Ngày 20/12 tại Hà Nội, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức Lễ mừng thọ các hội viên cao tuổi và trao Giải thưởng Văn nghệ dân gian Việt Nam năm 2019. Theo đó, 61 công trình văn nghệ dân gian được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam vinh danh và trao giải trong năm 2019.
Ngày 20/12 tại Hà Nội, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức Lễ mừng thọ các hội viên cao tuổi và trao Giải thưởng Văn nghệ dân gian Việt Nam năm 2019. Theo đó, 61 công trình văn nghệ dân gian được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam vinh danh và trao giải trong năm 2019.
Hội Văn nghệ dân gian trao giải thưởng cho các công trình xuất sắc. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN. |
Trong đó, hai giải Nhì A được trao cho công trình “Tìm hiểu về truyện thơ dân gian Việt Nam” của tác giả Triều Nguyên (Lư Viên) tỉnh Thừa Thiên – Huế và công trình “Hệ thống Tam phủ - Tứ phủ trong tư liệu văn bản và thực hành tín ngưỡng của người Kinh và một số tộc người thiểu số miền núi phía Bắc" của nhóm tác giả Viện Nghiên cứu văn hóa, do Tiến sỹ Chu Xuân Giao làm chủ biên.
Hội đồng chấm giải còn trao 12 giải Nhì B, 21 giải Ba A, 18 giải Ba B, 5 giải Khuyến khích và 3 tặng phẩm cho các công trình văn nghệ dân gian xuất sắc năm 2019. Tổng giá trị các giải thưởng là 692 triệu đồng.
Năm 2019, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nhận được 77 công trình tham dự giải. Hội đồng Sơ khảo đã loại ra 5 công trình phạm quy (do không đủ dung lượng hoặc quá hạn). Các công trình được đưa vào xét giải phân bố trên các lĩnh vực gồm: 22 công trình ngữ văn, 33 công trình phong tục tập quán, 9 công trình nghệ thuật biểu diễn, 3 công trình nghệ thuật tạo hình, 5 công trình tri thức dân gian.
Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đánh giá: Trong số các công trình được trao giải thưởng năm 2019, đã xuất hiện những công trình có tính chất tổng kết hoặc giải mã từ góc tiếp cận lý luận. Điển hình là hai công trình được trao giải Nhì A.
Trong đó, công trình “Hệ thống Tam phủ - Tứ phủ trong tư liệu văn bản và thực hành tín ngưỡng của người Kinh và một số tộc người thiểu số miền núi phía Bắc” là công trình dày dặn và công phu. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên, tín ngưỡng này được nghiên cứu dựa trên khối tư liệu điền dã và thư tịch Hán Nôm của Việt Nam, trong các sách viết bằng chữ quốc ngữ, các ghi chép của người Pháp và báo chí đầu thế kỷ XX, đặc biệt là trong văn chầu, sinh hoạt của người Việt ở nước ngoài...
Công trình “Tìm hiểu truyện thơ dân gian Việt Nam” của tác giả Triều Nguyên ngoài việc đưa ra được những nhận xét về hệ thống truyện thơ dân gian Việt Nam, tác giả cũng bàn đến một vài đặc điểm chung của thơ...
Bên cạnh đó, một số công trình nghiên cứu có giá trị được Hội đồng chấm giải đánh giá cao như “Sử thi Banar: Bia Rơven làm hại vợ chồng Set” (song ngữ Banar – Việt), “Sử thi Raglai: Chàng Kei Kamao và Cei Balaok Li-u” (song ngữ Raglai – Việt); “Tục ngữ Thái Thanh Hóa”, “Hôn nhân và gia đình của dân tộc Raglai”, “Âm nhạc dân gian của người H’rê ở Quảng Ngãi”, “Nghệ thuật bài Chòi dân gian Bình Định”…
Ngoài ra, một vài công trình đã bước vào "địa hạt" của tư duy lý luận như: “So sánh dân ca trữ tình sinh hoạt của người Tày và người Thái Việt Nam”, “Nghiên cứu một số đặc điểm nội dung và nghệ thuật của truyện cổ dân gian các dân tộc thiểu số Lào Cai”, “Truyện cổ dân gian có yếu tố Phật giáo ở Việt Nam và Myanmar – nghiên cứu theo hướng tiếp cận bối cảnh”, “Thần thoại học và thần thoại Việt Nam đa tộc người”…
Theo đánh giá của Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Tô Ngọc Thanh, những công trình nghiên cứu của các nhà khoa học đã có đóng góp rất lớn trong việc làm nổi bật tinh hoa văn hóa hàng ngàn năm mà cha ông để lại, là cơ sở để các thế hệ sau này tiếp tục nghiên cứu, phát triển.
Nhân dịp này, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã tổ chức Lễ mừng thọ và trao quà tặng các hội viên cao tuổi.
Theo Phương Lan (TTXVN)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin