"Dìm hàng"

05:10, 10/10/2019

Việc "dìm hàng" người khác với mục đích đùa vui hay nhiều người có sở thích "dìm hàng" người khác để nâng mình lên, để cùng cười nhạo, dù với mục đích gì thì "nạn nhân" bị "dìm hàng" cũng không cảm thấy vui vẻ.

 

 

Bạn bè tốt của nhau sẽ cùng nhau phấn đấu, cùng nhau đẹp trong mắt mọi người. Ảnh minh họa
Bạn bè tốt của nhau sẽ cùng nhau phấn đấu, cùng nhau đẹp trong mắt mọi người. Ảnh minh họa

Việc “dìm hàng” người khác với mục đích đùa vui hay nhiều người có sở thích “dìm hàng” người khác để nâng mình lên, để cùng cười nhạo, dù với mục đích gì thì “nạn nhân” bị “dìm hàng” cũng không cảm thấy vui vẻ.

Tôi có cô bạn rất thích “dìm” người khác, từ bạn bè, người thân đến cả chồng mình cũng thế. Không hiểu cô ấy là vô tình hay là cố ý làm như vậy, nhưng mỗi khi có dịp gặp gỡ nhau, bạn bè cô đều hết sức thận trọng vậy mà cũng bị đưa lên facebook liền sau đó là những hình ảnh hết sức “bá đạo” vào những khoảnh khắc vô tư nói cười, đùa giỡn cùng nhau.

Nhất là lúc nào cô nàng này cũng livestream để cập nhật tình hình với mọi người. Điều này không phải ai cũng đồng tình, có rất nhiều người họ không thích và không muốn “thông báo” với mọi người việc họ đang ở đâu và nhất là khi có những điều khá “nhạy cảm”.

Cô bạn này đã được bạn bè, người thân nhắc nhở và tỏ thái độ không hài lòng, có người còn giận ra mặt khi thấy trên mạng hình ảnh vô cùng kém duyên của mình, nhưng chủ nhân vẫn tỉnh bơ cho rằng cô ta có quyền tự do đăng lên trang cá nhân không liên quan đến mọi người, tuy nhiên cô ta lại đi “gắn thẻ” mọi người vào.

Điều đáng nói nữa là khi bị nhiều người so sánh là có vẻ già dặn hơn anh chồng bảnh bao của mình, cô nàng này lúc nào cũng siêng năng tìm những lúc anh chồng không được đẹp cho lắm là bị vợ chụp hình đăng lên trang cá nhân và không quên gắn thẻ kèm theo.

Cũng vì điều này mà vợ chồng họ đã nhiều lần cãi vã giận hờn nhau, giờ thì anh chồng đã “cấm cửa” luôn việc cho phép gắn thẻ mình vào. Cũng vì bản tính này mà dần dần cô nàng này bị bạn bè đề phòng, xa lánh và không còn thích đi chơi chung với nhau nữa.

Việc “dìm hàng” bạn bè, người thân thoạt thấy thì có vẻ khá vô hại, mọi người thường xem đó như một thú vui, một trò tiêu khiển khi cùng nhau trò chuyện. Nhưng thực chất nó có thể gây thiệt hại về mặt cảm xúc, gây mất đoàn kết, khiến “nạn nhân” cảm thấy phiền toái, cảm thấy mình đang bị đem ra làm trò cười, nặng hơn là cảm thấy mình bị sỉ nhục.

Không ít bạn trẻ thừa nhận đã từng tham gia vào trò chơi “dìm hàng” người khác mà không biết rằng đây là hành vi không tốt trong ứng xử và hậu quả để lại đôi khi vượt xa mục đích cho vui.

Ngoài việc chụp những khoảnh khắc không đẹp của người khác tung lên mạng, “dìm hàng” còn là việc phóng đại mọi chuyện rồi tung tin đồn, dựng chuyện để nói xấu, săm soi khuyết điểm của người khác để cùng nhau chê bai, phanh phui những chuyện lỗi lầm trong quá khứ để khiến người khác có suy nghĩ xấu về người muốn “dìm hàng”.

Dù là hành động gì thì việc “dìm” này đều gây ra phản ứng rất tiêu cực. Không ai thích mình trở nên xấu xí, bị bôi nhọ và trở nên tai tiếng. Khi mang hình ảnh cá nhân của ai đó ra bỡn cợt có thể làm trò vui nhất thời cho mình, nhưng sẽ ảnh hưởng đến nhân phẩm của người khác, nhiều khi gây ra rắc rối rất đáng kể cho họ.

Việc “dìm hàng” người khác còn gặp “phản tác dụng”, đó là tự bôi đen lên tính cách của mình, làm đánh mất hình ảnh trong mắt bạn bè, bị mọi người ngờ vực, cảnh giác, có khi còn bị “gậy ông đập lưng ông”.

Đối với người “bị dìm” nên chia sẻ cùng đối phương suy nghĩ của mình, cảm xúc của mình khi nghe những lời bông đùa, “dìm hàng” ấy và mong đối phương tôn trọng mình hơn. Đôi khi chính bản thân họ cũng không kịp ý thức được rằng họ đã làm bạn tổn thương đâu.

Đồng thời phải thẳng thắn lên tiếng nhắc nhở, tỏ thái độ và quan điểm không hài lòng về điều đó. Nếu sự thẳng thắn không làm mọi chuyện khá hơn, bạn hãy dừng việc tương tác và trao đổi thông tin với người kém duyên đó. Hạn chế tiếp xúc và hạn chế xuất hiện cùng nhau và luôn luôn “phòng thủ” người đó để đối phó khi có ý định “dìm” bạn.

Chuyên gia tư vấn tâm lý cho rằng, cần biết việc chê bai, “dìm hàng” người khác không làm cho chúng ta khá lên. Người tử tế không bao giờ nâng bản thân lên bằng cách lấy người khác làm điểm tựa rồi “dìm” người ta xuống. Họ sẽ đi lên bằng chính năng lực của mình, sẽ dành thời gian quý báu rèn luyện bản thân để giỏi giang, tốt đẹp như người khác, để cùng nhau phấn đấu vươn lên, cùng nhau tốt đẹp.

Bài, ảnh: LAM NGỌC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh