Vẫn còn nhiều tranh cãi về học thuật nhưng phải nhìn nhận rằng người làm sân khấu còn đam mê, nỗ lực và luôn hướng đến sự đổi mới hình thức biểu diễn với mục đích hấp dẫn khán giả
Vẫn còn nhiều tranh cãi về học thuật nhưng phải nhìn nhận rằng người làm sân khấu còn đam mê, nỗ lực và luôn hướng đến sự đổi mới hình thức biểu diễn với mục đích hấp dẫn khán giả
Cảnh vở rối “Thân phận nàng Kiều” của Nhà hát Múa rối Việt Nam |
Diễn ra từ ngày 4 đến 13/10, Liên hoan Quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ 4 - 2019 đã khép lại với nhiều trăn trở về những ứng dụng thành quả thử nghiệm cho nghệ thuật biểu diễn trên sân khấu của Việt Nam.
Sắc màu đa dạng, hấp dẫn
21 vở diễn (7 vở nước ngoài và 14 vở của các đơn vị trong nước) thật sự mang lại cho người xem sự đa dạng về sắc màu, hấp dẫn về cấu trúc. Nói theo nhận xét của chủ tịch Hội đồng Giám khảo, đạo diễn NSND Trần Minh Ngọc: "Trước hết đáp ứng tiêu chí thử nghiệm mới về công tác đạo diễn. Vai trò của người dàn dựng quyết định tất cả để có được bức tranh tổng thể hướng đến những thử nghiệm về âm nhạc, cảnh trí, đạo cụ, âm thanh, tiếng động, trang phục, diễn xuất chủ đạo của diễn viên... và hơn hết chính là khơi gợi được sự tìm tòi, sáng tạo độc đáo để những người làm sân khấu hướng đến".
Các vở được khán giả đánh giá cao phải kể đến: "Tháng tám" (Hungary), "Bpolar" (huy chương vàng, Israel), "Macbeth Mir" (huy chương bạc, Ấn Độ), "Hai vạn dặm dưới đáy biển" (Hàn Quốc), "Cánh đồng đẫm máu" (huy chương bạc, Hy Lạp). Đây được xem là những vở xuất sắc đã được ban tổ chức liên hoan chọn lọc từ 53 vở diễn của 40 quốc gia tham dự.
"Bpalor" thật sự là sáng tạo độc đáo, ứng dụng công nghệ và kỹ thuật màn ảnh, âm thanh, âm nhạc, ánh sáng để vở kịch không lời, chỉ có ngôn ngữ hành động diễn tả thế giới của người điên, hấp dẫn người xem, khiến khán giả ngơ ngẩn khi vở diễn kết thúc vì mang đến cho họ nhiều suy ngẫm về thân phận con người trong cuộc sống.
Bức tranh đa sắc màu của liên hoan còn được điểm xuyết bởi 14 vở diễn của 14 đơn vị nghệ thuật trong nước. Được đánh giá có sự tìm tòi đầy thú vị phải kể đến các vở: "Thân phận nàng Kiều" (huy chương vàng, Nhà hát Múa rối Việt Nam), "Ngàn năm mây trắng" (huy chương bạc, Nhà hát VOV), "Hà Nội của những giấc mơ" (Liên đoàn Xiếc Việt Nam), "Niềm khát" (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai), "Sự sống" (huy chương vàng, Nhà hát Kịch Việt Nam), "Nhật thực" (Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM), "Mơ rồng" (Nhà hát Múa rối Thăng Long), "Nữ ca sĩ hói đầu" (Sân khấu Team Trần Lực).
Học nhau để ứng dụng
Trong 9 ngày diễn ra liên hoan, một số vở diễn đã thu hút người làm nghề, tìm được sự đồng cảm. Đối với đạo diễn, diễn viên các đoàn quốc tế, họ bày tỏ thích thú qua những buổi hội thảo tranh luận về nghề, để cùng hướng đến giá trị thử nghiệm cái mới cho sân khấu. Qua các cuộc hội thảo, người làm nghề đã có những trao đổi thẳng thắn, như PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái nhìn nhận người làm nghệ thuật sân khấu Việt Nam có thể học tập và giao lưu, tìm hiểu xu hướng sáng tạo, đổi mới của sân khấu thế giới.
"Khán giả mê đắm những vở diễn của các nước đồng nghĩa đòi hỏi sân khấu của nước ta cần tiếp thu để chuyển đổi, tạo thêm hình thức mới qua những bài học có được từ bạn. Không cứ đổ lỗi mãi cho sàn diễn thiếu trang thiết bị, thiếu phương tiện, hãy nhìn sân khấu của các đoàn bạn mang đến liên hoan sẽ thấy rất giản dị nhưng đầy sức lôi cuốn" - đạo diễn NSƯT Ca Lê Hồng nhận xét.
Vở "Hai vạn dặm dưới đáy biển" của đoàn kịch Hàn Quốc và vở "Bpolar" của đoàn Israel đã là 2 dấu ấn đẹp về sự trao đổi kinh nghiệm trong công tác dàn dựng. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của Sân khấu IDECAF theo suốt liên hoan nhận xét: "Họ chọn thế mạnh kịch không lời, tạo điểm nhấn bằng giao diện hình thể, gợi mở nhiều suy nghĩ cho người làm nghệ thuật trong nước. Ở ta, cứ sợ thử nghiệm khán giả không hiểu nên kịch cứ thoại quá nhiều, thậm chí còn cho giới thiệu hết nội dung vở diễn trước buổi diễn thì còn gì là sự tò mò, khám phá cái mới?".
Ngược lại, bạn bè cũng học được từ sân khấu Việt Nam rất nhiều. Cụ thể, vở "Nhật thực" được các đoàn đến từ Ấn Độ, Hungary, Singapore, Hy Lạp khen ngợi. Đạo diễn người Ấn Độ nói: "Tôi thích thú khi vở "Nhật thực" vận dụng nhiều loại hình sân khấu truyền thống của châu Á vào diễn xuất".
Người được ngưỡng mộ nhất trong đợt liên hoan là NSND Tiến Dũng (giải Đạo diễn xuất sắc), anh đã có cách kể chuyện độc đáo về "Thân phận nàng Kiều" bằng loại hình tưởng sẽ khó đạt hiệu quả: rối cạn. Cảm xúc của người xem cứ dâng trào theo từng cử chỉ của các chú rối. Nghệ thuật tạo hình của nghệ sĩ Đình Nguyên thật xuất sắc (giải Tạo hình xuất sắc), tạc vào hồn của mỗi chú rối những cung bậc tình cảm. Cái hay của đạo diễn là chỉ với 6 mảnh lụa đã biến hóa không gian, thời gian, đưa khán giả vào thế giới thi ca giàu tính nhân văn của "Truyện Kiều". Độc đáo nhất là nghệ sĩ vừa diễn rối vừa thoại lời nhân vật.
NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo liên hoan - nhận định: "Các vở diễn tham gia liên hoan đã có rất nhiều cách tân trong nghệ thuật, kỹ thuật và đặc biệt là về hình thức thể hiện trên sân khấu. Nhiều đoàn nghệ thuật quốc tế hiện nay có xu hướng đơn giản hóa tối đa sân khấu, di chuyển gọn nhẹ và biểu diễn cũng hết sức cô đọng, tiết kiệm chi phí nhưng đạt hiệu quả cao, đáng để chúng ta học hỏi".
Theo Thanh Hiệp/NLĐO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin