Ở mỗi quốc gia, Tết Đoan Ngọ lại mang nét riêng, cùng với cách thức tổ chức khác nhau liên quan đến những truyền thuyết và niềm tin tín ngưỡng.
Ở mỗi quốc gia, Tết Đoan Ngọ lại mang nét riêng, cùng với cách thức tổ chức khác nhau liên quan đến những truyền thuyết và niềm tin tín ngưỡng.
Hàng năm cứ đến ngày này, nhà nhà lại sắm lễ với các loại hoa quả phong phú như vải, mận cùng những món ăn dân dã như bánh gio, rượu nếp... thơm nồng dâng cúng tổ tiên. Ngày Tết Đoan Ngọ là một dịp để các thành viên trong gia đình trở về sum họp, gắn kết với nhau.
Ăn Tết Đoan Ngọ là một phong tục lâu đời của người dân Việt Nam và một số nước Á Đông như Trung Quốc, Hàn Quốc… Nhưng ở mỗi quốc gia, Tết Đoan Ngọ lại mang nét riêng, cùng với cách thức tổ chức khác nhau liên quan đến những truyền thuyết và niềm tin tín ngưỡng.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, ở Trung Quốc, Tết Đoan Ngọ gắn với truyền thuyết về Khuất Nguyên, một nhà văn lớn, nhà yêu nước thời nước Sở (340TCN-278TCN). Ông đã tự trầm mình trên sông Mịch La vào ngày mồng 5/5 Âm lịch vì không thể giúp cho Sở Hoài Vương cứu nước vào cuối thời Chiến Quốc.
Vào ngày này, người Trung Quốc thường gói bánh chưng, ăn trứng muối và uống rượu Hùng Hoàng để tiễu trừ tà ma. Những đứa trẻ được quấn chỉ ngũ sắc, mang giày hình hổ…để cầu chúc cho được khỏe mạnh. Ở một số vùng núi cao, người dân thường lên rừng hái lá thuốc. Tại các khu vực sông Tương, Trường Giang…người ta tổ chức đua thuyền rồng rất náo nhiệt.
Ở Hàn Quốc, Tết Đoan Ngọ là để tưởng nhớ một vị tướng tên Gulwon thời vua Hwe, triều đại Cho Sun (TK 13 đến 19), bị địch bắt và tự vẫn để giữ khí tiết trung quân đúng ngày mùng 5/5. Ngày này người dân làm bánh Suritteok và Yaktteok có hình tròn với nguyên liệu cũng từ bột gạo và lá cây ngải cứu. Phụ nữ thường gội đầu bằng thảo mộc, nam giới quấn rễ cây quanh người để trừ tà. Ngày này người ta cũng tham gia các lễ hội đua thuyền, đu quay, đấu vật…
Đã từ lâu, vào ngày Tết Đoan Ngọ, nhiều tục lệ gắn kết với đời sống và quan niệm về sự tuần hoàn của thời tiết trong năm đã trở thành ngày Tết truyền thống của người Việt Nam. Y học phương Đông cho rằng vào ngày này hỏa khí trong cơ thể con người và trời đất đều lên cao - thời điểm thuận lợi để “diệt sâu bọ” (các loại vi khuẩn, giun sán) trong cơ thể con người”. Quan niệm ngày 5/5 âm lịch là ngày “diệt sâu bọ” có lẽ bắt nguồn từ đây.
Người Việt cũng lưu truyền nhiều truyền thuyết khác nhau về Tết Đoan Ngọ. Đầu tháng 5 là kết thúc vụ lúa chiêm, bước vào đầu vụ mùa. Đây là giai đoạn bà con nông dân làm lễ tạ ơn trời đất, tổ tiên và ăn mừng mùa vụ. Thời điểm này sâu bọ phát triển nhiều khiến người dân lo lắng. Và họ đã được một ông lão hướng dẫn lập đàn cúng đơn giản gồm bánh tro, trái cây. Nhân dân làm theo, lập tức sâu bọ được tiêu diệt. Để tưởng nhớ sự việc, dân chúng đặc cho ngày này “Tết diệt sâu bọ” có người gọi là Tết Đoan Ngọ vì giờ cúng thường vào giờ Ngọ.
Đến nay, người Việt vẫn coi trọng ngày Tết này. Cứ đến ngày này, phố phường, làng xóm nhộn nhịp hẳn lên. Nhà nào cũng dậy từ sớm, chuẩn bị vật phẩm cúng tổ tiên như nhiều loại quả dân dã như mận, vải, rồi bánh tro, rượu nếp, thịt vịt, ….Ở một số nơi còn có cả xôi, chè hạt sen, nếp cẩm…là những món ăn không thể thiếu. Dân gian quan niệm rằng đây là thời điểm quả trên cây, lá trên cành bắt đầu đơm hoa kết trái để cúng tổ tiên và mong một mùa bội thu.
Sau lễ cúng là các tục lệ “diệt sâu bọ”. Vào sáng sớm khi vừa thức dậy, mọi thành viên trong gia đình nhắc nhau không để chân chạm đất, bụng còn rỗng thì ăn một ít rượu nếp cùng với những loại trái cây có vị chua, chat như vải, đào, mận…để diệt trừ “sâu bọ”, phòng bệnh tật. Vị nồng cay của rượu nếp có tác dụng loại bỏ những loài ký sinh có hại trong cơ thể. Thịt vịt với tính mát, có tác dụng cân bằng phong huyết, âm dương trong cơ thể được lựa chọn làm món chính trong ngày này. Thịt vịt theo đông y còn có tác dụng bồi bổ cơ thế sau ốm, chữa co giật, hạ nhiệt, giảm mụn nhọt. Theo quan niệm của ông bà xưa, sau khi các loài sâu bọ trong cơ thể bị cơm rượu nếp “chuốc say”, tiếp tục ăn các loại trái cây có vị chua, chát sẽ khiến chúng chết nhanh hơn. Còn bánh tro hay gọi là bánh ú tro, bánh gio, bánh âm, bánh nẳng... vị nhạt, tính mát, thường ăn với đường hoặc mật, có tác dụng tiêu tan bệnh tật, giải nhiệt cơ thể trong tiết trời oi bức.
Người Việt cũng quan niệm rằng 12h00 trưa ngày 5/5 (giờ Ngọ) là thời điểm mặt trời tỏa ánh nắng tốt nhất trong năm, là lúc dương khí mạnh nhất, thực vật có được tinh túy của đất trời, có công dụng chữa được nhiều thứ bệnh. Vì thế mọi người rủ nhau đi hái lá thuốc như ngải cứu, đinh lăng, tía tô, kinh giới... đem về phơi khô để dành dùng dần quanh năm.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ nhấn mạnh: “Trong một xã hội phát triển như ngày nay có thể nhiều gia đình cho rằng, để giết sâu bọ hay dịch bệnh phải bằng những cách khác mới hiệu quả. Nhưng theo tôi, ý nghĩa lớn nhất của ngày Tết Đoan Ngọ của người Việt là gìn giữ những phong tục văn hóa hướng về tổ tiên, gia đình, giáo dục lòng biết ơn, thể hiện lối sống trọng tình cảm của người Việt Nam đồng thời lưu truyền ý thức tìm hiểu về cây thuốc, phòng và chữa bệnh. Chính vì thế Tết Đoan Ngọ còn mang ý nghĩa của ngày “Y dược toàn dân”.
Cùng với thời gian, nhiều tục lệ trong ngày Tết Đoan Ngọ cũng đã có nhiều thay đổi như tục nhuộm móng tay, móng chân, tục bôi rượu cho trẻ em,…để trừ tà ma không còn phổ biến trong đời sống của nhân dân nữa. Các món ăn như cơm rượu nếp, bánh gio,... bây giờ được bán nhiều ở các chợ kể cả vào ngày thường chứ không còn phải đợi đến ngày Tết Đoan Ngọ. Thế nhưng bưng trên tay bát cơm rượu nếp nồng nàn hương sắc lại thấy yêu thêm nét đẹp văn hóa của quê hương./.
Theo VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin