Mênh mang sông nước

04:08, 03/08/2019

Nửa đêm, thức giấc, trằn trọc. Nhắm mắt, đếm thầm... năm mươi... một trăm... hai trăm... mà vẫn không ngủ được. Tôi bước ra ngoài, ngó lên khoảng trời vuông vức còn sót lại giữa các bức tường vôi đã bạc màu. Giường trải tấm nệm mỏng, ấm, nằm êm quá, không ngủ được! 

Nửa đêm, thức giấc, trằn trọc. Nhắm mắt, đếm thầm... năm mươi... một trăm... hai trăm... mà vẫn không ngủ được. Tôi bước ra ngoài, ngó lên khoảng trời vuông vức còn sót lại giữa các bức tường vôi đã bạc màu. Giường trải tấm nệm mỏng, ấm, nằm êm quá, không ngủ được!

Không gian phòng trọ tĩnh lặng, không âm thanh, khó ngủ! Cái giường thì cứ nằm im một chỗ như khúc củi, cũng không ngủ được!... Lý do mất ngủ chắc hổng giống ai.

Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long)

Tự dưng tôi thèm được ngủ trên một tấm sạp ván đã xỉn màu, có gió thổi liu riu, có tiếng nước chảy, tiếng sóng vỗ khiến giấc ngủ chòng chành. Bất chợt tôi nhớ quê và người thân đến cứa ruột.

Nhớ quê! Nơi được gọi là quê mà tôi đã gắn bó suốt mười bảy năm có hàng trăm ghe xuồng xuôi ngược và thường tụ lại định cư thành xóm.

Ghe lớn bỏ neo vững chãi, các ghe nhỏ hơn cột dây bám nhờ, nương tựa vào nhau những khi trời đổ mưa to gió lớn. Xóm tôi, sáu chiếc ghe. Tôi thích nằm “tòn ten” trên võng nhìn ghe, tàu lướt trên sông. Có những ghe trái cây chở nặng, lặt lè như sắp chìm nhưng cố ngoi cặp mắt trước mũi ngược sông về hướng trời xa. Trưa, sóng vỗ, nắng nhiều và gắt.

Xa xa, có đôi vợ chồng ngồi ăn cơm dưới tán bần, chắc đang chờ con nước để kéo lưới vào. Tôi hình dung tới nụ cười rạng rỡ của họ khi được mẻ lưới đầy cá. Lại có những buổi chiều trời chợt đổ mưa, sóng to làm lở một khoảng đất ven bờ cuốn theo mấy cây bần cổ thụ.

Tôi trùm áo mưa, bò lên mui, kéo máng xối hứng nước vào mấy cái khạp da bò. Cứ thế, mưa đến tối, gió lạnh từ xa thổi vào, cắt thịt. Từ ô cửa sổ nhỏ, tôi chạnh lòng cho đời thương hồ khi nhìn mấy chiếc ghe chài lặng lẽ xuyên đêm.

Nhớ người thân! Tôi, cô gái hăm hai tuổi, không họ hàng, ông bà ruột thịt. Cha, tôi chưa một lần biết mặt, mẹ thì đã mất cách đây sáu năm. Người thân của tôi, những con người từng mưu sinh lang bạt kỳ hồ, không ruột rà máu mủ mà thương nhau hơn cả tình thân.

Nơi ấy, họ gọi nhau bằng những cái tên Bảy Nha Mân, Hai Bang Chang, Sáu Kinh Mới, Ba Cái Cau,… gợi nhớ về nguồn gốc nơi chôn nhau cắt rốn.

Mẹ mất, là đứa trẻ mồ côi nhưng tôi thật sự hạnh phúc vì có được tình yêu thương, đùm bọc từ ông ngoại Hai, ông ngoại Tám, bà ngoại Bảy, bà ngoại Ba và má Sáu.

Người ta hay nói dân thương hồ tính rợ thì “rốp rẽng” nhưng chữ nghĩa thì chưa đầy lá mít, thậm chí là thất học.

Cho nên, tôi- cô con gái học năm thứ ba đại học- là niềm hãnh diện cho cả xóm. Hồi mẹ còn sống hay sau này, việc bơi xuồng vào bờ đưa rước tôi đi học đã có các ngoại và má Sáu thay nhau lo liệu. Ngày mẹ mất, tôi nghĩ mình sẽ bơ vơ.

Nhưng không, chiếc ghe của mẹ được giữ lại, người thân, mỗi người phụ bán một mặt hàng, dành tiền cho tôi. Những tháng mưa dầm, bán buôn ế ẩm, cuộc sống khó khăn nhưng mọi người vẫn nắm chặt tay nhau quyết giữ cho chữ nghĩa của tôi khỏi phải trôi theo dòng nước.

Hôm nhập học, nhìn má Sáu và tôi bước lên bờ, ngoại Hai ngồi dưới xuồng nhìn theo bằng đôi mắt buồn thăm thẳm.

Có lẽ ông sẽ còn ngồi như vậy mãi nếu bà ngoại Bảy không khều vai rồi hai người lặng lẽ chống xuồng ra xa. Thấy ngoại Hai kéo chiếc khăn rằn, cúi mặt, dường như là lau mắt, bất chợt mắt tôi rịn ra vài giọt nước, mằn mặn trên môi.

Tuần đầu tiên xa nhà, tôi nhớ người thân đến quay quắt. Mỗi lần nói chuyện qua điện thoại, bao người thân cứ giành nhau hỏi thăm và say sưa kể chuyện ở xóm. Họ nói, đôi lúc lạc giọng, nghèn ngẹn làm tôi cứ muốn òa lên khóc.

Đêm đến, tôi lay lắc bằng giấc ngủ chập chờn vì nhớ tiếng gió thổi, tiếng nước chảy róc rách bên tai. Tôi thèm được nằm trên cái sạp cũ đã xỉn màu trong chiếc ghe chòng chành... chòng chành...

Sau một tháng đi học, về tới bến sông, nhìn xóm ghe quây quần bên nhau trong ánh chiều tà, tim tôi đập lùm bùm như đang gõ trống, cái cảm giác của người con lâu lắm rồi mới được gặp lại những người yêu thương nhất trong đời. Tôi kìm xúc động, vẫy tay gọi lớn má ơi, ngoại ơi.

Má Sáu lật đật bơi xuồng vô bờ rước đứa con gái “bé bỏng”. Ông ngoại Hai đang ngồi uống rượu với ông ngoại Tám trên mui, thấy tôi bước lên ghe, ông ngó chỗ khác, nói giận: “Con nhỏ này, học hành kiểu gì mà quên mất tiêu nhà cửa, ông bà luôn vậy hà!”

Tôi chạy tới, ôm trọn tấm lưng cong cong của ông rồi ắp mặt vào, nũng nịu như hồi còn nhỏ: “Còn ngoại Hai và ngoại Tám nữa, chiều nào hai ông cũng ngồi uống rượu.

Uống hoài kiểu này sức khỏe nào chịu nổi?” Thấy bà ngoại Bảy cười ghẹo, tưởng hai ông giận, không ngờ ngoại Hai cũng cười theo: “Học hành cực dữ hông con?

Còn hai bà và con Sáu nữa, nhìn đi, mới có một tháng mà con nhỏ ốm nhom ốm nhách như con cò ma! Thấy nó về sao hổng nấu món gì ngon ngon để tẩm bổ cho nó!” Tôi cười thầm trong niềm hạnh phúc vì lúc ngồi ở xuồng má Sáu cho biết từ sáng sớm là ngoại Hai đã hối đổ cho tôi mấy cái bánh xèo giòn rụm.

*

* *

Bước vào kỳ nghỉ hè, tôi háo hức về quê để được sống trọn vẹn trong tình thương yêu của các ngoại và má Sáu. Chiều nay, mặt sông căng nước. Gió. Thấp thoáng những giề lục bình co cụm lại, chắc chúng đang cần hơi ấm từ “bạn bè” để cuộc hành trình trôi đêm bớt lẻ loi, cô độc.

Xa xa, khói bếp vẽ lên bầu trời những vệt ngoằn ngoèo, trắng đục khiến dân thương hồ nhớ nhà, nhớ người thân đến nước mắt chực trào.

Nhưng tôi thì không. Nơi đây là nhà, là quê hương nên lòng thấy yêu vô cùng cái chợ nổi và cuộc sống thương hồ. Tôi yêu từ tiếng gọi nhau í ới lúc chợ đông cho đến những hàng gừa, hàng dừa nước và những rặng bần đen sẫm lại theo bóng chiều.

Chợt bà ngoại Bảy kêu lớn:

- Mấy dì, mấy chị ơi! Chiều nay dọn cơm qua ghe của ông già Hai ăn chung cho vui nhà, vui cửa. Í quên, tụi mình có nhà đâu? Vậy thì ăn chung cho vui tàu, vui ghe- bà ngó ông ngoại Hai- Còn ông nữa, bữa nay có tụi tui qua ăn cơm, nghỉ nhậu một bữa nghe, cha nội! Nhậu gì mà chiều nào cũng nhậu, nhậu riết rồi tim gan phèo phổi banh chành hết trơn luôn chớ đừng có giỡn!

Ngoại Hai cười:

- Ừ, mấy bà cứ dọn qua đây, có chi dùng nấy, cho vui. Mà, còn bà Bảy Nha Mân này nữa, chiều chiều tui nhậu có vài ly cho ấm bụng mà tối ngày bà cứ nhằn tới nhằn lui hoài. Nói thiệt, nhiều khi tui thấy bà giống y chang như… như… vợ… Í, xin lỗi, tui lẹo lưỡi, bà giống y chang như… em gái ruột của tui vậy á!

Ngoại Bảy nguýt nửa con mắt:

- Già mà... mà hổng nên nết, nói năng bậy bạ hổng sợ chị em, con cháu cười cho thúi mặt. Thôi, hổng nói chuyện với ông nữa, vần lân kiểu như ông, tui thấy mệt quá xá đi! Hoài ơi, chiều nấu cơm chưa con? Qua đây! Qua đây ăn luôn nè, nhớ đem hai cái chén, bới chén cơm nóng, kêu má con về ăn cơm cho ấm cúng.

Khi tôi và mọi người vừa bước qua mui ghe thì ngoại Bảy để chén cơm xuống, ngó ông ngoại Hai:

- Đó! Đó! Mấy bà coi, đã dặn rồi mà ổng cũng ráng lấy ra hũ rượu nhàu hay chuối hột gì đó. Ta nói cái tật khó bỏ quá trời đi! Bữa nay có con Hoài, là dân có học thức, trình độ, con nói cho ổng biết, nhậu là có lợi hay có hại.

Bà ngoại Ba cười:

- Thôi kệ ổng đi chị Bảy ơi! Nhậu cho đỡ buồn mà!

Nghe ngoại Ba nói đỡ, ngoại Hai uống thêm ly rượu:

- Ừ thì tui buồn vì cả tuần nay cha già Tám dong ghe về quê lo đám cưới thằng cháu nội. Trước khi đi, ổng nói sợ về chuyến này tụi con cháu bắt ép ở nhà luôn. Mà, nếu bắt phải sống xa sông nước, xa chợ nổi chắc ổng cũng như tụi mình, buồn thấu trời chịu sao nổi.

Mà thôi, trong số bà con mình ở đây chỉ có ông già Tám là còn người thân, còn có được ngôi nhà. Nay thấy con cháu thương ổng như vậy, mình phải thấy mừng, thấy vui cho ổng.

Không gian chùng xuống. Các ngoại của tôi là vậy, khi vui thì đùa giỡn, ghẹo nhau như thể tuổi mười lăm, mười bảy, nhưng thật ra họ rất quan tâm và lo lắng cho nhau.

Tự dưng như có hạt bụi nào chui vào, day day nơi khóe mắt. Tôi, dù tuổi đời còn trẻ nhưng đã hiểu được cái “buồn thấu trời” khi phải xa sông nước và cái chợ nổi thân yêu này, thì các ngoại của tôi, những người đã dành gần trọn cuộc đời trên sông chắc sẽ cảm nhận sự cô đơn, trống trải đến lạnh người khi bắt phải xa cái nơi như là máu thịt.

Bữa cơm chiều vừa xong, tôi đang lui cui dọn dẹp thì ông ngoại Hai nói với má Sáu:

- Tối nay mấy bác giao cho con điều tra... cái vụ đó, nhớ chưa, Sáu?

Má Sáu khẽ liếc nhìn tôi rồi gật nhẹ. Tôi nhạc nhiên. Điều tra? Hổng lẽ là chuyện của tôi? Tự dưng tôi nghe hồi hộp.

Tối đến, tôi bị má Sáu điều tra thật. Thì ra mọi người nghi ngờ tôi có người yêu, là một người bạn học trong nhóm bạn tuần trước về “nhà sông nước” chơi.

Đêm đó, trên mui ghe lộng gió, má Sáu tâm sự với tôi rất nhiều về các ngoại. Mỗi người mỗi cảnh, trong đó có những tâm sự buồn trong đời, mà theo má Sáu là tôi đã trưởng thành, đến lúc cần phải biết sự thật.

Hơn hai mươi năm trước, ở chợ nổi Cái Bè, Hạnh và Thương là đôi bạn thân, có cùng hoàn cảnh là cha mẹ đều mất sớm. Hạnh lấy chồng, không sinh được con, ông chồng bỏ lên bờ đi biền biệt theo người đàn bà khác.

Còn Thương- cô bạn gái lỡ thời-bị lời đường mật của một người đàn ông sống trên bờ dụ dỗ đến mềm lòng. Khi hay tin Thương có thai, ông ta bắt phải phá bỏ.

Thương không chịu, nhất quyết giữ lại sinh linh bé nhỏ. Hắn đâm nổi giận, quất ngựa truy phong bỏ lại người đàn bà với cái thai hoang một mình trong cơn vượt cạn. Sau này mới biết được ông ta chính là gã “Sở Khanh” đã có vợ và con.

Hạnh là má Sáu và Thương chính là mẹ của tôi. Từ nhỏ, mang họ mẹ, tôi biết mình là đứa trẻ không cha nhưng chưa bao giờ hỏi mẹ vì tôi đã nhận được rất nhiều tình thương từ những “người thân”.

Tôi thường tạo cho mình một vỏ bọc mạnh mẽ, nhưng thật ra trong lòng tôi cũng sợ lắm sự cô đơn, lẻ loi. 

Tôi bỗng nhớ đến mẹ, gương mặt hiền hậu, buồn buồn, lặng lẽ ngồi trong những buổi chợ trưa vắng khách hay những đêm gió đập vào ô cửa sổ rồi luồn vào trong mui ghe, thổi thốc từng cơn. Cho nên những lúc xa nhà, chỉ cần nghe tiếng gió thổi là tôi muốn bật khóc và khao khát được quay về.

- Con gái lớn rồi cũng phải lấy chồng, theo chồng. Nhưng má và các ngoại của con lo là không biết con có chọn được cho mình người đàn ông tử tế, biết cảm thông, không chê dân sống trên ghe... Thôi, trời khuya lắm rồi, má con mình vô ngủ, mai còn dậy sớm để kịp đón ghe vườn mua hàng bông.

- Dạ, má ngủ trước đi! Con còn nhỏ, học hành chưa xong thì yêu đương gì má! Tụi con chỉ là bạn bè thôi hà.

Tôi ngả lưng trên võng, nhìn ánh trăng bị một nhúm mây đen che khuất khiến mặt sông đen sẫm lại. Mây tan, trăng lồng lộng, tôi nhìn rõ từng xóm “nhà nổi” đang bồng bềnh, lắc nhẹ trong những con sóng nhẹ. Một cảm giác bình yên đến lạ.

Nguyễn Linh

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh