Trong làng thơ trào phúng Việt Nam có tới 5 hoặc 6 tác giả lấy một trong những bộ phận cơ thể của con người làm bút danh: Tú Xương, Tú Mỡ, Tú Nạc, Tú Sườn. Nhà thơ Phạm Văn Huyến thì khác, ông lấy bút danh là Thợ Rèn. Nghe bút danh Thợ Rèn có vẻ nặng trĩu, đao to, búa lớn, cứng rắn sắt thép lắm.
Trong làng thơ trào phúng Việt Nam có tới 5 hoặc 6 tác giả lấy một trong những bộ phận cơ thể của con người làm bút danh: Tú Xương, Tú Mỡ, Tú Nạc, Tú Sườn. Nhà thơ Phạm Văn Huyến thì khác, ông lấy bút danh là Thợ Rèn. Nghe bút danh Thợ Rèn có vẻ nặng trĩu, đao to, búa lớn, cứng rắn sắt thép lắm.
Và phỏng đoán người mang bút danh này phải cao to, lực lưỡng. Bởi không lực lưỡng thì làm sao mà làm được anh thợ rèn, quai chiếc búa nặng được. Nhưng ngược lại nhà thơ Thợ Rèn lại mảnh mai, đầu tóc lúc nào cũng rẽ ngôi mượt mà, một con người hiền khô, lịch lãm. Ông sinh ra chỉ cầm cán bút (thay cán búa) “quai” chữ nghĩa thơ văn, rèn người, rèn mình, mà tác dụng của nó lại hơn búa tạ, búa tấn, sức công phá của nó lan tỏa ra cả nước.
Nhà báo, nhà thơ Phạm Văn Huyến sinh ngày 1/5/1923 tại xã Minh Quang (huyện Vũ Thư- Thái Bình) là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 1957.
Ông tham gia hoạt động cách mạng ở quê từ năm 1944, sau cách mạng tháng Tám 1945, ông gia nhập quân đội, làm ở Báo Cứu quốc Liên khu 3 và lấy bút danh Phạm Lê Văn. Năm 1955, ông được điều về công tác ở Báo Nhân dân.
Tại đây, ông cùng với nhà văn Như Phong sáng lập ra chuyên mục “Chuyện lớn, chuyện nhỏ”. Mục “Chuyện lớn, chuyện nhỏ” đăng những bài thơ phê phán đả kích, những hiện tượng tiêu cực trong xã hội: như tham ô, lãng phí, mê tín dị đoan, quan liêu cửa quyền.
Ông được Tổng Biên tập Hoàng Tùng phân công vừa phụ trách chuyên mục, vừa viết bài. Khoảng 5 năm đầu, chuyên mục này chỉ dành cho Thợ Rèn viết và ông đã in khoảng 3.000 bài thơ châm biếm trên Báo Nhân dân.
Từ năm 1955- 1975, Thợ Rèn còn kiêm một chuyên mục nữa là “Mũi tên nhọn” đả phá Mỹ Ngụy âm mưu phá hoại đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, loại bài văn xuôi ngắn này ông chỉ viết vài chục câu, ký bút danh Dương Cung.
Lúc Bác Hồ còn sống, Bác rất quý 2 nhà thơ trào phúng: Tú Mỡ và Thợ Rèn. Một lần Bác đọc bài thơ “Lột da đầu” in trong mục “Chuyện lớn, chuyện nhỏ” của Báo Nhân dân. Nội dung bài thơ nêu trường hợp ở nhà máy dệt Nam Định, có một cô công nhân trẻ trong lúc vận hành máy, làm tróc hết da đầu. Bác gọi điện cho nhà thơ Thợ Rèn liên hệ với nhà máy để báo cho Bác rõ.
Bác chỉ thị cho Bộ Văn hóa gọi người bị nạn đến Khu văn công Mai Dịch làm tóc giả cho nạn nhân (ngày ấy ở khu văn công này có bộ phận làm tóc giả cho các diễn viên đóng kịch).
Năm 1967, Báo Nhân dân cho đăng bài “Hãy cho ông ấy về với cái vườn”, phê phán ông Chủ tịch huyện Hải Hậu (Nam Định) tổ chức đám cưới cho con ăn uống linh đình 3 ngày liền. Đọc xong, Bác cho điều tra xác minh. Thấy Thợ Rèn nêu là chính xác, Bác cho gọi đồng chí Lê Thành lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Nam Định, đề nghị cách chức Chủ tịch huyện Hải Hậu.
Không chỉ nhờ thơ Thợ Rèn rèn người, thực hiện lời Bác dạy, ông còn rèn mình:
“Nêu chăng có vài câu phản chúc
Cho rõ ràng xanh, lục, trắng, đen
Không chúc loại người hiền cổ lỗ
Ngồi trên tòa rụt cổ khoanh tay
Lập trường thịt bụng bầy nhầy
Đằng Đông cũng gật đằng Tây cũng ừ...”
Nhà thơ Thợ Rèn chỉ mong sống sao, chết vậy. Năm 1998, sau trận ốm nặng, ông làm bài thơ “Dặn lại” để phòng khi “đi xa” vợ con nhớ ma chay giản dị:
“Lễ tang xin chớ đặt bày
Quàn trong nhà lạnh vài ngày rồi thiêu
Tin báo tang đừng nêu chức tước
Huân huy chương cũng khước không đăng
Lọ tro chờ hết ba trăng
Đem về vùi ở nghĩa trang quê nhà”
Nhà báo, nhà thơ Thợ Rèn dùng chữ, dùng thơ để rèn người, rèn mình. Tuy ông đã qua đời nhưng sự nghiệp thơ ca trào phúng của ông cùng với các bậc tên tuổi như Tú Mỡ, Tú Xương, Đỗ Phồn... sống mãi.
LÊ HỒNG THIỆN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin