Giờ đơn giản với chiếc điện thoại di động là đã chụp và lưu những tấm ảnh để lâu lâu đem ra ngắm nghía. Chụp những tấm ảnh trên cung đường ta đến, với những tấm hình mang hơi thở cuộc sống, làm rung động trái tim người xem.
Giờ đơn giản với chiếc điện thoại di động là đã chụp và lưu những tấm ảnh để lâu lâu đem ra ngắm nghía. Chụp những tấm ảnh trên cung đường ta đến, với những tấm hình mang hơi thở cuộc sống, làm rung động trái tim người xem.
Những hình ảnh chân quê, mộc mạc đời thường tự nhiên không chút gượng gạo và khô cứng. Hay những tấm hình lưu giữ khoảnh khắc đáng nhớ của đời người.
Hình ảnh gợi nhớ cảnh thanh bình trên cánh đồng lúa nước, với thời “trâu ơi ta bảo trâu này…” |
Chẳng như anh bạn đồng nghiệp lục lọi tìm mớ hồ sơ lưu trong máy, bắt gặp những tấm hình cách đây mười, mười một năm. Anh liền chia sẻ cho những người có mặt trong bức ảnh và cùng kể lại những khoảnh khắc đã qua trong tiếng cười.
Chỉ có tấm hình mà nhắc nhớ cả một chuyến hành trình, cứ thế kỷ niệm cứ ùa về mà cứ ngỡ theo thời gian nó đã nằm im trong ngăn trong ngách não.
Ngày ấy, tôi rất đam mê chụp ảnh. Tôi đam mê vì những bức ảnh có sức mạnh làm sống lại một kỷ niệm của một thời, lưu lại một giai đoạn đã qua, một nếp sống đời thường của vùng đất. Và khi nhìn lại những tấm ảnh bằng tâm tư, đem đến cho tâm hồn ta sự thổn thức.
Thời ấy máy ảnh đắt hơn vàng, còn điện thoại di động là một thứ gì xa xỉ lắm. Tôi còn nhớ, năm đó tôi học lớp mười hai, trường tôi có dạy nghề cho học sinh.
Tôi đăng ký học nhiếp ảnh. Ôi! Lần đầu tiên được cầm chiếc máy ảnh với cảm giác thật khó tả. Thích gì đâu nhưng xen lẫn sự hồi hộp- run- sợ.
Vì chiếc máy lần đầu tiên tôi được chạm đến, chạm được với ước mơ dù chỉ trong giây phút. Run và sợ vì lỡ có “chuyện không may” chẳng biết sao đền chiếc máy ảnh cho thầy.
Thầy cũng hồi hộp không kém trò, nếu lỡ một trong số học trò của thầy lỡ tay thì cũng xong luôn. Thầy cẩn thận và tìm một góc đẹp trong sân trường rồi thầy chỉnh sẵn cự ly, tốc độ, chúng tôi chỉ cần nhắm và chụp mà thôi. Chúng tôi cũng hiểu “nỗi khổ tâm” của thầy.
Dòng máy phim cổ ngày ấy rất khó tính, phải cẩn thận trong việc lấy nét, đo sáng bằng mắt, sau khi chụp cũng không thể xem lại ngay mà phải đem phim đi rửa (tráng- nếu tráng rửa có chút sai sót sẽ mất cả cuộn phim).
Rồi sự đam mê ấy cũng lặng chìm theo năm tháng. Nhưng những tấm ảnh được tôi cất giữ cẩn thận. Giờ tôi còn lưu giữ rất nhiều tấm ảnh trắng đen một thời đã xa.
Theo năm tháng những mái tóc xanh dần chuyển màu thì những tấm ảnh máy cơ trắng đen cũng lem ố theo thời gian. Rồi scan những tấm ảnh ấy và lưu lại vào trong chiếc máy tính. Lâu lâu tâm hồn thảnh thơi ta dạo quanh kỷ niệm, khơi gợi lại ký ức qua tấm ảnh.
Xem những tấm ảnh ngày ấy cho ta nhiều cảm xúc có tấm hình mang đến niềm vui, nhưng cũng có những tấm mang đến sự tiếc nuối.
Tôi đã lưu giữ những kỷ vật ấy vào trong chiếc máy tính tưởng sẽ lưu giữ mãi nhưng cũng chẳng an toàn vì một ngày chiếc máy tính bị những con “vi rút” rồi “mòn mỏi” không thể lấy lại sức chạy và mang theo bao kỷ niệm. Buồn ơi!
Nói đến tấm ảnh, chợt tôi nhớ đến bài hát “Tấm ảnh không hồn” của nhạc sĩ Hoài An: “Vài lần muốn hủy tấm hình mà có được đâu/ Vì tình người khắc đậm sâu/ Quên thật khó người yêu lúc đầu”.
Những gì tưởng quên đi theo thời gian nhưng khi bắt gặp tấm hình thì bao ký ức cứ ùa về. Có người đã từng khuyên không nên giữ hình người yêu cũ khi đã có người yêu mới, đừng giữ hình vợ cũ khi có vợ mới và đừng giữ hình mang những chuyện buồn đau, mất mát.
Những tấm hình ấy không mang đến cho ta niềm vui, sự thoải mái và hạnh phúc. Chúng chỉ mang đến phiền toái và đau buồn. Hãy giữ những kỷ niệm đẹp thôi!
Bài, ảnh: MAI KHA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin