Bà Hai sợ sau này thằng con ế vợ, tưởng nói chơi, không ngờ Út Thiện ế thiệt. Nhưng cho tới bây giờ, khi Thiện đã ba mươi mốt tuổi, mấy bà hàng xóm vẫn cứ tấm tắc hoài: "Chị Hai có thằng con út siêng năng, lễ phép lại bảnh trai, để tui giới thiệu cho một chỗ, gái mười tám thì không dám chắc chớ cỡ hăm hai, hăm ba đẹp người đẹp nết thì chị khỏi phải lo".
Ông già Tư ngó ra màn đêm, thở một hơi dài thườn thượt:
- Ứ hự… Hồi chiều mưa gì đâu mà một trận hãi hùng, bây giờ mấy con ễnh ương ngâm mình dưới vũng nước thi nhau kêu, buồn muốn thúi ruột luôn mấy cha ơi! - rồi ông nhìn qua Thiện- Phải chi hồi chạng vạng hai bác cháu mình xách thùng đi bắt, không cần nhiều, chỉ độ hơn chục con thôi thì bây giờ đã có nồi cháo ăn đã đời luôn, Thiện ha!
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long) |
Út Thiện chép miệng:
- Dạ, ễnh ương mà nấu cháo đậu xanh là “nhứt xứ Ba Xuyên” luôn. Nhưng… ông già tía ơi, ông nhắc làm chi, cái bụng của con kêu rột rột rồi đây nè.
- Thèm cháo thì tới lượt cũng phải uống. Dô! Tới mầy kìa thằng quỷ nhỏ, nãy giờ cầm cái ly mà cứ cà rịch cà tang câu giờ hoài hà.
- Nhậu thì phải lai rai, tửu phùng tri kỷ mà hối hoài kiểu này chắc… “chìm xuồng mất ván” luôn quá ông già tía!
Ông già Tư gật gù:
- Tri kỷ? Một già, một trẻ? Cũng hay! Ai biểu ở xóm này tao chỉ khoái nhậu với mầy, cái thằng tánh tình hiền khô, khờ khờ. Mà không, khờ thiệt! Ừ, nhậu thì từ từ cũng được, nhưng… có những chuyện không từ từ được đâu nghen, con!
- Chuyện gì là chuyện gì? Tri kỷ gì mà nhậu vô ba hột là ông già tía lại nói chuyện đâu đâu nghe trớt quớt hà- Thiện cười gượng, méo xệch như miệng cá lưỡi trâu.
Ông già Tư vỗ đùi cái chát:
- Mầy nói ông già này nói chuyện đâu đâu nghe trớt quớt. Í dà, giả lảng hả con? Để nhắc cho nghe, chị Hai- má mầy hễ gặp tao là cứ than tui rầu thằng nhỏ quá anh Tư ơi, hơn ba chục tuổi đầu chớ nhỏ nhít gì nữa, vậy mà biểu cưới vợ, biểu hoài, năn nỉ hoài nó cũng hổng chịu.
Nghe đâu chị Hai còn đi coi bói, kiếm thầy thỉnh bùa, bao nhiêu bùa yêu, ngải thương bả lén giấu dưới áo gối vậy mà bụng dạ mầy cứ lạnh tanh như cục nước đá hà. Mấy chuyện đó chắc hổng trớt quớt đâu, hen!
- Hơi đâu mà ông già tía nghe lời má của con. Nhà có hai người, tối nào bả cũng ngồi ở bộ ngựa hối cưới vợ, sáng sớm mới mở mắt ra lại cũng giảng “bài ca con cá” đó, cũ mèm. Thiệt… rầu muốn chết!
- Người già thì vậy, lo tới chừng nào con cái yên bề gia thất hết mới yên tâm. Mà, nghĩ kỹ chị Hai nói đâu có sai. Ai đời đàn ông con trai ba mươi mốt tuổi đầu mà nói tới chuyện vợ con cứ lắc đầu nguầy nguậy là nghĩa làm sao?
Chỉ tội nghiệp bà già, sợ thằng con ế vợ, chạy khắp đầu trên, xóm dưới kiếm mai mối. Chỗ thì mầy chê mập, chỗ chê ốm, chê cao, chê thấp,...
Mấy đứa con gái mà bả ưng bụng, đứa nào đứa nấy đẹp đẹp không hà, vậy mà... nói thiệt tình, ông già này cũng bó tay với mầy luôn.
Ông già Tư nói tới đâu, Thiện lắc đầu tới đó rồi bưng ly rượu ực cạn:
- Thôi, nhậu thì lo nhậu, nói chi hoài chuyện hồi năm nẳm năm nào mệt quá xá ông già tía ơi!
Vậy mà ông già Tư không tha, ngó lom lom Út Thiện, đế thêm mấy câu:
- Không biết chị Hai nghĩ gì, chớ tao thì đi guốc trong bụng mầy luôn. Mầy ở vậy là... vì một người, đúng ngay trân luôn, ha? Là ai, mầy… tự hiểu, đúng không thằng khờ?
Bị đánh trúng tim đen, Thiện im lặng. Ông già Tư tặc lưỡi:
- Ây da, cái thằng gì đâu á, thương ai là thương chết người đó, thương hoài thương hủy vậy. Đến như tao, người tự cho là đã từng trải cũng phải rối như tơ cho mối tình éo le của mầy, rối thiệt tình luôn. Nhưng... cây ngay không sợ chết đứng, thương thiệt lòng thì cứ thẳng tiến. Người bạn già này hứa ủng hộ mầy một vé.
Thiện lại cạn ly, nghe nỗi cô đơn chìm nghỉm trong màn đêm. Đúng rồi, ai biểu đã thương người nào là thương chết người đó, miệng bảo quên mà bụng mắc nhớ, thương chi rồi khổ vầy nè.
Rượu cạn chai, Út Thiện từ giã ông bạn già. Không về nhà, anh cột ghe ở cầu Đình khắc khoải ngó gió sông. Nơi đây đã từng có một chiếc ghe thương hồ chuyên bán chiếu, bán tranh kiếng neo đậu. Trên bờ là quán chè đậu, nước đá bào, hột é của chị Mận lỡ thời.
Chiều nào anh Trí- con của bà Chín bên kia con sông nhỏ- cũng rủ Thiện tới quán, bao Thiện ly chè đậu đen. Ngồi quán, anh không chọc ghẹo chị Mận lỡ thời có nước da bánh ít, không đẹp nhưng có duyên ngầm như những thanh niên khác mà lén nhìn xuống bến, nơi chiếc ghe thương hồ neo đậu.
Vì vậy, dù mới mười ba tuổi nhưng Thiện biết mình chỉ là cái cớ để anh che mắt mọi người. Thây kệ, ai để ý hay thương thầm nhớ trộm con gái người ta miễn mỗi tối có ly chè đậu đen ngọt lịm là Thiện thấy vui rồi.
Cũng từ đó, bé Thiện làm nhiệm vụ đưa thơ, liên lạc cho hai người. Nhưng giấy làm sao gói được lửa, bà Hai biết được, cốc vào đầu thằng con: “Giỏi quá hen! Mới mười hai, mười ba tuổi đầu bày đặt làm mai làm mối cho người ta.
Ở đời có bốn cái ngu, làm mai ngu số một kiểu này mơi mốt lớn lên ế vợ rồi ở đó ngồi khóc!” Út Thiện cười: “Con của má đẹp trai vầy, mơi mốt con gái sắp hàng dài từ sân nhà tới cầu chợ mặc sức cho má lựa dâu”.
Thấy thằng con cười trừ, bà Hai xẵng giọng: “Cái thằng thiệt là hết chỗ nói, mặc cái quần rách lòi thịt chưa biết quê mà bày đặt nói chuyện viển vông như người lớn.
Nói thì cãi bướng, tao chỉ sợ thím Chín- má thằng Trí- và ba má con nhỏ dưới ghe thương hồ tên Hoa, tên Huê gì đó biết được thì khổ. Con dại cái mang, lúc đó tao hổng biết phải nói sao với người ta. Thôi thôi, từ rày dẹp ba cái vụ thơ từ, mai mối đó, má cấm, nghen Thiện!”
Bà Hai sợ sau này thằng con ế vợ, tưởng nói chơi, không ngờ Út Thiện ế thiệt. Nhưng cho tới bây giờ, khi Thiện đã ba mươi mốt tuổi, mấy bà hàng xóm vẫn cứ tấm tắc hoài: “Chị Hai có thằng con út siêng năng, lễ phép lại bảnh trai, để tui giới thiệu cho một chỗ, gái mười tám thì không dám chắc chớ cỡ hăm hai, hăm ba đẹp người đẹp nết thì chị khỏi phải lo”. Bà Hai gật gù, đúng rồi, thằng út nhà mình đâu có tệ, nhưng… rầu là nó cứ lắc đầu rồi ở vậy hoài.
* *
*
Chiều chiều, bà Hai hay treo võng ngó xuống bến nhớ cả chục người con mà bà mang nặng đẻ đau giờ đã dựng vợ gả chồng đều xa lắc tí mù.
Có bữa nhìn mấy đứa con nít trong xóm tắm sông đùa giỡn và tiếng bầy gà con bên hè tíu tít tìm mẹ để rúc vào đôi cánh, lòng bà chợt rộn lên nỗi thèm muốn được nghe tiếng trẻ con khóc oe oe. Nghĩ vậy, bà lại nhằn thằng con cái tật chiều nào cũng ngồi dưới bến uống nước trà, trầm ngâm như ông già.
Thiện nheo mắt, cười:
- Má này, bữa nào con chống xuồng qua sông nhậu với ông già Tư thì bị nhằn nhậu hoài không tốt cho sức khỏe, ở nhà buồn pha trà uống thì má lại nói giống như ông già. Già mà yêu đời như bác Tư thì… cũng hay, má ha!
Bà Hai tặc lưỡi:
- Buồn thì cưới vợ, có vợ có chồng cho vui nhà vui cửa, cho má có cháu ẵm bồng. Hà cớ gì buồn thì phải uống trà, mà vừa uống vừa dòm lom lom qua sông vậy, Út?
Nghe má hỏi cắc cớ, Thiện ngập ngừng:
- Thì… thì ngó qua sông kiếm… ông già Tư cho... đỡ nhớ.
- Nhớ ông già Tư? Nhà ổng ở sau vườn, ngó qua chỉ thấy lất phất ngọn mù u. Má đẻ ra con mà Thiện, trong lòng con đang nghĩ gì má hổng biết sao? Thương gì mà tréo ngoe cẳng ngỗng vậy con?
Thiện im lặng.
- Má đã già, chắc không bao lâu cũng sẽ tới cái ngày nằm thẳng đơ trên bộ vạc, một ngọn đèn dầu leo lét, một nải chuối sống dằn bụng rồi trở về với đất! Sống trên đời, ai rồi cũng phải ra đi, má không sợ, chỉ lo hoài, rầu hoài, không dám nhắm mắt- dù ngủ- chuyện vợ con của mầy thôi, Út à!
Nghe giọng nói run run như trăng trối của bà mẹ già tóc bạc, vai gầy, lưng cong oằn, nước mắt anh chợt rớt xuống nóng hổi.
Anh nhớ cái ngày ba qua đời, lúc đó chị Hai vừa lấy chồng xa, về không kịp, mấy má con đứng bên nấm mộ chơ vơ ngoài gò đất, má khóc. Mà, hổng khóc sao được khi ngôi nhà này, miếng ruộng này, gò đất này,... đâu đâu cũng có hình bóng của ba.
Cũng từ đó, má hay khắc khoải nhìn từ cây kèo, cây cột, đòn tay,... má nói mỗi thứ trong ngôi nhà này đều thấm những giọt mồ hôi của ba. Người già thường sống bằng hoài niệm, với má, những kỷ niệm dù vui hay buồn- của người mình thương- đều thổn thức hoài trong ký ức.
Nhưng cuộc đời này đôi khi lại kỳ khôi lắm! Thiện mới ba mươi mốt tuổi lại giống y chang người già. Chuyện vui đã đành, có những nỗi buồn, anh muốn quên, dằn lòng để quên nhưng cứ sống hoài, day dứt hoài, lúc thôi thúc, lúc nhẹ nhàng lướt qua trong cô đơn, trống trải.
Như hồi cái ngày đám cưới của anh Trí và chị Huê, Thiện lúc ấy mười bốn tuổi, khờ ịch, chỉ biết lẽo đẽo theo cô dâu chú rể kể công đưa thơ, canh đường, để được anh Trí cho mấy cái bánh kẹp ống, tròn như ống sậy cỡ gang tay. Vậy là vui híp mắt,
Thiện chạy ra cổng tân hôn réo om sòm khoe với mấy đứa hàng xóm. Bà Hai nhìn thằng con, lắc đầu: “Cái thằng, đúng là con nít! Thèm bánh thì nói má làm cho ăn, đám cưới của người ta mà cứ trèo trẹo đòi bánh trái hoài là sao?” Thiện nhìn bà Hai, ngó cô dâu chú rể cười cái khì: “Bánh cưới ăn mới ngon chớ má!”
Và buổi chiều hôm nay, tự dưng anh lại đặt chân tới ngôi nhà bên kia sông. Gặp anh, đôi mắt lơ đãng, vô hồn của bà Chín chợt sáng lên: “Trời ơi, thằng Trí, mầy đi đâu mất biệt, má nhớ mầy lắm Trí ơi!”
Thiện ngập ngừng:
- Dạ, con... con...
Chị Huê bước ra, dìu bà Chín ngồi xuống ghế, dỗ dành:
- Anh Trí về rồi, má ráng ăn miếng cháo cho ảnh vui, nghen má!
Bà Chín ôm hôn khắp người Út Thiện rồi gật đầu, cười:
- Ờ, ờ, thằng Trí về rồi, nó đâu có bỏ hai má con mình như người ta đồn bậy bạ. Ăn, má phải ăn cho có sức khỏe để lo cho thằng con khờ của má nữa!
Chị Huê day qua Thiện, nói khẽ:
- Thiện thông cảm cho chị, bệnh tình của má...
- Huê cứ an tâm, từ lâu tui đã coi thím Chín là má và Huê là...
Chị Huê lúng túng, ngó lảng ra hàng bằng lăng bông tím. Thiện nhìn người phụ nữ ở cái tuổi ba mươi tám, hơn anh tới bảy tuổi, từng là vợ hiền, dâu thảo trong căn nhà này. Chị có tội tình gì mà bị người chồng phụ bạc, dứt áo ra đi bỏ lại người vợ đã từng đầu ấp tay gối và bà mẹ già vì nhớ con mà sinh ra đãng trí. Người ta đã dứt tình, phụ nghĩa nhưng từ lâu chị đã xem người đàn bà khi nhớ, lúc quên này là mẹ ruột thì chị phải tròn bổn phận làm con.
Út Thiện đút muỗng cháo cho bà Chín:
- Má ơi, từ bữa nay con hổng đi đâu nữa hết, ở nhà lo cho má và... vợ của con, nghen má!
Bà Chín lấy tay quệt mấy giọt nước đang chực trào trên mắt:
- Vậy là tốt rồi! Huê ơi, má biết thằng Trí hiếu thảo lắm. Con tha thứ cho cái tội mê chơi của nó, nghen con!
Chị Huê đứng chôn chân. Chưa kịp phản ứng thế nào thì Út Thiện lại vỗ về bà Chín:
- Nhưng... má ơi, con đã cất căn nhà bên sông, rộng rãi lắm. Gia đình mình dọn qua đó sống, thỉnh lư hương của ba qua để lo nhang khói, được hông má?
Người mẹ chỉ biết gật đầu rồi ôm miết đứa con trai vào lòng như sợ sẽ vuột khỏi tầm tay.
Chị Huê chạy xuống bến. Nghe tiếng bìm bịp gọi con nước lớn, một giọt nước mắt sắp tràn ra nhưng kịp kiềm lại. Lâu lắm rồi chị mới nghe lòng mình thổn thức.
Nguyễn Linh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin