Nói về sự chuyển động của dòng nước, người ta phân biệt nước lớn là hiện tượng nước biển, nước sông… dâng lên và nước ròng là hiện tượng nước biển, nước sông… rút xuống trong một chu kỳ thời gian tùy thuộc vào sự chuyển biến của thiên văn.
Nói về sự chuyển động của dòng nước, người ta phân biệt nước lớn là hiện tượng nước biển, nước sông… dâng lên và nước ròng là hiện tượng nước biển, nước sông… rút xuống trong một chu kỳ thời gian tùy thuộc vào sự chuyển biến của thiên văn.
Ở Nam Bộ, gọi nước lên hay xuống có tới mấy chục từ ngữ để diễn tả như nước lớn, nước ròng, nước lên, nước nổi, nước kém, nước đứng, nước nhửng, nước ương, nước đổ, nước ngập, nước giựt, nước rút, nước nhảy, nước trôi, nước bò.
Nước ròng còn phân biệt, nước cạn, nước sát, nước kiệt. Lạ thay, nước cũng biết nhảy, đứng, nằm, bò, chết… Đây là những động tác của con người, của sinh vật. Với tư duy hồn nhiên và thích chơi chữ, người Nam Bộ phát hiện những “mâu thuẫn” thú vị về tên gọi của những đồ vật, con vật và đặc biệt là các loài cá “cá không giò sao gọi cá leo, bánh không cẳng sao gọi bánh bò”.
Đó là cách tiếp cận sự vật của người Nam Bộ. Từ “cá leo” là tên gọi một loài cá sống ở nước ngọt, thịt ăn rất ngon, “bánh bò” là tên gọi loài bánh làm bằng bột ủ với men và có đường cát. Leo và bò không phải là động từ.
Ca dao: “Trúc xinh trúc mọc bờ ao. Em xinh, em đứng chỗ nào cũng xinh”. Từ “đứng” là động từ. Còn từ “nước đứng” là từ ghép thực do 2 hình vị thực “nước” và “đứng” có ý nghĩa từ vựng kết hợp với nhau theo phương thức ghép. Đây là từ ghép chính- phụ theo mẫu “nguyên vị thực + nguyên vị thực”.
Nguyên vị thực làm thành phần chính trong từ “nước đứng” nếu chuyển thành từ là từ loại danh từ “nước”. Nguyên vị thực làm thành phần phụ ở đây chuyển thành từ là từ loại động từ “đứng”. Cấu tạo của từ ghép nước đứng là “danh từ + động từ”, trong đó từ “đứng” biểu thị hành động, còn từ “nước” thì biểu thị đối tượng bị hành động chi phối.
Từ “đứng” ở đây là không chuyển động nữa, là ngừng lại. “Nước đứng” là con nước đang chảy từ biển vào sông cái, từ sông cái chảy vào sông con, rạch, nước đang lên tới đỉnh điểm thì dừng lại hoặc nước đang ròng, nước từ sông cái chảy ra biển, từ các sông, các rạch chảy ra sông cái, nước đang xuống tới hết mức thì dừng lại.
Đó là lúc “nước đứng”. Những hoạt động, chuyển động đang thay đổi mà chuyển sang trạng thái coi như bất động hoặc gần như bất động sẽ được xem là “đứng”. Chiếc đồng hồ đang chạy mà hết pin nên đồng hồ không chạy nữa gọi là “đồng hồ đứng”. Bầu trời không có gió tức là gió không thổi, người Nam Bộ gọi “trời đứng gió”.
Mặt trời di chuyển, bóng các vật cũng chuyển động theo. Lúc mặt trời ở ngay đỉnh đầu, chúng ta gọi “trời đứng bóng”. Cây lúa chuyển sang giai đoạn ngừng đẻ nhánh, thân và lá đứng thẳng và cây lúa đang chuẩn bị làm đòng, nhà nông gọi “lúa đứng cái”.
Khi còn trẻ, con người thay đổi rất nhanh về chiều cao, cân nặng, tiếng nói… Tới tuổi nào đó, một người không còn trẻ nhưng cũng chưa già, giai đoạn này hầu như không thay đổi bên ngoài nên gọi là “đứng tuổi”.
Từ “nước đứng” là nhân hóa, là biện pháp chuyển đổi những đối tượng vô sinh, những ý niệm trừu tượng, những con vật thành những đối tượng mang thuộc tính của con người. Thực chất nhân hóa cũng là một biến thể của ẩn dụ.
Có điều cơ sở tạo nhân hóa là những nét tương đồng quy ước giữa đối tượng được nhân hóa và người. Về hình thức nhân hóa bao giờ cũng có các từ ngữ chỉ thuộc tính của người hoặc liên quan tới người.
Đây là nhân hóa sự vật vô tri, là cách biến mọi vật thành nhân vật đối thoại hay như là một nhân vật chính. Về mặt hình thức thì nhân hóa ở đây dùng động từ chỉ hành vi của con người- “đứng”, khoác lên cho đối tượng không phải người- “nước”.
Về mặt nội dung, cho thấy có sự quan sát tinh vi, một sự hiểu biết chính xác về những thuộc tính của con người cũng như thuộc tính của đối tượng không phải người.
Khi đối tượng không phải con người được khoác áo con người đã tạo nên không khí mới, sinh động, trở nên gần gũi hơn, dễ hiểu hơn và còn bộc lộ tâm tư, tình cảm của người Nam Bộ một cách kín đáo. Ở đây người nói dùng nhân hóa vừa là để miêu tả đối tượng không phải con người, vừa là để thể hiện tình cảm riêng, sâu kín của mính.
TRẦN MƯỜI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin