Có lẽ cụm từ này hơi xa lạ với nhiều bạn trẻ ngày nay, bởi cuộc sống đã có nhiều đổi thay theo hướng tốt đẹp hơn. Nhưng đối với tôi và nhiều người cùng thời, nó gợi lại biết bao câu chuyện chẳng bao giờ quên được về những người mẹ quê nghèo thân thương của mình.
Có lẽ cụm từ này hơi xa lạ với nhiều bạn trẻ ngày nay, bởi cuộc sống đã có nhiều đổi thay theo hướng tốt đẹp hơn. Nhưng đối với tôi và nhiều người cùng thời, nó gợi lại biết bao câu chuyện chẳng bao giờ quên được về những người mẹ quê nghèo thân thương của mình.
Hồi ấy cả làng tôi chỉ có một cái chợ nhỏ, hầu như các nhà đều xa chợ, mà chợ cũng chỉ mấy thứ có liên quan đến bữa cơm hàng ngày của các gia đình như cá tép, rau quả địa phương, một ít bánh quê và các loại khoai củ…
Đường ra chợ thì cầu tre lắt lẻo khiến chợ dù ở gần hóa ra xa nên bọn trẻ chúng tôi khó mà được theo mẹ ra chợ.
Thường buổi sáng khi anh em tôi thức dậy thì mẹ đã đi chợ, chẳng có việc gì làm chúng tôi ra ngồi ở ngạch cửa nhà mình mong ngóng mẹ về.
Lần nào cũng thế, thấy dáng mẹ từ xa là chúng tôi bật dậy cùng reo lên một lượt “Mẹ về!” rồi đua nhau chạy ra đón mẹ và bao giờ cũng nhận được từ mẹ một nụ cười rất tươi hay một câu hỏi quen thuộc là “Có ai chưa rửa mặt nào?”
“Rửa mặt” của chúng tôi ngày ấy là khi thức dậy phải ra lu nước sau nhà lấy gáo hớp vài hớp nước sục sạo trong miệng rồi phun ra, kế đến dùng ngón trỏ chà sạch răng cho kỹ, cuối cùng là rửa mặt cho thật sạch… ghèn, chẳng nghe ai nói đến mấy thứ bàn chải và kem đánh răng như bây giờ.
Việc đơn giản thế nhưng hôm nào có mẹ mới được thực hiện trơn tru, còn như các hôm mẹ đã đi chợ thì không ít lần bọn chúng tôi có đứa đã “qua cua”… Vì vậy, chỉ 3 anh em mà có đến hai đứa… sún răng!
Lạ là mừng mẹ chợ về chỉ sau một đêm không được trông thấy bà vì mắc phải đi… ngủ nhưng sao mà vui thế, càng vui hơn khi được mẹ chia quà ngay từ đầu ngõ.
Quà sáng của mẹ thường là các củ khoai lang nóng hổi hay cái bánh cam, bánh quay chèo(1) ngọt lịm, ăn xong rồi mút mấy đầu ngón tay còn thấy ngọt.
Khoái nhất là những hôm mẹ chia cho mỗi đứa một cái bánh xếp(2), quê tôi gọi tên cái bánh này như thế vì đó là loại bánh bột gạo hấp trong lá chuối xếp thành hình chữ nhật cỡ bàn tay người lớn, thú vị là tuy nó dẹp lép nhưng ở giữa lại ẩn hiện chút xíu nhưn bột đậu xanh.
Có điều đặc biệt khi bán bánh này cho khách, người bán cẩn thận mở cái bánh ra dùng dao rạch cái bánh thành các ô vuông, kế đến chế thêm trên bánh một muỗng nước cốt dừa thắng đặc sánh rồi cẩn thận gói lại theo nếp xếp cũ, sau đó không quên giắt thêm bên hông cái bánh một cái que ngắn được vót bằng cọng lá dừa.
Mở cái bánh này ra lần nữa là công việc của chúng tôi có lẽ còn cẩn thận hơn bà bán bánh vì sợ nước cốt dừa chảy ra ngoài, dùng que dừa xiên từng vuông bánh thấm đẫm nước cốt dừa chưa kịp đưa vào miệng đã nghe nước bọt trào ra...
Mà mừng mẹ chợ về đâu chỉ có thế, những lần mẹ có việc vắng nhà lâu, sáng sớm thức dậy anh em chúng tôi theo thói quen vẫn ra ngồi ở ngạch cửa nhìn về hướng chợ, chẳng ai nói lời nào nhưng sao lúc ấy cái cảm giác nhớ thương mẹ nó rõ ràng đến lạ lùng…
Ngày nay, cuộc sống dần đổi thay ngay cả trên quê tôi, lớp trẻ ngang tuổi chúng tôi ngày ấy nay buổi sáng đã được cha mẹ chuẩn bị để sẵn sàng đến các trường theo lứa tuổi của chúng, cả chuyện giao thông thuận tiện khiến chợ xa hóa gần nên cái cảm giác khó tả của những đứa trẻ buổi sáng ngồi ngóng mẹ đi chợ về đâu còn nữa…
Ở các phố thị, thay vào cái niềm vui mừng mẹ đi chợ về là được cùng cha mẹ đi siêu thị trong các ngày được nghỉ học. Siêu thị mát lạnh, hàng hóa nối tiếp hàng hóa, bánh trái đủ loại nên đối với bọn trẻ hình như thứ gì cũng có, chúng vui vẻ, đi nhún nhảy quanh các kệ hàng hay kiên nhẫn đẩy xe giỏ chở hàng đã được chọn mua lẽo đẽo theo mẹ.
Qua hàng bán bánh kẹo, có đứa còn lém lỉnh lén mẹ nhón vài món mình thích trên kệ đưa vào giỏ hàng để được mẹ mua về…
HỒNG VÂN (TP Vĩnh Long)
(1) Là loại bánh bột chiên không nhân được tạo hình như một cai quai chèo ghe có áo đường hoặc không.
(2) Còn gọi là bánh lá.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin