Thế là ngày 27/1/1961, 50 anh em bị còng chân tay đưa xuống tàu 402 thẳng ra Côn Đảo. Suốt đêm bị còng chân dưới tàu, tàu bị sóng to lắc lư dữ dội, nhiều anh em không quen sóng ói mửa tùm lum, nhưng tôi vẫn tỉnh táo. 9 giờ sáng ngày sau (28/1), tàu cập bến đảo Côn Nôn.
(Phần tiếp theo kỳ trước)
Thế là ngày 27/1/1961, 50 anh em bị còng chân tay đưa xuống tàu 402 thẳng ra Côn Đảo. Suốt đêm bị còng chân dưới tàu, tàu bị sóng to lắc lư dữ dội, nhiều anh em không quen sóng ói mửa tùm lum, nhưng tôi vẫn tỉnh táo. 9 giờ sáng ngày sau (28/1), tàu cập bến đảo Côn Nôn.
Chúng dắt lên cầu tàu đến trại 2, bên đường đông nghẹt giám thị và trật tự, tay cầm gậy gộc. Chúng bỏ chúng tôi vô phòng 4 gần phòng tử hình giam gánh “Mặt trận thống nhất toàn lực quốc gia” của Hồ Hữu Tường, Trần Văn Ân, Trịnh Khánh Vàng, Tư Hiểu (Bình Xuyên).
Tưởng chúng cho ở trong phòng như ở Chí Hòa, nào ngờ 3 ngày sau, chúng khiêng còng “quyện” và bắt quyện hơn 50 anh em tử hình vừa ra, cầm cố 100% trong phòng 4.
Ở trại 2 có tên Đạt- Trung úy Bình Xuyên bị án tù 20 năm, hắn đã gây nợ máu với anh em tù và được thằng Thiếu tá Thể quản đốc và Tỉnh trưởng Côn Sơn trọng dụng.
Tất cả giám thị đều sợ hắn. Năm 1963, một lần Ban giám đốc cho anh em ra sân tắm nắng nửa giờ. Tên Đạt diễu võ giương oai với một số anh em, anh Dặn bực quá rượt đánh nó, anh em ta ùa tới, nó bỏ chạy ra Ban quản đốc tố cáo anh em tử hình định giết nó.
Thế là bọn chúng kéo lâu la ập vào lùa hết anh em vào phòng, địch dùng hình thức còng hai chân, hai tay tréo ra sau lưng và khớp mỏ. Nhưng vì thiếu còng tay, nên 1 còng 2 người “xây” tay nhau, “quyện” hai chân. Tới giờ ăn thì chúng đem cơm, tháo còng tay cho ăn, xong còng lại.
Đi tiêu thì anh em bảo “Cho làm Quan Công đi”, tức thì anh em chuyển thùng cầu đến, người tiêu ngồi tiêu trên thùng, tất nhiên phải lôi 2 người 2 bên ngồi kề (như Quang Bình, Châu Xương), một người đi tiêu thành ra 3 người phải ngồi. Chúng còng chúng tôi 18 tháng mới thả ra. Bước ra khỏi còng, nhiều anh em ngồi quỵ xuống đi không được.
Tên Đạt ác ôn đến đỗi giám thị cũng sợ nó. Năm 1965, anh em tổ chức đâm vào bụng nó nhiều nhát; chết tại trạm xá trại 2. Tất cả tù nhân và giám thị hả dạ, 2 anh đâm Đạt được giải về Chí Hòa xử, trên đường áp tải, giám thị còng lỏng, các anh rút chân khỏi còng nhảy xuống sông ở Rừng Sát về với cách mạng.
Năm 1963, tên Long giám thị được gác khu tử hình. 2 ngày sau, y mời tôi ra hành lang bắt ghế mời tôi ngồi đối diện với y và nói:
- Tôi trước đây là liên lạc cho bộ đội ông Cống ở Bến Tre. Vì không chịu nổi gian khổ nên chạy ra thành, để tránh đi lính nên vào ngành giám thị, tuy vậy lòng tôi luôn hướng về cách mạng. Ở đây, tôi biết có một số “heo gạo”, anh chỉ mặt nó, tôi bỏ khám tối (questiau) thấy mẹ nó.
“Heo gạo” là từ anh em tù gọi bọn tù chỉ điểm cho địch. Y nói thật nhiều, còn tôi tự hỏi “Vì sao nó gọi mình ra để thanh minh. Nó có biết mình là một trong nhóm lãnh đạo phòng. Thôi thì thử nó một cái. Tôi nói:
- Trong phòng đa số thường phạm là “heo gạo”, nhưng thằng đắc lực là thằng Tư Ghẻ.
Sáu Long nói:
- Anh để đó cho tôi.
Thế là 5 giờ chiều hôm đó nó kêu tên Tư Ghẻ nhốt khám tối nửa tháng mới thả ra. Bọn còn lại trong phòng cũng ngán. Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Sáu Long dẫn một tốp trật tự lôi hình Ngô Đình Diệm đập xé rất hăng.
Y mở cửa phòng tử hình cho ra sân chơi, y mời tôi lại góc bàn thuật lại “Minh đảo chánh Diệm, không biết Minh có theo mình hay vẫn thay ngựa giữa dòng của Mỹ”. Tôi đâu có nắm được gì, nhưng bảo hắn hãy dè dặt, đừng để lộ liễu, không biết Dương Văn Minh ra sao, thủ thế chắc ăn.
Y còn nói thêm “Tôi theo dõi đài, vì sao Trung Quốc và Liên Xô chửi nhau quá xá”. Tôi có biết gì đâu, nhưng tôi cũng không ngờ mâu thuẫn trong nội bộ ta đến thế. Tôi nói “coi chừng đài Cờ Đỏ phản động của bọn tình báo, đừng tin”.
Sáu Long rất dễ dãi và rất ghét bọn “heo gạo” trong phòng. Một hôm, lễ sinh nhật Bác Hồ (19/5), tất cả anh em tử hình phòng 2 ăn mặc chỉnh tề làm lễ chào cờ.
Thình lình Trưởng Ban An ninh và một tốp giám thị ập vào phòng trước sự ngơ ngác của Sáu Long. Chúng bắt quả tang Sáu Long bao che cho tù chính trị tử hình làm lễ, liền ra lệnh giải tán và mời Sáu Long về an ninh.
Không biết chúng đối phó ra sao, còn Sáu Long chạy chọt thế nào mà thoát nạn, Sáu Long trở về phòng kêu anh em ngồi im rồi nói: “Tôi biết trong phòng này có người tố cáo tôi bao che Việt cộng, các anh có biết trên thế giới này có nước nào mà nhốt trên 200 tử hình như vậy không? Tại sao lại không thương nhau mà hại nhau? Thằng nào tố cáo tôi? Đưa mặt ra đây!” Bọn “heo gạo” im phăng phắc.
Sau vụ này, chúng đưa Sáu Long làm Phó Ban An ninh, phụ trách tra tấn anh em để ly gián giữa Sáu Long và anh em tù. Có nhiều lần Sáu Long mời anh em đến an ninh, sau khi làm việc y lén nói với anh em “Coi chừng “heo gạo” trong phòng, nó sẽ đàn áp anh em đó, hãy đề phòng. Tôi điều động bọn trật tự ác ôn đi lục núi hết rồi, các anh yên tâm”.
Sáng hôm sau, tên trật tự mang giấy vào phòng nói là ông Thà đưa anh viết đơn. Tôi nói “Tôi cám ơn ông Thà, anh mang giấy trả lại ông ấy, tôi không viết đâu”. Suốt thời gian ở Côn Đảo, chúng bảo viết thơ về gia đình, giấy và bao thơ có đề “Đả đảo Cộng sản”. Tất cả anh em không viết.
Nhiều lượt ngụy quyền đảo chánh, đến năm 1965 thì Phan Khắc Sửu lên làm Quốc trưởng. Chúng giảm án tử hình 2 đợt trên 200 anh em còn chung thân khổ sai, và đưa về cầm cố ở 2 phòng 6 và 7 (trại II), có lúc chúng cho đi làm rẫy ở Sở Rẫy Thiên Thu, ở nghĩa địa Hàng Dương. Anh em tiêu cực lãng công và đấu tranh, rồi đến vụ trốn trại thì chúng tiếp tục cấm cố luôn.
Năm 1966, Jean phản bội, khai báo bắt anh em trên 40 người.
Hắn dao động vì nghe Mỹ đổ bộ xâm lược Việt Nam, dùng B52 rải thảm, rải chất độc hóa học làm tiêu tan các căn cứ miền Đông. Trong đợt anh Lê Quang Vịnh, Lê Hồng Tư bị đày ra Côn Đảo ở phòng tử hình, anh có phổ biến Nghị quyết 15 về chuyển hình thức cách mạng miền Nam, võ trang, chính trị đánh địch giải phóng miền Nam.
Anh Vịnh dạy cho tên Jean thuộc lòng từng chữ, từng câu, chấm, phết, nên khi bọn an ninh hỏi cung thì chúng đọc từng đoạn có chấm phết đàng hoàng. Tôi nghe xong biết ngay là thằng Jean phản bội khai báo.
Chúng bắt mỗi ngày 2 người tra tấn tàn nhẫn, roi mây đánh vuốt lưng bị đổ máu. Chúng nhốt phân tán ở hầm đá trại 3 và đến khi bắt người thứ 40 thì chúng chuyển về hầm đá trại 2 nhốt ngộp.
Chúng đem chúng tôi, 26 người nhốt hầm đá trại 2. Hầm có bề ngang độ trên 2m, dài 3m có sạp xi măng, trần xây bằng đá cao sát đầu, cửa khoét lỗ 1 tấc vuông, nhưng được bịt kín. Lúc đầu trên 10 người còn đủ không khí, khi đến 26 người thì bị ngộp thở.
Bọn an ninh đánh anh em bằng roi mây, vừa đánh vừa kéo vuốt roi, nên lằn roi trên lưng bị xước thịt chảy máu. Khi nằm xuống sạp, sạp bị mồ hôi tường chảy xuống làm lưng anh em bị lầy, như trái bắp già nấu lèng ra, mùi hôi tanh xông nồng nặc không có chỗ thoát.
Mỗi ngày chúng đưa vào 2- 3 người. Anh Lê Quang Vịnh nói:
- Nó nhốt tôi gần phòng thằng Jean, nó đánh thằng Jean quá chừng.
Tôi nghe vậy tức quá, nói:
- Ai bán đứng anh em ta cho bọn an ninh? Ai thuộc lòng từng câu, từng chữ Nghị quyết 15. Chỉ có thằng Jean.
- Nhưng tại sao nó đánh Jean dữ vậy?
- Anh có biết chúng dùng khổ nhục kế không? Anh nghe nó đánh vào bao gòn đó thôi, rồi nó nướng cọng môn đánh vắt vào lưng Jean nổi lên một số lằn đỏ, như bị đánh thiệt cho anh coi.
Chiều lại, chúng mở cửa phòng xô tên Jean vào. Jean hổn hển rên “Nó đánh tôi quá”, vừa nói vừa vén áo đưa lưng lộ lên ba lằn roi đỏ, đúng như ta dự đoán. Anh Tám Tượng nổi nóng xông lên định đánh:
- Mày bán đứng anh em, anh em tan da nát thịt rồi, mầy thấy không? Giờ đây tụi nó cài mầy vô đây để hại tụi tao nữa phải không?
Anh em can không cho Tám Tượng đánh Jean, hắn xụ mặt và chối dài. 3 ngày sau, chúng đưa anh em về phòng cấm cố. Anh em giáo dục nó, cuối cùng nó nhận nó là người tố cáo bắt anh em, nhận làm tay sai, làm khổ nhục kế để được cài lại theo dõi anh em. Quả thật 10 ngày sau, nó được an ninh mời để báo cáo tình hình trong phòng.
(Mời xem tiếp trên số báo tới)
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin