Đọc thơ gợi nhớ ẩn ức tuổi thơ

05:06, 16/06/2019

Mỗi người đều trải qua khoảng thời gian tuổi ấu thơ, những hình ảnh, sự việc của tuổi thơ đã qua được lưu giữ sâu kín trong trí nhớ. Nỗi nhớ ấy được gợi lên bởi những hình ảnh thân quen, gần gũi của thuở nào.

Mỗi người đều trải qua khoảng thời gian tuổi ấu thơ, những hình ảnh, sự việc của tuổi thơ đã qua được lưu giữ sâu kín trong trí nhớ. Nỗi nhớ ấy được gợi lên bởi những hình ảnh thân quen, gần gũi của thuở nào.

Hình ảnh thanh bình trên dòng sông quê.
Hình ảnh thanh bình trên dòng sông quê.

Chẳng như hôm nay đọc thơ Tế Hanh thấy chính mình trong ấy vậy và được về lại với thời thơ ấu gắn bó với quê: “Tôi, con đường quê nhỏ chạy lang thang/ Kéo nỗi buồn không dạo khắp làng/ Đến cuối thôn kia hơi cỏ vướng/ Hương đồng quyến rũ hát lên vang”. Không ít người thấy chính mình sao giống tuổi ấu thơ của nhà thơ đến vậy.

“Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng/ Cả thân hình nồng thở vị xa xăm/ Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm/ Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ”. 

Đọc những vần thơ của nhà thơ Tế Hanh, rồi tự hỏi sao mà tinh tế đến thế. Nhà thơ với những rung động rất sâu sắc. Dù cảnh trong thơ và cảnh quê tôi khá cách biệt nhưng tôi tìm được sự gần gũi, sự thanh bình trong nhịp sống hàng ngày của người dân “da rám nắng”.

Vùng quê tôi không có biển, ký ức tôi gắn liền với sông hồ. Với hình ảnh chiếc xuồng chèo xuôi ngược trên sông.

Xa xa thấp thoáng chiếc thuyền nhỏ người buông chèo, người quăng chài hay cảnh đang thả cần câu câu cá… Ký ức của tôi là thế. Thích làm sao, với cuộc sống thanh bình trên dòng sông quê.

Chắc chắn rằng, ai cũng thích ngắm nhìn những biểu hiện tươi non để nhựa sống thêm tràn đầy. Ngắm nhìn khuôn mặt em bé ngây thơ với nụ cười hồn nhiên như những chồi non tươi.

Ngắm nhìn ông mặt trời vừa thức giấc lấp ló sau hàng cây với tiếng chim líu lo gọi bạn thưởng thức những quả chuối chín thơm ngọt mà người chưa kịp hái. Ngắm nhìn vẻ đẹp dịu dàng của dòng sông soi bóng những hàng tre. Vẻ đẹp ấy mang đến tặng ta một cảm giác thoải mái, yêu đời.

Chỉ có khác, mỗi người có nỗi nhớ riêng về vẻ đẹp của thiên nhiên. Đứng trước con sông, người nhớ những ngày trẻ trâu, thỏa sức lặn ngụp đùa giỡn.

Thả tấm thân non trôi theo dòng nước trôi bồng bềnh, vô định và đôi mắt ngắm nhìn mây bay. Với cách ấy được chúng tôi gọi là “thả tàu”. Đến một đoạn nào đó, rồi tự bơi ngược dòng tìm về bãi bờ cũ.

Trong cuộc sống không ít người cũng thế, thả thời gian của mình trôi theo cuộc sống bon chen để rồi đôi lúc lại tìm về nơi chốn xưa.

Và nhà thơ Tế Hanh đã từng như thế: “Tôi sẽ lại nơi tôi hằng mơ ước/ Tôi sẽ về sông nước của quê hương/ Tôi sẽ về sông nước của tình thương”. Mỗi con người với một tình yêu dịu dàng, tha thiết với quê hương.

Ngồi bên bờ, đưa tay nhặt hòn đất vứt xuống mặt hồ, mặt hồ xao động. Hòn đất rơi xuống mặt hồ tạo thành những vòng tròn nhỏ rồi lớn dần cứ thế nối tiếp nhau. Nhưng không phải tại hòn đất mà tại bởi chính ta tạo ra sự xao động ấy.

Nay buồn thay, con sông nay khác con sông xưa nhiều quá, nước đã đổi thay màu. Cái đẹp thanh bình không còn dòng nước trong trẻo đầy phù sa như thời ngụp lặn.

Dòng sông nay xấu xí cũng bởi chính ta, vì ta là người xấu xí. Ta không nâng niu vẻ đẹp của thiên nhiên. Ngay bây giờ ta hãy trả sông về với vẻ đẹp ngày xưa, để được đắm mình dưới dòng sông như những ngày thơ dại.

Hãy sống như lời người xưa đã từng khuyên, mùa xuân không lên rừng đốn củi, bắt cá bằng lưới mắt to,… Những hướng dẫn cách ứng xử của con người với tự nhiên. Gìn giữ cái đẹp để cái đẹp phát triển tự nhiên cũng là một cách bảo vệ con người, bảo vệ nhân loại.

Và để được như nhà thơ Tế Hanh bộc lộ cảm xúc bằng giọng thân thương: “Quê hương tôi có con sông xanh biếc/ Nước gương trong soi tóc những hàng tre/ tâm hồn tôi là một buổi trưa hè/ Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng”.

Cảm ơn nhà thơ Tế Hanh đã tặng tôi một vé về lại với tuổi thơ bên dòng sông nên thơ, với cuộc sống bình yên.

Bài, ảnh: MAI KHA

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh