Cuộc kháng chiến chống Pháp tái xâm lược Việt Nam (tt)

05:12, 24/12/2019

Năm 1953, địch lấn chiếm các lõm du kích còn lại của ta. Chúng càn quét lấn chiếm theo kế hoạch tên tướng Navare. Đại đội của Một Thi về chiếm đóng ở Cái Ngang và bung ra đánh phá các xã chung quanh. 

(Tiếp theo kỳ trước)

[links()]

Năm 1953, địch lấn chiếm các lõm du kích còn lại của ta. Chúng càn quét lấn chiếm theo kế hoạch tên tướng Navare. Đại đội của Một Thi về chiếm đóng ở Cái Ngang và bung ra đánh phá các xã chung quanh. 

Để đối phó kế hoạch này, Chi ủy xã Mỹ Thạnh Trung họp bàn kế hoạch bố trí số đảng viên trong chi bộ. Trong số 126 đảng viên, ta cho đi về vùng giải phóng Tây Nam Bộ một số, còn lại 26 đảng viên kiên quyết đột vào vùng địch hậu gầy dựng cơ sở.

Du kích và xã đội lui về vùng Hòa Hảo chiếm đóng, giấu súng giả dân, khi cần móc súng lên hành quân rồi trở về chỗ cũ. Trong số 26 đồng chí còn lại, khi địch đánh rát quá chỉ còn 15 đồng chí dám bám hoạt động, số khác co lại.

Tôi nhớ rõ vào mùng một Tết 1953, đồng chí Bảy Nhãn- Huyện lỵ đội trưởng Tam Bình dẫn tôi về xóm Tàu ăn tết. Gọi là xóm Tàu vì ngày xưa phố xá đông đúc mà toàn là người Hoa. Nay chiến tranh bom đạn gây đổ nát, họ cất lại phố bằng nhà lá, xa xa có 1 đồn địch, mỗi đồn có 6 tên lính gác.

Chúng tôi cải trang như dân trong phố, ghé nhà cơ sở, đèn nến sáng choang, mọi người vui vẻ mời chúng tôi vào bàn giữa, ăn bánh mứt, uống trà, cà phê sữa, trong mùi khói hương thơm phức của ngày xuân.

Họ dẫn chúng tôi tận đồn và nói: “Đồn ở đó, nhưng ít bung ra, ba ngày tết tụi nó nhớ nhà nhậu say lúy túy rồi. Chúng mình thì cứ tự do”. Một cái tết trong lòng dân sao nó êm ấm như những cái tết mình còn ở gia đình.

Đại đội Commando Một Thi gồm Đội Ứng, Cai Thi hoạt động ráo riết, chúng tôi phân tán mỗi người một vùng.

Tôi phụ trách vùng Bằng Tăng, Trần Xuân Đáng- Ủy viên Thường vụ Huyện đoàn Thanh niên cứu quốc Cái Ngang- được bổ sung làm Xã đoàn Trưởng xã Mỹ Thạnh Trung bám Đìa Thùng (ngọn Cái Sơn). Gián điệp báo tin, Một Thi kéo quân vây, bắn Đáng bị thương chân rồi bắt về Cái Ngang.

Một Thi và Đáng vốn quen lúc Một Thi là Công giáo kháng chiến huyện Trà Ôn, nay nó biết Đáng rất rõ. Chúng giam Đáng ở đồn rồi đem mâm gà luộc rượu đãi Đáng và nói: “Tao với mày là bạn, nay mày bị tao bắt, thôi chung với tao bữa tiệc, rồi trở về sống với tao”. 

Đáng đá hất mâm rượu và chửi vào mặt Một Thi, phản đối những lời dụ hàng của hắn. Một Thi cắn răng bỏ đi. Sáng hôm sau, hắn cũng dọn đãi Đáng và dụ nhẹ nhàng hơn: “Thôi mầy không theo tao thì thôi, ra ở làm dân trong vùng kiểm soát của tao, nếu mầy không chịu thì tao bắn mầy, mầy phải chọn con đường mà đi”. 

Đáng vẫn hất mâm và chửi Một Thi. Thế là chúng chở Đáng vào Đìa Thùng bắn Đáng xô xác xuống ruộng. Du kích đến lấy xác, nhưng chúng phục kích giữ xác 4- 5 ngày đến thối, dân đem chôn bên Đìa Thùng.

Con người anh hùng này đáng được phong Anh hùng lực lượng vũ trang, Đáng còn đứa em hy sinh, mẹ được phong là “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Địch càn quét ráo riết hơn, chúng lùng sục mọi nơi. Đêm chúng tôi đi ngủ ở lùm, bụi và luôn đổi chỗ. Súng không được rời thân và phải gối đầu để ngủ. Khi có địch thì chụp bắn liền mới kịp.

Tôi còn nhớ, một hôm tôi vào ngủ ở chòi đồng Thủ Cù (Song Phú). Chòi chỉ có một giường tre, tôi và anh Chín Gà Lôi (chủ chòi) ngủ chung.

Khuya độ 1 giờ, tôi nằm chiêm bao thấy một thằng Tây chồm đè tôi, tôi chụp súng bắn liền, tiếng nổ chát tai của đạn súng Rulô làm tôi tỉnh lại, ngón tay còn trong cò súng. Đạn trúng cây trụ vách tét một miếng, anh Chín thì lăn xuống sàng im thin thít.

Tôi sợ anh bị thương, lắc nhẹ anh “có sao không?”, hỏi hai lần anh mới lồm cồm ngồi dậy “cái gì vậy”, tôi trả lời: “nằm chiêm bao thấy Tây đè tôi, tôi bắn nó”. Trời ơi! Anh làm vậy chết thằng Bản rồi.

Vợ nó đi thăm nó ở bên chòi (cách đó độ 50m) chắc bỏ chạy rồi… Thôi để tôi chuộc tội, kiếm nó xin lỗi. Bản là Trung đội Trưởng địa phương quân.

Chúng tôi bám địa bàn, xây dựng cơ sở, thỉnh thoảng về vùng Hòa Hảo chiếm đóng ở Ngã Tư Cái Sơn nghỉ xả hơi. Đại đội Hòa Hảo này ta nắm được.

Dân tản cư tránh Commando vào vùng này ở dễ dàng. Có những đêm đi công tác về gặp dân giăng lưới đuổi chuột. Họ đuổi vài giờ bắt hàng mấy giạ chuột. Du kích dần lấn địch, lõm du kích được mở rộng. Dân trở lại bám đất, chiến trường cả nước sôi động.

Thu Đông 1950, ta mở chiến dịch giải phóng biên giới Việt Nam- Trung Quốc, Trung Quốc giải phóng Hoa Nam, ta mở toang biên giới với nước bạn.

Chiến dịch Thu Đông 1951- 1952, ta tiêu diệt lớn sinh lực địch ở Nà Sản, Lai Châu, mở rộng chiến trường sang Sầm Nưa- Luang Brabang (Lào). Địch thua trận, con của tướng Le Latter tử trận, Delatta đau rồi chết. Chúng thay tướng Ely, rồi Sala, Navare.

Navare ra sức bình định Nam Bộ, bắt lính, đôn quân ra chiến trường Việt Bắc. Cả nước đồng loạt ra quân bẻ gãy ý đồ địch.

Các tiểu đoàn được phân công về phát động du kích nay tập hợp đánh mạnh. Tiểu đoàn 308 qua Sóc Trăng nay trở về Vĩnh Trà.

Ta vừa tiêu diệt sinh lực địch, vừa mở rộng chiến trường Trung hạ Lào, câu kéo chủ lực địch đưa chúng về vùng rừng núi để tiêu diệt.

Mặt khác, đánh vào vùng Trung du và đồng bằng Bắc Bộ, giải phóng vùng này, phá nguồn dự trữ tiếp tế người và của của địch.

Tôi được điều về Huyện làm thơ ký cho đồng chí Ngự- Tỉnh ủy viên- Bí thư Huyện ủy kiêm Chính trị viên huyện đội Cái Ngang.

Lúc chiến trường căng, thì người tôi đã hứa hôn- Hồng Phương, cán bộ Phụ nữ cứu quốc huyện Cái Ngang từ năm 1951 thúc tôi làm lễ thành hôn. Tôi đòi hoãn lại khi nước nhà giải phóng sẽ làm lễ thành hôn.

Vợ tôi sợ chiến tranh lớn xảy ra, sợ tôi bị điều đi nơi khác nên nhờ anh Hoàng (em anh Hai Đáng- Tỉnh đoàn Phó Thanh niên) và chị Nga (Hội trưởng Phụ nữ Cái Ngang) thúc vô, tôi đành chịu để vợ tôi an tâm công tác.

Lễ thành hôn làm tại nhà ông nội vợ tôi tại Phước Hậu- vùng ta và địch cài răng lược- do Chi ủy xã Phước Hậu đứng ra tổ chức.

Sau 3 ngày sum họp, vợ tôi công tác tại xã, còn tôi trở về xã Mỹ Thạnh Trung chuẩn bị bàn giao rồi về huyện lãnh công tác.

Nói là làm thơ ký cho anh Ngự, nhưng tất cả dồn sức cho Huyện đội, cho các trung đội địa phương quân vừa mới tập trung để đánh địch, bao vây đồn bót, mở rộng vùng du kích, giải phóng ấp- xóm.

Địch đổ quân chiếm Điện Biên Phủ, với ý đồ đánh bật ta ở biên giới. Nhưng ta mở mặt trận Điện Biên. Bộ Tư lệnh chỉ thị cả nước đồng loạt, từ đồng bằng đến rừng núi và thành thị tấn công tiêu diệt địch, giải phóng xã ấp, quyết kiềm chân quân chủ lực địch, không để chúng rút đi chi viện Điện Biên, đồng thời mở rộng mặt trận ở Lào, căng quân chủ lực lên rừng núi mà tiêu diệt.

Ở đồng bằng, 3 thứ quân đánh địch, dồn địch vào thế phòng thủ, giải phóng nhiều vùng rộng, đẩy mạnh địch vận, chống bắt lính đôn quân.

Phong trào chống chiến tranh xâm lược Việt Nam rầm rộ trên đất Pháp và cả thế giới. Chánh phủ Pháp đổ, Tổng thống thứ 9 của Pháp là Mendes France lên hứa trong vòng một tháng sẽ chấm dứt chiến tranh Việt Nam.

Tin thắng trận dồn dập làm nức lòng nhân dân, làm thế và lực đoàn đàm phán của Chính phủ ta tại Genève (Thụy Sĩ) càng mạnh tay đưa các yêu sách với Pháp, Mỹ.

Huyện đội Cái Ngang phân công tôi cùng Trung đội C (đồng chí Tròn- Trung đội trưởng) điều nghiên đánh đồn một Đại đội của Hòa Hảo, phái Năm Lửa chiếm đóng từ 1951 tại xã Lục Sĩ Thành.

Tên Đại đội trưởng đồn là tên Sách rất ác ôn. Ta có 7 nội tuyến và 2 đại đội trưởng Bảo an (Bảo an của Hòa Hảo như dân quân) nội tuyến giữ vai trò quan trọng, thủ các loại súng máy ở các lô cốt.

Để kiểm tra lần chót việc bố trí quân của địch, tôi cải trang thường dân và nhờ anh Hai tôi (là Đại đội trưởng Bảo an Hòa Hảo) dẫn tôi ngồi uống cà phê ở cái quán sát cửa đồn để dễ quan sát.

Thình lình có anh Tới cũng là Đại đội trưởng Bảo an Hòa Hảo đến, nhìn tôi tỏ vẻ ngạc nhiên và hỏi: “Anh Hai, phải chú Mẫn ở Thông tin huyện Trà Ôn hồi đó không anh Hai?”

Anh Hai tôi nói: “Nó đó à, mà nay nó không đi theo Việt Minh mà về góp lúa ruộng cho ông già vợ nó ở Vĩnh Long”.

Tôi không biết anh Tới có ác ôn không nên tôi đạp chân anh Hai, trả tiền cà phê rồi đi gấp. Anh Hai tôi bảo: “Không có gì đâu. Cái chức đại đội trưởng này chẳng qua là bị bắt buộc, có ai theo nó đâu”.

Mọi chuyện sắp xếp trận chiến đã xong, định tối 20/7 nổ súng lấy đồn. Ngày 5/7, ta chiếm Điện Biên Phủ, tại bàn Hội nghị Genève đang đến hồi kết thúc. 3 giờ chiều ngày 20/7 lệnh trên ra: ngưng lại toàn bộ các cuộc tấn công địch- Hiệp định Genève đã ký.

Không còn gì kể xiết, niềm vui của nhân dân ta sau 9 năm gian khổ kháng chiến. Tôi trở về Văn phòng Huyện ủy Cái Ngang để học tập chỉ thị, chủ trương của ta khi thi hành Hiệp định Genève và lo việc tập kết, sắp xếp người đi, kẻ ở lại miền Nam đấu tranh đòi thi hành Hiệp định, đòi tổng tuyển cử thống nhất nước nhà.

Quân ta tập kết về Ngã Tư Cái Sơn, xã Song Phú để chuẩn bị rút về Cà Mau theo lịch của Ủy ban Liên hiệp đình chiến.

Súng ống được gom lại, nói là để đem đi miền Bắc, nhưng thật ra ta cũng dự đoán địch có thể không thi hành hiệp định, nên số súng tốt ta cất giữ lại để sử dụng về sau.

Tôi được Huyện ủy chỉ thị ở lại miền Nam, về làm Bí thư xã Tân Đông Hậu (nay là xã Hậu Lộc). Một mình bơi xuồng về nhận nhiệm vụ, nhìn anh em hồ hởi đi tập kết, họ có biết đâu mình ở lại miền Nam, lòng mình cảm thấy bùi ngùi, rồi đây ai còn ai mất, còn gặp lại nhau khi tổng tuyển cử hay phải hy sinh. Xuồng tôi đi xa mà tôi vẫn còn ngoảnh nhìn lại anh em đồng chí lần chót.

Thế là chấm dứt một giai đoạn kháng chiến chống xâm lược, giành nền độc lập cho Việt Nam, và phân nửa Tổ quốc thân yêu sạch bóng quân thù.

Phân nửa còn lại đây, phía trước đầy chông gai mà mình phải tham gia cùng toàn Đảng toàn dân gánh vác.

(Mời xem tiếp trên số báo VLCN tới)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh