Cỏ trong vườn hoa

04:07, 07/07/2019

Lão Tám Minh xóm tôi thường bảo: "Địa danh có linh hồn!" Nghe cũng có lý. Địa danh luôn tồn tại trong tâm trí con người. Nó trở thành tình yêu qua bao thế hệ. Mỗi lần gặp địa danh hiểu sai, ghi sai, lão Tám Minh bức xúc. Có người khi nghe lão dẫn giải, họ còn tỏ ra khó chịu.

 

NGUYỄN HỒNG TÂM

Lão Tám Minh xóm tôi thường bảo: “Địa danh có linh hồn!” Nghe cũng có lý. Địa danh luôn tồn tại trong tâm trí con người. Nó trở thành tình yêu qua bao thế hệ. Mỗi lần gặp địa danh hiểu sai, ghi sai, lão Tám Minh bức xúc. Có người khi nghe lão dẫn giải, họ còn tỏ ra khó chịu.

Lão Tám Minh kể những địa danh ghi sai, hiểu sai ở miệt Cao Lãnh, Cái Bè, Cái Tàu Hạ; rồi cầu Cái Bẩy (từ Cai Bảy), Cái Lân (Cai Lân), Cái Gia (Cái Da),… Một số người dân cảm thấy khó chịu, bức xúc. Song, tất cả đều im lặng. Thói thường: “Cha chung chết, chả ai khóc!” Có người còn bảo: “Đâu phải việc của mình, mần thinh có chết ai đâu?” hay “Ối, xã hội mà! Để xã hội lo!”

Xã hội là ai? Xã hội bắt nguồn từ mỗi cá nhân, nếu ai cũng im lặng, thì động lực để xã hội phát triển sẽ không còn.

Cứ ngỡ chuyện không vui đó, chỉ ở nơi xa, ngờ đâu chuyện này chỗ mình cũng không thiếu! Lão Tám Minh mở đầu câu chuyện bằng một hình ảnh diễn ra gần cổng Bảo tàng Vĩnh Long, chỗ bến phà An Bình đô hội.

Nơi đó, người ta đặt nhiều pa nô thông tin, cổ động. Có chiếc pa nô chữ nghĩa, hình ảnh trang trí khá đẹp. Nổi bật là tấm bản đồ hướng dẫn du lịch 4 xã cù lao thuộc huyện Long Hồ. Bản đồ du lịch chả có gì để nói, nếu việc chú thích chữ nghĩa đúng với thực tại lịch sử của nó.

Song, con kinh cứu khổ, cứu nạn tránh hiểm nguy nơi miễu Ông, dinh Cậu ra đời hàng trăm năm chạm vào 3 xã Đồng Phú, Bình Hòa Phước, Hòa Ninh được người đời nâng niu để dòng kinh được mang cái tên ý nghĩa vô cùng độc đáo. Tàu thuyền tấp nập ngược xuôi đều thích thú với tên “Kinh Mương Lộ” (vừa kinh, vừa mương, vừa lộ).

Vậy mà ai đó quá “cao kiến” đổi tên con kinh được đào đã có bao đời, thành con sông thiên nhiên. Dòng kinh chỉ chạm vào xã Bình Hòa Phước chưa đầy trăm mét thì sao nỡ sửa, đổi kinh thành sông. Lại là sông Bình Hòa Phước! Không đúng bản chất, vì bản chất là kinh đào, không xuyên qua mỗi xã Bình Hòa Phước.

Tám Minh nhíu mày, tặc lưỡi, tỏ ra khó chịu. Như có sự xúc phạm, va đập...!

“Cao kiến” trong tấm pa nô đặt tại bến phà An Bình không chịu dừng lại. Nỗi đắng cay chưa chịu buông tha, nó lẩn vào hồn lão Tám Minh. Đây là cú “sút” mới, bồi nhồi tới tấp vào ông già hết sức tội nghiệp.

Hàng chữ phía trên bản đồ, rõ là nội dung quảng bá, ghi: “Khu du lịch bốn xã cù lao An Bình” làm Tám Minh có cảm giác chới với.

Ai cũng biết, ngày xưa sông Đại Tuần rộng lắm. Một đầu tiếp giáp sông Tiền, đầu kia chạm vào sông Cổ Chiên. Nó tách xã An Bình thành cù lao. Độc nhất, chỉ riêng mỗi xã. Ngày nay trong dân gian, trong người dân xã An Bình, cả văn bản nhà nước đang lưu hành đều ghi, gọi là cù lao An Bình. Ghi, gọi bốn xã cù lao An Bình là vô nghĩa, chả khách quan chút nào.

Về lĩnh vực địa danh, nhiều nơi không cần gắn bảng tên, người ta vẫn biết địa danh đó. Biết ngay tên đó ở chỗ nào. Song, người xứ xa, nơi khác thì không thể biết. Hơn nữa vật gì cũng phải có tên để gọi.

Như cầu Bà Vú, cầu Cồn Tròn. Gần đây khi văn hóa, du lịch phát triển, nhiều địa danh được gắn bảng tên. Người quan tâm văn hóa, xã hội cảm thấy thích thú, khi bất chợt nhìn thấy tấm biển tên cầu Bà Vú ở xã An Bình, bảng tên cầu Rạch Vinh xã Bình Hòa Phước mới vừa được gắn chưa khô nước sơn.

Tấm biển ở cầu Bà Vú thì… thích thú một cách trọn vẹn. Bởi có hai ý đều thỏa mãn. Ý đầu: “cây cầu giờ đây có được tấm biển ghi tên”. Ý tiếp theo: “chữ “Vú” rất đúng đặc điểm, chức năng của bà “nuôi vú” trẻ con.

Tấm biển có chữ “cầu Rạch Vinh” ở xã Bình Hòa Phước thì thích thú chưa trọn vẹn. Đây là cây cầu nối hương lộ từ bến phà Đình Khao đến xã Đồng Phú. Cầu này từ hồi nào đến giờ chưa có bảng tên. Giờ, có bảng tên ai không thích thú?! Song, thích thú chỉ mới một nửa. Còn lại một nửa không thích vì nó lẫn vào chữ “Vinh”.

Người dân đều rõ địa danh bao giờ cũng toát lên từ đặc điểm. Cây cầu bắc qua con rạch có ngôi miễu người ta gọi là cầu Rạch Miễu. Tại đây, có ngôi miễu lớn. Người ta không gọi miễu mà gọi là dinh (dinh Cậu, miễu Ông...).

Đồng thời, cách vàm rạch này chừng một cây số cũng có rạch Miễu tiếp cận rạch Cái Bần, nên ở đây gọi rạch Dinh để phân biệt. Cây cầu vừa có bảng tên “Rạch Vinh” kể trên nên chỉnh sửa lại thành cầu “Rạch Dinh” mới có nghĩa và khách quan, hợp lý hơn.

Tiếp nối rạch Dinh là rạch Bà Trồi, Bà Tròi (trồi đầu lên). Bởi nơi đây, một vùng đất rộng có nhiều mạch nước ngầm phụt bắn lên cao. Dân tình bảo có đấng siêu hình trồi lên mặt đất, nên kính cẩn gọi “Bà”.

*

* *

Tám Minh là nông dân thuần túy nhưng ham hiểu biết, thích tìm tòi học hỏi. Lão đặt vấn đề, phân tích, dẫn chứng, phê phán sắc sảo, tỉ mỉ. Như phần nói về tên cầu, tên sông, địa danh, chữ nghĩa,... ông không ngán ngại.

Riêng lĩnh vực đình miếu, sau ba mươi năm “đổi mới”, nhiều nơi không giữ được đường nét dáng dấp cổ. Bị biến dạng về cấu trúc vốn có từ cội nguồn. Thờ cúng, lễ hội tùy tiện theo cảm tính, sở thích của người trụ trì- nhất là người có điều kiện kinh tế, tài chính, cả người quyền thế. Họ không chịu tìm tòi học hỏi, tham khảo ý kiến khác nhau.

*

* *

Đình Tân Bình thuộc Khóm 1 (Phường 9- TP Vĩnh Long), sát bờ sông Cổ Chiên. Thủy lực tàn phá xói mòn sát hiên đình.

Một lần Tám Minh thăm người bạn gần đình Tân Bình. Nhân tiện lão viếng đình. Ngôi đình hầu như còn nguyên vẹn. Kết cấu khá độc đáo theo dáng mẫu đình Nam Bộ cổ kính toàn gỗ quý. Nghi thờ, cách thờ, nhân vật thờ vẫn giữ lối xưa, không hề thay đổi.

Ông từ có ý muốn khách xem thủy lực tàn phá, đe dọa ngôi đình (lúc chưa làm bờ kè) nên dắt khách vòng qua phía trước. Xem xong, ông đưa khách vào chánh điện nơi thờ thần. Tám Minh vô cùng kinh ngạc nhìn thấy nhóm thợ hồ vừa đóng đinh thép lớn, dài vào hết thảy những cây cột gỗ quý bóng lộn, vừa đắp hồ xi măng từ trên xuống dưới cây cột. Thấy thế Tám Minh hỏi thì ông từ đình giải thích:

- Có ông buôn bán gần bên đình, trúng số lô đặc biệt. Ông cho nhiều tiền, bảo đắp mình rồng quấn khắp các cây cột đình thì dân trong phường làm ăn mới khá nổi!

Ngỡ Tám Minh chưa hiểu, ông từ đình “giảng” thêm: “Từ trước đến giờ con rồng chỉ có đầu!”

Tám Minh định lý giải con linh vật chạm ở đầu kèo, xiên, trính không phải con rồng mà là con “nạ”. Trong cổ tích phương Đông, nạ không có mình.

Song, nghĩ lại, Tám Minh lặng im. Ông ngao ngán chào tạm biệt.

Tạm biệt đình thần Tân Bình, Tám Minh qua phà An Bình về quê. Vừa bước xuống phà, bỗng dưng ông quay trở lại đi thẳng vào Bảo tàng Vĩnh Long. Tám Minh thông báo việc mình thấy ở đình Tân Bình. Nghe trình bày sự việc, cán bộ bảo tàng cắt cử chuyên viên tức khắc cùng Tám Minh trở lại đình Tân Bình.

Thấy Tám Minh cùng vị khách lạ, ông từ tỏ ra không hài lòng. Khi nghe Tám Minh giới thiệu chuyên viên bảo tàng, ông từ cất tiếng dõng dạc: “Đình sắp lở xuống sông, chả thấy ai có kế hoạch giải cứu. Còn việc trang điểm ngôi đình... chúng tôi có tiền, chúng tôi làm. Điển cố, lịch sử văn hóa là gì sẽ tính sau!”

Lời của ông từ đình Tân Bình nhanh chóng biến thành lực đẩy, đưa hai người rời khỏi ngôi đình cổ kính, thân yêu.

*

* *

Tám Minh cảm thấy thấm thía sau việc đình Tân Bình đắp mình rồng vào cột đình có trước hàng trăm năm. Ông xem đó là bài học bổ sung kiến thức, bản lĩnh trong đời sống của mình. Giờ, đến đình Phú Thuận (xã Đồng Phú- Long Hồ). Đầu năm 2019, ngôi đình như trỗi dậy sau bao năm lặng lẽ, lép vế với đình bạn. Bởi đình chưa có gì “mới lạ”...

Đình Phú Thuận có từ 1832. Có sắc phong Tự Đức ngũ niên. Chiến tranh chống Pháp, một ngôi đình đồ sộ dáng đình làng Nam Bộ bị tiêu hủy. Sau đó, dân làng nhiều lần cất lại. Tuy nhiên, quy mô, dáng vẻ không như ban đầu.

Hoàn cảnh kinh tế- xã hội thay đổi. Đội ngũ ban phụng tự đình quá yếu, thiếu, không đủ sức đảm đương việc đình. Việc huy động sức người, sức của vô cùng khó khăn. Đình tuy có vẻ khiêm tốn; song, một vài nơi thờ tự khá khang trang, một vài đường nét mới, được tạo dáng cổ kính.

Cách đây gần năm, ngôi đình như trỗi dậy, được làm thêm vài công trình hoàn toàn mới. Đình làm thêm cổng nữa, giống cổng cũ, thêm hàng rào cùng đường bê tông mới đi vào đình. Hai đường vào sắp cận thềm đình, người ta xây hai miếu lớn, cửa đối diện. Một miếu thờ ghi danh sách liệt sĩ của ấp. Trước bảng danh sách liệt sĩ là ảnh Bác Hồ, lộng trong khuôn kiếng nhỏ. Miếu đối diện, độc nhất chỉ thờ mỗi tấm ảnh rất to, chân dung ngài cai tổng Mạc Thiện Nguyện- điền chủ mang tước huyện hàm.

Danh sách liệt sĩ có đúng quy cách trình bày, có chính xác?! Song, có nhân vật tên Lê Thị Tư (sinh 1932, từ trần… 2016) ghi liền với bảng danh sách liệt sĩ. Thực trạng là vậy!

Dân trong làng nhiều người biết ấy là một thực trạng “không vui”, nghĩ Tám Minh sẽ “xông vào”. Qua nhiều tháng ngày, Tám Minh nhiều lần ngắm xem, rồi im lặng. Có phải “bài học” ở đình Tân Bình làm ông ngao ngán? Không, việc ấy chỉ là thoáng qua.

Tám Minh nghĩ, chiến tranh kéo dài, biến động thời cuộc; sự ấu trĩ của một nhóm người là có thật. Điều đó không thể phủ nhận. Song, nó không xóa nhòa lương tri, trí tuệ được. Ở ta còn có miếu Công Thần, đình Long Thanh, đình Tân Giai, đình Tân Hoa ở xã Tân Hòa luôn thể hiện sự mẫu mực, vẫn còn giữ nguyên gốc. Hy vọng sự lệch lạc nơi đình Phú Thuận sẽ được chấn chỉnh.

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh