Nghe nhạc Trịnh ở "Quán của thời thanh xuân"

06:03, 29/03/2020

Nằm ẩn mình dưới con dốc quanh co ở TP Đà Lạt, "Quán của thời thanh xuân" chỉ có tiếng bước chân, tiếng cây lá xào xạc, tiếng chim ríu rít và khúc nhạc Trịnh da diết đến nao lòng…

Nằm ẩn mình dưới con dốc quanh co ở TP Đà Lạt, “Quán của thời thanh xuân” chỉ có tiếng bước chân, tiếng cây lá xào xạc, tiếng chim ríu rít và khúc nhạc Trịnh da diết đến nao lòng…

Góc “Quán của thời thanh xuân” nên thơ ở Đà Lạt là nơi lui tới của nhiều bạn trẻ để thưởng thức nhạc Trịnh.
Góc “Quán của thời thanh xuân” nên thơ ở Đà Lạt là nơi lui tới của nhiều bạn trẻ để thưởng thức nhạc Trịnh.

Có hàng trăm, hàng ngàn nơi hát nhạc Trịnh Công Sơn nhưng nghe nhạc Trịnh ở Đà Lạt luôn mang đến cảm giác đặc biệt. Bởi vì Đà Lạt se lạnh khiến người ta nhẹ lòng sẵn sàng cần một chiếc áo len ấm áp như giọng hát nhạc Trịnh ngân nga, vỗ về.

Và hơn hết là vì Đà Lạt gắn bó với một phần cuộc đời Trịnh Công Sơn, nơi ông tìm gặp tri âm tri kỷ và sáng tác những khúc ca sống mãi trong lòng người yêu nhạc.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có mặt tại Đà Lạt khá thường xuyên, trong nhiều giai đoạn khác nhau. Khoảng năm 1964, sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm Quy Nhơn, Trịnh Công Sơn nghe theo lời rủ rê của 2 người bạn thân là Trịnh Cung và Đinh Cường về B’lao (Bảo Lộc- Lâm Đồng) dạy học.

Tại Đà Lạt, Trịnh Công Sơn đã gặp Khánh Ly- người trở thành danh ca sau này với những tình khúc của ông. Qua những lá thư gửi người tình Dao Ánh, Trịnh Công Sơn bộc bạch rõ nhất, chân thật nhất cái nhìn của một thanh niên có tâm hồn đa cảm, những rung động nghệ sĩ thực sự với Đà Lạt.

Ông tìm một nơi lánh xa thời cuộc, chiến tranh nhiễu loạn và trốn chạy khỏi cô đơn và nỗi sợ lãng quên vây bủa.

Khoảng năm 1964, trên chuyến xe từ Đà Lạt trở về B’lao sau những ngày lang thang cùng bè bạn, chàng nhạc sĩ 25 tuổi viết “Còn tuổi nào cho em”, có những ca từ đầy ám ảnh về thời gian, tuổi trẻ: “Xin cho cô đơn vào tuổi này” hay “còn tuổi trời hư vô”...

Hay trong “Tuổi đá buồn” cũng mang cảm thức tương tự: “Tuổi buồn như lá, gió mãi cuốn đi, quay tận cuối trời”. Cũng vào khoảng 1964- 1965, Trịnh Công Sơn viết “Phúc âm buồn”, “Vết lăn trầm”… trong những ngày lang thang ở thành phố sương mù.

Về sau, nhiều lần ông quay lại Đà Lạt, và viết thêm một số ca khúc, có lẽ lấy cảm hứng từ vùng đồi núi, thành phố cao nguyên, trong đó có bản “Tình khúc Ơ- bai”…

Hè năm 1966, những đêm nhạc Trịnh đầu tiên với các Ca khúc Da vàng (nhạc phản chiến) mang tình tự dân tộc được cất lên trong không gian những trường học.

Bắt đầu là sân Trường tư thục Việt Anh, sau đó là Viện ĐH Đà Lạt. Trịnh Công Sơn bấy giờ đã là một hiện tượng của âm nhạc miền Nam.

“Quán của thời thanh xuân” là nơi vô cùng đặc biệt để nghe nhạc Trịnh. Quán không có chủ, cũng không người làm thuê. Đa phần người phục vụ đều là người điếc.

Khách đến quán thường giao tiếp bằng giấy và bút. Nơi đây giá tiền được trả bằng tấm lòng. Trong cuốn sổ tay màu vàng cũ được viết tay nắn nót về thực đơn của quán, trang đầu tiên mở ra là dòng chữ: “Bạn ơi, “Quán của thời thanh xuân” của chúng mình không có giá tiền cho trà.

Phía trước căn bếp nhà có một chiếc thùng gỗ, tùy vào sự hài lòng và hạnh phúc khi ở đây mà bạn để vào nhé!”

“Quán của thời thanh xuân” là một dự án doanh nghiệp xã hội giúp cho những bạn trẻ không nghe, không nói được có những trải nghiệm về nghề nghiệp, tác phong làm việc, tích lũy vốn để có thể tự lập về sau. Người đưa ra ý tưởng và phát triển dự án là anh Võ Thành Luân (quê TP Bảo Lộc- Lâm Đồng).

Với trăn trở làm gì để mình thấy hạnh phúc, làm gì để mọi người cũng cảm nhận được điều đó, anh quyết định bỏ dở chương trình du học ở Philippines, trở về Đà Lạt để thực hiện ý tưởng của mình cùng các bạn trẻ chung chí hướng.

Ở quán có vài kệ sách được sắp xếp gọn gàng. Mỗi bước chân vào quán luôn nghe hương thơm dễ chịu vì trên bàn có lọ hoa nhỏ và đèn đốt tinh dầu. Các bạn trẻ ai cũng “đi nhẹ, nói khẽ” hết mức có thể, không để ảnh hưởng tới người khác.

Những bản nhạc của Trịnh Công Sơn ngân nga nhẹ nhàng trong không gian yên tĩnh của quán luôn tạo nên cảm giác hoài niệm, cũ xưa.

Cũng có hôm các bạn nhân viên không hề bật nhạc, những người yêu từng con dốc, giàn hoa, sương khói nên thơ ở Đà Lạt ngồi lại quán và… tự cắm tai nghe, bật nhạc Trịnh.

Bốn bề chỉ có tiếng bước chân, tiếng cây lá xào xạc, tiếng chim ríu rít và khúc nhạc Trịnh da diết đến nao lòng…

Nhạc Trịnh có thể chạm đến trái tim của người trẻ bởi ông có những khúc ca tràn đầy năng lượng, nhưng cũng lắm lúc khắc khoải, đầy day dứt.

Mà tuổi trẻ thì muôn màu muôn sắc, lúc tụ họp thì nắm tay nhau “Nối vòng tay lớn”, lúc xa nhà thì cứ thầm thì í a í à “Ở trọ”, những lúc đi học bị rớt môn hay chia tay mối tình đầu tiên, nhỏ bạn cùng phòng cứ đi theo ra rả bên tai “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”…

Đến “Quán của thời thanh xuân”, dù ngồi một mình nhấp ngụm trà hoa cũng không hề cô đơn. Những ký ức và khoảnh khắc đẹp đẽ của tuổi thanh xuân sống động song hành.

Ở nơi trú ngụ của những mùi hương tinh tế và ngọt ngào của Đà Lạt, nhiều người đến đây khi giao tiếp cùng những bạn câm điếc, hiểu được thông điệp mà quán muốn truyền tải, càng thêm yêu cuộc sống, yêu tuổi trẻ của chính mình.

Ngày “nói dối” 1/4 năm nay, đã 19 năm Trịnh Công Sơn giã từ cõi tạm, nhưng ông vẫn mãi ở một góc tim, để chúng tôi tự hỏi mình: “Tôi là ai, là ai, là ai? Mà yêu quá đời này… Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh”.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh