Anh em đi kháng chiến khi nói đến "cải hoạt" thì ai cũng hiểu đó là việc làm cho các bữa ăn hàng ngày của tập thể thêm chất tươi, chất đạm để có đủ sức khỏe thực hiện nhiệm vụ. Những người hoạt động ở vùng sông nước tại đồng bằng Cửu Long giàu rau, cá thì việc này đơn giản, nhưng khi đến một môi trường mới là đồi núi hay rừng già thì quả là khác hẳn….
Anh em đi kháng chiến khi nói đến “cải hoạt” thì ai cũng hiểu đó là việc làm cho các bữa ăn hàng ngày của tập thể thêm chất tươi, chất đạm để có đủ sức khỏe thực hiện nhiệm vụ. Những người hoạt động ở vùng sông nước tại đồng bằng Cửu Long giàu rau, cá thì việc này đơn giản, nhưng khi đến một môi trường mới là đồi núi hay rừng già thì quả là khác hẳn….
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG |
Rừng già mênh mông lạ lẫm
Đầu năm 1973, được phân công đi dự lớp báo chí ở R (Trung ương Cục miền Nam), từ Vĩnh Long, chúng tôi lội bộ gần một tháng rưỡi mới đến được điểm trường ở một cánh rừng già tại miền Đông Nam Bộ (sau đó mới biết gần Lò Gò thuộc huyện Tân Biên- Tây Ninh).
Cán bộ căn cứ của trường chào mừng nhóm chúng tôi bằng việc phát cho một cái rựa, một lưỡi cưa rồi chỉ một chỗ bảo chúng tôi tự cất nhà giống như mẫu nhà của họ mà ở...
Cất nhà không khó vì vật liệu đầy trong rừng, nhưng chuyện cải hoạt trong môi trường mới thật đáng lo. Lo là vì cả nhóm đều là dân “sức dài vai rộng” ở đồng bằng, tuy hàng ngày đối mặt với bọn địch “bình định cấp tốc” như cơm bữa nhưng được cái là lúc nào cái bụng cũng no.
Còn ở “miền Đông gian lao” này tiêu chuẩn mỗi người một ngày được bếp tập thể phục vụ 3 bữa ăn, bọn tui cộng lại chỉ khoảng 3 chén cơm lưng lửng, ăn xong xách chén xuống suối rửa cứ ngỡ như mình chưa ăn gì…
Phải tìm cách cải hoạt thôi! Trồng rau dưới tán rừng già ư, lâu lắm! Phát huy sở trường bắt cá của nhóm, nhìn là biết cá dưới suối không nhiều. Còn săn thú rừng ư làm gì có súng?
Cuối cùng, anh Bảy Luận- một nhà báo tại Long Châu Hà ở chung với đoàn Vĩnh Long- bàn thử làm một cái “bò” (giống như cái cộ lúa) nhét đầy chà cây đẩy xuống suối để dụ cá vào. Mấy ngày sau, kéo “bò” lên chỉ bắt được một con cua bằng… lóng tay!
Thôi thì trước mắt làm cái việc dễ nhất là đi “hái lượm” rau rừng. Kẹt nỗi nghe nói rừng có rau tàu bay, lá kim cương... ăn được, nhưng chẳng ai biết mặt mũi chúng ra sao.
Tuy vậy cũng có những loại cây dân đồng bằng thấy biết liền là cây xoài mút, có trái lớn hơn ngón chân cái một chút nhưng gần như chỉ toàn vỏ và hột.
Cầm trái xoài chín đưa ngang miệng bóp mạnh một cái hột xoài vọt vào miệng, mút một lát phun cái hột ra nó sạch đến nỗi con ruồi cũng chê! Thú vị hơn là gặp được cây mít nài, mùa mưa cây có nhiều trái chín rụng dưới gốc.
Nghe nói ngày xưa mấy con cọp già không còn bắt được thú để ăn nhờ thứ trái này sống lắt lay chờ… chết, vậy mà bọn tui ai cũng muốn thử làm… cọp già! Cuối cùng, dễ tìm và dễ ăn nhất là măng tre. Rừng Tây Ninh hễ có suối là có tre, cho vô khối măng vào mùa mưa.
Chúng tôi khai thác chúng từ lúc mới tụ hình dưới đất gọi là măng đào (đào mới lấy được măng) cho đến măng rung (cây măng đã cao với không tới phải rung cho gãy đọt mà lấy).
Khi người đồng bằng săn…thú rừng!
Cái khó không thể bó cái khôn. Ngoài tự túc nguồn rau cải từ các rẫy nhỏ bên suối và đặt bẫy cò ke bắt mấy con thú nhỏ, trong một lần đi thăm đồng hương, chúng tôi nhận chuyển một số vũ khí về đồng bằng. Thế là cả nhóm được “vũ trang” mấy khẩu AK. Giấc mơ săn thú rừng cải hoạt đã thành hiện thực!
Ở vùng rừng quanh trường báo chí lúc đó có nai, mễn, cheo, heo rừng… còn cọp, beo, gấu thì chỉ nghe trong các câu chuyện “hồi đó”. Trên cây, ngoài chim và sóc, loài thú được chúng tôi chú ý là khỉ và voọc (cũng là một loài như khỉ)…
Các thợ săn ở miền Đông khi đi săn bọn khỉ tinh ranh này thì họ đi ít người để không bị chúng phát hiện. Còn bọn tui huy động hết lực lượng, chia làm hai mũi đàng hoàng để “tìm và diệt” chúng, mà đâu biết lũ khỉ ở đây khi phát hiện người thì từ trên cây tuột nhanh xuống đất lẩn trốn, còn bọn voọc tản ra dùng lá che thân chẳng còn thấy đâu.
Dĩ nhiên kiểu đi săn “càn quét” như thế của chúng tôi nếu được các mẹ các chị mình ở đồng bằng đánh giá thì chắc chắn sẽ được họ phán rằng: “được cái khỉ dọc (voọc)!” hay “cái khỉ mốc”, “cái khỉ khô”!
Có lẽ chuyện đi săn khỉ của anh em nhà báo miền Tây chúng tôi hơi bị xóm giềng… cười, nên có người rút kinh nghiệm quay ra đánh lẻ, rủ các đồng nghiệp miền Đông đi cùng để học cách săn.
Các lần như thế đều có sản phẩm, lạ là dù đang thiếu chất đạm nhưng các cô nhà báo miền Tây và nhiều anh tuy có vẻ bề ngoài bặm trợn nhưng không dám đụng đến thịt khỉ, vì thấy chúng tội nghiệp quá trời…
Hai Hướng- nhà báo xứ Trà Vinh- là người khoái đi “cải hoạt” bằng săn thú rừng nhất trong chúng tôi. Anh bỏ tiền túi ra tận Lò Gò mua pin, mượn đèn rồi rủ hết người này đến người kia vác súng đi săn.
Đêm đi săn đầu tiên của anh kết quả rất ấn tượng, anh và trưởng nhóm Sáu Sang bắn được một con trăn khoảng 8 ký lô.
Con trăn này chắc tới số nên bò ra đường đi, Sáu Sang kê súng gần sát đầu con trăn bóp cò liền 2 phát, tuy trật lất nhưng cũng làm nó hộc máu mồm. Hai Hướng lẹ làng xung phong đè cổ con trăn xuống đất, thuận tay dùng kim tây khóa luôn cái miệng nó.
Đủ vốn, họ hí hửng về trại quăng con trăn xuống sân, anh em mừng rỡ kéo nhau ra xem. Có người xì xào đây là một con trăn gấm rất đẹp, chết uổng quá.
Bỗng các “chế” nữ la lên oai oái, thì ra con trăn đã tỉnh lại đang gồng mình định trườn đi, cũng là lúc có người nhận ra nó không phải là trăn mà là một con… nưa (còn gọi là rắn hổ bướm).
Đến lúc đó Hai Hướng mới giật mình! Hôm sau chủ nhật, bọn tui được nghỉ học, cả nhóm thịt con nưa liên hoan “rửa ruột” và xảy ra một việc khá vui: Thực khách chia làm hai phe, phe tham gia tiệc thì cho rằng nưa là một loại rắn hổ có gì là lạ, phe còn lại thì “án binh” chờ xem “hậu quả gây ra từ nhóm thứ nhất”.
Đến trưa, cả nhóm thứ nhất no căng bụng đàn hát om tỏi thì nhóm thứ hai mới tin là mình sai lầm, chỉ còn nước… vét nồi!
Hai Hướng lại nghe nói một học viên của Trường Tuyên huấn bên cạnh trong một đêm đi săn chỉ cần nổ liên tiếp 3 phát súng hạ gục 3 con nai lấy thịt cải hoạt cho cả trường, anh ngứa tay rủ một nhà báo Vĩnh Long là anh Tư Sa đi săn đêm.
Đi một đoạn khá xa bỗng Hai Hướng quay người đẩy ngực người đi sau rồi ra dấu bằng một gang tay, hàm ý đang gặp một con thú to, bởi thấy được hai mắt con thú “chịu đèn” cách nhau đến một gang tay. Anh vội nép vào một cây to gần đó nín thở… và suýt chút nữa đứt hơi khi nghe con thú tát lên một tiếng “bét” rất to rồi… dông mất.
Tiếng chân của nó y như tiếng một con trâu cổ chạy. Thì ra, con nai đã cả gan “trêu” Hai Hướng, khi anh chưa kịp bóp cò súng thì nó bỗng nhắm bớt một con mắt làm anh mất phương hướng, còn nó chạy mất…
Hai Hướng hụt ăn lớn như thế đâu phải là lần đầu. Trước đó trong một lần đi săn đêm cùng với Sáu Sang, họ cũng gặp một con nai. Lúc đó, cả hai đang đứng dưới lòng một con suối cạn bỗng nghe có tiếng giậm chân thình thịch trên bờ suối tầm ngang ngực họ ở gần đó.
Do đứng dưới thấp và thiếu kinh nghiệm nên đèn săn của họ chỉ quét ngang chân thú đâu thể bắt được mắt nó, mà cha sanh mẹ đẻ đây là lần đầu tiên họ gặp một trường hợp như thế, đang thì thào với nhau con gì mà quá lì lợm, hổng lẽ gặp… cọp, thì con thú chạy mất.
Sáng ra đi hỏi các bạn cùng học có kinh nghiệm săn thú mới biết con thú họ gặp có thể là một con nai to ở rừng sâu mới về nên còn bạo dạn, nó giậm chân là để dọa đối thủ, đối thủ không chạy thì nó chạy! Lời giải thích này có vẻ đúng vì chỉ hai ngày sau một học viên của lớp quay phim bên cạnh bắn được một con nai rất to ở khu vực đó.
Những chuyện như thế không lạ với người đồng bằng tập tành đi săn như bọn tui. Có lắm chuyện của cánh nhà báo quen cầm viết hơn cầm súng còn buồn cười hơn.
Anh Thái Hồng- nguyên bình luận viên của Đài Phát thanh Giải phóng- kể (1): Lần đó, đài vừa về một căn cứ mới, buổi sáng tổ thời sự đang họp phiên đầu tiên để phân công. Rừng lạnh tái tê bỗng nóng lên vì ở sân nhà có hai con heo rừng không biết từ đâu lò dò đi vào.
Chúng dường như chưa từng thấy người cứ đủng đỉnh đi quanh sân, liếc liếc nhìn đám đông... Thạch Wong- người trẻ nhất trong nhóm- nhanh nhảu vớ lấy khẩu súng lẻn vòng phía sau cặp heo.
Hai con heo bự xộn chẳng hay biết gì, ai cũng nín thở và tin chắc rằng bữa cơm trưa nay sẽ có món thịt heo rừng béo ngậy, mà không tin sao được vì anh ta vừa mới đi dự lớp huấn luyện quân sự về được anh em “suy tôn” là…“xã đội phó”!
Càng tin chắc hơn khi mũi súng của Thạch Wong gần như đụng đít con heo to nhất. “Đùng!” Sau tiếng súng nổ, cả nhóm ào ra sân rồi cùng… ngơ ngác.
Cả hai con heo chạy biến đâu mất, một sợi lông cũng không chịu để lại làm kỷ niệm. Có tiếng xôn xao “Trật! Trật rồi!”, “Trời ơi, vậy mà trật!” “Nhà quân sự” mặt sượng trân, miệng hơi nhếch một chút, không biết cười hay mếu...
Chuyện đi săn cải hoạt cho tập thể của anh Sáu Hiền- một cán bộ căn cứ của đài- còn ly kỳ hơn. Anh Duy Tuấn là đồng đội của anh Sáu kể (2): Trước khi là một nhà thiện xạ, Sáu Hiền từng có thành tích vang dội: bắn một phát súng được… 13 con heo!
Không phải là chuyện nói phét cho vui như chuyện bác Ba Phi nhưng đừng vội khen, vì anh ta đã bắn chết tươi con heo nái có chửa của cơ quan, trong bụng của con heo này có đến 12 heo con khiến chị nuôi khóc ròng.
Chưa hết, sau đó anh lại bắn nhầm con heo của văn phòng đài chuẩn bị cho liên hoan tết và lần này thì anh thật sự bị trừ điểm thi đua.l
(1) và (2) tài liệu từ quyển “Đây là Đài Phát thanh Giải phóng” do Nhà xuất bản Văn nghệ TP Hồ Chí Minh và CLB Truyền thống Đài Phát thanh Giải phóng xuất bản năm 1997.
HỒNG VÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin