Nữ giới trong ngành công nghiệp điện ảnh

11:03, 08/03/2020

Những năm gần đây, vai trò của nữ giới có sự thay đổi đáng kể trong lĩnh vực điện ảnh - vốn được coi là địa phận thống lĩnh của nam giới. 

Những năm gần đây, vai trò của nữ giới có sự thay đổi đáng kể trong lĩnh vực điện ảnh - vốn được coi là địa phận thống lĩnh của nam giới. 

“Black Widow” dự kiến ra mắt vào tháng 4.
“Black Widow” dự kiến ra mắt vào tháng 4.

Chỗ đứng mới

Theo nghiên cứu của Trường Đại học UCLA, trong số 200 phim điện ảnh nói tiếng Anh hàng đầu năm 2017 mà báo cáo này khảo sát, có 21 đạo diễn nữ. Mặc dù chỉ chiếm 12,6% nhưng số lượng đạo diễn nữ đã tăng gấp đôi so với năm 2016.

Báo cáo cũng ghi nhận, ngày càng có nhiều đạo diễn nữ tham gia vào sản xuất phim. Trong 100 phim có doanh thu cao nhất năm 2019, phim do nữ đạo diễn, sản xuất, biên kịch chiếm khoảng 20% (năm 2018 chỉ chiếm 16%).

Đáng chú ý hơn là sự tham gia của nữ giới trong vai trò là đạo diễn các phim hành động bom tấn thương hiệu. Người mở lối tiên phong là Patty Jenkins - đạo diễn nữ của “Wonder Woman” (2017). Doanh thu 821 triệu USD của “Wonder Woman” đã giúp con đường làm phim của các đạo diễn nữ cũng thông thoáng hơn, nhiều người được giao đảm nhận các dự án phim siêu anh hùng.

Anna Boden làm đồng đạo diễn phim “Captain Marvel”, hay Cate Shortland làm “Black Widow”, Cathy Yan chỉ đạo “Birds of Prey”, còn Chloé Zhao đạo diễn phim “The Eternals”, Niki Caro với “Mulan”, Patty Jenkins trở lại tiếp tục với “Wonder Woman 1984”... Ngoại trừ “Captain Marvel” ra mắt thành công năm 2019, thì các phim còn lại đều phát hành trong năm 2020. 

Stacy L.Smith, nhà nghiên cứu hoạt động ngành giải trí, cho biết có tới 14 trong số 100 phim đạt doanh thu cao nhất năm 2019 do phụ nữ làm đạo diễn.

Đến nay, những bộ phim này chiếm khoảng 1,23 tỉ USD doanh thu nội địa và 2,79 tỉ USD doanh thu toàn cầu trong năm, trong đó phải kể đến bom tấn “Captain Marvel” và “Frozen 2”. Giá trị kinh tế mà họ đem lại giúp xóa bỏ phần nào những định kiến về phụ nữ trong công nghiệp phim ảnh.

Nicholas Barber, trong bài viết tổng kết điện ảnh thế giới 10 năm qua, đã khẳng định sự lên ngôi của nữ quyền. Phụ nữ không chỉ đảm đương mọi khâu trong sáng tạo nghệ thuật, mà còn được khẳng định ở rất nhiều loại hình nghệ thuật khác.

Còn Variety cũng khẳng định đó là cú thúc đẩy lớn trong ngành công nghiệp phim ảnh, mang đến nhiều cơ hội hơn cho phụ nữ, được công nhận hơn trong mùa giải thưởng.

Vẫn kiên trì đấu tranh

Để có được chỗ đứng và sự thay đổi hiện nay, nữ giới đã có quá trình đấu tranh và nỗ lực xây dựng những phong trào bình đẳng giới.

Đáng ghi nhớ là “#MeToo” được khởi xướng lại vào năm 2017, phơi bày mặt trái của nhiều nền công nghiệp giải trí. Đó là tình trạng nữ nghệ sĩ thường xuyên bị quấy rối, tấn công tình dục.

“#MeToo” được nhà hoạt động xã hội người Mỹ Tarana Burke khởi xướng từ năm 2006, nhưng chỉ thực sự gây chấn động khi năm 2017 nữ diễn viên Alyssa Milano phanh phui bê bối tình dục của Harvey Weinstein - người có quyền lực bậc nhất trong làng điện ảnh Mỹ.

Sau một đêm, đã có 50.000 người phản hồi bài viết của cô, trong đó có Salma Hayek, Gwyneth Paltrow, Angelina Jolie...

Phong trào này sau đó lan rộng toàn cầu. Malhaar Rathod, một ngôi sao Bollywood mới nổi, chia sẻ rằng nhờ phong trào bảo vệ nữ quyền “#MeToo” mà cô mạnh mẽ và chống lại những quy tắc ngầm ở Bollywood. Rathod từng bị yêu cầu phải cởi đồ mới được giao vai diễn.

Điều này được xem là quy tắc “ghế thử vai” ở Bollywood dành cho các diễn viên nữ. Nhờ “#MeToo” mà nhiều người mới lên tiếng tố cáo tình trạng trên.

Nhiều ngôi sao nữ còn đóng góp tích cực cho đấu tranh đòi quyền bình đẳng giới. Tiêu biểu như “Time’s Up” nhằm thay đổi môi trường làm việc cho nữ giới, hướng đến an toàn và công bằng hơn thông qua luật và các chính sách.

“Time’s Up” đặc biệt hướng tới phụ nữ trong các ngành công nghiệp có mức lương thấp và phụ nữ da màu; thu hút hơn 300 nữ diễn viên, đạo diễn, biên kịch, quản lý, nhà sản xuất, giám đốc công ty giải trí... tham gia. 

Các Liên hoan phim quốc tế (LHP) cũng đã bắt đầu hướng đến nữ quyền. Mới đây, LHP Berlin 2020 công bố dữ liệu từ “Cam kết 5050x2020”, đặt tiền đề bình đẳng giới.

Theo đó, các LHP tham gia “Cam kết 5050x2020” phải công bố thông tin về giới tính và dân tộc của ban điều hành, các thành viên ủy ban tuyển chọn, đạo diễn, diễn viên và cả đoàn làm phim. 

Heather Rabbatts, Chủ tịch “Time’s Up”, nói: “Tôi nghĩ việc bình đẳng tại các LHP là điều rất khó thực hiện, nhưng dữ liệu của Berlin là một tiến bộ rất đáng hoan nghênh”.

So với số phim của đạo diễn nữ tranh giải tại LHP Cannes (4/21 phim) và LHP Venice (2/21 phim) thì tại LHP Berlin 2020 số lượng phim do phụ nữ làm đạo diễn chiếm 39,7% và 6 trong số 18 phim tranh giải là của đạo diễn nữ.

Anna Serner, Giám đốc Viện phim Thụy Điển, người sáng lập “Cam kết 5050x2020”, khẳng định: “Chúng tôi đang đi đúng hướng.

Tuy nhiên, đạt được tỷ lệ bình đẳng 50/50 trong ngành công nghiệp điện ảnh là điều không dễ. Chúng tôi sẽ hướng đến tương lai với các mục tiêu mới hơn”.

“Cam kết 5050x2020” sẽ đổi tên thành “50/50 for the future” và mở rộng ra ngoài Hollywood, quan tâm nhiều hơn đến phụ nữ da màu.

Theo BẢO LAM/Báo Cần Thơ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh