Xe tôi về Vĩnh Long, có 6 anh em gồm: Mười Mẫn, Ba Sáng, Chín Phương, Liêm, Phước, Viễn. Chúng tôi ăn mặc quần áo rách rưới, thân thể còn da bọc xương, mặt xanh xao, tiều tụy.
(Tiếp theo kỳ trước)
Xe tôi về Vĩnh Long, có 6 anh em gồm: Mười Mẫn, Ba Sáng, Chín Phương, Liêm, Phước, Viễn. Chúng tôi ăn mặc quần áo rách rưới, thân thể còn da bọc xương, mặt xanh xao, tiều tụy.
Tham quan hầm đá trại II Côn Đảo sau ngày giải phóng. |
Xe về đến Trung Lương, bọn công an vào quán uống nước. Có 2 chị bưng thúng bánh ít mời chúng tôi mua. Tôi trả lời: “Chúng tôi là tù chính trị ở chuồng cọp Côn Đảo bị chúng chở về nói là để thả mà không biết có thả hay không? Chúng tôi đâu có tiền mà mua?” Các chị nhìn chúng tôi, động lòng vào gặp bọn công an. Một lát sau, 2 chị đem ra một ấm nước chanh và mấy cái ly mời chúng tôi uống. Mấy chục cái bánh ít trong thúng các chị trút hết vô xe. Chúng tôi cản lại: “Các chị đem bán đi, lỗ chết. Chúng tôi chưa dám ăn vì bao tử không quen sợ trúng thực chết, anh em trong tù dặn nhau như vậy”. Các chị cứ trút hết bánh vào xe, lấy luôn 2 cái nón lá các chị đang đội, đưa lên “Các anh đội đi cho đỡ nắng”. 4 tên công an nhìn thấy thái độ các chị với anh em, nhưng cũng làm lơ. Chúng tôi rất cảm động trước những tình cảm cao quý của các chị. Những người hàng ngày sống trong nanh vuốt của kẻ thù. Xe lăn bánh, chúng tôi vẫy tay chào các chị, các chị đứng nhìn theo đến khi xe khuất.
Xe xuống phà Mỹ Thuận. Tôi nhìn lên bờ, đồn bót nhà cửa san sát, đông đúc hơn thời kỳ tôi chỉ đạo xã Tân Hòa ngày trước. Giờ thì ai còn ai mất trải qua 14 năm chiến tranh ác liệt?
Một em bé độ 9- 10 tuổi, mình trần, mặc cái quần đùi mốc meo, ống cao ống thấp, tay ôm một bó bánh mì ba gếch đến gần xe mời chúng tôi mua. Chúng tôi trả lời “Các chú là tù chính trị Côn Đảo chúng đưa về đây, các chú không có tiền, các chú không mua đâu”. Em bỏ đi, đến gặp một chị độ 40 tuổi, chị nói nhỏ gì đó, rồi em bé nhìn bọn công an đang đứng trên boong phà trông xuống, em bé ôm bó bánh mì đi về chỗ chúng tôi giả vờ rao bán rồi quăng bó bánh vào xe. Nhìn theo thân hình gầy còm, trần trụi của em bé, tôi không thể nào tính nổi giá trị của bó bánh mì, không thể nào đánh giá hết tinh thần yêu nước của nhân dân mình. Ngày mai, khi đất nước giải phóng mình có thể nào mang những manh áo ấm phủ lên thân gầy của em và đem đến các em niềm hạnh phúc.
Xe về Vĩnh Long, chúng chở chúng tôi đến trung tâm thẩm vấn tỉnh đóng ở Quận mới (gần cầu Tân Hữu) có mấy tên công an nhìn tôi và nói: “A, anh là anh Mẫn bị bắt ở hầm bí mật An Đức đây mà”.
Có mấy cô công an nữ đứng nhìn tôi rồi lắc đầu, dường như có một sự cảm thông nào đó. “Con của anh nó học ở trường trung học, tôi sẽ nói nó đến thăm anh”. 8 giờ sáng hôm sau, cô ấy đến, vô gặp tôi và hỏi “Con anh có đến thăm anh chưa” Tôi trả lời “chưa” thì một tên công an nói “Đây là chỗ hắc ám, nó làm sao dám tới”.
- “Tôi hẹn nó đến đây, tôi dắt nó vô mà!”, cô ấy nói với tấm chân tình.
Tên công an nhìn tôi và nói “Qua cách ứng xử bạn bè của các anh, tôi chắc anh về sẽ theo Việt Cộng nữa”.
Tôi nghĩ: “Nếu nói sẽ đi thì nó theo dõi mình, khó liên hệ với cách mạng, có khi nó tạo cớ thủ tiêu mình. Nếu nói không đi thì mất sĩ khí của người cách mạng. Tôi nói: “Đi theo cách mạng thì phải đi rồi, nhưng các ông làm tôi bại xuội thế này thì làm sao đi được. Nếu hết bệnh thì sẽ đi”. Một tên công an khác nói: “Việt cộng trị cho anh 3 tháng là hết”.
Chiều hôm đó (3/4/1973), công an mời tôi đến văn phòng làm thủ tục thả. Tôi nói: “Tôi không chấp nhận một ân huệ nào mà làm giấy gì?”. “Chúng tôi làm giấy đi đường cho các anh chớ không thì các đồn bắt lại”.
Chúng đưa chúng tôi lên 1 xe Jeep có mấy tên công an theo, xe lăn bánh lướt qua những vườn cây xơ xác vì chiến tranh, lòng tôi lâng lâng. Trong đầu đang nghĩ rồi sẽ gặp con, gặp đồng chí đồng bào niềm vui nào bằng.
Xe đưa tôi đến bót Đìa Chuối xã Phước Hậu. Tên trưởng cảnh sát ra coi giấy tờ rồi co tay định đánh “Đ.m, mầy giết tụi tao hả?” Không biết hồ sơ nó nói gì mà chúng hung hăng thế. Bỗng có một người khoảng 50 tuổi đi tới hỏi: “Ông về đâu?” “Về nhà anh Mười Diện”. “Mười Diện là gì của anh?” “Là anh vợ tôi”. “Ủa dượng Út hà?” “Phải”. “Tôi là Sáu Dời- con cô Tư- là Chủ tịch Hội đồng hương chính xã Phước Hậu. Dượng về nhà chú Diện hả?”
Nghe vậy tên cảnh sát xã bỏ đi nơi khác. Lúc còn ở nhà, tôi biết anh, anh là nông dân chất phác, sau này làm đến chức này. Anh hỏi sức khỏe tôi và định đưa tôi về nhà anh Mười Diện thì con tôi đứa lớn tên Phương Minh vừa đến. Nó nói: “Con đón ba ở cầu Ông Me từ sáng tới giờ, ai ngờ ba được về đây. Để con nhờ cậu Mười cõng ba về nhà”. Thế là anh Mười Diện cõng tôi về nhà.
Cô bác lối xóm đến thăm đầy nhà. Bà con tưởng tôi bị án tử hình chắc nó đã giết rồi đâu có ngày này. Tôi hỏi thăm một số cơ sở cũ còn không? Tư Trực- con chú vợ tôi- trước có chân Thường vụ Huyện ủy quận Nhứt kể lại tôi tình hình địch trong việc thi hành Hiệp định Paris. Chiều lại đồng chí Mười Đầm (Chi ủy viên cũ) đến, tôi đề nghị cho tôi gặp các anh đi liền vì ở đây nó sẽ thủ tiêu. Đồng chí Mười Đầm cho biết đồn đóng dày đặc, thỉnh thoảng anh em có về, nhưng bại xuội thì làm sao đưa vô được. Tuy vậy, đồng chí hứa báo cáo và nhờ cấp trên đưa đi. Mấy con tôi bỏ học vào lo cho tôi, cảnh sum họp tưởng chừng không bao giờ có đã trở thành sự thật. Niềm vui xen lẫn nỗi buồn 14 năm, lần đầu tôi mới nằm ngủ bên con. Đứa con út Phương Hải khi nó sinh ra thì tôi đã ở trong tù, chưa biết mặt cha.
Vợ chồng chú Năm Thặng sang thăm, thím đem tô cháo cá, bảo: “Cháu ăn đi, vợ cháu thôi cháu thì con cháu nó vô lo, thím săn sóc cho cháu”. Vợ chồng anh Mười Diện đùm bọc chở che, tôi cảm thấy ấm áp trong lòng, giờ chỉ có con đường phải vào chiến khu.
Đêm đầu ngủ thức giấc, tôi lấy tay quơ, rờ đụng tường nhà rồi ngồi dậy, phải mình ở nhà thật hay chỉ là giấc mơ mà nhiều lần trong tù mình gặp.
Đã 3 ngày, mà chưa có tin anh em ra rước. Chị Hai tôi hay tin tôi về qua thăm. Thấy tôi, chị khóc sướt mướt, bắt tôi phải về để chị nuôi. Tôi đọc một mảnh báo thấy ta hoạt động mạnh ở vùng Trà Ôn, nên nếu tôi về Lục Sĩ Thành- nhà anh Hai tôi- thì có điều kiện tiếp xúc với anh em giải phóng, đi vào vùng dễ dàng hơn. Nghĩ vậy, tôi theo chị tôi về Lục Sĩ Thành. Tôi về ở cái chùa sát đồn. Cô bác đến thăm rất đông, tên cảnh sát Ngãi theo dõi thái độ của tôi, nghĩ tôi sẽ đi, nhưng nó chủ quan nghĩ rằng tôi mạnh lại mới đi được, ít lắm một năm sau tôi mới khỏi bệnh.
Qua cô bác, tôi hỏi tình hình trong xã ấp trên 27 năm xa quê, mỗi việc, mỗi người đều thay đổi, chiến tranh đã cướp đi bao người thân, gia đình phân hóa tang thương. Tề lính lùng sục đàn áp người dân vô tội. Thanh niên trai tráng bị bắt làm bia đỡ đạn cho Mỹ, nhiều phụ nữ chất phác trở thành “mẹ Mỹ”.
3 ngày sau, cô Hai Như được anh em cử ra gặp tôi bàn cách rước đi. Tôi mừng không kể xiết. Tôi bảo: “Phải sắp xếp chuyến đi sao cho vừa an toàn, vừa tránh địch khủng bố gia đình anh Hai”. Cô về bàn với Huyện ủy rồi sẽ gặp sau.
Tôi thì lo thuyết phục chị Hai tôi để cho tôi đi. Chị cứ sợ tôi bại xuội, nếu địch bố ráp thì chết. Rốt cuộc tôi và anh Hai tôi bày kế cho tôi đi xuống Sóc Trăng trị bệnh, thì chị mới yên lòng, đồng ý cho đi.
2 hôm sau, cô Hai Như đi một chiếc ghe máy ghé rước tôi đi xuống cồn Tân Dinh, căn cứ lõm của dân y Trà Ôn. Bước vào nhà cháu Hiệp- Trạch (con rể cô Hai Như), tôi thấy tâm hồn phơi phới, “giờ ta đã trở về với ta”. Cuộc chiến đấu mới đã bắt đầu từ đây.
(Mời xem tiếp trên VLCN kỳ tới)
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin