Do điều kiện công tác nên tôi có nhiều dịp đi xuống xã và đã vinh dự gặp được một số bà mẹ Việt Nam anh hùng. Lần đi ấn tượng nhất đối với tôi, đó là vào năm 1996.
Do điều kiện công tác nên tôi có nhiều dịp đi xuống xã và đã vinh dự gặp được một số bà mẹ Việt Nam anh hùng. Lần đi ấn tượng nhất đối với tôi, đó là vào năm 1996.
Lúc ấy, tôi cùng các anh em của Đội Tuyên truyền thuộc Phòng Công tác Chính trị (Công an tỉnh Vĩnh Long) theo chân Đội Văn nghệ Công an tỉnh đi phục vụ bà con các xã vùng sâu.
Chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Ba có chồng và 1 con là liệt sĩ do họa sĩ Trần Thắng thực hiện. |
Với sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh, Đội Văn nghệ Công an được thành lập với gần 20 diễn viên, nhạc công. Là một đội văn nghệ của ngành nhưng hoạt động với mật độ khá dày.
Mới vừa phục vụ hội nghị ở Công an tỉnh xong đã thấy anh em rục rịch chuẩn bị hành trang lên đường để đi phục vụ tận miệt Trà Ôn, Bình Minh.
Lần đó, để chuẩn bị cho Liên hoan truyền hình toàn ngành công an, nên trong chuyến công tác xuống huyện Tam Bình, tôi tranh thủ “đạo diễn” để quay cho bằng được cảnh anh em Đội Văn nghệ đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Ngọt, tại ấp Phú Hòa Yên (xã Song Phú- Tam Bình).
Muốn sang nhà má phải có xuồng qua rước, Đội Văn nghệ với quay phim gần chục người, xuồng nhỏ phải đi 3 chuyến mới sang hết được.
Tôi nhớ lúc vào nhà, má Ngọt mặc chiếc áo bà ba màu tím, vai vắt khăn rằn, đúng chất như hình ảnh bao bà mẹ quê Nam Bộ.
Nhìn lên bàn thờ, tôi biết mẹ đã quá đau thương mất mát, với 7 người thân thiết gồm chồng và 6 người con là liệt sĩ. Có đau thương nào tả xiết, mẹ nói đến nỗi mẹ không còn nước mắt để khóc chồng, khóc con. Nhưng khi gặp chúng tôi, như bao bà mẹ quê hiền lành, chất phác mẹ luôn nở nụ cười tươi.
Tôi tranh thủ chọn góc để chụp mấy tấm ảnh diễn viên Đội Văn nghệ đang ngồi quây quần cạnh mẹ, còn đồng chí quay camera thì phải bám máy suốt để ghi hình một nữ diễn viên ngồi bên cạnh đang hát tặng mẹ bài “Về quê mẹ” của nhạc sĩ Tăng Minh Thành, bài hát có đoạn: “Ngược dòng sông Măng con về thăm quê mẹ/ Đôi bờ Cửu Long nước phù sa mấp mé/ Nghe bìm bịp kêu con nước lớn ròng/ Quê mẹ thân yêu bao xao xuyến mặn nồng…”
Sau chuyến đi đó, chúng tôi bắt tay vào thực hiện hậu kỳ phim phóng sự, tài liệu tựa đề “Về với vùng sâu” tham dự Liên hoan Phim truyền hình công an nhân dân lần thứ II, vào tháng 8/1996 tại Huế và đạt Huy chương bạc.
Tôi nhớ trong phần nhận xét của Ban Giám khảo có chê chất lượng phim còn yếu vì quay bằng máy quay phim M7, nhưng được cái trong phim đều là những hình ảnh chân thực về Đội Văn nghệ Công an Vĩnh Long về phục vụ các xã vùng sâu, cùng ăn cùng ở với những gia đình nông dân chân chất, thăm viếng những bà mẹ Việt Nam anh hùng chịu lắm mất mát, đau thương.
Một năm sau (năm 1997), mẹ Nguyễn Thị Ngọt mất, hưởng thọ 87 tuổi. Đối với tôi, tôi vẫn còn tiếc nuối vì chưa kịp thực hiện một bức ký họa chân dung về mẹ Ngọt lúc mẹ còn sống.
Mẹ Ngọt- bà mẹ tiêu biểu trong số 824 người mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng” của tỉnh Vĩnh Long.
Vừa qua, tôi có dịp về xã vùng sâu Thuận Thới (Trà Ôn)- một xã đang tích cực hoàn thành các tiêu chí để đạt danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Sợ lại một lần “lỗi hẹn” với các mẹ, tôi lập tức hỏi thăm và được các anh lãnh đạo địa phương tận tình hướng dẫn để đến tận nhà với mục đích gặp và vẽ chân dung 4 bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống của xã Thuận Thới.
Đó là Mẹ Việt Nam anh hùng Võ Thị Ba (SN 1934, ở ấp Cống Đá) có chồng và 1 con là liệt sĩ; Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Tư Biên (SN 1939, ngụ ấp Ông Lãnh) có chồng và 1 con là liệt sĩ; Mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Chơi (SN 1929, ngụ ấp Giồng Gòn) có 2 con là liệt sĩ và mẹ Nguyễn Thị Hiển (SN 1934, ngụ ấp Vĩnh Thuận) có chồng và 1 con là liệt sĩ.
Trong số 4 bà mẹ, chỉ có mẹ Ba và mẹ Tư Biên là còn mạnh khỏe, còn mẹ Chơi thì bệnh nằm một chỗ, vừa mới từ bệnh viện về; mẹ Hiển thì không còn minh mẫn nữa rồi! 4 bức ký họa chân dung mẹ Việt Nam anh hùng được tôi gấp rút hoàn thành.
Tôi vẽ bằng với cả tấm lòng của người họa sĩ và gởi gắm sự kính trọng, biết ơn đến các mẹ qua nét bút của mình, nhưng vừa vẽ mà lòng vừa lo, nhất là khi nghe ai đó hát câu… “mẹ già như chuối chín cây…”
TRẦN THẮNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin