Họa sĩ Trương Văn Ý- Để tiếng xưa còn vọng

04:12, 07/12/2019

Lan tỏa nhiều cung bậc cảm xúc với niềm hoài cổ đậm hồn quê, họa sĩ Trương Văn Ý là một trong những tác giả vẽ tranh lụa nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh. Ở tuổi 84, ông nói "mắt thì mờ, tay cũng không còn đủ tỉ mẩn để vẽ từng đường nét trên lụa" nhưng ông vẫn không ngừng vẽ.

Lan tỏa nhiều cung bậc cảm xúc với niềm hoài cổ đậm hồn quê, họa sĩ Trương Văn Ý là một trong những tác giả vẽ tranh lụa nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh. Ở tuổi 84, ông nói “mắt thì mờ, tay cũng không còn đủ tỉ mẩn để vẽ từng đường nét trên lụa” nhưng ông vẫn không ngừng vẽ.

Tình yêu hội họa và tình cảm đặc biệt dành cho sân khấu cải lương là chất xúc tác để họa sĩ Trương Văn Ý thổi hồn vào hơn 100 bức chân dung danh ca cải lương. Và 80 bức tranh trong số đó đang được trưng bày ở Vĩnh Long.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy- Nguyễn Văn Săn (trái) và họa sĩ Trương Văn Ý tại Bảo tàng Vĩnh Long.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy- Nguyễn Văn Săn (trái) và họa sĩ Trương Văn Ý tại Bảo tàng Vĩnh Long.

Nặng tình với tranh lụa

Họa sĩ Trương Văn Ý sinh năm 1935 tại Chợ Lớn- Sài Gòn. Lúc mới tốt nghiệp Trường CĐ Mỹ thuật Sài Gòn năm 1959, họa sĩ Trương Văn Ý được giữ lại làm giảng viên bộ môn In ấn thạch bản.

Với nhiều trải nghiệm độc đáo ở sự pha trộn kỹ thuật sử dụng màu, dầu, nước để in các độc bản trên lụa hay giấy, ông có hàng loạt tác phẩm trừu tượng tham dự triển lãm quốc tế về hội họa tổ chức tại Sài Gòn năm 1962.

Họa sĩ Trương Văn Ý cũng có nhiều tâm huyết nghiên cứu kỹ thuật bồi biểu giấy hay lụa để phục vụ việc bảo tồn lâu dài cho các tác phẩm vẽ trên lụa.

Đây cũng là một đóng góp đáng kể của ông với vai trò hiệu trưởng phụ trách việc đào tạo và truyền dạy cho các thế hệ họa sĩ trẻ tại Trường Quốc gia Trang trí mỹ thuật Gia Định (hiện là Trường ĐH Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh).

Cách vẽ tranh lụa của họa sĩ Trương Văn Ý ảnh hưởng từ người thầy- họa sĩ Lê Văn Đệ- thủ khoa khóa đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương ở nước ta.

Từ ngày 22/11- 22/12/2019, Bảo tàng tỉnh Vĩnh Long trưng bày 80 bức tranh sơn dầu về chân dung nghệ sĩ cải lương của họa sĩ Trương Văn Ý. Bên cạnh đó, còn có 260 tư liệu, hình ảnh, tranh, hiện vật liên quan đến nghệ thuật đờn ca tài tử, sân khấu cải lương Nam Bộ.

Họa sĩ Trương Văn Ý chia sẻ: “Cách vẽ lụa này là theo trường phái của ông Lê Văn Đệ. Nếu như trường phái của ông Nguyễn Phan Chánh là vẽ thẳng trên lụa thì của ông Văn Đệ là vẽ, rửa. Thành ra nếu để ý kỹ sẽ thấy tranh lụa của tôi vẽ không còn chất bột màu mà là nhuộm lụa”.

Trong quyển sách viết về họa sĩ Trương Văn Ý, Nhà giáo nhân dân- họa sĩ Uyên Huy đã nhận xét: “Vào khoảng năm 1960, nghệ thuật in độc bản ít người sử dụng, có thể nói họa sĩ Trương Văn Ý là người tiên phong dùng kỹ thuật này để sáng tác nhiều tác phẩm của riêng mình…

Với kỹ thuật in độc bản, ông tạo nên nhiều bức tranh trừu tượng đẹp mắt, gợi nhiều suy tưởng cho người xem.

Bên cạnh những bức tranh lụa vẽ thiếu nữ hay làng quê, họa sĩ Trương Văn Ý còn tập trung tái hiện lại những cảnh ông đồ dạy chữ, cảnh vinh quy bái tổ...

Bức tranh “Trường xưa” là tác phẩm nổi bật khi có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kỹ thuật bút pháp phương Tây và chất lãng mạn, bay bổng theo dòng cảm xúc của một họa sĩ Á Đông.

Màu sắc của tác phẩm được đánh giá có sự tương đồng với các bức tranh dân gian Đông Hồ và mang nhiều nét ngộ nghĩnh, đáng yêu.

Ông đồ ngồi giữa, các học trò xung quanh cúi người tập viết và lắng nghe lời thầy dạy. Toàn bộ bức tranh toát lên tinh thần tôn sư trọng đạo, hiếu học của người Việt Nam. Họa sĩ Trương Văn Ý cho biết: “Bức tranh được đấu giá với mức khởi điểm là 3.000 USD”.

Thổi hồn vào hơn 100 bức chân dung danh ca cải lương

Đối với đề tài tranh chân dung, họa sĩ Trương Văn Ý nổi tiếng với những bức tranh về các nhân vật lịch sử.

Năm 2018, nhân kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương, ông đã giới thiệu đến công chúng hơn 100 bức tranh chân dung ông vẽ tặng các soạn giả, đạo diễn, nghệ sĩ sân khấu cải lương.

Tranh chân dung của ông thiên về miêu tả cốt cách từ sự định hình về tính cách ở họ, hơn là sự diễn tả tâm tư riêng biệt như bức chân dung.

Cái duyên của họa sĩ Trương Văn Ý với sân khấu cải lương bắt đầu năm 1973, khi đoàn hát Út Bạch Lan- Thành Được thiếu người thiết kế phục trang cho các vở tuồng lấy cốt truyện từ Nhật.

Biết ông vừa tu nghiệp hội họa từ Nhật về, bạn thân là họa sĩ Đặng Hoài Nam đã giới thiệu ông về làm công việc thiết kế phục trang cho đoàn.

Những lần tiếp xúc, trò chuyện giúp ông dần bắt được thần thái, nét diễn của những nghệ sĩ mà về sau chính là nguồn tư liệu quý báu để ông sáng tác những bức chân dung.

Năm 2015, ông bắt tay vẽ nhân vật đầu tiên là Nghệ sĩ nhân dân Phùng Há. Ông kể, trong những lần bà đến thăm hỏi các nghệ sĩ lão thành tại viện dưỡng lão, ông từng có duyên gặp gỡ, trò chuyện và cảm mến trước tấm lòng của bà nên chọn vẽ bà đầu tiên.

Vẽ không theo đặt hàng, không vụ lợi nên ông cứ thế miệt mài cầm cọ suốt gần 3 năm. “Tôi tìm hiểu thông tin rồi gặp các nghệ sĩ để trò chuyện nhằm bắt được cái thần của họ để vẽ. Với những nghệ sĩ đã qua đời, tôi tìm thông tin qua các bài viết, hình ảnh trên mạng… để thực hiện tác phẩm.

Nếu may mắn có ảnh màu còn mới thì việc vẽ tranh sẽ đơn giản hơn, còn nếu chỉ có ảnh trắng đen thì tôi cần tưởng tượng để tô điểm cho nhân vật”- họa sĩ tâm sự.

Dù rằng không còn sáng tác trên tranh lụa nữa bởi mắt đã kém đi rất nhiều nhưng trong câu chuyện của mình, họa sĩ Trương Văn Ý vẫn luôn giữ niềm lạc quan, hào sảng khi kể về những kỷ niệm trong suốt 60 năm gắn bó với mỹ thuật Việt Nam.

Như họa sĩ Nguyễn Trung đã viết về ông: “Trương Văn Ý sáng tạo với một tình yêu Đông phương, với một niềm hoài cổ, dù lối vẽ của anh được coi như tân kỳ, trái hẳn với nguyên tắc của hội họa cổ điển”. Tình yêu của ông thổi hồn vào những nét vẽ- để tiếng xưa mãi còn vang vọng.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Xuân Hoanh cho biết, những tư liệu, hình ảnh, hiện vật tiêu biểu liên quan đến nghệ thuật đờn ca tài tử và sân khấu cải lương giúp công chúng tìm hiểu, khám phá nét hay và cảm nhận sâu sắc về di sản âm nhạc truyền thống của dân tộc. Thông qua hoạt động trưng bày chuyên đề nhằm tôn vinh các thế hệ nghệ sĩ đã có nhiều công lao đóng góp cho lĩnh vực sân khấu cải lương, tạo điều kiện để người dân địa phương, du khách thưởng lãm và nâng cao nhận thức, niềm tự hào cho thế hệ trẻ, góp phần bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh