Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống và là một môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Nhờ đó mà bảo tồn, phát huy được những nét đẹp văn hóa truyền thống và tạo ra nguồn nhân lực để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống và là một môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Nhờ đó mà bảo tồn, phát huy được những nét đẹp văn hóa truyền thống và tạo ra nguồn nhân lực để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc muốn tồn tại và phát triển thì mỗi cá nhân phải biết chăm sóc và bảo vệ chính gia đình của mình. Xây dựng gia đình văn hóa chính là góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Thực hiện lời dạy của Bác, ngày 28/6/2000, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 55- CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng ở cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Ngày 4/5/2001, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm đã ký ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg lấy ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các cấp, các ngành, đoàn thể cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc.
Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, cần cù sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được gia đình Việt Nam giữ gìn, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước.
Ngày Gia đình Việt Nam là một sự kiện văn hóa lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của mỗi gia đình Việt Nam, là dịp để các gia đình giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Đây cũng là ngày để mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ cũng như những trẻ có hoàn cảnh bất hạnh không có bố mẹ, các cặp vợ chồng phải hiểu được giá trị mái ấm và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc.
Còn công tác xây dựng gia đình văn hóa được xem là một trong những nội dung trọng tâm trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Nhận thức tầm quan trọng của công tác xây dựng gia đình văn hóa, từ tháng 1/2019 đến nay, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai thực hiện xây dựng “Gia đình văn hóa” theo Nghị định 122/2018/NĐ-CP, ngày 17/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở kế thừa và phát huy Chỉ thị số 01-CT/TU ngày 10/9/1996 của Tỉnh ủy Vĩnh Long về việc tổ chức thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Từ tháng 1/2019 đến nay, BCĐ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp trong tỉnh đã tích cực triển khai vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện xây dựng gia đình văn hóa theo 3 tiêu chuẩn của Nghị định 122/2018/NĐ-CP, ngày 17/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ, gồm: (1) Tiêu chuẩn Chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương; (2) Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng; (3) Tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả.
Các nội dung trọng tâm trong công tác xây dựng gia đình văn hóa luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành và các tổ chức đoàn thể các cấp trong tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức triển khai thực hiện đồng loạt, rộng khắp trên địa bàn tỉnh và đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân.
Phong trào đã khai thác và phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống, đạo lý dân tộc, tạo thành động lực thu hút các gia đình thuộc nhiều thành phần đăng ký tham gia.
Thông qua việc thực hiện các nội dung, tiêu chuẩn xây dựng hộ gia đình văn hóa, đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiêu biểu trong xây dựng gia đình no ấm, hòa thuận, chung thủy, bình đẳng, tiến bộ; có nếp sống lành mạnh; nuôi dạy con trưởng thành và thành đạt; đoàn kết, giúp đỡ xóm giềng; gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương.
Nhiều gia đình được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, đoàn thể và cộng đồng dân cư đã vươn lên vượt khó thoát nghèo, từng bước ổn định đời sống, tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội ở địa phương, tham gia công tác từ thiện nhân đạo; gia đình cán bộ công chức, viên chức gương mẫu, tích cực hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện và không ngừng nâng lên, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững ổn định, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, hệ thống chính trị ngày càng được củng cố vững chắc.
Kết quả đến nay toàn tỉnh, có 251.511 hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa, đạt 95,1%; 815/847 ấp- khóm- khu đạt chuẩn văn hóa, đạt 96,2%. 56/94 xã đạt danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, đạt 59,6%; 7/15 phường- thị trấn đạt danh hiệu “Phường- thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”, đạt 46,6%.
Công tác xây dựng gia đình văn hóa đã góp phần xây dựng con người Việt Nam có tinh thần yêu nước nồng nàn; hăng say học tập, lao động sáng tạo; sống có đạo đức, trọng nghĩa tình, thương yêu, tôn trọng, dám hy sinh vì mọi người và có tinh thần đoàn kết, ý thức với cộng đồng.
Chất lượng xây dựng hộ gia đình văn hóa ngày càng cao đã góp phần quan trọng vào kết quả xây dựng các ấp- khóm- khu đạt chuẩn văn hóa; xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường- thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.
XUÂN GIANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin