Kỳ cuối: Trách nhiệm bảo tồn di sản của dân tộc

05:10, 31/10/2019

Một "cò cổ vật" đánh tiếng số tiền hàng trăm ngàn đô (USD) cho một bảo vật tại Công Thần miếu; một di sản Hán Nôm vô giá của Minh Hương Hội quán lại để trong cái tủ kính hớ hênh; một công thần có công mở cõi cho cả vùng đất phương Nam, mấy mươi năm nay chưa có được một chỗ để thờ tự…

[links()]

Một “cò cổ vật” đánh tiếng số tiền hàng trăm ngàn đô (USD) cho một bảo vật tại Công Thần miếu; một di sản Hán Nôm vô giá của Minh Hương Hội quán lại để trong cái tủ kính hớ hênh; một công thần có công mở cõi cho cả vùng đất phương Nam, mấy mươi năm nay chưa có được một chỗ để thờ tự…

Nhiều vấn đề cấp bách mà chúng ta phải sớm có giải pháp để bảo tồn, khôi phục và phát huy giá trị của di sản.

Hàng trăm năm qua, nhiều thế hệ cha ông đã truyền nối nhau gìn giữ; nếu ngày nay không làm được tốt hơn, chính là có tội với tiền nhân!

Ông Nguyễn Minh Phụng bên khối tư liệu Hán Nôm của Minh Hương Hội quán (Phường 5- TP Vĩnh Long).
Ông Nguyễn Minh Phụng bên khối tư liệu Hán Nôm của Minh Hương Hội quán (Phường 5- TP Vĩnh Long).

Bộn bề những nỗi lo

Nằm ngay mũi đất nơi vàm Cổ Chiên chia thành nhánh sông nhỏ Long Hồ, Minh Hương Hội quán là di tích với vẻ ngoài khiêm tốn, nhưng chứa đựng bên trong là những hiện vật, những đường nét kiến trúc đẹp ngỡ ngàng. Hiếm có di tích nào có được sự bảo quản một cách trọn vẹn, toàn mỹ và giữ được sinh khí ấm áp được như nơi đây.

Chính là những dòng tộc, những lớp người kế tiếp nhau truyền nối cái tinh thần bảo vệ, giữ gìn di sản. Đó là ông thủ từ Nguyễn Minh Phụng (72 tuổi) gắn bó với nơi này từ hồi còn nhỏ, chạy nhảy với các bạn đã hơn 60 năm nay.

Đó là gia đình ông Tư Bé gắn bó với nơi này từ khoảng thập niên 50 của thế kỷ trước, ông mất đi thì đời con gái ông Tư Bé vẫn sống gắn bó ở ngay bên cạnh là bà Nguyễn Thị Tư 82 tuổi… cùng nhiều lớp con cháu trẻ thường ngày xúm xít quanh hội quán làm cho nơi đây luôn ấm áp như một mái nhà chung. Chính họ cùng nhau gìn giữ di tích này.

Tuy nhiên, có điều đáng lo là một khối tư liệu quý thuộc hàng bảo vật quốc gia là 3.000 trang tư liệu Hán Nôm, dù được khóa cẩn thận mấy lớp, nhưng đựng trong cái… tủ kính “lộ thiên”. Thật lòng mà nói, nếu là trộm cắp chuyên nghiệp thì cái tủ kính mỏng manh đó quả là “miếng mồi ngon”.

Cùng một mối lo, một bảo vật khác của Vĩnh Long là 85 đạo sắc Thần lưu giữ tại Công Thần miếu (Phường 5- TP Vĩnh Long), thì tại nơi đây chỉ có một ông thủ từ già, dù gần đây cửa nẻo đã được gia cố cẩn thận hơn.

Không thể tránh khỏi hoang mang, khi chúng tôi nghe ông Phan Văn Khải (71 tuổi)- nguyên Trưởng Ban quản lý (BQL)- cho biết rằng có một “cò cổ vật” đã từng đánh tiếng số tiền lên đến hàng trăm ngàn đô (USD) để đổi lấy sắc Thần!

Gia đình mấy đời, rồi đến mình đã 32 năm gắn bó với ngôi miếu này, ông Khải nói lời gan ruột: “Miếu trải qua 8 đời BQL và ba tui là ông Phan Văn Hai cũng là trưởng ban đời thứ 5, có mà đổi mạng cũng gìn giữ cho được sắc Thần. Hồi xưa Tây nó dỡ miếu, dân làng mình còn bảo vệ được sắc, còn dựng lại được miếu khang trang, giữ sắc, giữ đình như gìn giữ cái bổn mạng, linh hồn của thôn ấp vậy”.

Ông Phan Văn Thắng- anh ruột ông Khải- tiếp lời: “Ông từ ở đây già yếu rồi nên sợ đêm hôm trộm cướp. Năm rồi chúng tôi đã cho thợ sắt gia cố cửa nẻo. Sắp tới thì có ý định giao hết sắc Thần cho Phó BQL là bà Lưu Hoàng Oanh bảo quản.

Nhà bà đông người, lại làm lò bánh mì thức sáng đêm nên yên tâm hơn”. Trong khi chờ có giải pháp an toàn cho 85 đạo sắc Thần, người ta đã cho đóng một lồng sắt bao trùm lên khán thờ, thực sự nó có cái gì đó hơi phản cảm và ít nhiều phá vỡ kiến trúc và tính tôn nghiêm của nơi thờ tự.

Bảo tồn hồn cốt văn hóa dân tộc

Nỗi lo về thất tán bảo vật ở những di tích của Vĩnh Long là có thật và như thế nào chúng ta cần phải làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ, bảo tồn; đồng thời phải phát huy được giá trị của di sản cha ông để lại.

Trong đó, có việc cần phải khôi phục lại những di tích đã bị mất đi, như một việc làm cấp bách, như một “món nợ” với tiền nhân.

Kinh nghiệm của người xưa là vì mọi người dân, cộng đồng cùng tôn trọng, tôn vinh những giá trị của di sản, nên dù trong mọi hoàn cảnh nào họ đều có cách và sống chết để bảo vệ cho đời sau.

Ông Nguyễn Xuân Hoanh- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long- cho rằng: “Đó chính là sự minh anh và tính nhân văn cao cả của người dân”. Khi cộng đồng chưa hiểu hoặc hiểu sai, lệch lạc sẽ dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc; bên cạnh nhiều di sản được bảo vệ tốt, chúng ta cũng từng thấm thía vì có những sai sót đáng tiếc.

85 sắc Thần ở Công Thần miếu được bảo vệ trong lồng sắt.
85 sắc Thần ở Công Thần miếu được bảo vệ trong lồng sắt.

Như miếu Tống Quốc Công ở Phường 1 (TP Vĩnh Long) thờ một bậc khai quốc công thần, người đã dày công mở cõi và an định cho cả vùng đất Nam Bộ, mà trong mấy mươi năm nay không có được một nơi để thờ tự.

Chúng ta cần bình tĩnh và dũng cảm nhìn nhận vấn đề một cách thật thấu đáo để sớm có những giải pháp cụ thể, khoa học trong việc bảo tồn, phục dựng lại những giá trị văn hóa đang hiện tồn và những giá trị đã từng mai một.

Theo ông Nguyễn Xuân Hoanh, Vĩnh Long đáng gấp rút hoàn thiện hồ sơ tiếp tục xin công nhận 3 bảo vật quốc gia, đó là: tượng nữ thần Saraswati; khối tư liệu 3.000 trang Hán Nôm và 85 sắc Thần của Công Thần miếu. Đây là một tin vui! Khi được công nhận bảo vật quốc gia thì công tác bảo vệ, bảo tồn sẽ được bảo đảm an toàn hơn hiện nay.

Đối với 3.000 trang Hán Nôm của Minh Hương Hội quán thì đã rõ ràng; khối tư liệu đặc biệt này được lưu giữ cẩn thận từ thời Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Pháp thuộc cho đến những năm gần đây.

Nguồn tài liệu hết sức quý giá, đáng tin cậy này có thể dùng để nghiên cứu về kinh tế, văn hóa, xã hội không chỉ của Vĩnh Long mà cả vùng đất Nam Bộ từ thế kỷ XIX đến nay. Hơn 3.000 trang văn tự tin cậy thật sự là bảo vật vô giá, chưa có nơi nào ở ĐBSCL còn lưu giữ được.

Riêng với 85 đạo sắc Thần của Công Thần miếu, thì TS. Lương Chánh Tòng khẳng định: “Về mặt khảo cổ khoa học, có nhiều yếu tố để nhận diện đó có phải là sắc phong gốc hay không, thông qua vấn đề về mặt văn bản học, thể thức, chất liệu.

Khi tôi tiếp cận được tư liệu của người Pháp, thì 85 sắc Thần thật sự có giá trị. Bởi theo văn bản ngày 30/9/1938 từ Thống đốc Nam Kỳ gửi Trường Viễn Đông Bác cổ: văn bản rất bài bản rành mạch ghi chép khảo sát, kiểm kê ra 85 sắc Thần và đưa ra danh mục bảo tồn”.

Đối với di tích, di sản phải làm sao vừa bảo tồn tốt, nhưng phải phát huy được giá trị của những di vật hiện tồn đối với đời sống đương đại, đó mới là cái hay, cái khó.

Những thế hệ tiếp nối có được sự hiểu biết sâu sắc, để có sự tinh thần, tình yêu bảo vệ những giá trị di sản như một lẽ tự nhiên nhất.

Câu chuyện về anh bạn trẻ, mà mọi người gọi vui là Vinh “Hán Nôm”- 24 tuổi ở TP Vĩnh Long, tốt nghiệp ĐH có vốn am hiểu tốt về Hán Nôm- chẳng đi làm đâu mà dành thời gian dấn thân vào việc tìm hiểu các di tích đình chùa và truyền cảm hứng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng về việc bảo vệ di tích, đã gieo cho chúng tôi một niềm tin, điểm sáng sự tiếp nối, trao truyền những giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc trong tương lai.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THƯ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh