Dù sống xa quê nhưng đã thành thông lệ, cứ vào dịp giáp tết là tôi đều tranh thủ ít nhất một ngày để về quê làm cỏ mộ ông bà và phụ vợ chồng thằng em út dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón tết.
Dù sống xa quê nhưng đã thành thông lệ, cứ vào dịp giáp tết là tôi đều tranh thủ ít nhất một ngày để về quê làm cỏ mộ ông bà và phụ vợ chồng thằng em út dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón tết.
Năm nay, vừa về tới đình thì đã nghe tiếng thằng em, con chú Bảy hàng xóm: “Anh Hai mới dìa hả? Chị và mấy cháu khỏe hết hả anh?” Tôi cười, chưa kịp trả lời thì nó đã hồ hởi khoe: “Em mới cất nhà xong, anh coi, nhà như vầy đẹp hông?” Nhìn căn nhà khang trang, tôi không ngớt lời trầm trồ.
Chợt nhìn xuống bến, thấy bộ tranh kiếng cũ nằm chỏng chơ, tôi chột dạ: “Ủa, bộ tranh này… sao… sao mầy quăng nó nằm chèo queo ở bụi tầm vông vậy, Bé Năm?” Nó cười: “Bộ tranh cũ quá rồi anh Hai ơi! Anh coi, nhà mới như vầy mà treo bộ tranh đó coi hổng hợp chút nào.
Bữa tân gia, bạn em tặng bức tranh “Mã đáo thành công” cả triệu đồng, đẹp lắm!” Tôi trách: “Bộ tranh tuy cũ nhưng là kỷ niệm của ông Ba để lại, ráng mà giữ!”
Thằng Bé Năm cười: “Em biết! Hồi đó, tranh kiếng này nhà nào cũng có nhưng bây giờ… ở xóm này ai cũng chê quê nên bỏ gần hết rồi anh ơi. Ờ mà, hôm qua đi ngang nhà anh, em thấy thằng Út để mấy bộ tranh kiếng ngoài sân, chắc nó bỏ để treo tranh mới luôn rồi”. Nghe nói, tôi ba chân bốn cẳng chạy miết về nhà làm thằng Bé Năm ngơ ngác.
Vừa bước vào cửa, tôi thấy ngay bộ tranh “Thoại Khanh- Châu Tuấn” treo hai bên cửa buồng và hai bên vách vẫn là bộ tranh “Lục Vân Tiên- Kiều Nguyệt Nga” mà thằng Út- em tôi đã lau chùi cẩn thận.
Thằng Út từ nhà sau bước lên, chưa kịp chào hỏi, tôi đã ôm chầm lấy nó: “Cảm ơn em! Cảm ơn em! Út ơi!” Thằng Út thấy lạ, đẩy tôi ra, ngơ ngác. Quệt mấy giọt nước vừa rịn ra từ hai khóe mắt rồi chỉ tay lên hai bộ tranh kiếng của gia đình, tôi khóc!
Hai bộ tranh cũ, cái tủ thờ Gò Công, bộ ngựa gõ nhẵn bóng,… lại gợi trong tôi về ông bà nội, về ba má, những người thân yêu nhất, từng sống trong ngôi nhà này giờ đã về cõi vĩnh hằng.
Chuyện xưa tích cũ từ hai bộ tranh mà nội kể, có đoạn được minh họa bằng thơ đến giờ tôi không còn nhớ nhiều, nhưng những bài học làm người và nhân nghĩa ở đời tôi vẫn còn nhớ như in. Đó là nàng dâu hiếu thảo Thoại Khanh giữ tiết, vất vả nuôi mẹ chồng.
“Lão bà thấy thịt kêu con
Thịt gì cho mẹ ăn ngon làm vầy?
Thoại Khanh chẳng để mẹ hay
Dối rằng là thịt ông thầy bỏ rơi”
Thoại Khanh đã cõng mẹ tìm chồng, giữa rừng khuya phải lóc thịt mình để nuôi mẹ và nói dối là thịt rừng do cọp bỏ lại. Lòng hiếu thảo ấy của một nàng dâu không chỉ cảm động lòng người mà đến cọp, loài vật hung tợn cũng phải thương tình cõng hai mẹ con vượt rừng sâu núi thẳm.
Còn với bộ tranh “Lục Vân Tiên- Kiều Nguyệt Nga” treo hai bên vách thì nội hay nói thơ hoặc ngâm thơ Vân Tiên cho con cháu nghe. Qua câu chuyện, nội nhắc nhở anh em tôi nên tránh làm điều xấu, điều ác như Trịnh Hâm, Bùi Kiệm.
Và qua đó, tôi đã khắc sâu hình ảnh của chàng Vân Tiên chính trực, khẳng khái, hành hiệp trượng nghĩa; nàng Nguyệt Nga đằm thắm, nết na, dịu dàng, mực thước và thủy chung hay ông Tiều, ông Ngư không màng danh lợi, thong dong tự tại nhưng giàu lòng nhân ái.
“Ngư rằng: Lòng lão chẳng mơ
Dốc lòng nhơn nghĩa há chờ trả ơn
Nước trong rửa ruột sạch trơn
Một câu danh lợi chi sờn lòng đây”.
Ngoài tranh kiếng, nội tôi, ba tôi còn thích treo hai bên vách nhà loại tranh truyện dân gian vẽ trên giấy, mỗi bộ bốn tấm như: Sự tích trầu cau, con Tấm- con Cám, Phạm Công- Cúc Hoa, Lâm Sanh- Xuân Nương,… Tranh truyện dân gian vừa để trang trí, vừa thưởng thức được nét vẽ tinh tế của họa sĩ mà cũng vừa để giáo dục con cháu.
Tiếc rằng, tranh giấy sẽ không bền theo thời gian cho nên bây giờ, dù có luyến tiếc, có hoài cổ cũng không sao tìm được trên thị trường loại tranh có lẽ đã mai một thành quá khứ.
Lần về quê này, tôi buồn vì nhiều người dân trong xóm đã “vô tình với quá khứ”. Thật ra, trong thời buổi hiện nay, để trang trí trong nhà từ bình dân đến hiện đại có rất nhiều loại tranh, ảnh đẹp, bắt mắt để đáp ứng nhu cầu thị hiếu cho nhiều đối tượng.
Nhưng tôi vẫn yêu tranh kiếng và luyến tiếc tranh truyện dân gian trong ngôi nhà ba gian Nam Bộ ở quê nhà. Chúng mãi là miền ký ức ngọt ngào thuở ấu thơ bên người thân và sẽ là những lời nhắc nhở mỗi khi mình vấp ngã hoặc bước sai đường.
NGUYỄN LINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin