Ra mắt sách về đoàn học sinh sinh viên kháng chiến Hà Nội thời Pháp

06:10, 09/10/2019

Được viết theo cách mộc mạc, đơn giản, cuốn sách đã đúc kết được nhiều nội dung quan trọng, truyền đạt đến thế hệ trẻ ngày này niềm tin và sự tự hào dân tộc.

Được viết theo cách mộc mạc, đơn giản, cuốn sách đã đúc kết được nhiều nội dung quan trọng, truyền đạt đến thế hệ trẻ ngày này niềm tin và sự tự hào dân tộc.

 

Nhà sử học Dương Trung Quốc phát biểu tại buổi ra mắt cuốn sách. (Ảnh: Kim Anh/TTXVN)
Nhà sử học Dương Trung Quốc phát biểu tại buổi ra mắt cuốn sách. (Ảnh: Kim Anh/TTXVN)

Ngày 8/10, nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2019), Thành Đoàn Hà Nội phối hợp với các cựu học sinh sinh viên kháng chiến Hà Nội đã tổ chức ra mắt cuốn sách ''Đoàn học sinh sinh viên kháng chiến Hà Nội thời kỳ Pháp tạm chiếm (1947-1954).''

Cuốn sách dày 300 trang do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành gồm bốn phần, trong đó phần một là Phong trào đấu tranh toàn thành; phần hai - Phong trào đấu tranh tại các trường; phần ba - Một số hồi ký cá nhân và phần bốn là 40 trang ảnh tư liệu lịch sử.

Phần một của cuốn sách giới thiệu tổng quát về phong trào học sinh sinh viên Hà Nội thời kỳ 1947-1954 với những giai đoạn, những mốc son đánh dấu các bước chuyển mình của phong trào, thể hiện sự trưởng thành của tuổi trẻ trong đấu tranh.

Phần hai giúp bạn đọc thấy được không chỉ toàn cảnh phong trào trong bối cảnh lịch sử Hà Nội những năm 50 thế kỷ trước mà còn trình bày các sự kiện, diễn biến cụ thể với những con người cụ thể trong từng đơn vị ( Trường Chu Văn An, Trưng Vương, Albert Sarraut, các trường tư, trường đại học...).

Với nguồn tư liệu dồi dào, những trang nhật ký cá nhân chân thành xúc động, phần ba của cuốn sách với chủ đề “Một số hồi ký cá nhân” đã làm sống lại một thời sôi nổi của học sinh sinh viên kháng chiến Hà Nội, đó là sự kiện cắm cờ đỏ sao vàng trên gò Rùa giữa hồ Gươm ngày 19/5/1948 chào mừng Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là cuộc bãi khóa toàn thành kéo dài 12 ngày buộc nhà cầm quyền phải thả những người bị bắt, hứa bảo đảm học sinh yên ổn học tập; cảnh đoàn học sinh tưng bừng đàn hát mừng đón đoàn quân trở về Giải phóng Thủ đô…

Đoàn học sinh sinh viên kháng chiến Hà Nội ban đầu được thành lập từ một số học sinh là liên lạc, quân báo trong công an, quân đội. Cơ sở đầu tiên có ở các trường Chu Văn An, Trưng Vương và Albert Sarraut.

Tên gọi “Thành đoàn học sinh kháng chiến” chính thức xuất hiện trên thư kêu gọi tẩy chay cuộc phát thưởng của Bảo Đại tại Nhà hát Lớn vào tháng 6/1949. Khi phong trào phát triển rộng khắp tại các trường đại học, Đoàn mang tên đầy đủ là “Đoàn học sinh sinh viên kháng chiến Hà Nội."

Đoàn học sinh sinh viên kháng chiến Hà Nội có tờ báo Nhựa Sống, in trên khổ giấy như một quyển vở học sinh 32 trang, dễ dàng bí mật lưu hành trong các trường. Cuối năm 1952, phong trào thanh niên nội thành phát triển rộng rãi, các đầu mối được thống nhất trong một tổ chức là Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội. Những học sinh, sinh viên kháng chiến tích cực nhất chuyển thành đoàn viên thanh niên cứu quốc.

Báo Nhựa Sống đổi tên là báo Tiền Phong, cơ quan của Thành đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội. Trong những ngày đấu tranh đòi đối phương nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Geneve và tưng bừng chào đón đoàn quân trở về giải phóng Thủ đô, lực lượng nòng cốt của đoàn thanh niên vẫn là đông đảo học sinh sinh viên kháng chiến.

Bên cạnh đó, cuốn sách cũng chỉ ra những nguyên nhân, động lực làm nên nguồn sức mạnh, bản lĩnh các học sinh kháng chiến. Với tầm nhìn khái quát, mạnh dạn, tư duy mới, các tác giả khẳng định vị trí, vai trò lịch sử Đoàn học sinh sinh viên kháng chiến trong cả quá trình kháng chiến tại Hà Nội.

Phát biểu tại buổi ra mắt cuốn sách, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng với những tư liệu phong phú và đáng tin cậy, cuốn sách đã giới thiệu một cách đầy đủ về phong trào yêu nước của một thế hệ tuổi trẻ sôi động trong những năm Thủ đô bị chiếm đóng. Được viết theo cách mộc mạc, đơn giản, cuốn sách đã đúc kết được nhiều nội dung quan trọng, truyền đạt đến thế hệ trẻ ngày này niềm tin và sự tự hào dân tộc.

Phó Bí thư Thành Đoàn Hà Nội Nguyễn Đức Tiến nhấn mạnh những trang tư liệu phong phú sống động trong cuốn sách là cách để các tác giả chứng minh, khẳng định vai trò lịch sử của đoàn học sinh sinh viên kháng chiến trong lịch sử Hà Nội giai đoạn cách mạng dân tộc, xứng đáng là lực lượng xung kích của phong trào thành thị, tác động đến nhiều tầng lớp xã hội, góp phần trực tiếp vào sự nghiệp giải phóng Thủ đô.

Cuốn sách được hoàn thành nhờ công sức đóng góp, cố gắng rất lớn của nhóm biên soạn - những cựu học sinh kháng chiến năm nay đều đã ở độ tuổi 85-90. Để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung cũng như tinh thần của cuốn sách, Thành đoàn Hà Nội sẽ nghiên cứu và đưa ra cách thức tuyên truyền trẻ trung hơn, gần gũi, thiết thực hơn để giới trẻ dễ dàng tiếp cận, thắp sáng ngọn lửa tự hào về truyền thống cách mạng trong tuổi trẻ Thủ đô./.

Theo Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh