Bắt đầu từ 7 giờ sáng ngày 25/8, từ các xã trong quận Tam Bình và Trà Ôn, toàn bộ lực lượng Thanh niên Cứu quốc và hàng ngàn quần chúng cách mạng đều được vũ trang bằng súng lửa, kiếm, dao găm... đổ về bao vây dinh quận, hô vang các khẩu hiệu: "Việt Minh độc lập muôn năm", "Đả đảo Pháp- Nhật"…
Khởi nghĩa khắp nơi trong tỉnh, các quận, thị trấn đồng loạt nổ ra.
Bắt đầu từ 7 giờ sáng ngày 25/8, từ các xã trong quận Tam Bình và Trà Ôn, toàn bộ lực lượng Thanh niên Cứu quốc và hàng ngàn quần chúng cách mạng đều được vũ trang bằng súng lửa, kiếm, dao găm... đổ về bao vây dinh quận, hô vang các khẩu hiệu: “Việt Minh độc lập muôn năm”, “Đả đảo Pháp- Nhật”…
Tại quận Tam Bình, tên quận trưởng Tài cùng thuộc hạ không dám chống cự và trước áp lực của cuộc khởi nghĩa đã buộc phải bàn giao chính quyền cho Ủy ban Khởi nghĩa.
Cuộc khởi nghĩa ở quận lỵ Tam Bình kết thúc thắng lợi lúc 12 giờ trưa ngày 25/8. Sau đó, lực lượng khởi nghĩa tỏa về giúp các làng trong quận và chi viện cho quận Trà Ôn.
Ở quận Vũng Liêm, khởi nghĩa đồng loạt nổ ra ở quận lỵ và các xã từ rạng sáng 26/8. Lực lượng khởi nghĩa trang bị súng lửa, tầm vông, giáo mác, gậy gộc xông vào các trụ sở của địch, lục soát và đốt hầu hết hồ sơ, tài liệu ở dinh quận và các trụ sở làng.
Đoàn người hô vang các khẩu hiệu: “Đả đảo đế quốc Pháp- Nhật”, “Tân chính phủ trả chính quyền cho Việt Minh”… Đến chiều 26/8, toàn bộ tổ chức chính quyền các cấp của địch ở quận Vũng Liêm đều bị tan rã.
Ngày 27/8, ở quận Chợ Lách và quận Trà Ôn, lực lượng khởi nghĩa được trang bị súng lửa, gươm, giáo, dao, gậy gộc… đã biểu tình hô các khẩu hiệu: “Mặt trận Việt Minh muôn năm”, “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm”, Tân chính phủ Việt Nam phải giao chính quyền lại cho Việt Minh một cách ôn hòa”… Khởi nghĩa ở quận Chợ Lách kết thúc thắng lợi trong ngày 27/8.
Khởi nghĩa ở quận lỵ Trà Ôn sau 2 ngày giằng co và kết thúc thắng lợi lúc 9 giờ sáng 27/8, tên Tư Khen quận trưởng Trà Ôn đầu hàng và bàn giao chính quyền cho lực lượng khởi nghĩa cùng toàn bộ hồ sơ, tài liệu và 16 khẩu súng các loại. Cùng ngày 27/8, tên quan Tư Nhật ở Vĩnh Long buộc phải nộp vũ khí cho cách mạng.
Như vậy, đến ngày 27/8/1945, tại Vĩnh Long chính quyền Nhật ở cấp tỉnh, cấp quận và hầu hết các làng đã sụp đổ.
Sáng ngày 28/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Vĩnh Long tổ chức mít tinh trọng thể ở trung tâm tỉnh lỵ. Hàng chục ngàn người đã có mặt trong cuộc mít tinh này.
Ủy ban Khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ hoàn toàn chính quyền cũ, thành lập chính quyền mới, chính quyền của nhân dân trên phạm vi toàn tỉnh.
Chính quyền cách mạng tỉnh Vĩnh Long(1) đã chính thức ra mắt tại cuộc mít tinh trọng thể này và kêu gọi toàn dân đoàn kết cùng chính quyền cách mạng xây dựng cuộc sống mới.
Như vậy, Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 trên phạm vi cả nước và ở Vĩnh Long nói riêng được tiến hành khi những điều kiện khách quan và chủ quan cho một cuộc cách mạng đã thực sự chín muồi.
Cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám đã kế thừa những kinh nghiệm quý báu từ cao trào cách mạng 1930- 1931, phong trào vận động dân chủ 1936- 1939 và đặc biệt là cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940.
Cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám là sự nổi dậy đồng loạt, mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, tiến hành đấu tranh chính trị có sự phối hợp của các hoạt động vũ trang.
Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân ở Vĩnh Long đã góp phần vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Chỉ trong vòng 15 ngày Cách mạng Tháng Tám đã giành được chính quyền về tay nhân dân trong toàn quốc. Hệ thống tổ chức bộ máy chính quyền dân chủ nhân dân được thành lập.
(Theo Lịch sử tỉnh Vĩnh Long 1732- 2000)
(1) Đồng chí Nguyễn Văn Phát làm Chủ tịch, bác sĩ Trương Ngọc Quế làm Phó chủ tịch, đồng chí Phan Văn Sử làm Tổng thư ký.
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin