Ngoài giá trị thiết thực về tư liệu lịch sử, địa lý, văn hóa, sách Việt Sử Địa được viết bằng lối văn gần gũi, súc tích, cô đọng, dễ dàng khơi gợi bạn đọc trẻ thêm yêu, thêm tò mò và hứng thú với lịch sử đất nước Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu sinh năm 1920, suốt cuộc đời ông dành thời gian nghiên cứu về địa lý, lịch sử vùng Nam bộ, Nam Trung bộ. Ông là người có bộ sưu tập bản đồ lớn nhất Việt Nam. Năm 2008, ông từng được trao giải thưởng nghiên cứu của Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh. Trước đó, năm 2005, ông từng nhận giải thưởng Trần Văn Giàu (2005) về công trình Nghiên cứu địa bạ và ruộng đất triều Nguyễn thuộc Nam kỳ lục tỉnh.

Ngoài 80 năm nghiên cứu, chính cuộc đời ông gắn với những biến cố, thăng trầm của lịch sử dân tộc trong thế kỷ 20 và các tác phẩm của ông cũng là những tài liệu quan trọng cho việc nghiên cứu, đối chiếu, tham khảo lẫn cung cấp kiến thức cho bạn đọc nhiều thế hệ.

Theo Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh