Vĩnh Long là một tỉnh đa dân tộc và tôn giáo là Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo.
Vĩnh Long là một tỉnh đa dân tộc và tôn giáo là Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo.
Đạo Cao Đài có tên là “Cao Đài Đại đạo Tam kỳ Phổ độ” gọi tắt là đạo Cao Đài. Người đầu tiên sáng lập đạo Cao Đài là giáo chủ Ngô Văn Chiêu (có sách gọi là Ngô Minh Chiêu) sinh năm 1878 tại chợ Bình Tây, Chợ Lớn.
Đạo Cao Đài chính thức ra đời giữa tháng 11/1926 (ngày rằm tháng 10 năm Bính Dần) do các chức sắc lãnh đạo Cao Đài tổ chức đại lễ tại chùa Gò Kén (tỉnh Tây Ninh).
Đạo Cao Đài có nhiều hệ phái. Ở Vĩnh Long có 5 hệ phái: Cao Đài Tây Ninh, Cao Đài Tiên Thiên, Cao Đài Chiếu Minh, Cao Đài Ban Chỉ Đạo, Cao Đài Thống Nhất, hành đạo ở các thánh thất, thánh tịnh trong tỉnh.
Thống kê vào tháng 1/2003, có 44 cơ sở thờ tự thuộc đạo Cao Đài ở Vĩnh Long với khoảng 20.648 tín đồ, 520 chức sắc, 183 chức việc. Đường hướng hành đạo Cao Đài là “Nước vinh đạo sáng”.
Người sáng lập đạo Cao Đài Tiên Thiên là cố Giáo tông Phan Văn Tòng.
Cố thái chưởng pháp Phan Văn Tòng, sinh năm 1881 tại xã Tường Lộc (Tam Bình) trong một gia đình nho học, giàu lòng yêu nước.
Từ thuở nhỏ, ông đã thấu hiểu được nỗi khổ nhục mất nước của người dân nô lệ, nên ông đã tham gia vào hội kín Nam Kỳ, hoạt động trong phong trào Duy Tân, cùng các sĩ phu yêu nước dấy lên phong trào chống thực dân Pháp.
Ông đã xuất dương sang Nhật Bản, học tại trường Đông Á Đồng, bị bọn mật thám theo dõi, ông chuyển sang Trung Quốc. Để bí mật hoạt động cách mạng, ông đổi tên là Nguyễn Văn Đương.
Ông tham gia Liên đoàn Ái quốc Việt Nam. Năm 1924, ông vào tổ chức thanh niên cách mạng đồng chí hội. Bị mật thám Nhật bắt nhưng không có chứng cứ, chúng phải thả ra.
Ông lại qua Trung Quốc và trở về Việt Nam. Ông hoạt động ở khu vực sông Mang Thít, Chi bộ Ba Chùa- một trong những chi bộ đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long.
Ở đây ông đã nhiều lần bị thực dân Pháp bắt giam cầm, tra khảo nhưng mỗi lần bị tù đày, đánh đập dã man, lại rèn thêm ý chí cách mạng của ông cao hơn.
Sau phong trào Duy Tân không thành, ông lại tiếp tục phong trào Đông Du và thường liên lạc với các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn An Ninh…
Ông lập ra Công lý Vĩnh Hiệp, có 3 chiếc tàu đò hiệu Vĩnh Bảo, Vĩnh Thuận và Vĩnh Nguyên đưa khách theo tuyến đường Vĩnh Long- Cần Thơ, rồi Mỹ Tho, Cà Mau, Nam Vang.
Nhờ đó có điều kiện nuôi chứa, liên lạc với các sĩ phu yêu nước và các chí cốt cách mạng của phong trào Duy Tân, Đông Kinh nghĩa thục và thanh niên cách mạng đồng chí hội.
Những năm đầu thế kỷ XX, dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, các cuộc đấu tranh chống Pháp của nhân dân ta lần lượt bị thực dân Pháp dìm trong bể máu.
Thất bại trong đấu tranh, bế tắc trong cuộc sống, một số nhóm người đã tìm tới tín ngưỡng tôn giáo vừa để có chốn nương thân, vừa tập hợp lực lượng chờ thời cơ có dịp đứng lên chống kẻ thù.
Trước bối cảnh lịch sử đó, ông Phan Văn Tòng cùng một số vị khác phối hợp dựng nên đạo Cao Đài Tiên Thiên- một trong những hệ phái của đạo Cao Đài- với tôn chỉ mục đích “phổ hóa quần sanh, giáo dân vi thiện, phụng sự đạo đức chánh nghĩa, kiến lập cơ tuyệt khổ đại đồng”.
Lấy tu nhân đạo đi đầu làm tròn bổn phận con dân nước Việt Nam. Trước cảnh nước mất nhà tan, cùng nhau đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành độc lập cho dân tộc mới mong tu tiên đạo, sống đời thánh thiện.
Trong những lớp hạnh đường giáo lý trước những năm 1939 ông thường nói “không có kinh sách nào tả hết nỗi khổ của người dân nô lệ”.
Năm 1939, Cao Đài Tiên Thiên lập giáo hội theo cơ chế “Thất thánh”, “Thất hiền” và ông Phan Văn Tòng trở thành vị giáo tông đầu tiên của đạo này.
Cao Đài Tiên Thiên gắn bó rồi dân tộc chống Pháp do đó đến năm 1940, thánh tịnh Cửu khúc tòa (ngang chợ Tam Bình) bị Pháp thiêu hủy, đồng thời chúng niêm phong tất cả các thánh tịnh khác ở tỉnh không được hoạt động. Ông Phan Văn Tòng cùng nhiều người khác bị Pháp bắt đày ra Côn Đảo và các nhà tù khác.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Chính phủ ta ra đón ông Phan Văn Tòng cùng hơn một ngàn tù chính trị ở Côn Đảo về đất liền.
Nhiều năm trong tù ngục, chịu cực hình tra tấn dã man của chế độ nhà tù thực dân Pháp ở Côn Đảo nên thân thể ông suy kiệt. Về tới nhà không được bao ngày, ông không sao qua khỏi bệnh tình và từ trần ngay trong năm 1945.
Ông được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng bằng Tổ quốc ghi công là “Liệt sĩ nhân dân yêu nước”.
Để tưởng nhớ người anh cả đã làm nên lịch sử cho một chi phái, toàn đạo Cao Đài Tiên Thiên đã xây dựng một ngôi bửu tháp tại quê hương ông ở xã Tường Lộc.
TRƯƠNG CÔNG GIANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin