Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh (2/9) mãi mãi là dấu son lịch sử diệu kỳ và chói lọi trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh (2/9) mãi mãi là dấu son lịch sử diệu kỳ và chói lọi trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Từ một đất nước không có tên trên bản đồ thế giới, chịu xiềng xích thực dân suốt hơn 80 năm, Việt Nam đã có thể ngẩng cao đầu từ mùa thu cách mạng 1945 bất diệt.
Từ đó, một suối nguồn thi ca chảy mãi, dạt dào cho đến tận hôm nay. Không biết bao nhiêu trường ca, thơ ngắn ra đời ngợi ca buổi bình minh dựng xây đất nước đẹp tươi và lộng lẫy ấy.
Đúng như nhà thơ Xuân Diệu đã viết: “Có một suối thơ chảy từ gần gũi/ Ra xa xôi và lại đến gần quanh/ Một suối thơ lá ngọt với hoa lành/ Nói trong xóm và giỡn cười dưới phố”.
Bài thơ “Mừng ngày Quốc khánh” của tác giả Đinh Quang Huy cũng nằm trong mạch nguồn chung ấy, chân thành và tràn đầy cảm xúc bằng trái tim của một công dân đón ngọn gió lành từ mùa thu lịch sử mang về.
Bài thơ gồm có 16 câu, chia thành 4 đoạn, được viết bằng thể thơ lục bát nhưng chắc khỏe và tràn đầy cảm hứng ngợi ca. Chính âm hưởng sử thi hào hùng của cuộc cách mạng làm biến chuyển thời đại, cuộc sống của toàn dân tộc. Vì vậy, ngay từ đầu giọng điệu hào sảng đã vang lên như một khúc tráng ca mừng ngày Quốc khánh:
Cách mạng Tháng Tám mùa thu
Phá tan xiềng xích ngục tù thực dân
Việt Nam trải mấy ngàn năm
Sánh vai thế giới ngang tầm năm châu
Một loạt từ ngữ, hình ảnh sống động, rắn rỏi ngân vang như niềm vui chan hòa trong buổi đầu mở ra một thời đại mới: phá tan xiềng xích, trải mấy ngàn năm, sánh vai thế giới…
Người đọc ngỡ ngàng như chính tác giả đang chiêm ngưỡng một hào khí mùa thu ca hát tự do giữa đất trời cao rộng. Hình tượng thơ không mới, nhưng chính chất giọng say người đã làm cho khổ thơ đầu có được một nhịp điệu riêng của không khí mùa thu tháng Tám năm ấy.
Với khổ thơ đầu, công tâm nhận thấy rằng, tác giả chủ yếu tái hiện, kể lại sự diệu kỳ của mùa thu cách mạng làm đổi thay cả dân tộc từ thân phận thấp hèn, nô lệ để “sánh vai thế giới, ngang tầm năm châu”.
Đến khổ thơ thứ hai, cảm xúc ấy đã hiện lên cụ thể qua màu cờ, sắc áo và tiếng ca vui náo nức của đồng bào, đồng chí khắp nơi. Màu cờ đỏ sao vàng lần đầu tung bay tại Quảng trường Ba Đình lịch sử như cũng “tươi màu” hơn, đẹp đẽ và lộng lẫy hơn.
Đó là cái nhìn thoát thai từ hiện thực mà cũng là cái nhìn của tâm cảm, cái nhìn của lòng người phấn khởi sướng vui. Các tầng lớp nhân dân, từ chiến sĩ đến người dân bình thường, từ nông dân “áo nâu” ở thôn quê đến công nhân “áo xanh” thành thị đều nhất tề vùng lên giành lại giang sơn cho Tổ quốc.
Chỉ 4 câu thơ mà nhiều hình ảnh với động từ, tính từ, liên từ nối tiếp nhau xuất hiện tràn ngập sắc thái tươi vui: sao vàng, cờ đỏ, nô nức, vùng lên, xen lẫn, cùng với…
Nhờ đó, khổ thơ thứ hai có thể xem là khổ thơ hay nhất nhờ hình tượng thơ tươi sáng, nghệ thuật sắp xếp ngôn ngữ vừa chỉn chu vừa sống động, mới lạ để làm nổi bật niềm vui sướng vô biên của toàn thể nhân dân trong ngày mừng Quốc khánh.
Với niềm vui náo nức của ngày Quốc khánh, nhà thơ như lắng lòng mình hướng về Bác Hồ trong nỗi bâng khuâng hòa cùng hồn nước bốn ngàn năm đang dựng xây cơ đồ rạng rỡ.
Vâng, Bác chính là hồn thiêng sông núi tụ về, mở ra linh khí sáng tươi sau biết bao tháng ngày khổ đau, mất mát. Nhờ đó, cảm xúc tác giả vừa chân thành, tha thiết, vừa khơi gợi ở lòng người đọc niềm tự hào trước vẻ đẹp của non sông và cuộc sống hiển vinh hiện tại mà nhân dân thụ hưởng.
Đó cũng chính là mục tiêu, là lý tưởng độc lập của Bác Hồ lắng trong bản Tuyên ngôn Độc lập từ mùa thu Ba Đình lịch sử:
Xây quê hương, dựng chính quyền
Nhớ lời Bác đọc tuyên ngôn Ba Đình
Nước độc lập, dân hiển vinh
Giữ gìn gấm vóc, tử sinh không sờn
Khổ thơ kết bài là lời nguyện ước đinh ninh, sắt son của tác giả mà cũng là của muôn triệu người dân nước Việt hướng về Bác Hồ yêu kính. “Người là Cha, là Bác, là Anh”.
Chính Người đã đứng ra thành lập Đảng ta trong hoàn cảnh nước mất nhà tan, trăm dân nô lệ. Hình tượng Bác hiện ra trong phần cuối bài thơ như một “gương sáng” thuần hậu mà vĩ đại, soi rọi in hình đất nước Việt Nam vạn thuở vững bền.
Vì vậy, bài thơ khép lại mà bóng dáng Người vẫn lung linh lắng mãi cùng Tổ quốc đẹp tươi, rạng rỡ bội phần:
Lời vàng đá, dạ sắt son
Dù bao năm tháng vẫn còn đinh ninh
Đảng như ánh sáng bình minh
Bác là gương sáng in hình Việt Nam.
Bài thơ “Mừng ngày Quốc khánh” giản dị qua ngôn từ, giọng điệu khỏe khoắn và hào sảng nhưng lại được viết bằng thể thơ dân tộc giàu nhạc tính truyền thống. Ngoài ra, tấm lòng yêu nước, yêu Bác Hồ và luôn dành tình cảm đặc biệt cho ngày Độc lập là vẻ đẹp tư tưởng được tác giả thể hiện sâu lắng trong bài thơ nên dễ lan tỏa vào tâm hồn người đọc.
Thơ viết về chính sử, về đề tài chính trị có được như thi phẩm trên đây của nhà thơ Đinh Quang Huy quả thật đáng quý lắm thay!
LÊ THÀNH VĂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin