Để di tích phát huy giá trị

02:10, 22/10/2019

Di tích là tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hóa của đất nước, lưu giữ những giá trị văn hóa- lịch sử, những bản sắc riêng mang hơi thở dân tộc. Để di tích tồn tại và phát huy giá trị, phụ thuộc rất nhiều vào năng lực quản lý của con người, được phản ánh qua sự duy trì, tôn tạo và phát triển. 

Di tích là tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hóa của đất nước, lưu giữ những giá trị văn hóa- lịch sử, những bản sắc riêng mang hơi thở dân tộc. Để di tích tồn tại và phát huy giá trị, phụ thuộc rất nhiều vào năng lực quản lý của con người, được phản ánh qua sự duy trì, tôn tạo và phát triển.

Đây là điều có ý nghĩa quan trọng và rất cần sự chung tay của toàn xã hội để các di tích phát huy được giá trị vốn có của nó.

Văn Thánh miếu được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận là điểm đến du lịch tiêu biểu.
Văn Thánh miếu được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận là điểm đến du lịch tiêu biểu.

Nhiều di tích bị xuống cấp

Toàn tỉnh có hơn 700 di tích, trong đó 59 di tích được xếp hạng di tích lịch sử- văn hóa, gồm: 11 di tích cấp quốc gia, 48 di tích cấp tỉnh. Hiện, chỉ mới thành lập được 43 ban quản lý (BQL) di tích.

Còn lại một số di tích là cơ sở tôn giáo do ban quản trị chùa đảm nhiệm. Một số di tích chưa có nhân sự nên chưa thành lập được BQL như: mộ nhà thơ Nhiêu Tâm- nhà thơ trào phúng nổi tiếng của tỉnh- ở xã Thanh Đức (Long Hồ) nhưng di tích chỉ có ngôi mộ nằm ở khu đất thuộc sở hữu cá nhân, không có miếu thờ, bàn thờ đặt ở nhà dân nên rất khó phát huy giá trị di tích.

“Hiện, 80% du khách của tỉnh tập trung ở huyện thì cần phải quan tâm nhân lực phục vụ du lịch, kiện toàn BQL di tích”- bà Võ Thị Xuân Mỹ- Phó Chủ tịch UBND huyện Long Hồ- trăn trở và cho rằng cần phải chú trọng cảnh quan, tạo điểm hấp dẫn cho di tích để thu hút du khách.

Trên thực tế, nhiều di tích đang thiếu lực lượng kế thừa trong BQL, thủ từ. Việc khai thác giá trị di tích, hướng dẫn khách tham quan còn sơ sài. Nhân sự làm công tác quản lý di sản của tỉnh còn thiếu và yếu. Các huyện hầu như chưa có cán bộ chuyên trách về di tích và di sản văn hóa, hầu hết chỉ kiêm nhiệm- chủ yếu là công chức văn hóa cấp xã và người có chuyên môn hầu như rất ít.

Đến nay, chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa không còn, chương trình mục tiêu của bộ cấp rất ít nên gặp khó khăn trong việc tu bổ di tích cấp quốc gia. Song, nguồn ngân sách của tỉnh rất hạn chế, trong khi các di tích bị xuống cấp nặng nề, nhu cầu trùng tu, tôn tạo rất lớn nên không đáp ứng nhu cầu.

Tọa lạc trên sở đất rộng, cặp bên bờ sông Long Hồ thuộc làng Long Hồ, tổng Long An, huyện Vĩnh Bình (nay thuộc Phường 4, TP Vĩnh Long), Văn Thánh miếu có vị thế rất đẹp- mặt hướng ra sông và có bờ kè chống sạt lở.

Song, qua thời gian lan can bằng sắt đã bị mục nát, vừa ảnh hưởng mỹ quan vừa ảnh hưởng đến an toàn của du khách. Trong khuôn viên Văn Thánh miếu có Văn Xương các- được xây rất lâu đời và xuống cấp nghiêm trọng. “Hiện không thể cho du khách lên cầu thang vì sợ… sập bất thình lình”- ông Trần Văn Viễn- Trưởng BQL Văn Thánh miếu- cho hay.

Với niên đại lâu đời, mái ngói chánh điện chùa Đại Thọ đến nay đã hư hỏng nghiêm trọng, “sợ đang làm lễ thì rớt xuống”- ông Thạch Thiên- Trưởng Ban Quản trị chùa cho biết. Chùa có cây di sản là cây sao có tuổi thọ hơn 400 năm, đã cùng với bà con 2 dân tộc Kinh- Khmer quây quần sinh sống và chứng kiến nhiều đổi thay của lịch sử.

Gần đây, một số người dân nghe nói cây linh thiêng có thể trị bệnh nên đến bóc vỏ cây mang đi làm thân cây bị loang lổ mất đi vẻ đẹp vốn có của nó.

Vấn đề “đau đầu” nhất là tình trạng xâm phạm di tích, đánh cắp cổ vật. Bên cạnh, vẫn còn tình trạng tranh chấp đất di tích kéo dài nhiều năm chưa giải quyết dứt điểm như tranh chấp đất ở đình Long Hồ (Phường 4- TP Vĩnh Long), chùa Tiên Châu (xã An Bình- Long Hồ)…

Ông Trần Văn Ẩn- quyền Trưởng Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Trà Ôn- cho biết, việc nghiên cứu lập hồ sơ di tích còn nhiều khó khăn do nhân chứng lịch sử còn sống rất ít, sử sách chính thống không ghi chép nên việc sưu tầm tư liệu liên quan đến công lao đóng góp gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, một số di tích là phế tích, có nhân chứng lịch sử nhưng đất đai do cá nhân quản lý nên không thể xếp hạng và phục dựng di tích.

Bà Võ Thị Xuân Mỹ- Phó Chủ tịch UBND huyện Long Hồ

Toàn tỉnh có hơn 80 ngôi nhà xưa, trong đó Long Hồ có hơn 20 ngôi nhà. Trong đó có nhiều nhà rất đẹp và đủ tiêu chuẩn xếp hạng di tích lịch sử- văn hóa. Song, ngành văn hóa chưa mạnh dạn tham mưu UBND tỉnh xếp hạng nhà xưa vì liên quan đến quyền sở hữu và sự đồng thuận của người dân trong việc xếp hạng di tích.

Cần quan tâm bảo tồn giá trị di tích

Để bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị di tích lịch sử- văn hóa, ông Nguyễn Xuân Hoanh- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch- cho rằng, cần tiếp tục triển khai kế hoạch liên ngành. 

Hiện, Phòng GD-ĐT huyện Long Hồ chỉ đạo 72 trường trên địa bàn ký liên tịch với BQL Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ Trưởng Phạm Hùng chăm sóc di tích. “Đây là con số rất đáng mừng nhưng cũng cần quan tâm các di tích còn lại”- ông Nguyễn Xuân Hoanh nói.

Ông Lâm Đặng Hồng Sơn- Trưởng Phòng Chính trị Tư tưởng (Sở GD- ĐT) cho rằng, sở đang mời các nhà khoa học, chuyên gia ở các ban ngành để xây dựng tài liệu về chương trình giáo dục địa phương cho các em học sinh: mỗi năm có 35 tiết học về văn hóa, lịch sử, truyền thống, địa lý…

Điều quan trọng là, chọn lọc đội ngũ giáo viên có trải nghiệm và truyền đạt kiến thức địa phương thật chuẩn. Phối hợp với các trường học để học sinh thường xuyên đến di tích học tập, chăm sóc di tích.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang làm hồ sơ đề nghị đưa lễ hội Lăng ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang làm hồ sơ đề nghị đưa lễ hội Lăng ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể.

Qua khảo sát các di tích trong tỉnh, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long- Lưu Thành Công cho rằng: cần tiếp tục quan tâm bảo tồn giá trị di tích; phát huy hơn nữa các công trình văn hóa- lịch sử trên địa bàn; quan tâm bố trí kinh phí, đẩy mạnh vận động xã hội hóa thực hiện công tác trùng tu, tôn tạo các di tích nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa, giáo dục cho thế hệ mai sau.

Đối với các di tích đã được xếp hạng, địa phương cần tiếp tục quan tâm tôn tạo, gắn với phát triển du lịch tâm linh, phục vụ du khách. Đối với những công trình chưa xếp hạng, tiếp tục rà soát, lập hồ sơ đề nghị cơ quan thẩm quyền xem xét công nhận; bảo tồn cây di tích, hiện vật, cổ vật; “sớm công nhận di tích các nhà xưa để cộng đồng chung tay bảo tồn và phát huy hết giá trị về lịch sử, về kiến trúc, văn hóa”- ông Lưu Thành Công đề nghị.

Giai đoạn 2014- 2018, toàn tỉnh có 42 di tích được trùng tu, tôn tạo với kinh phí 114 tỷ đồng và nguồn xã hội hóa trên 2 tỷ đồng cùng hàng trăm ngày công lao động. Hàng năm, các di tích tổ chức từ 2 lễ cúng trở lên thu hút hàng trăm lượt khách tham quan và tham gia các hoạt động lễ hội.

 

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY- XUÂN TƯƠI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh