Nghệ sĩ ưu tú, nhạc sĩ Huỳnh Khải đã nhận xét như vậy về quyển sách "Khát vọng đất Chín Rồng" của nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Minh Thơ, do NXB Văn hóa - Văn nghệ vừa xuất bản.
Nghệ sĩ ưu tú, nhạc sĩ Huỳnh Khải đã nhận xét như vậy về quyển sách “Khát vọng đất Chín Rồng” của nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Minh Thơ, do NXB Văn hóa - Văn nghệ vừa xuất bản.
Đó là một cuốn sách rất dày và rất công phu, thể hiện những chuẩn mực và khúc thức bài bản của đờn ca tài tử với cách thể hiện khúc chiết, giàu cảm xúc. Dù rằng, tác giả đã ở tuổi ngoài “thất thập”.
Quyển “Khát vọng đất Chín Rồng”. |
NNƯT Minh Thơ chia sẻ với chúng tôi ý định viết cuốn sách này rằng, muốn góp một chút gì cho đờn ca tài tử quê hương, nhất là nhân sự kiện TP Cần Thơ đăng cai tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia vào năm 2020. Tuổi 73, NNƯT Minh Thơ vẫn còn hào sảng, tinh tường và rành rẽ những khúc thức lời ca.
Trong ngôi nhà phía sau sân vận động quận Ô Môn, ngày ngày người nghệ nhân già vẫn miệt mài bên trang giấy, ngồi viết lời mới cho bài bản tài tử, vẫn hay ngâm nga “Ngũ đối thượng”, “Long đăng”, “Vạn giá”… để nuôi cho mình những xúc cảm mới. Hễ có bạn tri âm tới nhà, muốn nghe chuyện Đờn ca tài tử, ông hết lòng sẻ chia.
Nào là ông mới vừa viết cả 20 câu vọng cổ nhịp 32 - chuyện lạ lùng mà lâu nay không ai làm (thay vì 6 câu, hoặc 4 câu như thường thấy); hay là ông mạnh dạn viết đến 239 câu Liên Nam…
Với quyển “Khát vọng đất Chín Rồng”, NNƯT Minh Thơ chia làm 3 phần, đi sâu vào những mảng lớn của Đờn ca tài tử. Phần 1 là giới thiệu 20 bài bản Tổ với Bắc, Nam, Lễ, Oán và thể điệu Liên Nam, Liên Bắc, Liên Nam - Bắc - Oán.
Trong phần 2, NNƯT Minh Thơ kể về hành trình phát triển của bản vọng cổ, từ nhịp đôi, nhịp tư… nhân đôi nhịp lên đến nhịp 32 như bây giờ. Một số bài vọng cổ 4 câu nhịp 32 được NNƯT Minh Thơ giới thiệu trong phần 3 của quyển sách.
Nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Khải chia sẻ: “Song song với giá trị bảo tồn nghệ thuật Đờn ca tài tử, soạn giả Minh Thơ đã giới thiệu trong quyển sách “Khát vọng đất Chín Rồng” nhiều điểm mới, được hình thành trong thời kỳ phát huy Đờn ca tài tử hơn 40 năm qua”.
Cũng theo nhạc sĩ Huỳnh Khải, dấu ấn mà NNƯT Minh Thơ để lại trong quyển sách này ở nhiều góc độ: nội dung, khúc thức bài bản, văn phong…
Trong đó, NNƯT Minh Thơ đã chuyển tải nội dung về quê hương, đất nước, tình đất tình người đầy tự tình.
Về khúc thức bài bản, ông đã khéo léo vận động tính cổ truyền, mẫu mực và những biến tấu mới của Đờn ca tài tử, để chứng minh tính ứng dụng, hợp thời của loại hình nghệ thuật này.
Nhạc sĩ Huỳnh Khải chia sẻ ấn tượng: “Văn phong được dùng ở các bài ca của soạn giả Minh Thơ trong quyển “Khát vọng đất Chín Rồng” để lại nhiều dấu ấn đẹp về sự đa dạng của phương ngữ Nam bộ”.
NNƯT Minh Thơ vẫn còn rất say sưa, tâm huyết với Đờn ca tài tử, dù rằng tuổi đã 73. Có gì phát hiện mới ông vẫn thường “alo” chia sẻ với chúng tôi với đầy sự hào hứng.
Như mới đây, dù đôi chân sau lần phẫu thuật khớp đã không còn mạnh khỏe, nhưng ông vẫn chạy xe máy về vùng Trường Lạc tìm dấu ấn của nhà văn Hồ Biểu Chánh để viết bài ca tài tử.
Đọc một mẩu chuyện về cậu học trò học giỏi làm rạng danh đất học Tây Đô, ông cũng “alo” hỏi thêm cho tường tận rồi viết bài ca. Người nghệ sĩ của Đoàn Văn Công Cần Thơ năm xưa giờ vẫn giữ cho mình niềm đam mê như thế.
Chia sẻ về Đờn ca tài tử bây giờ, NNƯT Minh Thơ cho rằng, 20 bài bản Tổ là di sản của tiền nhân để lại. Trách nhiệm của thế hệ hôm nay và mai sau là phát huy và làm phong phú, đa dạng hơn Đờn ca tài tử bằng việc sáng tác bài bản mới.
Ông lấy ví dụ về việc nếu như nhóm của nhạc sĩ Nhị Tấn ở TP Hồ Chí Minh có thử nghiệm lấy 3 câu đầu của 7 bài Hạ để soạn thành bản “Tam Thủ Hạ” thì đối trọng lại, nhóm soạn giả Trọng Huỳnh, Văn Quýt ở Cần Thơ lại lấy 3 câu cuối và đặt tựa “Tam Vĩ Hạ”.
Ngay cả ông, chuyện ông viết 20 câu vọng cổ - theo đúng nguyên mẫu 20 câu bản “Dạ cổ hoài lang” cũng là một sự tìm tòi với tâm nguyện gìn giữ nét xưa.
Theo Báo Cần Thơ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin