Đi dự họp mặt ngày "Vì nạn nhân chất độc da cam/ dioxin" do tỉnh tổ chức năm 2019, tôi gặp lại anh Chín Thành(*)- đồng đội cũ lúc chúng tôi là bộ đội của Trung đoàn 3 (Quân khu 9) thời chống Mỹ cứu nước.
Đi dự họp mặt ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam/ dioxin” do tỉnh tổ chức năm 2019, tôi gặp lại anh Chín Thành(*)- đồng đội cũ lúc chúng tôi là bộ đội của Trung đoàn 3 (Quân khu 9) thời chống Mỹ cứu nước.
Tôi yêu cầu anh kể lại 2 trận đánh tàu chở quân Đại Hàn (quân chư hầu của Mỹ) trên sông Măng Thít và sông Cái Ngang cách nay 50 năm. Anh Chín Thành kể:
Năm 1969, địch phản công và bình định rất ác liệt. Mục đích của chúng là đẩy bộ đội ta lùi xa khỏi Tỉnh lỵ Vĩnh Long và QL4. Đại bộ phận của Trung đoàn 3 đã về đóng quân ở Trà Ôn, Cầu Kè; chỉ còn Tiểu đoàn 312 bám trụ ở Tam Bình, đóng quân dọc theo tuyến sông Cái Ngang.
Đầu tháng 3/1969, địch dùng 2 giang đoàn chở lính Đại Hàn vào càn quét ở các xã dọc tuyến sông Cái Ngang. Đi đến đoạn Rạch Gỗ, chúng bị Đại đội 60 của Tiểu đoàn 312 phục kích dùng B.40, B.41 bắn chìm 2 tàu. Số tàu còn lại bắn trả dữ dội. Bọn lính này dữ thiệt.
Chúng vừa bắn dọn bãi, vừa đổ quân lên bờ quyết chiến với quân ta. Lực lượng quân ta ít, súng đạn không nhiều, không có tư thế chuẩn bị đánh quân đổ bộ thì dại gì mà ở lại đối đầu với chúng.
Vậy là “a lê hấp” (tạm dịch: đứng dậy và đi), mình tập trung bắn xối xả vào bọn lính đổ bộ lên bờ, làm chúng bị thương vong một số tên, rồi ta nhanh chóng rút chạy an toàn.
Bọn lính Đại Hàn đổ bộ lên bờ, đi “lấn quấn” một hồi bị nổ mấy trái lựu đạn gài, chết và bị thương thêm mấy đứa, đành mang đầu máu rút xuống tàu chạy về Tam Bình.
Còn bọn lính Đại Hàn chết trong 2 chiếc tàu bị bắn chìm, 3 ngày sau sình trương nổi lên mặt nước thành chòng chõng “quynh quang”, trôi tới, trôi lui trên sông Cái Ngang.
Chúng phải dùng mấy chiếc tàu rà tới rà lui mấy ngày tìm vớt xác. Báo hại cán bộ, bộ đội mình ở tuyến sông Cái Ngang thời điểm đó không ai dám xài nước sông!
Mấy chiếc tàu vẫn chở lính Đại Hàn hàng ngày đi càn quét vùng Cái Ngang. Để đảm bảo an toàn cho bộ đội, Tiểu đoàn 312 về đóng quân ở xã Hòa Hiệp (Tam Bình).
Anh Chín Thành còn kể lại chuyện lúc Đại đội 66 (Tiểu đoàn 312) đóng quân nơi xóm nhỏ cuối rạch Ba Giạ (Ấp 10, xã Hòa Hiệp), anh ở ngay nhà của cha mẹ tôi và biết tôi đang là bộ đội của Tiểu đoàn 306. Anh lúc đó là Chính trị viên phó Đại đội 66.
Anh nói bà con ở đây rất thương mến bộ đội, xóm nhỏ chỉ có 6 cái nhà thì đã có 7 người đi bộ đội chủ lực và địa phương quân, đã có 3 người hy sinh trong đợt 2 Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Đóng quân ở xóm Ba Giạ được vài hôm, đến 13 giờ chiều 25/3/1969, anh Chín Thành được lệnh của anh Tư Hà- Chính trị viên trưởng Tiểu đoàn 312- ra đón bắn tốp tàu chở bọn lính Đại Hàn đi càn từ hướng Cái Ngang về.
Thời điểm đó, anh Bảy Thành- Tiểu đoàn trưởng- và các anh đại đội trưởng đang đi điều nghiên chuẩn bị đánh vào Tỉnh lỵ Vĩnh Long đợt tháng 4/1969.
Lập tức, anh dẫn 1 trung đội (chỉ có 12 người) đem 1 khẩu B.40 và 1 khẩu ĐKZ.57 chạy băng đồng ra mé sông khoảng cuối đầu Kinh Cụt- khoảng giữa vàm Cái Cui và Ngã ba Thầy Hạnh, thuộc sông Măng Thít- phục kích ở đó. Đến 14 giờ 30 phút, đoàn tàu 6 chiếc chở lính Đại Hàn chạy về ngang chỗ anh phục kích.
Chiếc đi đầu đã tới Ngã ba Thầy Hạnh, chiếc thứ 3 cũng đã qua khỏi chỗ anh. Chiếc tàu thứ 4 chạy đến, chở đầy lính đứng lố nhố bên trong.
Anh đứng dậy, nâng khẩu B.40 bắn trúng chiếc tàu, nó bốc cháy ngùn ngụt! 2 chiếc tàu phía sau bắn về phía anh quyết liệt, chạy tới móc dây kéo chiếc tàu bị cháy về Tam Bình. Quân ta rút lui an toàn. Sau trận này, bọn địch thôi không chở bọn lính Đại Hàn đi càn quét trên tuyến sông này nữa.
Anh Chín Thành sau đó được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt tàu địch”. Anh nói với tôi tấm giấy danh hiệu dũng sĩ ấy anh vẫn còn giữ được nguyên vẹn cùng với mấy danh hiệu dũng sĩ khác.
*Anh Chín Thành tên Huỳnh Văn Miên (hiện ở ấp Phú Tân, xã Phú Lộc- Tam Bình). Anh giữ chức vụ Chính trị viên phó Tiểu đoàn 308 (Trung đoàn 3) trước khi ra quân.
TRUNG NGÔN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin