"Tôi nói gì khi nói về chạy bộ"

09:03, 22/03/2020

Lần đầu tiên tôi đọc cuốn "Tôi nói gì khi nói về chạy bộ" của Haruki Murakami là cách đây 3 năm. Đọc, nhưng không thật sự cảm nên chỉ đọc dở nửa chừng. Tuần vừa rồi, trong một đêm mất ngủ, vô tình thấy bức ảnh ghi lại khoảnh khắc bệnh nhân 87 tuổi nhiễm COVID-19 cùng bác sĩ Vũ Hán ngắm hoàng hôn sau hơn một tháng không thấy mặt trời vào ngày 5/3 tại Bệnh viện Renmin, tôi lại lấy quyển sách ra đọc và thật sự muốn xỏ giày ngay và chạy…

 

Haruki Murakami chia sẻ trải nghiệm chạy bộ và mang đến những bài học triết lý sâu sắc.
Haruki Murakami chia sẻ trải nghiệm chạy bộ và mang đến những bài học triết lý sâu sắc.

Lần đầu tiên tôi đọc cuốn “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” của Haruki Murakami là cách đây 3 năm. Đọc, nhưng không thật sự cảm nên chỉ đọc dở nửa chừng.

Tuần vừa rồi, trong một đêm mất ngủ, vô tình thấy bức ảnh ghi lại khoảnh khắc bệnh nhân 87 tuổi nhiễm COVID-19 cùng bác sĩ Vũ Hán ngắm hoàng hôn sau hơn một tháng không thấy mặt trời vào ngày 5/3 tại Bệnh viện Renmin, tôi lại lấy quyển sách ra đọc và thật sự muốn xỏ giày ngay và chạy…

Haruki Murakami là nhà văn Nhật Bản nổi tiếng với nhiều tiểu thuyết thuộc hàng bán chạy nhất thế giới như “Rừng Na Uy”, “Kafka bên bờ biển”, “Biên niên ký chim vặn dây cót”… Không quá u buồn và sâu lắng những tầng nghĩa như nhiều tác phẩm trước, “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” giản dị, nhẹ nhàng, xen kẽ hài hước và cả những tự sự đưa độc giả bắt gặp chính mình trong những trải nghiệm về chạy bộ của tác giả.

Lật trang sách mà chính bạn cảm nhận từng chút hân hoan khi về đích, chua xót của kẻ thua cuộc. Đâu đó trong tác phẩm, bạn cũng sẽ bắt gặp được những so sánh hay ho về cuộc sống, về mối quan hệ giữa vận động thể chất và lao động tinh thần, bản chất công việc sáng tạo.

Haruki Murakami đưa độc giả đồng hành cùng ông trong một phần cuộc đời, từ công việc điều hành quán rượu đến quyết định kiếm sống bằng nghề viết lách, từ những ngộ nhận đầu tiên về chạy bộ cho đến cú ultra marathon 100km để đời.

Độc giả cũng sẽ cùng ông trải nghiệm cảm giác chạy bộ trên những con đường tại Boston, New York, quanh ngôi đền ở Tokyo, vượt 26,2 dặm xuất phát từ Athens đến thị trấn Marathon giữa mùa hè, hành trình mà những người bạn Hy Lạp của ông đều thốt lên “chẳng ai có đầu óc tỉnh táo lại nghĩ đến chuyện đó”.

Lần đầu tiên tôi trải nghiệm cảm giác chạy bộ thôi nhưng cũng có thể viết “tình” đến thế. Trong guồng quay cuộc sống, vì có quá nhiều thứ phải nghĩ, quá nhiều nỗi âu lo, lỗi lầm chưa sám hối, còn giấc mơ chưa thành… thì việc ngồi yên và để cho đầu óc rỗng không là một việc quá khó.

Murakami “mách” cho độc giả cách tập trung vào từng bước chạy và từng hơi thở. Nếu có âm vang nào trong đầu, thì có lẽ cũng chỉ là những câu: “cố lên, nốt cái kia nữa, nào mày làm được mà”.

Không một suy nghĩ nào có thể kéo dài quá lâu khi ta chạy. Và theo những giọt mồ hôi, tâm hồn ta bỗng dưng được thanh tẩy. Không chỉ trong từng bước chạy, mà bất cứ việc gì ở đời, nếu có thể tập trung và làm hết sức mình thì công sức bạn bỏ ra luôn được đền đáp.

Với Murakami, “nếu tôi lấy bận bịu làm cái cớ để không chạy, tôi sẽ không bao giờ chạy lại được nữa. Tôi chỉ có một ít lý do để tiếp tục chạy, và vô số lý do để bỏ”.

Chạy bộ là câu chuyện của kỷ luật. Trên đường đua “marathon của một đời người”, khi còn trẻ chúng ta muốn thành công, tìm mọi cách để về đích thật nhanh. Nhưng khi bị đời quật ngã đau điếng, cho những bài học thử thách, có người sẽ đầu hàng. Những “chiến binh” chiến đấu đến cùng thì một ngày nào đó cũng về đích với lòng dũng cảm.

Thường chúng ta hay có niềm tin mãnh liệt rằng mục đích sống phải là một điều gì đó thật cao cả và lớn lao. Nhưng đôi khi nó lại được định nghĩa đơn giản như cách ngày mai thức dậy, thấy điều mình cần làm trong đời, sống mãnh liệt và trọn vẹn với điều đó, như vậy là đủ.

Murakami đã đặt tên cho cuốn sách theo cảm hứng của tác phẩm “Mình nói gì khi nói về chuyện tình” (What we talk about when we talk about love) của Raymond Carver. Từ đó cũng có thể thấy việc chạy bộ đối với ông là một tình yêu mãnh liệt và dai dẳng.

Murakami viết rằng: “Tôi luôn làm bất cứ thứ gì mình cảm thấy thích làm trong đời”. Chỉ 230 trang viết, Murakami truyền cảm hứng và sức mạnh để chúng ta bắt đầu những thói quen và sở thích trì hoãn từ lâu, háo hức và tin yêu để sống tốt, viết tốt và chạy tốt cho đến hết cuộc đời.

Giữa mùa dịch bệnh này, chạy bộ là môn thể thao tuyệt vời nhất cho… cộng đồng, khi bạn không phải giao tiếp với ai cả. Chỉ với một đôi giày, bạn đã có thể khởi đầu. Với chạy bộ, bạn có thể khởi đầu bất kỳ lúc nào, và chạy ở bất kỳ nơi nào bạn muốn. Và bạn chỉ có duy nhất một đối thủ phải đánh bại: chính mình.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh