Với mục đích góp vui với bạn đọc ở những ngày Xuân bằng những câu chuyện vặt vãnh nên trong trường hợp câu chuyện có mang nặng tính riêng tư, người viết xin mạn phép được giấu tên các nhân vật chính, thậm chí cả địa chỉ cụ thể, rất mong được thông cảm!
Với mục đích góp vui với bạn đọc ở những ngày Xuân bằng những câu chuyện vặt vãnh nên trong trường hợp câu chuyện có mang nặng tính riêng tư, người viết xin mạn phép được giấu tên các nhân vật chính, thậm chí cả địa chỉ cụ thể, rất mong được thông cảm!
Cán bộ kháng chiến cũng có đồn?
Đồn ở đây là một cứ điểm quân sự được xây dựng kiên cố để quân đồn trú từ đó bung ra kiểm soát một vùng nào đó. Thế nhưng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược vừa qua, chúng ta chống địch bằng cuộc chiến tranh nhân dân, nhân dân đùm bọc lực lượng kháng chiến ngay trong nhà của mình thì cần gì có đồn theo đúng nghĩa như thế!
Có điều ở tỉnh nhà trong giai đoạn nói trên, rõ ràng có thật một số đồn lính mang tên của cán bộ kháng chiến: Chuyện bắt đầu từ sau khi đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn bị ta nện cho một vố đau trong cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Với sự hỗ trợ của Mỹ về quân sự và tài chính, địch thực hiện âm mưu Việt Nam hóa chiến tranh tiến hành bình định cấp tốc xua quân lấn chiếm nhiều vùng giải phóng của ta.
Vùng nào chúng lấn được thì đóng đồn dày đặc để kiềm kẹp nhân dân, lực lượng ta phải bám trụ ở các căn cứ lõm đan xen giữa các đồn theo thế “cài răng lược”.
Đến năm 1971, tại một trong những trọng điểm bình định là tỉnh Vĩnh Long, địch đã đóng tới 840 cái đồn lớn nhỏ. Với mật độ như thế, các đồn chỉ cách nhau khoảng một hai cây số.
Đồn nhiều quá, không cần biết bọn địch đặt tên chúng như thế nào, riêng bà con ta thì cứ đồn đóng trên nền nhà ai thì mang tên người đó cho dễ nhớ.
Và với cách gọi này, nhiều cán bộ kháng chiến cũng “có” đồn là như vậy. Đơn cử như ở xã An Trường (huyện Càng Long- Trà Vinh) có đồn nổi tiếng vì cái tên “đồn Ba Tuyệt Mạng”.
Buồn cười là ông Ba Tuyệt Mạng lúc đó đang là tổ trưởng đảng tại ấp nhà, hàng ngày tích cực lo chuyện diệt cái “đồn của mình(1)”. Ở xã Trung Ngãi (Vũng Liêm), địch đóng đồn trên nền nhà đồng chí Bảy Báo (tên thật là Châu Công Tính, lúc đó ông đang là cán bộ lãnh đạo Ban Tuyên huấn huyện) nên ai cũng gọi đồn đó là “đồn Bảy Báo”.
Cách gọi như thế nên cán bộ kháng chiến bị mang tiếng “có đồn” ở các địa phương kể không hết, có chuyện kể là trong các cuộc họp của lực lượng ta bàn việc bứt hàng bứt rút đồn địch, có đồng chí vì quá hăng máu quên cả “chủ đồn” cũng đang có mặt đã lớn tiếng đòi “Quánh chết mẹ cái thằng… (tên đồn)” khiến ông “chủ đồn” bị nêu đích danh chỉ còn nước rờ râu… cười!
“Tôi bị nặng lắm, lòi ruột rồi!”
Khoảng năm 1972, một đoàn cán bộ huyện và tỉnh tổ chức vượt liên tỉnh lộ 70 (QL53 ngày nay) từ xã Tân An Luông sang xã Hiếu Phụng (Vũng Liêm) vào ban đêm để chuyển công tác về các huyện vùng trên sông Mang Thít.
Hôm ấy, do sơ sót trong bám địch của lực lượng dẫn đường, cả đoàn lọt vào ổ phục kích của địch. Một số người vượt qua được lộ, một số khác dội trở lại nơi xuất phát, quần áo ướt sũng vì phải lội theo các con mương, con kinh để tránh đạn địch.
Tại điểm tập hợp trở lại theo quy ước, trong lúc mọi người đang băng bó cho một anh bị thương ở lưng thì phía sau bỗng có tiếng kêu lên hoảng hốt: “Tôi bị nặng lắm, lòi ruột rồi!” khiến ai cũng lo lắng.
Người bị thương là một thanh niên rất trẻ, dưới ánh sáng lờ mờ của chiếc đèn pin, anh xòe bàn tay đang bụm ở bụng dính đầy máu về hướng các người vừa đến như để minh chứng cho lời nói của mình.
Thời đó, bị thương “lòi ruột” là rất nguy hiểm vì dễ bị nhiễm trùng, nên mọi người vội kéo xuồng hỏa tốc đưa anh ta về trạm y tế.
Đến trạm, thương binh nặng này cũng được ưu tiên giải quyết vết thương trước. Anh được đồng đội cẩn thận khiêng lên bàn mổ, đèn được đốt sáng lên, dụng cụ y tế tiệt trùng sẵn cũng được bày ra, các y tá của trạm liền bắt tay vào việc làm vệ sinh vùng bụng cho anh.
Khi bàn tay đầy máu của anh ta lúc nào cũng khư khư bụm chặt vết thương ở vùng bụng được kéo ra thì ai cũng sững người, đồng loạt reo lên mừng rỡ rồi ôm bụng phá lên cười đến chảy cả nước mắt…
Thì ra “khúc ruột lòi ra” của anh “thương binh” lúc này dưới ánh sáng đèn có màu đen sì dính lầy nhầy máu me đã lộ hẳn ra là… một con đỉa trâu bự tổ chảng đang no nê máu đến nỗi hộc cả ra ngoài…
“Nó kìa!”
Trước giải phóng, từ thị trấn Giồng Ké (xã Trung Ngãi- Vũng Liêm) cứ theo liên tỉnh lộ 70 về hướng cầu Mây Tức một đổi khoảng non nửa cây số về phía bên trái và cách xa bờ lộ hơn trăm mét là một khu vườn hoang.
Nơi đây là một trong các sơ hở trong phòng bị của địch vì khu vườn đó nối liền với vùng giải phóng. Rõ ràng không ai hiểu cái sơ hở này của địch hơn các cán bộ địa phương, nhất là các anh em có gia đình đang ở chung quanh Giồng Ké.
Trong đó, có anh du kích tên Tám. Anh Tám có cô vợ rất trẻ còn ở chung với gia đình anh trong xóm nhà bên kia lộ 70, đối diện với khu vườn hoang nên rất thuận tiện cho anh trong việc móc nối nhờ bà xã mua dùm cho đơn vị những vật dụng cần thiết, dĩ nhiên điểm bí mật để họ gặp gỡ giao hàng chính là khu vườn hoang vắng vẻ kia.
Lần đó, sau khi nhận tin nhắn của anh theo một đường dây đặc biệt, vừa tan phèn(2) là vợ anh vội vã xách giỏ thức ăn đến ngay điểm hẹn.
Khỏi nói cũng biết vợ chồng trẻ xa cách nhiều ngày gặp nhau vui biết chừng nào. Ngồi sát bên nhau, anh Tám đắm đuối nhìn đôi má đỏ gay của vợ vì trời nắng rồi nhẹ nhàng nhón mình đặt lên đó một nụ hôn.
Chị vợ hạnh phúc cười tít mắt, như được khích lệ, anh đè ngửa chị ra đất hôn túi bụi. Bỗng chị nhoài người ra khỏi anh tay chỉ thẳng lên tàng cây sắn mà họ đang ngồi dưới gốc nói lắp bắp “Nó kìa! Nó kìa!”
Liền đó, không phải một mà có đến hai đứa trẻ chăn trâu- có lẽ vì họ xuất hiện đột ngột nên chúng đành ém trên cây sắn đến lúc này họ mới biết.
Thoắt một cái, chúng đã chuyền đến đất chạy quýnh quáng ra ruộng không dám nhìn lại. Bị cụt hứng, giận quá anh Tám đứng tốc dậy chống nạnh quát vói theo hai đứa nhỏ: “Chết, sao bây ăn cắp sắn tao?” Còn chị vợ ngay sau đó cũng mau chóng định thần bụm miệng cười: “Trời ơi, trái sắn(3) ai mà ăn cắp…”.
Chuyện “thâm cung bí sử” này vợ chồng họ giấu biệt, nhưng không lâu sau đó không hiểu sao cả đội du kích xã đều biết, có lẽ xuất phát từ hai đứa nhỏ.
Mà chuyện đâu dừng ở đó, các đồng đội của anh Tám còn học theo các chuyện dóc nổi tiếng ở miền Tây Nam Bộ của bác Ba Phi thêu dệt thêm nhiều tình tiết lâm ly, ly kỳ khác mà đâu cần biết nó có thật hay không…
(1) “Ba Tuyệt Mạng” là tên người, ông là con thứ ba trong gia đình, có người kể rằng trong buổi lễ kết nạp ông vào Đảng, vốn bản tính hiền lành chất phát ông đã tuyên thệ với Đảng như thế mà thành danh luôn.
(2) “Tan phèn” là từ thông dụng tại một số vùng giải phóng để chỉ thời điểm sau 8- 9 giờ sáng, từ thời điểm đó nếu địch đã không càn vào vùng nào thì ngày ấy vùng đó thường được yên ổn.
(3) Cây sắn có nhiều ở vùng nông thôn, trái tròn nhỏ cỡ cái nút áo, khi chín vỏ màu đen mọng nước có vị ngọt chát, trẻ con rất thích ăn.
Trung Tín
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin