Biểu tượng lửa và máu trong thơ Nguyễn Khoa Điềm

11:12, 01/12/2019

Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ chiến sĩ thời kỳ chống Mỹ. Thông thường khi viết về đề tài chiến tranh, các nhà thơ thường chọn những biểu tượng như: súng, đạn, bom, khói lửa… để miêu tả sự khốc liệt của cuộc chiến. Xuất hiện diễn đàn thi ca chống Mỹ, với phong cách riêng của mình, Nguyễn Khoa Điềm đã chọn biểu tượng "lửa" và "máu".

Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ chiến sĩ thời kỳ chống Mỹ. Thông thường khi viết về đề tài chiến tranh, các nhà thơ thường chọn những biểu tượng như: súng, đạn, bom, khói lửa… để miêu tả sự khốc liệt của cuộc chiến. Xuất hiện diễn đàn thi ca chống Mỹ, với phong cách riêng của mình, Nguyễn Khoa Điềm đã chọn biểu tượng “lửa” và “máu”.

Với số lượng sáng tác khá khiêm tốn, chỉ 4 tập thơ nhưng thi sĩ đã cho xuất hiện 60 lần hình ảnh lửa và 44 lần hình ảnh máu. Xuất hiện với tần số cao, lửa và máu trở thành những biểu tượng có sức ám gợi mạnh mẽ về sự khốc liệt và hào hùng của cuộc chiến tranh giữ nước.

Lửa là biểu tượng cho ánh sáng, hơi ấm và là hiện thân của sự sống. Qua biểu tượng gốc là lửa, Nguyễn Khoa Điềm muốn gửi gắm vào đấy những thông điệp thẩm mỹ phong phú:

Tôi muốn em hãy đọc bài thơ Nga ấy

Đã rung lên như lửa cháy

(“Đi bên mùa thu”)

Lửa làm nhụy, tám em xòe tám cánh

Lửa tỏa sáng tám đôi chân nhỏ nhắn

Anh giữ lửa cho em tròn giấc

(“Những bàn chân nhỏ”)

Trong chiến tranh, lửa còn biểu trưng cho lý tưởng cách mạng rực cháy trong tâm hồn tuổi trẻ, tâm hồn những người lính, làm họ sống gắn bó trong tình đồng chí, đồng đội, khơi nguồn động lực để chiến đấu vượt qua gian khổ hy sinh.

Tiếng reo của lửa làm cho những người lính cảm thấy vui hơn, yêu đời hơn và ấm áp hơn trong những ngày tháng hành quân xa gia đình:

Mình nhớ bếp lửa rừng ngày gặp lại

Ta nói nhiều về đất nước nhân dân

(“Chúng ta vẫn sẵn sàng cho bài giảng đầu tiên”)

Bếp lửa quây quần suốt mấy anh em

Không ai nhìn ai chúng tôi nhìn lửa

Ở đó cháy cùng ý nghĩ

Và tỏa hồng trên mỗi trán say mê

Ngọn lửa không chỉ là biểu tượng cho lý tưởng cách mạng mà còn là ngọn lửa căm thù trước vô vàn tội ác mà giặc ngoại xâm gieo rắc trên quê hương. Ngọn lửa đời thường từ mỗi gian bếp, trong mỗi gian nhà thân yêu bình dị trong thời bình êm ả đã biến thành ngọn lửa yêu thương, ngọn lửa căm thù trong chiến tranh:

Lửa đã cháy hồng hào mặt đất

Mùa chín tình yêu, mùa chín hận thù

Lửa đã cháy lên

Lửa ngàn đời từ mỗi bếp cháy lên

(“Mặt đường khát vọng”)

Trong cuộc chiến đấu với kẻ thù, lửa còn thể hiện ý chí chiến thắng quân thù xâm lược và làm tăng thêm hào khí chiến đấu của dân tộc Việt Nam:

Có bao giờ như buổi sáng xuân nay

Chúng ta bay nghìn độ lửa ta bay

(“Đất ngoại ô”)

Những đống lửa rừng và ngôi sao không tên

Đều cháy lên từ tình yêu Tổ quốc

(“Hình dung về Chê Ghêvara”)

Chúng muốn lửa chúng ta có lửa

Bom xăng ta ném cháy mặt phừng phừng

Khép vòng vây dội lửa xuống đô thành

Ta đan lửa cho bầu trời cao rộng

(“Mặt đường khát vọng”)

Không gian chiến tranh mênh mang là lửa. Lửa từ bầu trời, lửa trên mặt đất, lửa trong rừng thẳm, lửa từ bom đạn... hừng hực cháy lên hòa cùng ngọn lửa quyết tâm trong lòng người Việt Nam yêu nước.

Ngọn lửa ấy lan khắp không gian, xuyên suốt thời gian kết tinh thành sức mạnh chính nghĩa diệt thù, mạnh như vũ bão thiêu hủy, tiêu diệt kẻ xâm lược.

Nhờ có lửa, con người ngày càng trở nên hoàn thiện và phát minh ra nhiều sáng kiến để phục vụ cho chính mình.

Lửa là hiện thân của sự sống, do vậy lửa có mặt trong mọi hoạt động cuộc sống của con người. Sự thay đổi trong tiến trình văn hóa của con người đã làm thay đổi vị trí và vai trò của lửa, khiến giá trị của nó không còn đơn thuần như thuở khai sinh ra chính nó nữa.

Nhận thức vai trò của lửa trong đời sống văn hóa của con người, dưới cái nhìn văn hóa, lửa tồn tại như một thực thể, được con người xem xét dưới nhiều góc độ.

Ngọn lửa gắn bó với con người Việt Nam ngay từ thuở hồng hoang và cháy mãi sáng ngời tỏa rạng nền văn minh Việt Nam. Biểu tượng lửa còn biểu hiện sức sống bất diệt của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Sức sống mãnh liệt ấy được truyền giữ qua bao thế hệ, tiềm tàng và bùng lên mạnh mẽ:

Họ truyền lửa qua mỗi nhà từ hòn than con cúi

Hãy đứng dậy và giơ cao ngọn đuốc

Của tình yêu đã khơi lửa ngàn đời

(“Mặt đường khát vọng”)

Hãy đốt sáng bừng bừng ngọn lửa

Thứ ánh sáng của chúng ta

Đây chính là thứ ánh sáng Việt Nam

Ngọn đèn dầu mẹ ta thức khuya dậy sớm

Ngọn đuốc cha cày sâu cuốc bẫm

Ngọn sáp hồng soi máu lệ tổ tông

Những ngọn lửa thắm lên trang sử anh hùng

(“Đêm không ngủ”)

Biểu tượng lửa còn bùng cháy khát vọng sum vầy hạnh phúc và sâu thẳm là khát vọng hòa bình được trở về với tình yêu và mái ấm gia đình. Đó là nỗi khao khát hòa bình trong lòng những người lính trẻ.

Họ luôn mơ ước giành lấy thắng lợi trong kháng chiến để có thể trở về trong ca khúc khải hoàn đoàn tụ bên gia đình, người thân:

Ơi ta yêu phút này đây: khói, cây, những tiếng

Cùng bạn mình như ánh lửa kề bên

(“Bếp lửa rừng”)

Em mãi có thật, dịu dàng

Như một căn nhà ngày ngày lửa ấm

Em nhé, mùa hạ này em đừng nhắc nữa

Sao chúng mình còn xa nhau

(“Những bài thơ tình viết trong chiến tranh”)

Sự ác liệt của những năm tháng chiến tranh không thể nào phai nhòa trong lòng những người chiến sĩ. Hình ảnh bếp lửa gợi những đêm Trường Sơn trải dài theo bước chân người ra trận. Bếp lửa rừng trở thành người bạn thân thiết trong những đêm hành quân của những người lính.

Ngọn lửa vừa là hiện thực cụ thể chiến tranh vừa là một biểu tượng thơ, một biểu tượng tinh thần tỏa sáng trên những câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm. Sau bao năm dài chiến đấu, chiến tranh đã đi qua nhưng bếp lửa rừng vẫn rất đượm trong tâm hồn của những người chiến sĩ.

Biểu tượng lửa trong thơ Nguyễn Khoa Điềm vẫn xuất hiện trong những bài thơ sau chiến tranh như một sự khẳng định ký ức Trường Sơn không thể phai nhòa trong lòng những người từng xông pha trên mặt trận:

Trăm bếp lửa trải dài ra trận tuyến

Có bếp nào không bóng bạn và tôi

Lòng bập bùng những bếp lửa xa xôi

(“Bếp lửa rừng”)

Nghe thương mến thắp lên từng ngọn lửa

Bao lối mòn chớp lửa thời chiến tranh

(“Những bài hát, con đường và con người”)

Những ngọn lửa sự sống, lửa lý tưởng, lửa niềm tin, lửa khát vọng... đã thắp sáng tâm hồn của nhà thơ trong chiến tranh.

Sau chiến tranh, đất nước bước vào cuộc sống hòa bình, những ngọn lửa ấy lại tiếp tục ngời sáng và tỏa hơi ấm trong những bài thơ viết về cuộc sống đời thường của Nguyễn Khoa Điềm. Lửa là một biểu tượng thơ đa nghĩa đã đi vào thơ Nguyễn Khoa Điềm thật đặc sắc và độc đáo.

Nó đã hội tụ, lan tỏa và chi phối thế giới hình tượng thơ của ông. Ông đã thể hiện biểu tượng lửa với cái nhìn khám phá mới mẻ và sự liên tưởng phong phú, sâu sắc.

Bên cạnh biểu tượng lửa là biểu tượng máu, một biểu tượng xuất hiện nhiều trong thơ Nguyễn Khoa Điềm. Máu thể hiện sự đau thương, chết chóc, mất mát, hy sinh... Nguyễn Khoa Điềm đã khắc họa đậm nét nỗi đau bằng những vần thơ, ý thơ khắc khoải những niềm đau bất tận:

Chỉ có tiếng đoàn xe lê dương lăn lạo xạo trên những đốt lưng trần

Chỉ có tiếng còi tàu há mồm như những con dòi rúc vào mạch máu

(“Đất ngoại ô”)

Nhưng giặc về kia, đạp gãy vành

Nón in màu máu những dân lành

(“Người con gái chằm nón bài thơ”)

Máu chúng ta mỗi mùa hè lại đổ

Máu ta đỏ con đường ta trước mắt

(“Mặt đường khát vọng”)

Trong tâm tư những ngày trăn trở nhất

Ở miền Nam bùn máu dưới bàn chân

(“Tháng Chạp ở Hồng Trường”)

Máu loang đỏ những trang thơ Nguyễn Khoa Điềm thành dòng chảy đau thương của những nẻo đường chiến tranh chống Mỹ. Tuổi trẻ mà tiêu biểu là những thanh niên ngồi trên ghế nhà trường cũng cảm nhận được nỗi đau thời đại từ màu đỏ của máu.

Họ ý thức được nỗi đau của những con người đang sống trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh. Tâm hồn họ luôn trăn trở với nỗi đau chung. Cái nhìn, cái nghĩ, cái cảm của họ tràn ngập nỗi đau chung của toàn dân tộc:

Có gì đâu, chúng con muốn yêu thương

Sao thầy giảng chỉ những lời cay đắng

Máu thì đỏ mà phấn thầy thì trắng

Có vẽ nổi tâm hồn con không?

(“Mặt đường khát vọng”)

Đế quốc Mỹ tràn vào nước ta cùng với mưu đồ xâm lược. Chúng gieo rắc biết bao tội ác trên đất Tổ quê cha của chúng ta. Hình tượng máu đã phơi bày đầy đủ nhất bản chất tàn bạo của kẻ xâm lược:

Chúng phả vào không gian mùi mặn

của máu những cuộc săn người

(“Mặt đường khát vọng”)

Biểu tượng máu còn biểu trưng cho lòng nhiệt tình cách mạng, tinh thần xả thân quên mình vì nước, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ đất nước, bảo vệ dân tộc.

Tuổi trẻ Việt Nam xem đó trách nhiệm của mỗi người. Họ chấp nhận cái chết một cách thanh thản và xem như đó là một việc hết sức bình thường khi đất nước lâm vào hoàn cảnh có chiến tranh:

Ta ném máu xương ta làm vật cản

Máu đổ rồi! Máu học sinh, sinh viên

Máu đỏ rực trên nền áo trắng

Máu càng thắm tự do càng chói sáng

Máu Việt Nam, máu yêu nước tươi hồng!

(“Mặt đường khát vọng”)

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc đã ghi lại biết bao gương anh hùng trung liệt đã hy sinh quên mình cứu nước.

Biết bao thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu, ngã xuống để bảo vệ nước nhà. Nguyễn Khoa Điềm đã đưa vào thơ mình những tấm gương như Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu, Lê Lợi… và cả những liệt sĩ hy sinh không cần ai nhớ đến tuổi tên.

Hình tượng máu trong thơ Nguyễn Khoa Điềm đã khẳng định sự bất diệt của dân tộc luôn được tiếp nối từ thế hệ này truyền cho thế hệ khác:

Những địa danh trôi từ thuở xa xưa

Trôi bằng máu và trôi bằng nước mắt

Máu thấm sâu xuống mặt đường

Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu, Lê Lợi

Trên trăm lối những anh hùng để lại

Máu cháu con hòa với máu cha ông

Nhưng hạt máu của cha còn sáng ngời trong ánh mắt

(“Mặt đường khát vọng”)

Nguyễn Khoa Điềm đã đi từ một biểu tượng thơ giàu ấn tượng, có sức tác động mạnh mẽ là máu để khơi nguồn những cảm xúc sâu xa trong lòng người đọc.

Có những giọt máu đồng cảm vỡ òa cùng nỗi đau dân tộc, có những giọt máu uất hận nóng hổi hờn căm kết thành sức mạnh chiến đấu, có những giọt máu anh hùng rực hồng thắm tô ngọn cờ Tổ quốc... Tất cả tạo thành những cảm xúc thẩm mỹ nghệ thuật sâu sắc thấm thía trong thơ ông.

Máu là hình ảnh lột trần bản chất thú tính man rợ của kẻ thù, là biểu tượng lòng nhiệt tình cách mạng của bao thế hệ người Việt Nam và khẳng định sự trường tồn bất diệt của dân tộc. Máu như mạch chảy thông suốt trong từng tứ thơ, tràn xuống từng trang viết của Nguyễn Khoa Điềm.

Nguyễn Khoa Điềm rất thành công trong việc sử dụng hình tượng lửa và máu để phản ánh chiến tranh. 2 hình tượng này đã bao quát một phạm vi hiện thực rộng để tạo nên chiều sâu tư tưởng.

Chưa bao giờ lửa và máu đồng hành lại được khai thác ở nhiều góc độ ngữ nghĩa và được tiếp nhận với nhiều tầng cảm xúc như trong thơ Nguyễn Khoa Điềm.

Cách thể hiện và khắc họa ấy đã hình thành nét riêng của thơ Nguyễn Khoa Điềm: chất trữ tình bay bổng kết hợp chất chính luận sắc bén tạo nên một giọng điệu rất riêng của thi sĩ trong dàn hợp xướng đa dạng của thơ ca chống Mỹ. 

PHẠM LÊ HỒ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh