Đây không phải là cách nói "báng bổ" một giải thưởng văn chương uy tín hàng trăm năm, như một ngôi đền thiêng đã từng tôn vinh những cây đại thụ, những nhà văn xuất chúng của nền văn học thế giới.
Đây không phải là cách nói “báng bổ” một giải thưởng văn chương uy tín hàng trăm năm, như một ngôi đền thiêng đã từng tôn vinh những cây đại thụ, những nhà văn xuất chúng của nền văn học thế giới.
Chúng ta cần tách bạch giữa bản thân giải thưởng và hội đồng giải thưởng, là một nhóm người nhất định; mà đã là một nhóm người đặt tại một đất nước thì không thể đảm bảo tính bao trùm cho cả nền văn học thế giới, chưa kể những vấn đề thiên vị, lệch lạc, những tác động khác của thời đại… Buồn cười nó phát sinh từ đó.
Tình yêu đối với văn chương không thể sụt giảm vì sự mất lòng tin ở một hội đồng giải thưởng văn học. Trong ảnh: Những tác phẩm kinh điểm của những nhà văn lớn thế giới từng đoạt giải Nobel văn học. |
Buồn cười!
Hiểu vấn đề như thế để chúng ta- những người tôn trọng giải thưởng văn học uy tín, danh giá nhất thế giới này bớt có những phản ứng quá tiêu cực, một khi chẳng may có vấn đề không hay xảy ra.
Thí dụ như giải Nobel văn học năm 2016 đã trao cho… nhạc sĩ người Mỹ Bob Dylan, hẳn là rất rất nhiều người cảm thấy sốc, cái cảm giác như có ai đó cố tình làm tổn thương tình yêu thiêng liêng của mình đối với văn chương, đối với uy tín giải thưởng và cả việc làm rẻ rúng đi những tuyệt tác văn học đã từng được tôn vinh trước đó. Riêng tôi, cảm thấy buồn cười và chọn cách… ít tiêu cực nhất là không quan tâm đến kết quả hàng năm của giải thưởng này nữa.
Nhưng rõ ràng làm sao mà không quan tâm được, chỉ trừ khi chúng ta hoàn toàn ngừng lại tình yêu đối với văn chương, ngừng lại việc đọc sách; trong khi mỗi ngày chúng ta đều “chạm mặt” với văn chương, “vay mượn” văn chương, ngôn từ như cái cần câu cơm để làm nghề. Nhưng rồi sau năm 2017, nhà văn người Anh gốc Nhật Kazưo Ishigưro được vinh danh trong “sóng yên gió lặng”, thì năm 2018 hội đồng của giải thưởng lại lùm xùm vì vướng vào vụ án bê bối tình dục.
Do đó, năm 2019 người ta đã “cộng dồn” và trao thưởng cho 2 nhà văn cùng lúc: Giải thưởng Nobel Văn chương năm 2018 được trao cho tác giả người Ba Lan- bà Olga Tokarczuk. Giải thưởng Nobel Văn chương năm 2019 được trao cho tác giả người Áo Peter Handke.
Nhà văn Áo thì từng tuyên bố nên hủy bỏ giải thưởng Nobel văn học vào năm 2014. Riêng đối với nữ nhà văn Ba Lan Olga Tokarczuk, thì cá nhân tôi thực sự phản cảm với truyện ngắn tiêu biểu của bà đã được dịch ở Việt Nam.
Bàn luận cho vui!
Việc trao giải Nobel văn học cho một nhạc sĩ, đương nhiên nổ ra nhiều cuộc tranh luận gay gắt trong giới lý luận, phê bình văn học; trong đó cũng có không ít những bài viết báo chí mang tính “ngẫu hứng”.
Họ ca ngợi những nhạc phẩm giàu chất văn chương, tính liên văn bản, họ ca ngợi hội đồng xét chọn đột phá, thay đổi quan niệm về văn chương… Nếu theo một “hệ lý luận” kiểu đó, thì mọi loại nghệ thuật có sử dụng ngôn ngữ, văn chương đều có thể được đề cử và có cơ hội nhận giải Nobel văn học?!
Giải Nobel văn học trước tiên nó phải là một tác phẩm văn học, còn những tiêu chí về tính hàn lâm, tính sáng tạo nghệ thuật hay những vấn đề xã hội đặt ra cho thời đại… lại là chuyện hoàn toàn khác.
Không thể đánh đồng văn chương vào các loại hình nghệ thuật khác. Đó là khoa học và Viện Hàn lâm Thụy Điển, cụ thể là Hội đồng xét chọn giải Nobel văn chương, có trách nhiệm to lớn và nghiêm túc để tôn vinh và bảo vệ, chớ không phải hủy hoại văn học thế giới.
Không khéo, tương lai sẽ còn có bao nhiêu nhạc sĩ nữa được vinh danh là “nhà văn Nobel bất đắc dĩ!”. Rồi những nhà biên kịch sân khấu, biên kịch phim…
Về giải thưởng của năm 2019, lại là một sự quá đáng ở một phương diện khác. Ý kiến đánh giá của Hội đồng xét giải Nobel Văn chương được dẫn lại trong thông cáo báo chí của Viện Hàn lâm Thụy Điển về nhà văn Olga Tokarczuk: “Dành cho lối viết giàu sức tưởng tượng, chứa đựng đam mê uyên bác, và đại diện cho một lối sống vượt trên mọi rào cản”.
Xin mọi người hãy thử đọc một truyện ngắn tiêu biểu của nhà văn này đã được dịch ở Việt Nam, cá nhân tôi không cảm nhận được điều gì về sự sáng tạo văn học, tính học thuật cao siêu gì trong đó, ngoài lối viết tả thực nhẫn tâm một cách bạo liệt, sự ác độc, mục ruỗng nhân cách con người trong một tình thế không lối thoát.
Nó hoàn toàn không phải là trường phái huyền tưởng, huyền ảo gì cả, để có thể tạo nên những trường liên tưởng nơi độc giả, sự phi thực tế một cách hợp lý, thỏa mãn nhu cầu thụ hưởng văn chương của người đọc. Quan trọng nhất, hoàn toàn không có tính hàn lâm gì ở đây.
Truyện ngắn “Người đàn bà xấu nhất hành tinh” của nhà văn Olga Tokarczuk, là toàn bộ lời kể, suy nghĩ của nhân vật “gã” là người chồng, kể về vợ mình xấu như một quái vật được hắn đưa ra sân khấu gánh xiếc làm trò cười, thỏa mãn sự tò mò của khán giả để thu tiền. Gã chấp nhận lấy người đàn bà xấu xí để bảo đảm cuộc sống và rồi đứa con ra đời cũng xấu như một quái vật, rồi 2 mẹ con chết và lại được đưa vào bảo tàng về những dị vật, quái thai.
Về góc độ tả thực, miêu tả cái xấu một cách hợp lý nhất, theo tôi truyện ngắn này còn thua xa “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao, cái xấu và đẹp trong Chí Phèo nó hợp lý, nhân văn và cao cả hơn nhiều. Và còn rất nhiều chuyện đáng bàn trong tác phẩm của nhà văn vừa được giải văn học danh giá nhất hành tinh. Một truyện ngắn chưa phải là toàn bộ sáng tác, nhưng một nhà văn lớn, không thể có một truyện ngắn tầm thường đến thế.
Niềm tin và tình yêu sụt giảm đối với giải thưởng văn học danh giá nhất hành tình, là quyền riêng tư của mỗi cá nhân. Thật đáng ngờ khi gần chục năm qua nhà văn Nhật Bản Harưki Murakami không được chạm đến vinh quang này, vì một lý do “không có tính hàn lâm”, vậy thì khi tôn vinh một nhạc sĩ và xướng tên nhà văn có truyện ngắn chứa đầy tâm địa độc ác, tầm thường như “Người đàn bà xấu nhất hành tinh”, liệu sẽ đóng góp gì cho tính hàn lâm của văn chương thế giới?
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin