Tôi được đưa về Dân y xã Tích Thiện (Trà Ôn), do Năm Rít phụ trách cùng 2 y tá. Anh em cho chích thuốc bồi dưỡng cơ thể và Strychnine B1 với công thức:
[links()]
(Tiếp theo kỳ trước)
Tôi được đưa về Dân y xã Tích Thiện (Trà Ôn), do Năm Rít phụ trách cùng 2 y tá. Anh em cho chích thuốc bồi dưỡng cơ thể và Strychnine B1 với công thức:
Thứ 2 chích 1 ống.
Thứ 3 chích 2 ống.
Thứ 4 chích 3 ống, đến thứ 7 chích 6 ống và chủ nhật 7 ống.
Sáng thứ 2 thì chích trở lại 1 ống đến chủ nhật 7 ống.
Có một hôm, 2 cậu y tá đi nhậu đám giỗ về xỉn lấy 7 ống Atropine (giống Strychnine) chích một lượt. Vừa bơm vào là tôi thấy khô miệng và la lên, cậu y tá ngưng lại, xem đúng là sai rồi, cậu rút kim ra, không chích nữa. Anh em xin lỗi tôi và tự phê trước tập thể về sự sai sót đó.
Vợ Năm Rít là cháu tôi, cả nhà chăm sóc tôi rất chu đáo.
Một hôm, vào 3 giờ khuya, tàu sắt của địch thả trôi sông, đến khu vực trạm Quân y thì nổ tung, đổ bộ lên bờ, luồn vào vườn. Năm Rít cõng tôi chạy ra hầm bí mật, qua các dãy lựu đạn gài. Chúng tôi vừa xuống hầm bí mật xong thì địch vừa đi tới, chúng đi lướt qua và chúng tôi được an toàn.
Mỗi ngày tôi cố sức tập đi, từ gần đến xa. Đã 5 tháng rồi, hôm ấy tôi đi tới bờ bao, vào lúc 5 giờ chiều, tàu sắt địch chạy đến bắn xối xả, tôi chạy không nổi đành lăn xuống mương vườn tránh đạn. May là tàu bắn đã rồi chạy đi không đổ bộ lên bờ.
6 tháng tập đi, tôi thấy đỡ, Tỉnh ủy cho một tổ đội phòng thủ rước tôi về Văn phòng Tỉnh ủy ở Vàm Giòng. Từ Tích Thiện về Vàm Giòng phải nghỉ vài chục lần, rốt cuộc đã đến gặp anh Sáu Ức, chị Hai Tiến. Chị Hai làm thịt một con vịt tàu thết đãi tôi và anh Sáu Ức. Chúng tôi rất vui vẻ với bữa cơm đạm bạc đầy tình nghĩa này. Sau khi được kiểm thảo, tôi được xét đủ tư cách đảng viên và được phân công cán bộ nghiên cứu văn phòng Tỉnh ủy. Trong thời gian ở văn phòng, anh Sáu Liêm- Chánh Văn phòng, anh Hai Nhân- Phó Văn phòng- giúp đỡ tôi rất nhiều, vì trong lúc tôi xa công tác 14 năm tránh sao khỏi bỡ ngỡ.
Năm 1974, tôi theo dõi tình hình chiến sự, thường đi với anh Sáu Ức trong các chiến dịch.
Đảng bộ Văn phòng bầu tôi làm Phó Bí thư Đảng ủy. Cuối năm 1973, địch mở chiến dịch Chương Thiện U Minh để đánh vào cơ quan đầu não và chủ lực của ta, chiếm đất giành dân. Chúng huy động 75 tiểu đoàn bảo an cùng Sư đoàn 21 và Sư đoàn 9 ngụy càn quét đánh phá. Ở Vĩnh Long, chúng huy động 7/11 tiểu đoàn bảo an đưa đi Chương Thiện.
Quân dân Quân khu 9 đánh quyết liệt. Cùng với chiến trường các tỉnh mở chiến dịch giải phóng xã, ấp.
Ở Vĩnh Long, Quân khu 9 giao tỉnh đánh 17 đồn, giữ 11. Đợt 2, Quân khu giao tỉnh đánh 57 đồn, giữ 38. Đợt 3, Quân khu giao tỉnh đánh 75 đồn, giữ 50 và đợt 4, ta giải phóng 173 đồn, phá vỡ tuyến Đông Mang Thít, tuyến lộ 16, tuyến Ba Kè, Cái Bần, Song Phú, Cái Ngang. Ở Trà Ôn chỉ còn thị trấn Vĩnh Xuân và một số đồn vùng đồng bào Khmer. Chiến dịch Chương Thiện của địch hoàn toàn thất bại, ta mở rộng vùng giải phóng, tạo chỗ đứng cho chủ lực áp sát bao vây đầu não địch.
Ta đem pháo 105 lấy của địch ở Yếu khu Thầy phó về Giáo Mẹo pháo vào Trường Hạ sĩ quan quân ngụy Cái Vồn, vào Bộ Tham mưu vùng 4 của địch, đánh Ba Càng, cắt Quốc lộ 4 (Quốc lộ 1 hiện nay) từ Ba Càng đến Cái Vồn thử xem địch đối phó ra sao?
Địch tăng cường về Vĩnh Long: Trung đoàn 16 của Sư đoàn 9 và 1 trung đoàn của Sư đoàn 21 càn quét quanh TX Vĩnh Long.
Chiến trường cả nước sôi sục, Buôn Mê Thuột rồi Pleiku, Kom Tum được giải phóng, sinh lực địch bị tiêu hao nặng. Ta lần lượt chiếm các tỉnh ven biển từ Quảng Trị vào Bình Thuận. Vĩnh Long cùng cả nước tiến công giải phóng vùng nông thôn, áp sát đô thị.
Trong đợt tổng kết chiến dịch, anh Sáu Ức- Bí thư Tỉnh ủy- triệu tập hội nghị tại ngọn Vàm Cơi (xã Bình Ninh), trong miếng vườn hoang độ hơn một héc ta. Hôm đó, vào 5 giờ chiều, được tin địch càn quét, 5 mũi quân hợp nhau cách địa điểm hội nghị chừng 500m. Sau khi xem bản đồ không còn chỗ nào phân tán, anh Sáu Ức quyết định bám trụ tại chỗ, gài trên 200 lựu đạn bao bọc, kiên quyết chiến đấu đến tối sẽ tháo vòng vây. Suốt ngày, máy bay quần đảo, pháo địch nã từng chập. Đến 5 giờ chiều, địch rút, ta an toàn tiếp tục cuộc họp.
Một hôm, khoảng 2 giờ chiều, cơ quan làm việc, chú Ẩn ở truyền tin xách bản đồ lên văn phòng với vẻ hơ hãi. Tôi hỏi liền: “Có gì thế!” “Địch đổ quân!” “Tọa độ?” “Cách đây 500m”. “Mấy giờ?” “Còn 20 phút nữa! Qua được Bình Phú là an toàn”.
Tất cả anh em nhét đồ vô thùng sắt đạp chôn xuống mương, một tốp lo gài lựu đạn, còn lại tất cả anh em Văn phòng chạy qua Bình Phú. Vừa tới mí vườn thì 3 chiếc trực thăng phóng pháo bay tới, trút đạn xuống cánh đồng An Hòa. 30 phút sau, 11 chiếc trực thăng đổ tiểu đoàn quân ngụy xuống An Hòa tìm cây pháo 105 ta vừa bắn vào sở chỉ huy chiến thuật Vùng 4 mấy ngày trước. Chủ lực ta có ở đó, vừa bảo vệ khẩu pháo vừa tránh đụng địch, giấu quân. Qua ngày sau, chúng tìm không thấy pháo nên rút lui. Cơ quan dời về Rạch Gỗ- Mỹ Lộc, cách đồn Cái Ngang độ 1km. Độ 15 ngày sau, 4 chiếc máy bay A 37 trút xuống mấy quả bom cách cơ quan độ 500m, cơ quan an toàn.
Lúc này ta ráo riết vừa đánh địch giải phóng xã ấp, vừa chuẩn bị cho đợt tấn công quyết định với kẻ thù. Đồn Cái Ngang bỏ chạy, ta áp sát Xã Xỉ- An Đức. Tỉnh ủy, Tỉnh đội, Ban chỉ huy chiến dịch liên tục họp bàn. Trên sông, ghe xuồng hậu cần vận tải tấp nập. Những đợt bổ sung quân, đôn quân xây dựng các tiểu đoàn mới phục vụ chiến dịch đã hoàn tất việc chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng miền Nam.
(Mời xem tiếp trên số báo tới)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin