Đỗ Khương đặt rượu thật là ngon,
Hạ Võ chê rằng hại cháu con.
Gặp lúc thất thời tai phải biến,
Nhằm sương nhiễm gió mạng không còn.
Ảnh: Internet |
- Đỗ Khương đặt rượu thật là ngon,
Hạ Võ chê rằng hại cháu con.
Gặp lúc thất thời tai phải biến,
Nhằm sương nhiễm gió mạng không còn.
- Sao bửa thơ vào lúc tụi mình lai rai nhâm nhi cuộc tương phùng này vậy, anh Tư?
- Lâu lâu lên thành, chú hết bia rồi rượu, đấy cũng là chiếu cố cái tình công nông lắm rồi! Nhưng mà, mỗi khi cầm ly đối ẩm với chú thì tôi lại không quên được bốn câu thơ này và cũng không quên nết nhậu chí tình chí nghĩa của các “cụ trẻ” nhà mình giờ đây.
- Sao lại có nết nhậu của “cụ trẻ”. Có lẽ, anh thấy bọn tui ở thành biết dưỡng sinh, biết vui với rượu sau giờ tan tầm nên luôn trẻ trung mới gọi là “cụ trẻ”, phải không? Thú thật với anh, bọn này lúc nào cũng trẻ trung nơi bàn nhậu vốn là nơi bình đẳng không phân lớn nhỏ. Nhậu luôn luôn theo kiểu Hong Kong hội nhập “không say không về”; như vậy, mới lột tả hết cái tình chí cốt.
- Tôi nào dám phê phán về nhậu nơi đô hội phồn hoa. Dù gì các chú cũng cao hơn bọn tui một cái đầu cho nên văn hóa mới về rượu của các chú bọn tui bái phục, cố học theo còn không kịp, đâu dám ọ ẹ phê phán hay góp ý này nọ.
Tôi chỉ xin lạm bàn tí chút về cái gọi là nghệ thuật uống rượu của người xưa, rồi từ đó theo luận cổ suy kim để cái nào cổ hủ thì bỏ, cái nào hợp thời giữ lấy phát huy khỏi làm vướng phát triển vào thời “hội nhập” bây giờ.
Ông Tư tiếp:
- Này nhé, tôi quả có chút dị ứng cái kiểu nhậu của lớp kế thừa bây giờ. Họ vào bàn tiệc với phong thái trang nghiêm, lịch sự ở buổi chào rượu, trang trọng như các cụ. Vậy mà, ngồi xuống thì ban ngay luật tửu: “Vào cửa bửa một ly; chào bạn lì một lam; ngồi xuống uống một ly”…
Sơ sơ hội ngộ đã là 3 hay 4 ly xây chừng rồi. Không uống không được, họ nghiêm như các cụ thăng đường gia tộc. Rồi khi mời rượu thì phong cách cụ hiện rõ. Uống mà không được từ chối với câu nho nạc pha mỡ “tửu bất khả ép; ép bất khả từ”. Dzô! Dzô!
- Vậy mới tình nghĩa đó, anh Tư. Bàn rượu luôn bình đẳng, cha con cũng ngang nhau. Anh mà gọi mấy bạn trẻ nhậu là “cụ trẻ” thì họ chọi lại liền “con nít cao tuổi” cho coi.
- Chú nói vậy làm tui nhớ người Á và Âu theo cách sống gần như trái ngược nhau. Già Âu luôn ghen tị với người trẻ, mặc cảm với tuổi trẻ cho nên ông già Âu hay làm trẻ một cách vô duyên. Già Á Đông lại khác, biết già thì tự hào già; cho nên đi bất kỳ vùng nào ở Á Đông, nhất là Việt Nam mình, cũng nghe truyền tụng câu kính lão đắc thọ.
Nhờ vị thế này, càng già thì càng được nói, người ít tuổi hơn phải nghe nên người cao niên ham nói hơn ăn, hơn nhậu. Nói nhiều lại khỏi làm nhiều. Chưa thấy ai nói lão già lười biếng, ham ăn mê nhậu… Thậm chí có lỡ tay mướt mát chút chút cũng được tha thứ nào gọi lão dê xồm đâu.
Bực mình lắm với lão ta thì cũng chỉ buông lời già sinh tật, già dịch. Đúng không? Vậy mà, bàn tiệc đời nay lại có việc bình đẳng tuổi để cụ già ngồi vào bàn phải bị xoay mòng theo luật tửu thì có phải người trẻ nâng lên thành “cụ trẻ” mới đối đầu với phong tục cổ hủ của mình về kính lão đắc thọ hay không?
Ông Tư lại thủng thẳng:
- Thôi không bàn chuyện đó nữa mà bàn với chú cái gọi là “nghệ thuật uống rượu” của người xưa. Chú muốn nghe thì tôi nói.
- Nghe chứ sao dám không nghe hở anh Tư? Nhưng mà tôi từng nghe nói có nghệ thuật văn học, nghệ thuật hát xướng, nghệ thuật làm bếp… chưa nghe nghệ thuật uống rượu bao giờ. Xin rửa tai nhận cao kiến.
- Uống rượu cũng có nghệ thuật, đó là tại chú mày không theo dõi nên thấy lạ khi đề cập đến. Cái gì vượt kỹ thuật thì thành nghệ thuật rồi. Người đạt nghệ thuật luôn được người ta biết đến.
Thú thật với chú, tui không sành rượu, với nửa lon bia hay ly xây chừng rượu cũng đủ chạy làng. Dù biết không có tư cách rượu nhưng chút ít kiến thức rượu xưa cũng đủ để tửu đàm với chú hôm nay.
Tui không bài bác rượu hay nói nôm na là chống rượu vì rượu theo con người và làm bạn trung thành với người hàng ngàn năm rồi. Chú nghe tui đọc mấy câu thơ trên cũng biết tuổi thọ của nó là bao phải không? Từ người không văn minh đến người văn minh ít, văn minh vừa vừa, văn minh cao, ai mà không biết nó. Nó có mặt khắp trên thế giới.
Ngay một bộ lạc lùn tại rừng già heo hút Châu Phi, không biết nấu nướng thức ăn mà vẫn làm được rượu để họp mặt, cho thấy vị thế rượu mang tầm quốc tế lớn lắm. Rồi đây, nó lớn mãi không ngừng, theo sát bước văn minh.
Dường như cái lý luận về rượu được khơi thông, ông Tư nói một mạch:
- Tôi cho rằng rượu làm con người có lễ nghĩa, cận nhân tình. Mối đoàn kết của rượu mở rộng không biên giới, nhất là vào thời đại hội nhập. Sơ sơ điểm qua rượu, mình thấy rượu tốt quá đi chớ!
Cái tốt rượu cần phải phát huy, chưa có nước nào trên thế giới cấm rượu. Hầm hè với rượu khi gặp người có sự cố liên quan nó, rồi đổ trút lên đầu nó, để rượu ngậm hờn thì là tội nhân thiên cổ đấy.
Có người nói vui rằng, những nhà đại độc tài như Hitler, Mussolini nếu biết nhậu thì thảm sát lịch sử không xảy ra để hậu sanh mỗi khi đọc đến những trang lịch sử thế giới đẫm máu đó mà ớn da gà.
Bây giờ lối nhậu của các “cụ trẻ” thời a còng, vi tính đã làm khiếp sợ từ vùng thôn quê cho đến thành thị. Năm nào tổng kết “văn hóa giao thông” cũng có trên một sư đoàn vĩnh viễn hành quân ra khỏi cuộc sống này, trong đó phần lớn từ nhậu mà ra. Đấy cũng do các “cụ trẻ” chuyên về kỹ thuật mà không nâng lên thành nghệ thuật uống rượu, mới ra thế!
Ông Tư ngưng chút rồi tiếp tục câu chuyện:
- Này nhé, chú nghe cho rõ rượu với người xưa. Khi Đỗ Khương làm ra rượu, Hạ Võ đời tam hoàng, ngũ đế, khuyến cáo rồi. Cho nên hậu bối của ông biết sửa đổi và làm bạn với rượu để rượu không trở thành con dao hai lưỡi, luôn là một lưỡi phục vụ cuộc nhân sinh truyền tử lưu tôn. Thật vậy, rượu mà biết làm bạn với nó thì đời đâu mất màu xanh qua ánh mắt.
Ngày xưa có hai phong cách rượu: Người có học và giới bình dân. Giới bình dân có cái tệ là ép rượu để phân biệt hơn thua trên bàn nhậu.
Có lẽ nó thành tật khó sửa và cho tới bây giờ các “cụ trẻ” cho rằng giữ truyền thống này là đúng mới duy trì vậy. Người có học còn gọi nho gia thì trái lại. Nói đến nghệ thuật uống rượu mình phải học ở giới nho sĩ thời xưa. Thật mà, người Á Đông mình nói về rượu thì rất nghèo nàn loại rượu. Phương Tây lại khác.
Họ rất phong phú rượu. Ngồi vào bàn thì có rượu khai vị chào nhau; mỗi món ăn từng loại rượu riêng đưa cay cho thú vị đậm đà. Tuy Á Đông có ít rượu, nhưng về nghệ thuật sử dụng rượu, Tây phương chào thua, vì quan niệm Á Đông “Trà như ẩn dật; rượu như hào sĩ”.
Họ coi rượu là phương tiện để kết bạn từ sơ giao đi đến tri kỷ, tri âm. Họ bảo: Trong cuộc lễ nên uống khoan thai để giữ phong cách; trong cuộc họp bạn nên uống nhã để người yếu cũng như mạnh rượu đều nương nhau cùng đạt mối tương giao. Đối với người đau mới mạnh hoặc bệnh nào đó hơi kiêng thì khi vào bàn tiệc họ mời nhau từng chút một.
Nhờ có nương nhau mà ai cũng được vui; chẳng tranh hơn thua về rượu. Vậy có phải uống kỹ thuật thì lấy số lượng làm chính để trổ tài, đè nhau; còn uống nghệ thuật thì vui là chính để kết bạn, đúng không?
Lúc cần say cũng lựa nơi mà say. Say với hoa phải say ban ngày để hưởng hết hương vị, màu sắc lộng lẫy của hoa; say với tuyết sương thì lại vào đêm cho tâm hồn được thanh tĩnh.
Say mà đắc ý thì cứ ca hát; say với người sầu muộn thì thả giàn cho đồng cảm, đồng say. Say với quân nhân, võ tướng luôn dùng chén lớn, nốc cạn một lần cho uy nghi, lẫm liệt với khí thế hào hùng như ra trận. Đặc biệt khi say không có ai lạng quạng, đi đây đó để tránh sự cố…
“Tiểu ẩm” của nho gia trở thành nghệ thuật rượu. Họ dùng ly nhỏ mời nhau, tùy tửu lượng mà cạn hay nhâm nhi. Chủ yếu ngồi vào tiệc để vui; để có mối thâm tình như tui nói ở trên. Bữa tiệc rượu của họ bao giờ cũng kéo dài, uống tới đâu tiêu thức ăn tới đó. Vô tình họ làm đúng lời mách của bác sĩ nếu uống hai giờ một ly xây chừng rượu thì vô hại.
Vì thế, để đạt tới nghệ thuật rượu, người xưa luôn coi trọng nơi uống để thích nghi cảnh vật, thời tiết theo mùa. Mùa xuân uống sân nhà. Mùa hạ uống ở ngoại ô châu thành. Mùa thu uống trong thuyền.
Mùa đông uống trong nhà. Uống vào ban đêm thì dưới ánh trăng để hưởng thú thiên nhiên. Chính cái chỗ lựa nơi họp bạn vầy rượu khó tính thế thì làm sao dễ dãi gặp nhau là ngoéo tay, vào bất kể nơi đâu có rượu cùng hè nhau ngồi lại mần, như các “cụ trẻ” bây giờ, còn mần theo kiểu Hong Kong nữa chớ!
Xong rượu, bật tới bật lui chia tay đầy nghĩa tình anh đi đàng anh, tôi đàng tôi (Thế Lữ); hạng sang vừa thì lên xe hai bánh, hạng sang tầm cỡ thì leo lên xe bốn bánh, phóng đi một cách hào hùng. “Văn hóa giao thông” quên bẵng, mới có sự cố hậu rượu để khổ gia đình, xã hội rồi quốc gia. Chú nghĩ sao?
- Vậy anh nghĩ sao mà hỏi tôi, dù sao mớ cựu học tui còn kém xa anh mà thì làm sao luận cổ suy kim, anh Tư?
- Thì bọn mình phải một lần nữa làm cách mạng rượu đi từ ly lớn sang ly nhỏ như người xưa. Ngày nay, mối giao tiếp đông ken hơn thời trước, tiểu ẩm là cái lợi lớn cho kinh tế và sức khỏe. Qua buổi tiệc niềm vui dâng tràn, ngà ngà say thì nghỉ, đầy ắp tình bạn đó là lợi sức khỏe; không có màn hai cảnh hai, đó là lợi kinh tế.
Chọn nơi say thì gia đình luôn được báo trước nên không có ông bà, cha mẹ đầu bạc tóc thêm vì lo; vợ con thụt mắt đợi chờ. Hết say thì về như dân nhậu Tây phương hoặc được đưa về tận nhà thì hay quá đi chớ.
- Chà! Nết “đại ẩm” thành quen. Khó mà khắc phục, kể cả màn hai cảnh hai.
- Dễ đâu có gọi là làm cách mạng. Bọn công nông mình với cái tuổi kính lão đắc thọ, đã có một thời oanh liệt theo Bác chống ngoại xâm cũng có chút ít kinh nghiệm, thì lo gì không làm nổi cuộc cách mạng rượu này.
Hơn nữa bọn “cụ trẻ” xem ra học tập tấm gương Bác về lối sống, đạo đức cũng khá nhuần nhuyễn mấy năm qua và với bọn mình họ cũng còn chút chút nhớ câu kính lão đắc thọ. Không dám ngoảnh mặt với mình đâu. Đừng có lo!
TƯ NÔNG DÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin