Chuyện ông "Bảy Lúa" bắn rơi 7 máy bay địch

Cập nhật, 05:50, Thứ Ba, 24/09/2019 (GMT+7)

Tôi may mắn 2 lần được gặp Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đại tá phi công Nguyễn Văn Bảy để nghe ông kể về cuộc đời lẫm liệt của mình. Hôm nay nhận được tin ông qua đời sau cơn bạo bệnh tại Bệnh viện Quân y 175 (TP Hồ Chí Minh) trong sự lo lắng của nhiều người, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ lực lượng Phòng không- Không quân.

Vì vậy tôi xin được kể lại một kỷ niệm sâu sắc khi được gặp ông vào năm 2017 như một sự ngưỡng mộ, tôn vinh của bản thân với một phi công anh hùng.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Nguyễn Văn Bảy.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Nguyễn Văn Bảy.

Thật khó khăn để tìm nhà ông bởi địa phương này quen gọi ông là ông “Bảy Lúa”, “Bảy A” hay ông “Bảy khoai mì”, còn hỏi về ông Bảy Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thì rất ít người tường tận.

Ông là Đại tá phi công Nguyễn Văn Bảy nay đã tuổi 83, ngụ tại ấp Hậu Thành (xã Tân Dương, huyện Lai Vung- Đồng Tháp). Lúc nhỏ ông có tên khai sanh là Nguyễn Văn Hoa nhưng vì mắc cỡ với cái tên con gái nên khi đi theo cách mạng ông đổi tên lại là Nguyễn Văn Bảy.

Chúng tôi càng bất ngờ hơn khi bắt gặp ông đang lao động thuần thục, nhanh nhẹn trên ruộng đồng như thời trai trẻ với nụ cười luôn nở trên môi đi kèm bộ râu dài khiến khuôn mặt ông càng phúc hậu, trông càng “duyên lão” hơn.

Biết chúng tôi ở xa tới, ông tạm ngừng công việc tiếp chuyện với chiếc quần “cộc” và cái lưng trần đen bóng vì tháng ngày lao động.

Ông Nguyễn Văn Bảy bắt đầu câu chuyện với lời dặn dò rất… “lúa”: Có sao thì tao kể vậy, bây đừng có thêm mắm, thêm muối từa lưa hột dưa mắc cỡ với thiên hạ.

Hổm rày có mấy “cha” nhà báo tới phỏng vấn, quay phim, chụp hình về viết “trớt quớt” bờ lề, ca tao lên mây xanh, mà thiệt ra tao đâu có thần thánh dữ vậy. Điều thứ hai, tao là dân Nam Bộ “rặc ri” nên xưng hô tao, mầy quen miệng rồi, “sửa” hoài hổng được. Vậy nghe...”

Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy sinh năm 1936 (có báo viết ông sinh năm 1935 là không chính xác) tại xã Hòa Thành (huyện Lai Vung- Đồng Tháp). Năm 16 tuổi, ông trốn nhà đi theo trung đội C, du kích địa phương. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc theo Hiệp định Genève.

Bức ảnh “Chiến thắng trở về” chụp phi công Nguyễn Văn Bảy đã trở thành biểu tượng chiến thắng của Không quân Việt Nam. Ảnh: Internet
Bức ảnh “Chiến thắng trở về” chụp phi công Nguyễn Văn Bảy đã trở thành biểu tượng chiến thắng của Không quân Việt Nam. Ảnh: Internet

Từ năm 1954 đến 1958 ông công tác tại Sư đoàn 330 và 338. Điều may mắn đã đến với ông khi năm 1958, ông là 1 trong 5 người của hàng chục ngàn chiến sĩ được chọn đào tạo lái máy bay tại Trung Quốc, chuẩn bị phục vụ chiến đấu mặt trận phòng không, không quân của Việt Nam.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy nhớ lại: “... Lúc được gọi đào tạo, tụi tao mừng muốn khóc mà lo cũng nhiều. Mừng là có dịp được “ oánh” nhau với máy bay địch để nó biết dân mình “nhỏ nhưng có võ”, lo là tụi tao dưới quê học mới tới lớp 3 trường làng, giờ đi “du học” biết có hoàn thành nhiệm vụ hông? Thây kệ. Đảng, Nhà nước giao thì mình phải làm thôi...”

“Du học” trong điều kiện nghiêm ngặt và khó khăn của nước bạn, ông đã xuất sắc hoàn thành khóa học trong thời gian 3 năm (1958- 1961). Về nước, ông được phân công vào biệt đội MIG 17 chuẩn bị phản ứng nhanh khi máy bay địch xâm nhập bầu trời Hà Nội.

Từ 1965- 1967, phi công Nguyễn Văn Bảy tham gia vào 13 trận đánh khốc liệt trên bầu trời miền Bắc, tiêu diệt 7 máy bay hiện đại, tối tân của Mỹ lúc bấy giờ như: thần sấm F105, con ma F4H, hay thập tự quân F8C...

Với chiến công lẫy lừng ấy, ông là 1 trong 3 phi công đầu tiên của Việt Nam được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1967.

Lúc này, ông 31 tuổi mang quân hàm Thượng úy Binh chủng Phòng không- Không quân. Vinh dự hơn ông còn được nhận Huy chương Hồ Chí Minh.

Ông Bảy kể thêm có một kỷ niệm luôn đeo đẳng trong đời binh nghiệp của mình khi còn bay lượn trên bầu trời.

Đó là ngày 19/6/1965, trong trận chiến với địch, chiếc MIG 17 do ông chỉ huy bị máy địch bắn đến 84 vết thủng, có những vết thủng rất lớn, nhưng ông vẫn lái để máy bay hạ cánh an toàn trong sự thán phục của đồng đội và các chuyên gia Liên Xô lúc bấy giờ.

Ngày 29/6/1966, ông Bảy đánh nhau và bắn cháy chiếc thần sấm F105D, viên phi công chỉ huy là Thiếu tá Murphy Neal Jones bị bắt làm tù binh. Tiếp đó, ngày 24/4/1967, ông đã bắn cháy chiếc F8C do viên Thiếu tá Hải quân E. J. Tucker lái...

Điều tự hào rất lớn và là niềm hạnh phúc cả đời của một sĩ quan không quân là ông vinh dự được gặp Bác Hồ rất nhiều lần. Lần đầu tiên khi ông bắn cháy máy bay, Bác đã gọi ông đến khen ngợi và động viên
rất nhiều.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy kể lại “... Được gặp Bác, xúc động lắm chỉ muốn khóc mà thôi. Bác hỏi thăm gia đình và đồng bào miền Nam và dặn phải thường xuyên luyện tập để đủ sức đánh nhau với máy bay địch. Lời dặn ấy tới chết cũng đem theo...”

Năm 1962, ông vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam. Niềm vinh dự ấy càng hun đúc ý chí kiên cường quyết tâm đánh giặc, bảo vệ vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc.

Sẵn đà kể chuyện vui, ông nói: “Thấy tao “lù khù” vậy chớ được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa IV nghe mậy, mà còn bầu vô tới Đoàn chủ tịch của Quốc hội mới oai chớ. Bởi vậy, được gặp Bác trong mấy cuộc họp hoài. “Đã” chưa?”

Lão nông Nguyễn Văn Bảy. Ảnh: TRƯƠNG THANH LIÊM (TP Cần Thơ)
Lão nông Nguyễn Văn Bảy. Ảnh: TRƯƠNG THANH LIÊM (TP Cần Thơ)

Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, ông được thưởng 7 chiếc Huy hiệu Bác Hồ sau những chiến công đặc biệt xuất sắc. Ngày Bác mất, ông được đứng túc trực sau linh cữu của Người trong suốt quá trình tổ chức lễ tang.

Ngày 9/9/1969, vào thời điểm thiêng liêng tổ chức truy điệu Bác, ông còn được Đảng và Nhà nước phân công chỉ huy biệt đội MIG 17 của Thủ đô Hà Nội gồm 12 chiếc bay qua Quảng trường Ba Đình để tiễn đưa Bác vào cõi vĩnh hằng.

Phi công Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy xúc động kể lại giây phút ấy: “... Tao vừa chỉ huy đội bay vừa khóc nức nở ướt “nhẹp” mặt mày vì nhớ thương Bác. Hạ cánh rồi mà cứ bùi ngùi hoài mầy ơi!”

Ngày 30/4/1975 lịch sử, ông là người được Quân đội phân công chỉ huy tiếp quản sân bay Tân Sơn Nhất, Biên Hòa, Cần Thơ. Từ năm 1975 đến khi nghỉ hưu (1990) với quân hàm Đại tá, ông đã đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng trong binh chủng Phòng không- Không quân, đặc biệt là chức vụ Tham mưu phó Binh chủng.

Có hai câu chuyện mà các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin không chính xác mà ông nhờ chúng tôi cải chính trong câu chuyện lần này” “...Họ nói tao là nông dân sản xuất giỏi làm lúa trúng “bể tay”, năng suất cao gấp đôi, gấp ba người thường là hổng có. Chuyện thứ hai là tao có giống khoai mì “đặc biệt” cho năng suất cả trăm ký lô một bụi lại càng không có. Lâu lâu mới “trúng rùa” thôi. Đâu phải có hoài mà “nổ” rồi thiên hạ đồn đại tùm lum. Mình là bộ đội Cụ Hồ phải ăn ngay nói thẳng, có sao nói vậy…”

Ông cũng hiện là Trưởng Ban liên lạc sĩ quan binh sĩ binh chủng Phòng không- Không quân tại TP Hồ Chí Minh.

Năm 1991, ông về lại quê nhà xã Tân Dương (huyện Lai Vung) để vui thú điền viên. Hàng ngày người dân địa phương lại thấy ông bắt ốc, mò cua, đào ao nuôi cá, chăm sóc ruộng đồng như bao người bình thường khác.

Đã vậy lúc rảnh rỗi ông lại đi vận động nhân dân làm giao thông, thủy lợi, nộp thuế, đưa con em làm nghĩa vụ quân sự.

Hàng xóm có tranh chấp, bất hòa là có ông tới giảng hòa thấu lý, đạt tình với nụ cười rất lính “phòng không”.

Hàng tháng, ông dè xẻn lương hưu, tiền “anh hùng”, tiền “thương binh 4/4” để giúp đỡ các hộ nghèo xung quanh, các học sinh khó khăn vượt khó, những cựu chiến binh đang khó khăn, người già cơ nhỡ...

Nhắc về người bạn đời của mình, ông nói vui: “...Hồi mới làm đám cưới ở Hà Nội, đám vừa xong đúng 45 phút thì tao nhận lệnh lên máy bay chiến đấu làm bả buồn so. Giờ già rồi chớ còn “mùi” lắm nghe mậy. “Bả” chăm sóc tao kỹ lắm. “Trịch” một chút là không xong đâu nghe...”

Ông Lê Văn Chỉ (ấp Hậu Thành, xã Tân Dương) cho biết: “Ông Bảy anh hùng” luôn là tấm gương sáng về ý chí kiên cường của người cộng sản, một phi công tài ba, dũng cảm, mưu trí. Về hưu rồi mà “ổng” có được nghỉ ngơi đâu, tối ngày lặn lội lo toan cho bà con chòm xóm không thôi...”

Đang tiếp chuyện thì tiếng chuông điện thoại vang lên. Ông xin lỗi phải tạm ngưng cuộc trò chuyện vì phải đi thăm học sinh Trường Khuyết tật TP Sa Đéc- nơi ông từng đỡ đầu từ nhiều năm qua. Sẵn dịp ông ghé “hợp đồng miệng” với mấy trường học để nói chuyện truyền thống quân nhân kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975).

Chia tay ông với nụ cười rất hào phóng, tự tin và chòm râu bạc rung rung trong gió, chúng tôi thực sự xúc động trước nhân cách một con người thật gần gũi, giản đơn, rất đời thường nhưng đã hóa phi thường.

Mới đây, người phi công anh hùng ấy đã có cuộc tiếp xúc rất đặc biệt với một viên trung tá người Hunggary tên Toperczer lslvan.

Kể về nguyên cớ cuộc gặp mặt không hẹn trước này, ông Bảy kể thêm: “...Tao đâu có biết “chả” ở đâu, nghe mấy cha thông dịch kể lại, “chả” coi phim hay đọc cuốn sách “Không chiến trên bầu trời Bắc Việt Nam” có cái đoạn nói về tao nên “chả” nổi hứng qua Việt Nam để gặp mặt tao coi mập, ốm thể nào thôi...”. Ông lại cười khà khà.

Ông còn nói với vẻ hào sảng đầy chất lính: “Tao tặng nó cái khăn rằn Nam Bộ, nó khoái lắm. Chưa đâu. Tao còn bắt cá lóc dưới mương rũ nó nhậu rượu đế, nó “ xỉn” gần chết. Ê, tao già vậy chớ khỏe ru bà rù. Nhậu cỡ nửa lít rượu trắng chưa sao đâu nghe mậy”. Ông lại cười rất tươi.

TRƯƠNG THANH LIÊM

(Kính tặng Đại tá phi công, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy)

Các tin khác: