Vị đời có cay, có đắng, có ngọt

06:08, 26/08/2019

Món ăn phong phú bao nhiêu thì cũng chỉ với năm vị chua, cay, mặn, ngọt, đắng mà thôi. Làm sao phải cân bằng các vị này trong món ăn hàng ngày, để có một cơ thể khỏe mạnh là không hề dễ. 

Món ăn phong phú bao nhiêu thì cũng chỉ với năm vị chua, cay, mặn, ngọt, đắng mà thôi. Làm sao phải cân bằng các vị này trong món ăn hàng ngày, để có một cơ thể khỏe mạnh là không hề dễ. 

Người ta nghiên cứu ra luật “tương sinh, tương khắc” để đảm bảo các cơ quan của cơ thể hoạt động tốt. Chẳng như vị đắng đi vào tim, nhưng đắng quá sẽ hại phổi. Mặn đi vào thận nhưng mặn quá sẽ ảnh hưởng đến tim...

Tương tự cuộc đời ta cũng thế. Sao cân bằng các vị để cuộc đời đúng nghĩa của nó. Cuộc đời của mỗi người chỉ với ba vị, đó là vị cay, vị đắng và vị ngọt. Cay thường đi với đau, đắng thì đi với khổ, còn ngọt sánh đôi cùng hạnh phúc.

Nhưng không ít người lại “cười ra nước mắt”, hay vị đắng xen lẫn ngọt ngào. Cuộc đời đa cảnh diễn ra mà người ta chỉ biết gọi tên “trớ trêu”. Có người nhận định rằng cuộc đời ngọt ngào khi có người yêu bên cạnh.

Người lại cho rằng sống trên mảnh đất quê hương nơi sinh ra thì không còn gì bằng. Vị ngọt của cuộc đời là trải nghiệm cuộc sống xung quanh, trải lòng với những yêu thương chân thực trong cuộc sống hàng ngày.

Cay đắng nếm trải qua từng con sóng thời gian của cuộc đời, đó là lúc vấp ngã không ai nâng. Bởi nắng, bởi gió, bởi mưa làm tình người phai nhạt, mà tình người phai nhạt là vị đắng chát nhất được nếm trong đời. Nhưng cuộc đời nếm qua vị đắng ta lớn khôn thêm. Và đôi khi vị đắng để lại bao dư vị ngọt ngào.

Mà có bao giờ cuộc đời của mỗi người chỉ nếm một vị đâu. Phải có đắng, có cay, có ngọt. Chẳng như ông giám đốc xây dựng ngồi nhớ chuyện ngọt thanh của cuộc sống bên mẹ khi ông còn là một anh nhà quê… Nhà quê vì nhà ở nơi đồng ruộng. Với cuộc sống thanh nhàn, thắm tình xóm làng.

Đi đâu về đói rã ruột lấy tô chạy qua nhà hàng xóm xin tô cơm, vài con tép, con cá kho là chuyện rất ư bình thường.

Thích ghê, thích vì không phải tốn gạo mà thích ở đây là thích cái tình thân, cái lòng rộng. Nhưng vị ngọt ngào ấy không trọn vẹn vì xen lẫn sự túng nghèo.

Để giờ khi xa cánh đồng ruộng anh lại thấy trân quý cuộc sống thanh bình. Khi sống nơi quê nhà thì lại nghèo túng, khi giàu có nơi đất khách lại thèm được sống nơi gắn với thời thơ. Người ta gọi đó là “trớ trêu”.

Không chỉ riêng anh mà không ít người hay nhắc nhớ về nơi ấy với câu đầu tiên y như rằng “quê tôi ngày ấy là một làng quê nghèo”.

Nên không ít người đang sống ở thành ở thị nghe về quê, về miệt vườn là thích ơi là thích. Anh du lịch nhà vườn bắt mạch trúng ngay nên tạo không gian yên ả ngay tại làng quê mình với phong cảnh vườn dừa, với những túp lều được xây cất lợp mái lá. Bên hiên nhà treo chiếc lọp, cái vó, rổ tre…

Những thứ nhỏ xíu ấy vậy mà có sức mạnh vô cùng vì nó nhắc nhớ cả giai đoạn của một người đã từng trải qua.

Đơn cử chỉ với chiếc rổ tre thôi mà làm sống lại những ngày nơi góc bếp. Nơi góc bếp với những món đồ treo lủng lẳng như chiếc lồng bàn, rổ xúc, rế, rá, nia, sàng, sề, với ống tre đựng đầy đũa tre và chiếc đũa bếp…

Mọi thứ đều được làm bằng tre. Thèm vị ngọt dân dã với không gian Nam Bộ xưa để nhắc nhớ một thời sống bên lũy tre làng.

MAI KHA

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh