Tôn vinh những "báu vật nhân văn sống"

06:07, 28/07/2019

Vĩnh Long vừa có thêm 15 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Qua 2 lần xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú" (năm 2015 và 2018), tỉnh Vĩnh Long đều có số lượng nghệ nhân đứng đầu trong khu vực ĐBSCL. 

Vĩnh Long vừa có thêm 15 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Qua 2 lần xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” (năm 2015 và 2018), tỉnh Vĩnh Long đều có số lượng nghệ nhân đứng đầu trong khu vực ĐBSCL.

Đây là sự công nhận, cũng là điều có ý nghĩa đặc biệt cổ vũ tinh thần, tạo thêm động lực để những nghệ nhân tiếp tục cống hiến, bảo vệ và trao truyền giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Các “Nghệ nhân ưu tú” được vinh danh tiếp thêm động lực để gắn bó với di sản văn hóa, tiếp tục trao truyền cho thế hệ trẻ.
Các “Nghệ nhân ưu tú” được vinh danh tiếp thêm động lực để gắn bó với di sản văn hóa, tiếp tục trao truyền cho thế hệ trẻ.

Vinh danh những “báu vật nhân văn sống”

“Báu vật nhân văn sống” là một danh hiệu cao quý do UNESCO đưa ra và nhiều nước trên thế giới thực hiện để tôn vinh các nghệ nhân dân gian.

Nếu ví di sản là một cơ thể sống thì bản thân di sản mới chỉ là phần phách, còn nghệ nhân mới góp phần làm phần hồn tinh túy của di sản.

Nghệ nhân là những người thầm lặng dành cả cuộc đời sống cùng di sản. Những “báu vật nhân văn sống” đang ngày một già đi theo năm tháng và ít dần về số lượng.

Bảo vệ, tôn vinh nghệ nhân là một trong những nhiệm vụ được chú trọng trong nhiều năm qua thông qua các hoạt động khai thác và bảo hộ nghệ nhân (như đãi ngộ nghệ nhân, tổ chức trình diễn, khai thác truyền nghề, tài trợ tài chính để lưu giữ, truyền dạy di sản...).

Nhiều chính sách tôn vinh nghệ nhân được thực hiện hiệu quả, thiết thực, đặc biệt đối với các nghệ sĩ có tài năng, công lao trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Công nhận danh hiệu cao quý cho các nghệ nhân nắm giữ vốn di sản nhằm tôn vinh công lao những “báu vật nhân văn sống”, đồng thời, đề cao nhận thức về vai trò, vị trí của các nghệ nhân trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản.

Trong số 561 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” đợt này, tỉnh Vĩnh Long có 15 nghệ nhân ưu tú, cụ thể có 14 nghệ nhân thuộc lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian và 1 nghệ nhân thuộc lĩnh vực tri thức dân gian.

Vĩnh Long xếp hạng 11 so với cả nước và vẫn tiếp tục duy trì vị trí đứng đầu ở ĐBSCL về số lượng “Nghệ nhân ưu tú” được công nhận.

Nghệ nhân Tăng Văn Lẫm (Út Lẫm)- Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử- cải lương TX Bình Minh vừa nhận bằng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong đợt xét lần này.

Ông cho biết: “Tôi nghe dĩa hát của ba rồi tập tành đờn hát từ năm 12 tuổi. Qua 54 năm gắn bó với đờn ca tài tử, được vinh danh là niềm tự hào của tôi và tất cả các nghệ nhân. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để duy trì và phát triển loại hình nghệ thuật dân gian này cho thế hệ mai sau”.

Để danh hiệu không chỉ tỏa sáng trong buổi vinh danh

Thế hệ trẻ được các nghệ nhân đào tạo sẽ là người giữ gìn nghệ thuật truyền thống trong tương lai.
Thế hệ trẻ được các nghệ nhân đào tạo sẽ là người giữ gìn nghệ thuật truyền thống trong tương lai.

Hiện nay, toàn tỉnh có 39 nghệ nhân vinh dự được phong tặng và truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trên lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Số lượng nghệ nhân nhiều nhất trong các tỉnh ĐBSCL là điều vô cùng tự hào của Vĩnh Long.

Đây cũng là trách nhiệm lớn và trăn trở của những người công tác ở ngành văn hóa: “Khi các nghệ nhân mang theo một kho báu tinh thần và kinh nghiệm vô giá, phải làm sao truyền dạy lại cho lớp thế hệ hậu sinh, làm thế nào để các danh hiệu không chỉ tỏa sáng trong buổi vinh danh”.

Nghệ nhân ưu tú Vũ Linh Tâm- Phân hội trưởng Phân hội Sân khấu tỉnh Vĩnh Long- cũng đồng tình việc đào tạo cho thế hệ trẻ là điều quan trọng và khiến ông trăn trở nhất hiện nay. Nghệ nhân cho biết: “Hát bộ có lúc trầm lắng hay người sau không thể giỏi hơn người đi trước vì có những “ông thầy giấu nghề”.

Nghệ nhân dân gian lưu truyền những màn trình diễn độc đáo. Trong ảnh: Nghệ nhân ưu tú Hoàng Nghê trình diễn với chiếc phảng.
Nghệ nhân dân gian lưu truyền những màn trình diễn độc đáo. Trong ảnh: Nghệ nhân ưu tú Hoàng Nghê trình diễn với chiếc phảng.

Ý thức trách nhiệm, cũng là ước vọng hiện nay của chúng tôi là làm sao đào tạo được lực lượng kế thừa. Lớp trẻ của Vĩnh Long hiện tại là thế hệ thứ 6 của nghệ thuật hát bộ. Cần lan tỏa được tình yêu đối với hát bộ để thế hệ trước, bây giờ đã 70- 80 tuổi mất đi thì hát bộ cũng không biến mất”.

Phát biểu tại buổi lễ vinh danh các nghệ nhân, ông Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch phụ trách UBND tỉnh Vĩnh Long- cho biết, việc phong tặng danh hiệu cao quý “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể nhằm ghi nhận, biểu dương và tôn vinh công lao đóng góp của các nghệ nhân đã và đang cống hiến tài năng, sức lực cho việc khôi phục, duy trì, sáng tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Tuy nhiên, các di sản văn hóa phi vật thể rất dễ bị mai một, thất truyền và luôn tiềm ẩn nguy cơ biến dạng, lai căng.

Do đó, các cấp, các ngành cần thực hiện các biện pháp hữu hiệu để bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa mà các nghệ nhân đã sáng tạo, nắm giữ, lưu truyền, cũng như phát huy giá trị của bảo vật quốc gia.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cùng các ngành, địa phương, bên cạnh thực hiện công tác bảo tồn hữu hiệu cần gắn kết di sản văn hóa với phát triển du lịch, tạo nên sản phẩm du lịch mới và độc đáo của tỉnh để thu hút du khách; giới thiệu, quảng bá các loại hình nghệ thuật truyền thống thông qua chương trình giao lưu văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi để nhiều người biết đến di sản.

Sở GD- ĐT phối hợp nghiên cứu, gắn hoạt động giáo dục với những di sản văn hóa trên địa bàn, nhằm đưa những giá trị cốt lõi, hồn dân tộc của các di sản văn hóa đến với học sinh.

Ông Lữ Quang Ngời khẳng định: “Hiện nay các nghệ nhân phần lớn tuổi càng cao, sức càng yếu và đang dần mất đi, do đó chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần phù hợp và kịp thời hơn để họ còn có cơ hội trao truyền cho cộng đồng di sản quý giá mà họ đang nắm giữ.

Cần quan tâm chăm lo cho các nghệ nhân- “báu vật nhân văn sống”, những người gìn giữ hồn cốt di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, tạo động lực tiếp thêm tinh thần, nhiệt huyết cho các nghệ nhân gắn bó với di sản văn hóa, tiếp tục đào tạo thế hệ trẻ”.

Năm 2015, Chủ tịch nước đã phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” cho 24 nghệ nhân thuộc lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh Vĩnh Long. Trong đó, có 20 nghệ nhân loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian như: hát bội, đờn ca tài tử; 4 nghệ nhân nắm giữ tri thức dân gian như: nghệ thuật đồ chưng, may trang phục hát bộ... Số lượng nghệ nhân được công nhận đợt này đứng thứ 3 cả nước và đứng đầu khu vực ĐBSCL.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh